Biểu tượng rồng trong văn hóa

Rồng là con vật có thật hay huyền thoại? Đây là câu hỏi có vẻ lạc điệu, nếu chúng ta nhìn vào hình ảnh con Rồng trên các công trình kiến trúc, tranh vẽ của Trung Quốc nói riêng, những nền văn minh lúa nước khu vực Đông nam Á nói chung.
NHÀ VĂN TẠ DUY ANH
12, Tháng 02, 2024 | 06:50

Rồng là con vật có thật hay huyền thoại? Đây là câu hỏi có vẻ lạc điệu, nếu chúng ta nhìn vào hình ảnh con Rồng trên các công trình kiến trúc, tranh vẽ của Trung Quốc nói riêng, những nền văn minh lúa nước khu vực Đông nam Á nói chung.

Untitled

 

Với những móng vuốt, vảy, râu, hình dáng đầy tính phóng đại và ước lệ về sức mạnh và quyền năng… chúng chỉ có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng. Ngay như ở Việt Nam, thì hình ảnh con Rồng qua các thời cũng rất khác nhau, từ rồng giun mềm mại thời Lý, cho đến rồng to lớn, đầy sức mạnh, có mào thời Trần, Lê, Mạc và đặc biệt là thời Nguyễn.

Thời Pháp, người ta từng tin rằng nhiều lần có rồng xuất hiện tại vịnh Hạ Long, đến mức viên chỉ huy hải quân người Pháp ở đây đã tổ chức một đội tầu “vây bắt” rồng khá tốn kém nhưng không kết quả. Những khai quật khảo cổ đến nay vẫn không thể tìm ra dấu vết sinh tồn của con vật tên là rồng như các mô tả.

Dù chưa ai thấy rồng thật bao giờ, nhưng hầu hết những nền văn hóa đều thấp thoáng hình ảnh con Rồng, phần lớn đại diện cho sức mạnh thần thánh, là biểu tượng của quyền lực. Chẳng hạn từ thời thượng cổ, theo Chevalier và Gheebrant, trong cuốn sách Dictionaire des symboles thì người Celtes và trong một văn bản Do Thái cổ, đã thấy nói về con Rồng như một vị vua trên ngôi báu của mình. Nó được gắn với sét, có thể khạc lửa, với sự phì nhiêu, vì mang mưa đến.

Vẫn theo Chevalier và Gheebrant, tại Trung Hoa, con vật này tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế. Long nhan - Mặt rồng, để chỉ mặt của hoàng đế. Long ngai là nơi hoàng đế ngồi thiết triều. Long sàng là giường vua nằm. Mọi biểu hiện gắn với hoàng gia, đều phải có chữ long để phân biệt. Trong truyện “Bao công xử án”, thời Tống, vật thi hành án kẻ phạm tội, cũng có thứ bậc, gắn với tên các con vật. “Sang” nhất là Long đầu trảm, dùng để chặt đầu những kẻ phạm tội có nguồn gốc hoàng gia. Những kẻ tầm thường có muốn chết dưới Long đầu trảm ngay cả nằm mơ cũng không được! Ngược lại, một người trong hoàng tộc thì không thể bị chặt đầu bằng các dụng cụ tầm thường, chẳng hạn như Cẩu đầu trảm! Vẻ bề ngoài chúng chỉ khác nhau một bên là hình rồng, một bên hình chó, còn mọi thứ, từ lưỡi dao cho đến cách thức chặt đầu, đều giống nhau.

Dáng đi của rồng, mặc dù chẳng ai trên đời này biết rồng đi như thế nào, thể hiện sự oai vệ, đầy sức mạnh của chủ tướng, kẻ ra lệnh. “Rồng cuốn”, với những hình dung về sự biến hóa, gây ra bão tố, rung chuyển, áp đảo, tốc độ nhanh và không thể đoán trước… là một từ luôn nhằm thể hiện sức mạnh.

Cũng tại Trung Quốc, hình ảnh viên ngọc rồng, trong hầu hết các bức vẽ thường có hình tròn, được đặt nằm ở giữa hai hàm của con vật thiêng, mặc dù truyền thuyết nói nó luôn ngậm trong họng, tượng trưng cho vẻ đẹp và uy tín của chủ tướng, đồng thời là thông điệp về sự bất di bất dịch trong các mệnh lệnh được phát ra, bởi chúng đều ở mức hoàn hảo về trí tuệ và sức mạnh.

Tuy thế, ở phương Tây, rồng còn là hiện thân của cái ác và quỷ dữ. Giống như ở Trung Quốc đời nhà Đường, con rồng có nhiệm vụ canh giữ viên ngọc, người phương Tây gán cho rồng sứ mệnh canh giữ Bộ lông cừu vàng và khu vườn của các nàng tiên nữ. “Kho báu” mà rồng canh giữ trong truyền thuyết về Siegfried thì lại chính là “sự bất tử” của linh hồn.

Vị tổ thứ sáu, giáo trưởng Huệ Năng của Thiền tông, cũng coi rồng (bao gồm cả rắn, vốn được đồng nhất với rồng ở một vài nơi khác) là biểu tượng của thù hận và cái ác. Trong khi đó, với truyền thuyết Nhật Bản, chuyện về nhân vật Fodo đã khuất phục được rồng, chính là chiến thắng của ánh sáng trước tối tăm.

Trong học thuyết Hindu, rồng tự đồng nhất với bản nguyên, với Agni (vừa là ngọn lửa tế thần, vừa là chính vị thần của ngọn lửa ấy) hay với Prajapâti (Vị thần tối cao tạo ra vũ trụ). Tại Indonesia có phong tục, vào ngày đầu năm mới một đoàn người trẻ tuổi đội lốt rồng bằng giấy nhảy múa trên đường, trong khi những người dân trong khu phố và xung quanh thì dồn ra ở các cửa sổ để dâng lên rồng những bó rau cải xanh tươi non. “Con rồng” lập tức vơ lấy, đưa vào miệng nhai ngốn ngấu còn mọi người thì cùng hò reo vui vẻ. Nghi lễ này hiện vẫn được duy trì tại thủ đô của Hà Lan trong cộng đồng người gốc Indonesia. Ở Campuchia, con rồng nước cũng sở hữu một viên ngọc. Viên ngọc này thường phát ra ánh sáng chói lòa. Nó chính là ánh chớp và thường đi kèm mưa.

Rồng đỏ là biểu hiệu của Xứ Galles, trong khi rồng trắng là biểu tượng của những người Saxson. Có một truyện kể rất nổi tiếng tại đây mô tả hai con rồng, một đỏ một trắng lao vào nhau trong trận chiến một mất một còn. Cuối cùng hai con rồng đều say mật ong được giấu ở trung tâm hòn đảo tên là Bretagnhe, tại Oxford, trong một chiếc hòm làm bằng đá. Người ta tin rằng chừng nào còn chưa có ai tìm thấy chúng, thì hòn đảo còn được yên bình, không có chiến tranh.

Các con rồng cũng là biểu hiệu của đội quân của Lucifer, còn gọi là đội quân quỷ dữ dưới địa ngục, để đối chọi lại với đội quân ánh sáng của Chúa. Cuộc chiến giữa Thánh Michel với con Rồng, được xem là cuộc chiến vĩnh cửu của cái thiện chống lại cái ác.

Dòng dõi Brug-pa Kagyu-pa, thuộc về cỗ xe Kim Cương, có nghĩa là dòng dõi rồng Kagyu-pa; những lời dạy của nó được trình bày một cách huy hoàng trong sách Cuộc đời và những bài ca của Brug-pa-Kun-Legs, người theo đạo Yoga sống vào thế kỉ thứ 15. Tên ông cũng có nghĩa là Con rồng đẹp. Hiện ông được thờ phụng trang nghiêm ở Butan.

Tại vùng Viễn Đông, rồng mang nhiều dáng vẻ khác nhau. Nó là con vật vừa có thể sống dưới nước, vừa có thể sống trên mặt đất, thậm chí dưới mặt đất giống như giun và tất nhiên cả trên trời nữa. Nó là con Quetzacoalt, con rắn có lông vũ của người Atztèque. Những khảo cứu văn hóa đã lấy con Long (rồng dưới nước) so sánh với con K’ouei (rồng sống trên mặt đất) nhưng không tìm thấy sự khác biệt nào đáng kể giữa chúng. Người Nhật thậm chí còn đưa ra sự phân biệt với bốn loại rồng: Loại sống trên trời, loại gây mưa, loại sống trên cạn và cuối cùng là loại sống trong lòng đất. Tuy nhiên, chúng chỉ là các vẻ khác nhau của một biểu tượng duy nhất: Sáng tạo. Nó mang sức mạnh của thần thánh, nó khạc ra nguồn nước khởi nguyên và Quả trứng thế giới.

Trong tiếng Việt, chữ long - rồng, khi đọc phải uốn lưỡi đầy trang trọng để bật ra thứ âm thanh êm dịu, dễ lọt tai. Tuy thế, trong quan niệm của dân gian thì khi lấy tên long đặt cho con cháu, người ta tin rằng nó tượng trưng cho thành đạt, quý phái, mạnh mẽ và thông tuệ, những phẩm chất luôn được đề cao, được mong chờ, được đặt ra như những mục tiêu phấn đấu trong cuộc đời của mỗi người Việt. Và không chỉ người Việt.

Trong hồi kí của mình, ông Lý Quang Diệu, một người Khách Gia nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ văn minh phương Tây, cũng lấy tên Long đặt cho con trai đầu lòng sinh vào năm Nhâm Thìn, 1952. Người đó chính là ngài Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), Thủ tướng Singapore hiện nay. Lý Quang Diệu giải thích rằng, ông lấy tên đệm là Hiển, bởi ghép với tên Long, có nghĩa là Con rồng hiển hách.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ