50 tỷ đồng chảy về dự án Hateco La Roma của đại gia Trần Văn Kỳ

Nhàđầutư
Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án Hateco La Roma, công ty của đại gia Trần Văn Kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu. Song hành ở những lần huy động vốn này, không thể không đề cập đến vai trò của MBB – chi nhánh Thăng Long.
TẢ PHÙ
30, Tháng 06, 2020 | 10:21

Nhàđầutư
Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án Hateco La Roma, công ty của đại gia Trần Văn Kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu. Song hành ở những lần huy động vốn này, không thể không đề cập đến vai trò của MBB – chi nhánh Thăng Long.

nhadautu - phoi canh Hateco plaza cua ong tran van ky

Phối cảnh dự án Hateco La Roma của CTCP Hateco Thăng Long (Ảnh: Internet)

Vào ngày 4/11/2016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6102/QĐ-UBND về việc thu hồi 3.153 m2 đất tại lô số 4A, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Được biết, lô đất này có nguồn gốc là đất nông nghiệp do Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Láng Trung (HTX Láng Trung) quản lý, hiện trạng lúc đó là khu đất trống.  

Cùng với đó, UBND TP cũng giao cho CTCP Hateco Thăng Long (Hateco Thăng Long) thực hiện dự án Tòa nhà thương mại, văn phòng và căn hộ Hateco Plaza (còn gọi là Hateco La Roma), theo dự án đầu tư được UBND TP quyết định chủ trương đầu tư số 5146/QĐ-UBND ngày 20/9/2016.

Trong tổng số 3.153 m2 đất, có: 1.791 m2 đất để xây dựng công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, nhà trẻ, văn phòng và nhà ở (cao 30 tầng, 1 tầng tum và 4 tầng hầm); 1.296 m2 đất để xây dựng mở rộng tầng hầm công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, nhà trẻ, văn phòng và nhà ở.

Vào năm 2018, truyền thông trong nước cho biết, HTX Láng Trung vào tháng 10/2006 đã ký thỏa thuận liên doanh với GPBank để xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ theo tỷ lệ 35% giá trị sử dụng đất, 65% góp vốn bằng tiền mặt vào tháng 10/2006 tại Hợp đồng Liên doanh số 01/HĐLD.

Đến năm 2008, hai bên ký Phụ lục hợp đồng số 01/2008/PL/GPBANK-KH điều chỉnh hạn mức góp vốn, theo đó: HTX Láng Trung đóng góp đầu tư 60% tổng giá trị đầu tư vào công trình, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất; GPBank góp 40% tổng giá trị vào công trình bằng tiền mặt. Quyền lợi của HTX Láng Trung khi liên doanh với GPBank là được chia lợi nhuận từ dự án theo tỷ lệ góp vốn; được ưu tiên tuyển dụng lao động là con em xã viên vào làm việc tại dự án…

Đến ngày 19/2/2009, HTX Láng Trung lại chuyển sang ký Hợp đồng HTKD số 02/2009-HTKD với Hateco để thực hiện dự án.

Dự án Hateco Plaza nhận được nhiều quan tâm từ dư luận, phần vì sự hình thành trong tương lai của tòa nhà (từ bãi đất trống) được kỳ vọng sẽ tạo thêm cảnh quan cho nội đô Hà Nội, và dĩ nhiên một lý do quan trọng khác là nó sẽ đem về khoản lợi nhuận kinh tế cho Hợp tác xã, nhất là khi thị trường bất động sản lúc đó được đánh giá là tiến triển tích cực.   

Dẫu vậy, ít ai biết, trước thời điểm UBND TP Hà Nội công bố Quyết định 6102/QĐ-UBND 2 tháng (cụ thể là tháng 9/2016), Hợp tác xã Láng Trung chỉ nắm vỏn vẹn 13,294% vốn Hateco Thăng Long, 2 cổ đông còn lại là CTCP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội – tiền thân của Tập đoàn Hateco, công ty của Chủ tịch HĐQT Trần Văn Kỳ chiếm chi phối 80% và trực tiếp ông Kỳ nắm 6,706%.  

Đáng chú ý, đến tháng 11/2017, Hợp tác xã Láng Trung đã thoái hết vốn. Doanh nghiệp chỉ bao gồm 2 cổ đông là: CTCP Đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội (88,294%) và ông Trần Văn Kỳ (6,706%).  

Ngay sau đó, dự án tòa nhà thương mại của đại gia Trần Văn Kỳ tiếp tục có những biến chuyển tích cực. Cụ thể, đến tháng 11/2017, Sở Xây dựng Hà Nội tại văn bản số 11169/SXD-QLN cho biết, dự án nhà ở hình thành trong tương lai tại lô đất số 4A phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội (tổng số 281 căn hộ, tương ứng 38.688 m2 sàn) đã đáp ứng quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai (khá thú vị là văn bản 11169/SXD-QLN của Bộ Xây dựng cũng thông tin, CTCP Hateco Thăng Long vào ngày 26/10/2017 đã có văn bản cam kết dự án Hateco Plaza không thế chấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết này).

Sau gần 3 năm sau, dự án nay đã cất nóc và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hateco Thăng Long vào ngày 27/5/2020 đã thế chấp dự án Tòa nhà thương mại, văn phòng và căn hộ Hateco Plaza tại Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) – chi nhánh Thăng Long.

Đáng chú ý, đến ngày 29/5/2020 (sau đó 2 ngày), Hateco Thăng Long đã phát hành riêng lẻ thành công 50 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 33 tháng (đến ngày 26/2/2023). Đây là trái phiếu không chuyển đổi, được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ.

Lãi suất danh nghĩa/thực tế là 9%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ thanh toán lãi tiếp theo của trái phiếu được Đại lý quản lý tài khoản và thanh toán xác định tại ngày xác định lãi suất bằng biên độ 3,0%/năm cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân (VNĐ), trả sau thông thường, áp dụng cho kỳ trung dài hạn linh hoạt kỳ hạn 24 tháng được công bố tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) tại Ngày xác định lãi suất.

Trong đợt phát hành này, MBB – chi nhánh Thăng Long đóng vai trò Tổ chức tư vấn và Đại lý phát hành; Đại lý Quản lý tài khoản và thanh toán; Đại lý quản lý tài sản bảo đảm. Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Quân đội (HOSE: MBS), bên liên quan MBB, là Đại lý đăng ký lưu ký.

Ở một chi tiết đáng chú ý, ông Trần Văn Kỳ vào ngày 25/2/2020 đã thế chấp toàn bộ 1.341.200 cổ phần CTCP Hateco Thăng Long (tỷ lệ 6,706% vốn) tại MBB – chi nhánh Thăng Long.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu không được nêu cụ thể. Dù vậy, không loại trừ khả năng đó chính là dự án (hoặc một phần của dự án) Tòa nhà thương mại, văn phòng và căn hộ Hateco Plaza.

Cùng với đó, việc định danh đây là lô trái phiếu “đợt 1” không khỏi khiến giới đầu tư đặt khả năng Hateco Plaza sẽ tiếp tục huy động thêm vốn cũng thông qua phương thức phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, với mối quan hệ sẵn có cùng MBB – chi nhánh Thăng Long, sẽ không bất ngờ khi chi nhánh nhà băng này tiếp tục song hành với Hateco Thăng Long ở các đợt phát hành khác trong tương lai.

Hệ sinh thái Hateco của đại gia Trần Văn Kỳ

Doanh nhân Trần Văn Kỳ sinh ngày 1/9/1964, nguyên quán tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Ông là doanh nhân khá kín tiếng với công chúng, tên tuổi ông thường được biết đến gắn với thương hiệu Hateco. Dù vậy, ít ai biết, trước khi thành lập CTCP Tập đoàn Hateco (Tập đoàn Hateco), ông từng làm cán bộ tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1985 – 1990) và cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam (1990 – 2009).

Cũng trong giai đoạn công tác tại Ngân hàng Công thương Việt Nam, ông đã thành lập CTCP Tập đoàn Hateco (cụ thể là ngày 4/11/2004), thời điểm đó doanh nghiệp này có tên là CTCP Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2008 – 2013, ông còn nắm chức vụ Ủy viên HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS).

Trở lại với Hateco Group, ông Trần Văn Kỳ là hạt nhân quan trọng của Tập đoàn sau 15 năm hình thành và phát triển. Doanh nhân sinh năm 1964 hiện đang giữ chức vụ Người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông cũng là cổ đông lớn nhất khi nắm 97,76% vốn công ty (cổ đông còn lại là bà Hoàng Thị Xuân nắm 1,518%). Tính đến tháng 3/2020, công ty có vốn điều lệ đạt 1.500 tỷ đồng. 

Theo công bố từ Hateco Group, doanh nghiệp đang sở hữu 8 thành viên gồm: Hateco Hà Nội, Hateco Thăng Long, Hateco Long Biên, Hateco Kinh Bắc, Hateco ICIC, Hateco Logistics, Hateco Đông Anh và Hafintech, hoạt động ở 3 lĩnh vực là Bất động sản, logistics và dịch vụ Hafintech.

Tìm hiểu của Nhadautu.vn, bất động sản là lĩnh vực cốt lõi của Hateco Group, trên tất cả các phân khúc như: Bất động sản nhà ở – văn phòng - thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp. Các dự án đáng chú ý của công ty gồm: Khu  đô thị Trần Lãm tại TP Thái Bình (quy mô 12 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); Hateco Hoàng Mai tại mặt đường vành đai 3, Tam Trinh, Hà Nội; Hateco Laroma tọa lạc tại lô số 4A, phường Láng Thượng đã đề cập phần đầu bài viết;….

Ở lĩnh vực logistics, Hateco Logistics được thành lập vào tháng 11/2017 với cơ cấu cổ đông gồm: Trần Văn Kỳ (80%), Nguyễn Hồng Ngọc (10%), Trần Thị Lê Nga (10%). Tính đến năm 17/11/2017, công ty có vốn điều lệ đạt 135 tỷ đồng. Theo thông tin giới thiệu, Hateco Logistics nằm tại khu công nghiệp Sài Đồng với tổng diện tích 120.000m2 trong đó diện tích kho bãi chiếm 50.000m2.

Còn với mảng fintech, CTCP Hateco Tài chính và Công nghệ được thành lập ngày 30/5/2018 bởi các cổ đông lớn như Hateco Group (30%), ông Trần Văn Kỳ (10%), Đinh Duy Linh (8%), Nguyễn Quý Nghĩa (15%), Nguyễn Ngọc Hùng (10%), Đặng Trần Kiên (5%), Hà Minh Nhâm (10%), Nguyễn Văn Đức (4%), Trần Thị Lê Nga (8%).

Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp là cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công và các doanh nghiệp thương mại; Phát triển và cung cấp giải pháp tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp thuận tiện công tác tài chính và thanh toán thuế, phí dịch vụ công và giao dịch thương mại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ