Vực dậy đầu tàu kinh tế TP.HCM

Mức tăng trưởng rất thấp (0,7%) của TP.HCM trong quý I/2023 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với địa phương này, cũng như đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Rất cần những hành động kịp thời để vực dậy đầu tàu kinh tế của đất nước.
ANH PHONG
26, Tháng 05, 2023 | 10:58

Mức tăng trưởng rất thấp (0,7%) của TP.HCM trong quý I/2023 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với địa phương này, cũng như đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Rất cần những hành động kịp thời để vực dậy đầu tàu kinh tế của đất nước.

Thực trạng báo động

TP.HCM là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước. Từ năm 2011 - 2019,  Thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm. Năm 2022, TP.HCM có tốc độ tăng trưởng GRDP 9,03%, đóng góp 15,6% GDP cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 49,5 tỷ USD.

TPHCM

Một góc TP.HCM

Tuy nhiên, trong quý I năm 2023, GRDP thành phố chỉ tăng trưởng 0,7%, nhiều chỉ số sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, chỉ số công nghiệp (IIP) quý I giảm 0,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I chỉ tăng 4,7%; kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng TP.HCM do Cục Hải quan TP.HCM làm thủ tục thông quan trong quý 1/2023 chỉ đạt 28,34 tỷ USD, giảm sâu 18,68% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ đạt 34,85 tỷ USD), tương đương giảm 6,51 tỷ USD...

Nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao đang giảm sâu như giá trị tăng thêm ngành xây dựng giảm 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; vốn đầu tư công quý I mới giải ngân được 4% kế hoạch; gần 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,8% cả nước, tăng 12,4% so với cùng kỳ.

Tại buổi làm việc của thành phố với Thủ tướng Chính phủ gần đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do những động lực tăng trưởng của Thành phố vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn sau đại dịch. Cùng với đó, những vướng mắc cũ phát sinh trong và sau dịch chưa được giải quyết triệt để; những động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng và phát huy.

"Tốc độ tăng trưởng chậm dần, dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế có phần giảm sút. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập. Quy hoạch quản lý đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai có mặt chưa hiệu quả. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện. Qua đánh giá tình hình trước mắt, TP.HCM chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu đạt được tăng trưởng cao nhất có thể trong năm", người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhận định.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thì thẳng thắn, chưa bao giờ kinh tế TP.HCM trải qua giai đoạn khó khăn như bây giờ. Trong 10 năm qua, đà tăng trưởng của Thành phố chậm dần, đầu tàu đang mất đà. Ba khâu đột phá KT-XH cho Thành phố gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, song giờ lại trở thành 3 điểm nghẽn. Nói về thủ tục hành chính, Bí thư Thành ủy quả quyết: "Ai chậm trễ, ai yếu kém, ai trì trệ, ai không dám làm sẽ phải báo cáo để thay đổi 'cầu thủ', thậm chí ‘huấn luyện viên’ nếu kém cũng phải đổi luôn".

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu; nền kinh tế nước ta với độ mở lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.

Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo TP.HCM bám sát tình hình, trên tinh thần bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả 3 nhóm công việc: Công việc thường xuyên, công việc tồn đọng, công việc phát sinh; không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan cũng không bi quan.

Theo Thủ tướng, TP.HCM triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo, điều hành gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm sinh kế cho người dân; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu, bất động sản, các quy định về phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch, giao đất, định giá đất; triển khai chương trình phục hồi và phát triển, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

TP.HCM cũng cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. "Chính phủ đã gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và đang đề xuất Quốc hội miễn giảm thuế, tiền thuê đất; Thành phố cần tổ chức thực hiện thật tốt", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, TP.HCM cần cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Thủ tướng lưu ý, vừa giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài. Trong đó, về lâu dài phải thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hỗ trợ Thành phố trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, mà trước hết là công tác quy hoạch.

"Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu là 3 động lực tăng trưởng mà TP.HCM phải tập trung thúc đẩy trong giai đoạn tới. Để làm được điều này, các bộ, ngành phải tích cực hỗ trợ TP.HCM trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, trước hết là công tác quy hoạch. Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí…", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững; đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BĐS cụ thể. Đồng thời, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, đền bù, tái định cư, nhất là các dự án giao thông. Khắc phục khuynh hướng sợ trách nhiệm, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám nhận trách nhiệm vì mục tiêu tăng trưởng chung. "Đề nghị TP.HCM thành lập ngay Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN", Thủ tướng yêu cầu.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ