Từ đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Để kinh tế tư nhân trở thành động lực

Nhàđầutư
Nóng bỏng trên diễn đàn xã hội gần đây là những tranh luận xung quanh đề xuất của Vietnam Airlines về việc áp đặt giá sàn cho vé máy bay. Nếu đề xuất này được chấp nhận, thì Vietnam Airlines chắc chắn sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn so với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.
TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
04, Tháng 10, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Nóng bỏng trên diễn đàn xã hội gần đây là những tranh luận xung quanh đề xuất của Vietnam Airlines về việc áp đặt giá sàn cho vé máy bay. Nếu đề xuất này được chấp nhận, thì Vietnam Airlines chắc chắn sẽ có được lợi thế cạnh tranh rất lớn so với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

7D832211-19DA-4CD8-A15C-642410390433

 

Điều dễ hiểu là đã áp giá sàn thì ưu thế giá rẻ của Vietjet Air không còn. Trong lúc đó thứ hạng của Vietnam Airlines lại cao hơn, ai dại gì cùng một mức giá lại không chọn hãng máy bay 4 sao thay vì 3 sao?

nguyen-si-dung-1128

 

Chủ nghĩa tư bản thân hữu dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng là gì nếu chẳng phải là lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư. Nhiều quan chức đã sử dụng quyền lực được nhân dân trao cho để ưu tiên, ưu đãi cho nhóm thân hữu và hưởng lợi từ sự lại quả của nhóm này. Chính vì vậy, chủ nghĩa tư bản thân hữu tràn lan cũng đang làm cho tham nhũng xảy ra tràn lan.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Thực ra, ngoài chuyện hủy hoại môi trường cạnh tranh, đề xuất áp đặt giá sàn còn có điểm bất hợp lý về mặt kỹ thuật. Cụ thể, các chuyến bay khi đến ngày, đến giờ thì đều phải cất cánh, không thể ngồi chờ bán vé cho đủ khách rồi mới bay. Nếu dự tính được việc nhiều chỗ trên chuyến bay sẽ bị dư thừa, thì nên hạ giá vé để có thêm khách sẽ có lợi hơn hay cứ bay với các ghế bị bỏ trống sẽ có lợi hơn?! Đề xuất nói trên vì vậy còn có thể làm tổn hại đến môi trường kinh doanh vì sẽ khóa cứng sự linh hoạt của các doanh nghiệp.

Chúng ta ai cũng ủng hộ hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, ai cũng mong muốn hãng hàng không này sẽ vượt qua khủng hoảng do đại dịch gây ra và nhanh chóng phục hồi. Hơn thế nữa, chúng ta còn mong muốn Vietnam Airlines ngày càng trở nên hùng mạnh để có thể tự hào về hãng hàng không quốc gia của mình. Tuy nhiên, không phải với cái giá là môi trường cạnh tranh bị hủy hoại. Bởi vì rằng, không có môi trường cạnh tranh, thì không chỉ ngành hàng không, mà cả nền kinh tế Việt Nam đều không thể vận hành hiệu quả. Hơn thế nữa, bản thân Vietnam Airlines cũng khó có thể vươn lên và lớn mạnh không ngừng.

Phải bảo đảm môi trường cạnh tranh và phải đối xử công bằng với một hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air là những ý kiến đang giữ vai trò dẫn dắt dư luận trên diễn đàn xã hội. Và đây chính là một tiến bộ đáng được ghi nhận về mặt nhận thức.

Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (ban hành ngày 3 tháng 6 năm 2017) đã đề ra nhiệm vụ là phải “thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lợp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Như phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng Nghị quyết đang từng bước đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, những tranh luận vẫn chưa ngã ngũ cũng cho thấy nhận thức là một quá trình khó khăn. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa có ý kiến chính thức về đề xuất của Cục hàng không áp đặt giá sàn cho vé máy bay từ ngày 1/11/2021 đến ngày 31/10/2022. Nếu cuối cùng đề xuất áp đặt giá sàn cho vé máy bay vẫn được thông qua, thì việc thực hiện nhiệm vụ “Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân” mà Nghị quyết 10-NQ/TW đã đề ra, sẽ còn phải chờ thêm một thời gian nữa. Và đòi hỏi của Nghị quyết về việc phải “Tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường” cũng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa vào cuộc sống.

Phải công nhận, Nghị quyết 10-NQ/TW của Đảng là một sự đột phá về mặt tư duy, cũng như định hướng chính sách. Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, thì quan trọng là phải triển khai thành công Nghị quyết vào cuộc sống. Ngoài việc phải được thể chế hóa, thì Nghị quyết còn cần phải được xem là kim chỉ nam cho hành động của các cơ quan nhà nước. Trước khi ban hành bất cứ chính sách hay biện pháp hành chính nào liên quan đến kinh tế, thì các cơ quan nhà nước đều cần phải cân nhắc thật kỹ xem làm như thế có trái với Nghị quyết 10- NQ/TW của Đảng không.

Thực ra, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh thì sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân không phải là vấn đề quá lớn. Đây là vấn đề đã được nhận biết và đang được tập trung giải quyết. Và phải công nhận là trong nhiều lĩnh vực một môi trường cạnh tranh bình đẳng đã được xác lập. Sự bất bình đẳng chủ yếu xảy ra giữa các doanh nghiệp thân hữu, các doanh nghiệp sân sau với các doanh nghiệp không thân hữu, các doanh nghiệp không sân sau, bất kể các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân thì thúc đẩy chủ nghĩa tư bản thân hữu dễ dàng hơn.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu có lẽ đang là một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước ta. Chủ nghĩa tư bản thân hữu là thuật ngữ được dùng để mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền. Nó được biểu hiện bằng cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các doanh nghiệp thân hữu trong việc cung cấp tài chính, giấy phép, các khoản miễn giảm thuế và các hình thức can thiệp khác.

Ở nhiều nơi trên đất nước ta, xây dựng mối quan hệ với các quan chức là rất quan trọng để có thể làm ăn dễ dàng. Rất nhiều doanh nghiệp coi đây không chỉ là một sự cần thiết, mà còn là một cách đầu tư sinh lợi dễ dàng và hiệu quả. Dự án đầu tư vào các quan chức bắt đầu từ việc tài trợ cho chuyện chạy chức, chạy quyền hoặc là chăm lo hết lòng cho các thủ trưởng và vợ con của họ.

Quan hệ thân hữu còn được hình thành lên theo một cách tự nhiên hơn. Đó là hiện tượng người nhà của các quan chức đứng ra thành lập doanh nghiệp. Khi có cha, anh làm quan to, thì vợ con, em út lập tức đứng ra thành lập doanh nghiệp. Họ kinh doanh rất nhàn hạ và giàu có lên một cách nhanh chóng nhờ mối quan hệ thân hữu không cần phải đầu tư mà vẫn có sẵn của mình. Những doanh nghiệp kiểu này chẳng cần vốn, mà cũng chẳng cần có kiến thức, kỹ năng kinh doanh, nhiều khi họ chỉ cần đón lõng và cắt phần trăm đối với tất cả các dự án mà người nhà của họ có quyền quyết định.

Cách làm ăn dựa vào quan hệ thân hữu đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho đất nước.

Trước hết, nó làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng cải cách hành chính sẽ làm được gì, nếu muốn làm ăn dễ dàng cứ phải đầu tư cho quan hệ? Không có quan hệ, có vẻ như mọi cơ hội đều đóng lại đối với các doanh nghiệp hoặc chi phí kinh doanh của họ bị đội lên đến mức không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phá sản.

Thứ hai, cạnh tranh lành mạnh như là một động lực thúc đẩy phát triển hoàn toàn bị triệt tiêu. Chất lượng cao ư? Giá rẻ ư? Chẳng quan trọng! Quan trọng là phải có quan hệ thân hữu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam ít đầu tư vào khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, bất công và bất bình xã hội đang bị tích tụ lại ngày một nhiều hơn. Nếu mọi cơ hội đều do nhóm thân hữu tận hưởng hết, thì cái gì sẽ còn lại cho những người dân? Không ai không nhìn thấy nhiều doanh nghiệp đang giàu lên nhanh chóng nhờ được hưởng chênh lệch địa tô, được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước, tiếp cận hợp đồng, tiếp cận thương quyền.

Thứ tư, chủ nghĩa tư bản thân hữu dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng là gì nếu chẳng phải là lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư. Nhiều quan chức đã sử dụng quyền lực được nhân dân trao cho để ưu tiên, ưu đãi cho nhóm thân hữu và hưởng lợi từ sự lại quả của nhóm này. Chính vì vậy, chủ nghĩa tư bản thân hữu tràn lan cũng đang làm cho tham nhũng xảy ra tràn lan.

Thực ra, Nghị quyết 10-NQ/TW của Đảng cũng đã đề ra nhiệm vụ phải “khắc phục có hiệu quả những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân”. Chủ nghĩa tư bản thân hữu là một trong những mặt trái như vậy. Vấn đề là chúng ta phải nhận thức rõ điều này và phải tổ chức phòng chống chủ nghĩa tư bản thân hữu một cách hiệu quả. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét, xử lý phản ánh về giá sàn vé máy bay

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về phản ánh của báo chí liên quan đến thu phí trên cao tốc và giá sàn vé máy bay. Trong đó, về đề xuất giá sàn vé máy bay, báo chí đã phản ánh về hệ lụy của việc áp giá sàn, về quyền lợi của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nếu đề xuất này được thông qua.

Về các phản ánh trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo xử lý.

Trước đó, ngày 31/8, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Cục đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, mức tối thiểu vé bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 - 750.000 đồng một chiều. Đề xuất áp giá sàn trong vòng 1 năm, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/11/2022.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức quy định này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng; các hãng hàng không và Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines). Đề xuất này ngay lập tức đã gây tranh cãi trong dư luận. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ