Tọa đàm 'Làm gì để có thương hiệu mạnh?'

Nhàđầutư
Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Tọa đàm 'Làm gì để có thương hiệu mạnh?' với sự tham dự của nhiều doanh nhân, học giả, chuyên gia, nhà văn hóa uy tín.
NHÓM PV
07, Tháng 09, 2019 | 09:00

Nhàđầutư
Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Tọa đàm 'Làm gì để có thương hiệu mạnh?' với sự tham dự của nhiều doanh nhân, học giả, chuyên gia, nhà văn hóa uy tín.

Qua hơn ba thập kỷ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi tầm vóc và diện mạo của nền kinh tế đất nước.

Nhiều thương hiệu Việt không những đã chinh phục, chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng trong nước, mà còn vươn lên cạnh tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia cả ở thị trường trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh những thương hiệu được hình thành từ khu vực kinh tế Nhà nước như Viettel, Vietnam Airlines, Vinamilk, Vietcombank…., nhiều thương hiệu danh giá được hình thành và trỗi dậy từ khu vực kinh tế tư nhân như: Vin Group, Sun Group, Tân Hiệp Phát, Thaco, Vietjet Air, TH True milk, Techcombank…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại chúng ta cũng đang chứng kiến những thương hiệu Việt từng vang bóng một thời bị biến mất do những thăng trầm của tiến trình phát triển và sau những thương vụ sáp nhập, mua bán, hợp nhất như Nước giải khát Tribeco, Kem đánh răng Dạ Lan…

Lại có những thương hiệu Việt danh tiếng trở thành sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài sau các thương vụ M&A như Bia Sài Gòn…

toan-canh-toa-dam

Toàn cảnh buổi Tòa đàm vào sáng 7/9. Ảnh: Quang Hiếu.

Trong bối cảnh nói trên, nhiều câu hỏi đang được đặt ra và rất cần có lời giải như:

  • Đâu là những yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của một thương hiệu? Chiến lược phát triển, chất lượng sản phẩm - dịch vụ, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh hay tích hợp tất cả các yếu tố đó? Làm gì và làm thế nào để tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng ?...
  • Các thương hiệu mạnh của Việt Nam đã được hình thành và phát triển như thế nào?; có thể rút ra những bài học gì cho các doanh nghiệp khác?
  • Vì sao không ít thương hiệu Việt bị biến mất sau một thời vang bóng và làm gì, làm thế nào để giảm thiểu tình trạng đó?
  • Thương hiệu Việt sau khi thuộc sở hữu của người nước ngoài do các thương vụ M&A có còn là các thương hiệu Việt nữa không? Đâu là tiêu chí cơ bản để nhận diện thương hiệu quốc gia?
  • Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội và thách thức gì đồi với việc xây dựng và phát triển thương hiệu ? Nhà nước và doanh nghiệp phải làm gì và làm thế nào để tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình tạo dựng và phát triển thương hiệu?

Ở một khía cạnh khác có thể thấy, không thể có thương hiệu mạnh nếu không có doanh nghiệp mạnh. Nghị quyết 10 Hội nghị TW5 Khóa XII của Đảng đã xác định rõ quan điểm và đề ra nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, qua phản ánh của không ít doanh nghiệp, việc triển khai Nghị quyết còn chậm, nhiều giải pháp chưa được thực thi theo tiến độ.

Vậy đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ đó và làm gì, làm thế nào để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống?

Cuộc Tọa đàm "Làm gì để có thương hiệu mạnh?" được tổ chức nhằm tìm lời giải cho các câu hỏi nói trên.

Tọa đàm có sự tham dự của các nhà doanh nghiệp, học giả, chuyên gia kinh tế, nhà văn hóa uy tín: GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DNĐTNN và các vị trong Ban Thường trực và BCH Hiệp hội; ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng, Bộ KH&CN; ông Đinh Lâm Tấn - Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT; ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Phạm Tấn Công, Phó bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI); TS. Võ Trí Thành - Nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV);

Bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát; ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Bros; ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch HĐQT Cty Sở hữu Trí tuệ T&T Invenmark, ông Lê Khắc Hiệp – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup...

Cùng các nhà văn, nhà báo: Nhà báo Sỹ Đại, Nhà báo Lê Cảnh Nhạc, Nhà văn Tạ Duy Anh, Nhà văn Nguyễn Thành Phong…

Phía ban tổ chức có TS Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư/Nhadatu.vn; ông Phạm Đức Sơn – Phó Tổng biên tập; ông Hoàng Anh Minh – Phó Tổng biên tập.

toa-dam1

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Quang Hiếu.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: là một tạp chí kinh tế, Tạp chí nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc thực thi một cách hiệu quả Nghị quyết 10 TW5 về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như vai trò của thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

"Do vậy, ngoài thông tin thường xuyên trên tạp chí điện tử Nhadatu.vn và tạp chí in, chúng tôi đã kịp thời xuất bản đặc san "Kinh tế tư nhân: Toàn cảnh và những doanh nhân tiêu biểu" vào năm ngoái và cuốn sách “Nâng cánh thương hiệu Việt” vào đầu năm nay với nhiều nội dung hấp dẫn, thiết thực nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh với những thương hiệu ngày càng mạnh, đuổi kịp các nước trong khu vực", TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

le-quoc-vinh

Ông Lê Quốc Vinh -  Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông LeBros . Ảnh: Quang Hiếu.

Biến thương hiệu thành một con người

Trình bày tham luận tại Tọa đàm, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn truyền thông LeBros cho biết trên thế giới đang hướng tới thế hệ Marketing 4.0, khi các thương hiệu hướng tới tính nhân bản, biến thương hiệu thành một con người, hướng tới mối quan hệ, ứng xử nhân văn với từng khách hàng.

Theo ông, ngày nay, làm thương hiệu được định nghĩa là thổi hồn cho một thương hiệu, biến nó thành một con người thực thể, có tích cách, có nhân cách, và có khả năng giao tiếp, kiến tạo những mối quan hệ với khách hàng, đối tượng liên quan, để trở thành một con người được yêu thương, tôn trọng và có ảnh hưởng đến nhóm đối tượng mục tiêu.

"Thương hiệu được ứng xử như con người là thế nào, là thương hiệu có những tính cách như con người, có thể giao tiếp, tương tác với từng con người trong thị trường hàng triệu, hàng tỷ người", ông Lê Quốc Vinh nói.

Phản bội khách hàng là hồi chuông báo tử với một thương hiệu

Nhà văn Tạ Duy Anh tiếp cận vấn đề xây dựng thương hiệu là "niềm tin bền vững của khách hàng". Theo ông, quá trình hình thành nên một thương hiệu hàng hóa, luôn có lộ trình giống nhau. Bắt đầu là bước khó khăn nhất, trước hết phải có được sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bước tiếp theo là chứng minh cho khách hàng thấy sản phẩm đó bền, đẹp hơn sản phẩm cùng loại, đáng với số tiền mà khách hàng bỏ ra.

"Có nhiều cách để thực hiện điều đó. Nhưng dù cách nào, quảng cáo bằng những lời hay ý đẹp, cho khách hàng cơ hội trải nghiệm để tự kiểm chứng hay muôn vàn cách khác, thì cuối cùng phải đạt được điều quan trọng sau đây: Chúng tôi nói là nói thật, những gì chúng tôi giới thiệu là phản ánh sự thật hoàn toàn về sản phẩm", nhà văn chia sẻ.

Ta-duy-anh

Nhà văn Tạ Duy Anh trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Quang Hiếu.

Cũng theo nhà văn, vấn đề quyết định ở đây là doanh nhiệp đã tạo ra được một lịch sử phát triển liên tục gắn với khách hàng, luôn coi khách hàng là chủ thể của quá trình phát triển đó. Tiền đề của việc người tiêu dùng tín nhiệm xe Toyota, là sản phẩm của nó bền bỉ, an toàn, chứ không phải vì sự tuyên truyền.

Tuyên truyền, quảng cáo không đi đôi với chất lượng, sẽ là con dao hai lưỡi, có thể tự giết chết một doanh nghiệp. Yếu tố quyết định sự lớn mạnh của một thương hiệu, theo tôi, là sự trung thực và thái độ trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. "Người Việt có câu: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, tôi nghĩ rằng có thể nó ra đời khi xuất hiện nghề buôn", ông Tạ Duy Anh phân tích.

Một thương hiệu không có cơ hội sống sót, chưa nói tới để trở thành quan trọng nếu nó thất tín với khách hàng dù chỉ một lần. Cảm giác bị phản bội của khách hàng, sẽ là hồi chuông báo tử với một thương hiệu.

Kinh doanh là để kiếm tiền, làm giầu cho bản thân. Đây rõ ràng là động lực tự nhiên lớn nhất để chúng ta xây dựng thương hiệu. Không minh bạch công nhận điều này là đạo đức giả, trong khi các chính sách của nhà nước dựa trên việc bỏ qua động lực đó sẽ chỉ dẫn đến ảo tưởng, lãng phí tài lực.

Nhưng nếu chỉ chăm chăm vì mục tiêu bán hàng bằng mọi xảo thuật, bỏ qua nghĩa vụ với đất nước, với người nghèo, sẽ là thiếu đạo đức và trên thực tế cũng rất khó sống sót. Một thực tế hiển nhiên nhưng không phải ai, không phải lúc nào cũng nhớ, là nếu không có người tiêu dùng, sẽ chẳng có bất cứ thứ hàng hóa nào quan trọng, hoặc bất cứ thứ gì được tạo ra, dù quý báu đến mấy, cũng vô nghĩa.

"Giá trị một thương hiệu thành công, thường chỉ phản ánh một phần giá trị vật chất, phần lớn còn lại được tạo ra bởi tình cảm yêu quý, tin tưởng, trân trọng của người tiêu dùng. Con số đó, theo một quy luật bí ẩn thuộc về thời gian, luôn lớn hơn giá trị thật mang tính số học rất nhiều. Và đó mới chính là giá trị thật của một thương hiệu", nhà văn Tạ Duy Anh kết lại tham luận.

Những thương hiệu lớn cũng vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng

GS. TSKH Nguyễn Mại cho hay thực tế xây dựng thương hiệu phức tạp hơn rất nhiều. Kinh tế, kinh doanh gắn với động lực của từng con người, kể cả những thương hiệu lớn cũng đã vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng, vi phạm và bị phạt hàng trăm tỷ USD.

Do đó, việc phát triển thương hiệu cần phải ứng xử trong thực trạng Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp quốc doanh chỉ vài nghìn, đóng góp không nhiều lắm nên cũng cần phải thay đổi.

nguyen-mai1

GS. TSKH Nguyễn Mại trình bày tham luận. Ảnh: Quang Hiếu.

Sau 30 năm trong một số đại hội, thế giới tổng kết đã những phát triển, hoặc đang chuyển đổi như ta là phải đi 2 chân FDI và kinh tế tư nhân, cả 2 chân đều phải mạnh. Trong kinh tế tư nhân, có 712.000 doanh nghiệp (DN) tư nhân quy mô quá nhỏ, siêu nhỏ.

Gần đây, Việt Nam đang phát động phong trào làm sao tháo gỡ khó khăn để DN tư nhân phát triển. Câu chuyện lớn nhất của kinh tế tư nhân là làm sao doanh nghiệp nhỏ lớn lên và việc này phụ thuộc tới 80% thể chế nhà nước.

Nguồn lực thứ nhất là từ ngân hàng; hai là các thể chế, nâng cấp từ vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường. Câu chuyện hiện nay của các tập đoàn lớn là chuyển hướng rất nhanh, từ chủ yếu làm bất động sản chuyển dần sang làm kinh doanh đa ngành như công nghệ, dịch vụ.

Ông khẳng định đây là giai đoạn tốt, trong chuyển hướng ấy có những tập đoàn mạnh, cần nhiều công nghệ để chuyển từ kinh tế theo nguồn tăng trưởng cũ sang theo nguồn tăng trưởng mới.

"Tuy nhiên, làm sao để họ mạnh hơn nữa? Cái chúng ta cần hiện nay làm làm cho các tập đoàn kinh tế lớn lên. Chiến lược làm sao để hình thành “quả đấm mạnh” để phát triển kinh tế; phải bắt đầu từ việc quản trị của tập đoàn, thương hiệu tập đoàn, sự hợp tác của tập đoàn", ông Nguyễn Mại bày tỏ.

Cũng theo ông, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào thể chế nhà nước, “làm thế nào xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ điện tử”, cần quan tâm đến doanh nghiệp ngoài nhà nước lớn lên, giúp các tập đoàn mạnh lớn lên thành tập đoàn tầm khu vực và thế giới.

Xây nhà từ móng

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay cơ bản chúng ta giàu lên bằng tài nguyên sẵn có, chứ chưa phải giàu lên theo xu thế của thế giới.

vo-tri-thanh

TS Võ Trí Thành cho rằng muốn có thương hiệu mạnh thì phải xây nhà từ móng. Ảnh: Quang Hiếu.

Theo ông, muốn có thương hiệu mạnh thì phải xây nhà từ móng, gắn vào sự sáng tạo và công nghệ, doanh nghiệp cần phải có sự kết nối, tương tác với khách hàng. Vấn đề ở đây là câu chuyện chính sách. Đằng sau những thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện của doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế thị trường hội nhập, khu vực đầu tư nước ngoài, nhất là FDI, có thể đóng vài trò rất quan trọng, song nhìn về dài hạn, sự phát triển không thể bền vững. Sẽ không có một khu vực kinh tế tư nhân năng động cũng như các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nếu thiếu sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và các doanh nghiệp khởi sự (Startups).

Chính doanh nhiệp nhỏ và vừa là khu vực đóng góp lớn nhất cho cạnh tranh trên thị trường, nếu không có sự cạnh tranh thì sẽ không còn thị trường. Họ là khơi nguồn của hoạt động kinh doanh.

"Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đã tạo dựng một khuôn khổ pháp lý thích hợp cùng sự quyết liệt của thực thi. Đặc biệt là liên quan đến sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh công nghệ, là trọng tâm cần ưu tiên. Công nghệ là chất xúc tác hết sức mạnh mẽ cho khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo", ông Võ Trí Thành nhận định.

Tân Hiệp Phát muốn trở thành thương hiệu Việt hàng trăm năm

Trình bày tham luận "Yếu tố công nghệ trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu nhìn từ Tân Hiệp Phát", bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho hay trong hành trình 25 năm hình thành và phát triển, Tân Hiệp Phát tự hào khi đã góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về những gì người Việt có thể làm.

Trong suốt nhiều năm qua, Tân Hiệp Phát luôn cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia và là doanh nghiệp Việt duy nhất trong 5 hãng đồ uống hàng đầu Việt Nam. Tân Hiệp Phát thành công nhờ sự nhất quán trong chiến lược.

"Từ những ngày đầu, Tân Hiệp Phát xác định phải đi theo thị trường ngách, bởi rất khó cạnh tranh sản phẩm đồ uống có ga với các tập đoàn nước ngoài. Chúng tôi thay vào đó, đi theo sản phẩm nước giải khát tốt cho sức khoẻ. Trước đây 10 năm, khi Tân Hiệp Phát tuyên bố đầu tư 300 triệu USD dây chuyền vào công nghệ hiện đại nhất thế giới thì nhiều người tỏ ý không tin", bà Trần Uyên phương chia sẻ.

uyen-phuong

Bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Ảnh: Quang Hiếu.

Tuy nhiên, theo bà, Tân Hiệp Phát đã chứng minh bằng hành động, và thành công của Tân Hiệp Phát ngày hôm nay cho thấy bước đi đúng đắn của Tân Hiệp Phát một thập kỷ trước. Chất lượng chính là nền tảng và giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát, khi sản phẩm của chúng tôi không có chất bảo quản song vẫn có thể giữ được 12 tháng, giúp tạo ra sự vượt trội, bên cạnh sự đa dạng trong cơ cấu sản phẩm.

Dù đóng vai trò rất lớn, song nếu chỉ phụ thuộc vào máy móc, công nghệ thì chưa đủ, mà phải là quản trị, là kiểm soát được quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, mà để làm chủ được cần phải có yếu tố con người mang tư duy sáng tạo, đột phá.

Hiện nay, Tân Hiệp Phát đang áp dụng các quy chuẩn đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến hàng đầu, và chúng tôi khao khát với đội ngũ nhân sự chất lượng cao, Tân Hiệp Phát có thể là thương hiệu và doanh nghiệp Việt vững mạnh suốt hàng trăm năm.

Quốc gia đã là một thương hiệu có giá trị rất lớn

Kết thúc phần tham luận, ông Lê Quốc Vinh điều hành phần tọa đàm về khái niệm, vai trò thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay muốn ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải được hỗ trợ bằng chính sách thị trường thế giới nhìn vào một doanh nghiệp dựa trên hình ảnh quốc gia của doanh nghiệp đó.

Bản thân quốc gia đã là một thương hiệu có giá trị rất lớn, như chúng ta hay nói "Made in Japan" chẳng hạn. Doanh nghiệp Việt trước nay rất khó vươn mình ra thế giới, bởi hình ảnh của Việt Nam trong mắt các bạn chủ yếu vẫn gắn liền với cuộc chiến tranh, hoặc tích cực hơn cũng mới chỉ dừng lại ở phở, áo dài.

nguyen-si-dung

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Quang Hiếu.

"Bởi vậy, nếu muốn các doanh nghiệp Việt vươn xa thì điều kiện cần là chính bản thân các doanh nghiệp phải mạnh, rất mạnh, nhưng cần thêm điều kiện đủ là sự hỗ trợ về mặt chính sách, mà việc thay đổi hình ảnh về đất nước trong con mắt quốc tế là rất quan trọng".

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế của ngân hàng BIDV cho rằng, thương hiệu quốc gia chúng ta vẫn đang xếp sau rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang có giá trị thương hiệu rất ổn định.

Ông Lực cho biết về doanh nghiệp thì chưa có nhiều được xếp vào top 500. Trong hệ thống ngân hàng thì có khoảng 4 ngân hàng được xếp hạng trong top này.

Thể thao là một kênh tuyệt vời để phát triển thương hiệu quốc gia, vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư?”, vị tiến sĩ nói và cho rằng cần phải thay đổi cách thức gi nhận các thương hiệu các giải thưởng quốc gia, hiện nay đang quá nhiều.

"Quyền sở hữu trí tuệ doanh nghiệp, về doanh nghiệp chúng ta cần phải có chiến lược, phải thường xuyên đánh giá đo lường thương hiệu của mình", ông Cấn Văn Lực phân tích thêm.

can-van-luc

TS Cấn Văn Lực. Ảnh: Quang Hiếu.

Thể chế như đứa trẻ lớn chạm trần

TS. Nguyễn Đình Cung nhận định từ chỗ bị hắt hủi, kinh tế tư nhân tới nay được xác định trở thành lực lượng chủ đạo của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng chính sách cho nó tới nay đã tới hạn, khi chúng ta vừa cần nó, vừa thích nó lại vừa luôn muốn kiểm toả nó.

"Chúng ta hay nói về quyền tự do kinh doanh, nhưng rõ ràng là gần như không có một cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp một cách hiệu quả, khi mà một doanh nghiệp có thể đóng cửa chỉ vì một quyết định hành chính, dẫn tới cộng đồng doanh nghiệp không cảm thấy an toàn. Thể chế kinh tế của Việt Nam, tôi cho rằng, như đứa trẻ lớn nhanh và đã chạm trần. Phải đục, phá bỏ trần đó đi thì mới lớn lên được", vị chuyên gia nói.

Bởi vậy, ông cho rằng đừng nói chuyện 4 chấm, 5 chấm gì cả, bởi thể chế nếu không thay đổi, đang theo hướng kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của doanh nghiệp.

nguyen-dinh-cung

TS. Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Quang Hiếu.

Nói thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng thừa nhận chúng ta tuyên truyền phát triển nhà nước kiến tạo, song nội hàm của nó đã đúng là kiến tạo hay chưa. Ông cho rằng là chưa, thậm chí cái thị trường cạnh tranh bình đẳng mà Việt Nam đang theo đuổi, lại là bất bình đẳng với các doanh nghiệp của chúng ta.

Cũng theo ông, khi các hiệp định thương mại liên tục được ký kết khiến các doanh nghiệp nội trở nên mỏng manh, gần như không có tính kháng cự trước làn sóng doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia. Lúc này, vai trò che chắn của nhà nước phải được phát huy, phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nội.

Tất cả các nước Đông Bắc Á đều thành công nhờ đi theo con đường này. Khi đã đủ mạnh, họ mở dần nền kinh tế và các doanh nghiệp của họ hưởng lợi lớn từ chiến lược đó. Với Việt Nam, dư địa cho khối doanh nghiệp trong nước đang ngày càng hẹp dần sau 15-16 hiệp định thương mại tự do được ký kết.

"Lúc này, chúng ta phải có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa và minh bạch để đủ năng lực lựa chọn những ngõ hẹp cuối cùng trong hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nội. Nhưng rõ ràng là với thể chế hiện nay, chúng ta không có được", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói thêm.

thuong-hieu-viet

Các đại biểu tại buổi Tọa đàm đặc biệt quan tâm tới vấn đề "Nâng cánh thương hiệu Việt". Ảnh: Quang Hiếu.

Doanh nghiệp sinh ra để phụng sự xã hội

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện cho một doanh nghiệp cho rằng, trên góc độ doanh nghiệp, không một thương hiệu nào không gắn với doanh nghiệp. Thương hiệu mạnh khác rất nhiều so với thương hiệu to, vì thông qua các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp.

Theo ông, muốn có một thương hiệu mạnh thì phải gắn với doanh nghiệp to, thương hiệu khác với doanh nghiệp ở chỗ to và mạnh, đơn giản vì sản phẩm của họ chinh phục được khách hàng.

Thương hiệu gắn liền với cá nhân, muốn xây dựng một thương hiệu mạnh, thì cần phải có một lãnh đạo có tầm nhìn, doanh nghiệp sinh ra là để hoạt động và phụng sự xã hội.

"Một doanh nghiệp không phụng sự xã hội thì doanh nghiệp đó không thể trường tồn, doanh nghiệp tử tế thì mới hoàn thành được mục tiêu xã hội, doanh nghiệp đó phải có những sản phẩm vì đất nước", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

nguyen-anh-tuan

Ông Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Quang Hiếu.

Cũng theo ông, doanh nghiệp tư nhân dù rất nhỏ nhưng hoàn toàn có thể làm được vấn đề này, không nên quan tâm doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, chỉ cần để họ hoạt động cho đúng pháp luật là được.

Cần đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp trước khi sắm "cái áo" thương hiệu

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thẳng thắn cho rằng doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu làm thương hiệu, nhưng thương hiệu mạnh hay không phải phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp sinh ra là để cung cấp sản phẩm dịch vụ nào đó, để tồn tại phải được khách hàng công nhận. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp ít chăm lo đến chất lượng sản phẩm và hệ thống quản trị, mà chỉ lo sắm “mác” bên ngoài, cố gắng làm thương hiệu trước và ít chú ý đến chất lượng, cũng như quản trị chất lượng.

truong-chuan

Ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam. Ảnh: Quang Hiếu.

“Tôi thấy rằng, một số doanh nghiệp lớn hiện nay chẳng hạn nhưu Tân Hiệp Phát, khi tiếp cận thị trường, những doanh nghiệp này thường không nói nhiều về bản thân doanh nghiệp đó mà nói về vấn đề cốt lõi, làm chất lượng và xây dựng hệ thống quản trị chất lượng, khi đó mới nói đến thương hiệu”, ông Trường cho biết.

Ông mong rằng, đơn vị quản lý cũng như doanh nghiệp quan tâm đến 'sức khỏe' của mình, vấn đề cốt lõi trước khi bàn đến việc thương hiệu mạnh hay không mạnh.

Hiện, có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn lại không biết áp dụng tiêu chuẩn nào.

"Có thể nhìn vào thương hiệu VinFast, để tạo ra sản phẩm ô tô hay xe đạp điện, họ phải tìm kiếm hơn 2.000 tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó là hệ thống quản trị đang áp dụng hiện nay", ông Phùng Mạnh Trường khẳng định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ