Tinh giản bộ máy: Sau Bộ Công an là ai?

Nhàđầutư
Sau Bộ Công an, dư luận đang mong chờ các bộ ngành khác cũng nhanh chóng trình phương án cắt giảm cấp trung gian, nhằm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra.
ANH MAI
05, Tháng 04, 2018 | 06:30

Nhàđầutư
Sau Bộ Công an, dư luận đang mong chờ các bộ ngành khác cũng nhanh chóng trình phương án cắt giảm cấp trung gian, nhằm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra.

Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đến 2021 phải cơ bản việc hoàn thành sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó.

Thực hiện Nghị quyết số 18, trong thông báo phát đi chiều tối 2/4, Bộ Công an cho biết, sẽ không tổ chức cấp trung gian; sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, giáo dục, báo chí, y tế trong Công an nhân dân và tổ chức lại Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn với Công an tỉnh, thành phố.

Theo các thông tin ban đầu, bộ máy này sẽ giải thể 6 tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh. 

Cấp tổng cục ở Bộ Công an hình thành từ năm 1980. Sau khi lên đến 8 tổng cục năm 2009, Bộ Công an thu gọn còn 6 tổng cục vào năm 2014. Ngoài ra, còn có 2 Bộ tư lệnh riêng cho Cảnh sát cơ động và Cảnh vệ (cũng tương đương tổng cục). Trong mỗi đơn vị cấp tổng cục lại có nhiều cục. Dưới các cục là rất nhiều phòng.

bo cong an

Theo nghị quyết được Bộ Chính trị thông qua, Bộ Công an sẽ không còn cấp trung gian. Ảnh: Zing.vn

Nhiều cục nghiệp vụ trước đây được tách ra theo chuyên môn, địa bàn hẹp thì giờ cũng phải nhập lại theo các nhóm chuyên môn, địa bàn rộng hơn. Khối các trường của công an cũng phải sắp xếp, gọn lại.

Những Bộ nào đang cồng kềnh?

"Tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, tổ chức bộ máy của Chính phủ tuy giữ ổn định nhưng tăng về đầu mối tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, nhiều tầng nấc trung gian... ", đây là nhận định của Chính phủ tại báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Thông tin về số biên chế, người làm việc tại các tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ trong báo cáo của Chính phủ thể hiện, đến hết tháng 12/2016, cả nước có tổng cộng 337 cục trưởng, 767 phó cục trưởng, 218 vụ trưởng, 593 phó vụ trưởng, 4599 trưởng phòng và tương đương, 7021 phó trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người.

Số lượng các chức danh cũng được liệt kê cụ thể tới từng Bộ. Đứng ở top đầu của danh sách, nhiều Bộ "gây choáng" với số công chức lãnh đạo lớn như riêng Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, 423 cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng; số lượng cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương lên tới hơn 9.100 người. Số lượng trưởng phòng, phó phòng và tương đương ở Bộ Tài chính cũng khiến nhiều người giật mình với con số lên tới hơn 9.100 biên chế.

Bo tai chinh

 Bộ Tài chính có 181 cục trưởng.

Tính đến thời điểm 31/12/2016, còn một số tổ chức có số lượng cấp phó vượt so với quy định, như: Bộ Giao thông Vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó), Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có một số vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng Phó vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế 5, một số vụ, đơn vị khác 4).

Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Nội vụ là 3/5... 

Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ, có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này, trong đó có những Bộ tăng nhiều như Bộ Công an tăng 7 cục, Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Thông tin, Truyền thông và Bộ Y tế tăng 3 cục...

Ai sẽ tiếp bước đột phá?

Cuối tháng 1/2018, Bộ Công Thương ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCS quy định tạm thời về số lượng lãnh đạo cấp phòng trực thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ với nguyên tắc: cấp phòng và tương đương có dưới 10 biên chế thì có 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng; phòng và tương đương có từ 10 biên chế trở lên thì có 1 trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng.

Bộ Công thương cũng yêu cầu không bổ nhiệm chức vụ hàm trưởng phòng, hàm phó trưởng phòng được hưởng phụ cấp.

Điều này thuộc lộ trình sắp xếp, tinh giản đội ngũ lãnh đạo cấp phòng theo cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được quy định tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

bo cong thuong

 Bộ Công thương yêu cầu không bổ nhiệm chức vụ hàm trưởng phòng, hàm phó trưởng phòng được hưởng phụ cấp.

Theo Nghị định 98 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương, cơ quan này giảm từ 35 đơn vị đầu mối trực thuộc xuống còn 30. Ba đơn vị sẽ bỏ là Vụ Phát triển nguồn nhân lực, Vụ Thi đua khen thưởng và Vụ Kế hoạch.

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương cũng sẽ có nhiều sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường được “nâng cấp” lên Tổng cục Quản lý thị trường.

Tổng cục Năng lượng không còn được giữ lại, thay thế vào đó là các đơn vị mới như Vụ Dầu khí và Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Hai Vụ Tài chính và Vụ Đổi mới doanh nghiệp sáp nhập thành 1 vụ là Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp. Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Công nghiệp nhẹ cũng không còn tách riêng mà đã 1 Cục là Cục Công nghiệp. Bộ Công Thương cũng thành lập 1 Cục mới là Cục Phòng vệ thương mại. Các Vụ phụ trách thương mại với các đối tác nước ngoài cũng thu gọn thành 2 Vụ là Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ.

Dù thu gọn các đầu mối cục, vụ, nhưng Bộ Công Thương chưa cho biết sẽ bố trí số nhân sự tại các đơn vị bị xoá tên hoặc lập mới trong danh sách cơ cấu bộ máy ra sao.

Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Quyết định số 15/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Tổng cục Môi trường có tổng cục trưởng và không quá 4 tổng cục phó do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, cơ cấu tổ chức cồng kềnh của Tổng cục Môi trường hiện nay sẽ có nhiều thay đổi. Tổng cục Môi trường sẽ có 18 đơn vị. Quyết định số 15/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2018.

Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6, khóa XII ‘Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả’ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10/2017 nêu rõ: các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.

Sau Bộ Công an, dư luận mong chờ các cơ quan Trung ương khác cũng nhanh chóng trình ra phương án cắt giảm cấp trung gian như mục tiêu mà Nghị quyết 18-NQ/TW đến năm 2021 phải cơ bản hoàn thành.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ