Thương vụ M&A Viglacera sắp đi tới hồi kết?

Giới đầu tư nhận định Gelex sẽ "mạnh tay" để sớm chốt thương vụ Viglacera trước thời điểm năm tài chính 2020 kết thúc mà không cần chờ đợi Bộ Xây dựng thoái vốn.
TRƯƠNG LƯƠNG
18, Tháng 09, 2020 | 11:37

Giới đầu tư nhận định Gelex sẽ "mạnh tay" để sớm chốt thương vụ Viglacera trước thời điểm năm tài chính 2020 kết thúc mà không cần chờ đợi Bộ Xây dựng thoái vốn.

photo1600398191207-1600398191332242572034

 

Ngày 18/9, Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vừa công bố nâng mức giá chào mua công khai cổ phần VGC của Tổng công ty Viglacera lên 23.500 đồng/CP. Đây là lần nâng giá thứ 2, sau khi đã được tăng từ 17.700 đồng/CP lên 21.500 đồng ngày 11/9. Trước đó, Gelex ngày 24/8 công bố chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu VGC để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,96% lên 46,15%.

Hai lần nâng giá với biên độ tới 33%, trong đó lần đầu tăng 21,5% và lần hai tăng 9,3% (so với lần 2) dẫn tới không ít xôn xao trên thị trường, đặc biệt khi giá chào mua lần đầu thấp hơn khá nhiều thị giá, gần 1 tháng qua dao động trong khoảng 21.500 - 23.500 đồng/CP.

Theo quy định, đây cũng là lần tăng giá cuối cùng, đúng 7 ngày trước khi đợt chào mua công khai kết thúc vào ngày 25/9.

1year-16003989980941191520212

 

Nhóm Gelex đầu tư vào Viglacera từ cuối năm 2017, công khai trở thành cổ đông lớn từ đầu năm 2019 với tỷ lệ sở hữu 24,96% - mức vừa đủ để không phải chào mua công khai (25%). Song song với đó là diễn biến CEO Gelex Nguyễn Văn Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Viglacera, trong khi vị trí Tổng giám đốc là người của Bộ Xây dựng - cổ đông lớn nhất, nắm giữ 38,58%. Cũng kể từ đây, Gelex không giấu diếm tham vọng M&A Viglacera. Doanh nghiệp này cũng đã phác thảo một kế hoạch lợi nhuận 2020 trong trường hợp hợp nhất thành công Viglacera.

Các kịch bản với gam màu sáng về một siêu tập đoàn sau hợp nhất không ít lần được ban lãnh đạo Gelex chia sẻ với cổ đông, với tính toán rằng Bộ Xây dựng sẽ sớm thoái nốt vốn tại Viglacera. Dù vậy, việc thoái vốn nhà nước liên tục bị trì hoãn và tới thời điểm hiện tại, sắp tới quý cuối cùng của năm 2020, vẫn chưa có động thái khả dĩ nào cho thấy Bộ Xây dựng sẽ sớm mang đấu giá cổ phần VGC.

Với bối cảnh đó, không bất ngờ nếu phía Gelex thay đổi chiến thuật, không còn nhắm vào lô cổ phần của Bộ Xây dựng mà trực tiếp mua gom từ các cổ đông nhỏ lẻ. Theo số liệu công khai, tới giữa năm 2020, nhóm Gelex và Bộ Xây dựng nắm 63,54% cổ phần Viglacera, 36,46% còn lại là hàng "trôi nổi", trong đó trên dưới 10% là của khối ngoại.

Dù liên tục bắn tiếng về mục tiêu M&A, nhưng tỷ lệ sở hữu thực của nhóm Gelex tại Viglacera vẫn là thông tin bí ẩn với thị trường. Quan sát cái cách Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn ngồi ghế Chủ toạ tại ĐHĐCĐ Viglacera trung tuần tháng 6/2020, nhưng đặc biệt kiệm lời, không một lần đứng lên phát biểu, hay giải đáp ý kiến của cổ đông, giới đầu tư nhìn nhận nhóm Gelex còn cách xa cái đích 51% mà họ đang hướng tới tại Viglacera.

Câu chuyện có thể đã rất khác ở thời điểm hiện tại. Kể từ khi Gelex công bố kế hoạch mua chi phối Viglacera ngày 18/6/2020, cổ phiếu VGC được giao dịch rất sôi động, tính đến ngày 17/9 có 133,5 triệu đơn vị, tương đương 29,8% vốn Viglacera được mua bán, trong đó 44 triệu khớp lệnh và 89,5 triệu thoả thuận.

Tại một thống kê khác, trong 6 tháng gần đây, tính đến ngày 17/09, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu VGC theo phương thức thỏa thuận đạt 114,6 triệu cổ phiếu, chiếm 26% vốn điều lệ của Viglacera, lớn hơn nhiều 95 triệu cổ phần mà Gelex đang chào mua công khai.

9-18-2020-10-14-24-am-16003990326711643028273

 

Vậy thì phải chăng nhóm Gelex đã hoàn tất nâng tỷ lệ tại Viglacera lên mức quá bán? Nếu nhìn vào mức chào giá 17.700 đồng ngày 24/8, sẽ không ít nhà đầu tư đánh giá như vậy. Tuy nhiên hai lần nâng giá mua liên tục, lên 23.500 đồng, nhỉnh hơn thị giá hiện tại cho thấy nhóm Gelex vẫn có nhu cầu tiếp tục gom cổ phiếu VGC. Mặc dù vậy, khoảng cách đến mục tiêu 51% chắc hẳn không còn quá xa.

Với chiến lược phát triển đa ngành, nhu cầu vốn của Gelex là rất lớn, và trên thực tế, dư địa sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp này không còn quá dư dả. Ban lãnh đạo Gelex, tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 18/6/2020 đã thẳng thắn chia sẻ thương vụ Viglacera sẽ giúp tập đoàn sau hợp nhất giảm mạnh tỷ lệ nợ vay, đồng nghĩa với mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn mới.

Bởi vậy, giới đầu tư nhìn nhận nhóm Gelex sẽ "mạnh tay" để sớm chốt thương vụ Viglacera trước thời điểm năm tài chính 2020 kết thúc. Một khi nhóm Gelex hoàn tất sở hữu 51% Viglacera, thì số phận của lô 38,58% Bộ Xây dựng đang nắm giữ không khó để đoán định.

Để sở hữu 51% cổ phần Viglacera, Gelex trước nhất phải hoàn thành đợt chào mua công khai lên 46,15%. Với 4,85% còn lại, theo Luật Chứng khoán sửa đổi, họ không cần phải thực hiện chào mua công khai do tỷ lệ mua thêm dưới 5%.

(Theo Nhịp sống kinh tế)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ