Thuế tài sản dựa trên căn cứ lý luận thực tiễn nào?

Đề xuất Luật Thuế tài sản nước ta vừa đưa ra đã chấn động truyền thông, bởi chính quy phạm của nó cùng một số cách hiểu và giải thích trong giới quan chức và tinh hoa có vấn đề.
TS. NGUYỄN SỸ PHƯƠNG
10, Tháng 05, 2018 | 09:34

Đề xuất Luật Thuế tài sản nước ta vừa đưa ra đã chấn động truyền thông, bởi chính quy phạm của nó cùng một số cách hiểu và giải thích trong giới quan chức và tinh hoa có vấn đề.

60a14_bds

 Thuế nhà đất cần lấy các tiền đề của Adam Smith như công bằng, chừng mực và không gây áp lực làm thước đo và đối chiếu với cách thức vận dụng nó. Ảnh minh họa: Thành Hoa

Thuế được định nghĩa là số tiền chuyển từ sở hữu thể nhân có trách nhiệm pháp lý đóng thuế, sang nhà nước, không được hoàn trả đối ứng. Do liên quan tới chuyển quyền sở hữu, nên hình thái kinh tế xã hội Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) về nguyên lý không có phạm trù thuế (chứ chưa nói thuế tài sản) bởi chỉ có mỗi nhà nước là chủ sở hữu, còn toàn dân là người làm công do chính nhà nước trả thù lao; trên thực tế ở các nước XHCN trước đây, riêng công chức hầu như không đóng bất kỳ khoản thuế gì.

Ngược lại, nền kinh tế thị trường dựa trên chế độ đa sở hữu nên mới “đẻ“ ra thuế để bảo đảm quyền sở hữu tài chính cho nhà nước vận hành và phân phối lại thu nhập quốc dân. Do chuyển quyền sở hữu (lợi ích, ăn chia), thuế đụng chạm lớn nhất tới lợi ích cá nhân và nhà nước, lại còn tùy thuộc thực trạng kinh tế, nên luôn đặt ra đòi hỏi phải được cải cách thích ứng, chưa nói ở ta còn bắt buộc do chuyển đổi mô hình kinh tế.

Lý thuyết và thực tiễn

Học thuyết thuế lần đầu tiên do Adam Smith đề xuất năm 1776, cách đây 242 năm, với những tiền đề cơ bản: Công bằng trong tính thuế, nghĩa là căn cứ vào thực lực kinh tế (chứ không phải cào bằng); Chừng mực, không quá cao, quá thấp; Không cực đoan, tức thích ứng với những ngoại lệ thông qua miễn giảm; Không áp dụng luật mới cho quá khứ (cái gì đã có theo luật cũ phải thừa nhận); Có hiệu quả, tức phí hành chính thu kiểm tra thuế và phí thủ tục khai báo thuế thấp (cũng vì vậy dự luật thuế phải trình được bảng dự toán cân đối thu chi khi thu thuế); Đơn giản hóa, và người đóng không bị áp lực bởi thuể tăng (có ý kiến so sánh với vặt lông ngỗng hay luộc ếch đun từ từ bị truyền thông phản ứng, chắc suy diễn sai từ tiền đề này); Minh bạch, rõ ràng (nếu kinh tế là nền tản xã hội có thể gây bất ổn nó thì thuế là nền tảng của thiết chế kinh tế có thể gây bất ổn kinh tế, một khi thiếu minh bạch rõ ràng).

Theo kinh tế học, thuế tài sản thuộc thuế “gốc“, tức đánh vào tài sản sẵn có (khác thuế thu nhập đánh vào tài sản tăng thêm) được tính trên tổng số tài sản hiện có trừ đi trị giá vay mượn chưa trả. Do không mang bản chất khấu trừ đó, nên thuế nhà đất và thuế ô tô không thuộc thuế tài sản như trong đề xuất và một số ý kiến chuyên gia. Nó mang bản chất phí để thực thi chức năng nhà nước đối với tài sản nhà đất và ô tô. Có liên quan, chẳng qua ô tô nhà đất được gọi là tài sản, tức thuần túy về khái niệm.

Thuế tài sản ở Đức được ban hành lần đầu năm 1893, nghĩa là cách thời điểm Việt Nam hiện đang tranh cãi tới 125 năm! Nhưng đi sau họ xa đến thế, ta lại bỗng gặp may. Từ năm 1997, họ thôi không áp dụng nữa - một căn cứ thực tế để ta không nhất thiết phải áp dụng (sẽ bàn ở một chuyên đề khác).

Mức đánh thuế năm cuối cùng 1997 = Tài sản hiện có - Nợ chưa trả - Mức miễn thuế đổ đồng 120.000 DM cho 1 thành viên gia đình (Điều 6 Luật thuế tài sản VStG) x Thuế suất 1% đối với cá nhân và 0,6% đối với pháp nhân (Điều 10 Luật VStG). Kết quả năm cuối cùng, 1997, Đức thu được 9 tỉ DM (4,62 tỉ euro). Tuy nhiên, chỉ riêng chi phí hành chính cho nó đã mất 3% tổng thuế thu được.

Theo một công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế (RWIW) do Bộ Tài chính Đức đặt hàng, tổng chi phí cả nhà nước lẫn người đóng (tiền tập hợp hồ sơ, thuê kế toán, tư vấn thuế khai) năm 1984 chiếm tới 32% số thuế thu được (20% khi thu và 12 % khi kiểm tra). Dự luật của Việt Nam không hề khái toán chi phí trên, xét theo tiền đề Adam Smith về minh bạch rõ ràng và hiệu quả, không bảo đảm.

Thuế ở Đức không phải nhà nước cứ muốn là được, nó phải qua ít nhất 2 rào cản. Trước hết do được hiến định tại Điều 106 Hiến pháp Đức. Rào cản tiếp theo: Do cách thức nhà nước đánh thuế lại cực kỳ phức tạp, và không công bằng đối với từng loại tài sản, nên ngày 22-6-1995 bị Tòa án Hiến pháp phán không phù hợp với nguyên lý công bằng của chính Hiến pháp, và cho phép thi hành tới hết 1996 phải thay đổi. Bước sang năm 1997 thay vì sửa đổi quá phức tạp, Chính phủ đề xuất thuế thu nhập của nhà giàu nâng lên tới 53% được Quốc hội thông qua, nên bỏ luôn thuế tài sản.

Sau kỳ bầu cử Quốc hội mới nhất năm 2017, vấn đề thuế tài sản lại được đề cập sôi sục chính trường Đức, thảo luận chi tiết và rõ ràng hơn Việt Nam nhiều vì họ đã có 125 năm nhìn lại.

Câu chuyện của nước Đức

Ở Đức, thuế nhà đất và ô tô là 2 loại thuế mang tính chất phí để đầu tư cho hạ tầng, trường học, đường phố, điện nước... nên do điạ phương thu. Bất kỳ ai sở hữu đều phải đóng, tuy nhiên phải tuân theo nguyên lý Adam Smith.

Thuế nhà đất được phân ra làm 2 dạng, A dành cho đất sử dụng nông lâm nghiệp và B cho đất xây dựng kể cả nhà trên đó.

Để tính thuế, trước hết phải định lượng được yếu tố thứ nhất: Trị giá nhà đất, được tính theo 2 cách. Cách thứ 1, tính theo doanh thu áp dụng cho nhà ở hay căn hộ cho thuê, sẽ bằng tiền thuê cả năm ấn định từ năm 1964 cho phía Tây, và từ năm 1935 cho phía Đông, rồi nhân với chỉ số tăng giảm tùy thuộc các yếu tố chất lượng tác động tới giá thuê. Cách thứ 2, tính áp dụng cho những căn nhà hiện đại, bằng trị giá đất và nhà tính tại thời điểm 1964/1935.

Yếu tố thứ 2 được gọi là tỷ suất thuế cơ bản chung áp dụng cho từng mức trị giá và loại nhà ở theo  Điều 14 và 15 Luật thuế nhà đất GrStG. Ở phía Tây, với nhà ở 1 gia đình trị giá tới 38.346,89 euro, tỷ suất thuế cơ bản là 2,6 phần ngàn. Trên mức đó là 3,5 phần ngàn. Nhà cho 2 gia đình trở lên là 3,1 phần ngàn, đất nông lâm nghiệp 6 phần nghìn. Ở phiá Đông từ 5 đến 10 phần ngàn.

Yếu tố thứ 3 là hệ số điạ phương thu thuế, do chính quyền điạ phương tự quyết định. Năm 2017, mức cao nhất toàn Liên bang thuộc thành phố Witten lên tới 910% (tức gấp hơn 9 lần tỷ suất thuế cơ bản).

Từ đó, giả sử một ngôi nhà gia đình ở phía Tây Đức được Sở Tài chính định trị giá vào năm 1964 là 30.000 euro, tỷ suất thuế cơ bản theo luật là 2,6 phần ngàn và hệ số điạ phương là 534%, thuế phải trả 1 năm là: 30.000 euro x 2,6 phần ngàn x 534 phần trăm = 416,52 euro. (Tính ra sau 72 năm gần một đời người, tiền thuế phải nộp cộng lại bằng đúng tiền nhà đất ban đầu. Chỉ số đó của họ, ở ta cần tham khảo, chưa tính mức sống ở ta thấp hơn họ hàng chục lần).

Thuế đối với nhà đất cho thuê được coi là chi phí, tính vào giá thuê gọi là phụ phí, người thuê phải trả. Vì vậy thuế nhà đất không ảnh hưởng mấy tới kinh doanh hay đầu tư, trái với một số ý kiến chuyên gia suy diễn sai cho rằng đánh thuế nhà đất có tác dụng chống đầu cơ (vốn là một nghiệp vụ kinh doanh đương nhiên trong kinh tế thị trường và do quan hệ cung cầu quyết định. Thuế rượu thuốc lá ở nhiều nước cao vô địch nhưng các hãng kinh doanh nó vẫn phất).

Hiện cách thức Đức tính thuế nhà đất trên đang gây tranh cãi chính trường, trước hết trị giá nhà đất lấy từ xa xưa, nay đã thay đổi và chênh lệch tùy điạ phương, nên cuối tháng qua, Toà Bảo hiến ấn định, thuế nhà đất chỉ được phép thu theo luật hiện hành tới hết năm 2019, sau đó phải cải cách. Do chi phí cao khi xây dựng các chuẩn mực mới, nên các chuẩn mực cũ được vận dụng tiếp trong luật cải cách thêm 5 năm, muộn nhất hết năm 2024.

Rõ ràng, thuế không chỉ nước ta phải đối mặt, mà toàn cầu, một thách thức thường trực đối với bộ máy nhà nước bắt buộc phải đủ năng lực vượt qua nếu không muốn bất ổn bùng nổ.

Ở Đức, câu chuyện thuế căn hộ thứ 2 cũng nhằm mục đích trang trải chi phí nhà nước phát sinh ở điạ phương có căn hộ đó, chiểu theo Điều 105 Hiến pháp, đánh vào những ai đăng ký hộ khẩu ở căn hộ thứ 2 dù thuê hay sở hữu. Tỷ suất tùy từng điạ phương từ 5% tới 23% mỗi năm, phổ biến 10% trị giá.

Công bằng, chừng mực và không gây áp lực trong thuế nhà đất

Ba tiền đề của Adam Smith nêu trên nhằm bảo đảm cuộc sống bình thường cho người dân, nên thuế căn hộ thứ 2 ở Đức phần đa được miễn, nếu do điều kiện bất khả kháng, như ly thân tạm thời ở riêng, dùng nhà thứ 2 để ở điều trị, hay điều dưỡng, hay do công việc đòi hỏi, hay dành cho con cái nhỏ đi học xa nhưng  phụ thuộc gia đình, sinh viên không có thu nhập, hoặc những gia đình có thu nhập dưới 29.000 euro/người hoặc tổng cộng vợ chồng dưới 37.000 như ở tiểu bang Bayern...

Tuần trước, trong cuộc tiếp xúc với cử tri Cẩn Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải trấn an cử tri việc “đánh thuế nhà trên 700 triệu”.

Thuế nhà đất cũng được quy định những ngoại lệ ghi trong Luật thuế nhà đất. Chẳng hạn nhà cổ do phí bảo dưỡng cao theo Điều 31 được miễn. Được giảm chẳng hạn bỏ trống không tìm được người thuê. Trên nguyên tắc tiền thuê bị thất thu 50% sẽ được giảm 25% thuế.

Ở Đức bất kỳ ai không đủ thu nhập để trang trải chi phí cuộc sống cơ bản (tầng lớp đáy xã hội) đều được nhà nước bù đủ nhằm bảo đảm an sinh (năm 2018 là 416 euro/tháng/người độc thân; thành viên gia đình giảm theo tuổi) cùng với toàn bộ tiền thuê nhà, tiền điện nước, bảo hiểm y tế, đồ dùng học tập, các khoản chi bất thường như chết, cưới, sinh đẻ, bệnh kinh niên, chuyển nhà... Vì vậy thuế nhà đất của Đức không hề ảnh hưởng tới tầng lớp này. Còn ở Việt Nam nếu đánh thuế nhà đất sẽ không tránh khỏi đẩy họ vào cùng cực, nếu họ không được miễn trừ.

Việt Nam chưa đủ tiềm lực kinh tế để bảo đảm an sinh như Đức. Nhà đất tự sử dụng thuộc nhu cầu thiết yếu. Vì vậy để bảo đảm được nhu cầu đó cho dân, thuế nhà đất cần lấy các tiền đề của Adam Smith làm thước đo và đối chiếu với cách thức vận dụng nó như dẫn liệu ở Đức, để trả lời thoả đáng các câu hỏi: - Liệu đã nên đánh thuế nhà đất đại trà? Hay chỉ đánh thuế những nhà đất sử dụng cho kinh doanh? - Hoặc nếu đánh thuế đại trà thì công thức miễn giảm nó như thế nào, để mọi chủ nhà đất tự bảo đảm được an sinh? Qua đó khuyến khích dân cư xây dựng nhà ở (ở Đức còn được nhà nước tài trợ)? - Công thức tính thuế nhà đất như thế nào để thu đủ, dễ giám sát với chi phí phát sinh thấp nhất ? Đặc biệt khi tham nhũng đang là vấn nạn, bộ máy hành chính hiện nhiều vấn đề liệu có thích ứng với tính phức tạp của loại thuế này?

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ