Thị trường bất động sản ‘khát’ phân khúc nhà ở dưỡng lão

Nhàđầutư
Tại Việt Nam, phân khúc nhà ở dưỡng lão vẫn còn bỏ ngỏ, chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuy có một vài cơ sơ dịch vụ về loại hình này nhưng đều có chi phí rất cao, thậm chí đến những cơ sở nhỏ hơn cũng nằm ngoài khả năng chi trả của người Việt.
NGUYÊN VŨ
25, Tháng 12, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Tại Việt Nam, phân khúc nhà ở dưỡng lão vẫn còn bỏ ngỏ, chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Tuy có một vài cơ sơ dịch vụ về loại hình này nhưng đều có chi phí rất cao, thậm chí đến những cơ sở nhỏ hơn cũng nằm ngoài khả năng chi trả của người Việt.

Nhu cầu cao nhưng nguồn cung chưa đủ

Hiếu lễ với cha mẹ, chăm sóc các đấng sinh thành là điều ai cũng mong muốn thực hiện. Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay với guồng quay công việc hối hả, không ít gia đình đang cân nhắc lựa chọn viện dưỡng lão để họ chăm sóc người cao tuổi tốt hơn.

Anh Phạm Văn Hai (quận 3) cho biết, anh từ quê lên TP.HCM lập nghiệp và sinh sống đã hơn 20 năm. Cũng vì lo lắng cho sức khỏe của người mẹ già ở quê nên anh đã đưa lên TP.HCM sinh sống cùng với gia đình.

Anh Hai kể lại, trước đây khi mẹ mình còn khỏe, bà có thể ở nhà tự nấu ăn, trông cháu cho hai vợ chồng đi làm. Nhưng nay cụ đã hơn 80 tuổi, tuổi cao sức yếu kèm theo một số bệnh nền có sẵn nên sức khỏe của cụ đã yếu rõ rệt và ăn uống cũng kém đi.

nha-o-duong-lao

Nhiều người cao tuổi lựa chọn viện dưỡng lão để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và tránh gây áp lực cho con cháu. Ảnh: Bách niên Thiên Đức

"Hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, các cháu cũng đi học cả ngày chỉ còn mỗi cụ ở nhà. Tuổi cụ đã xế chiều, nên hàng ngày tôi phải gọi điện về xem tình hình thế nào. Đi làm mà cũng thấp thỏm vì không có ai chăm sóc sức khỏe cho cụ", anh Hai nói và đang tính tìm một viện dưỡng lão nào đó để đưa mẹ vào được chăm sóc tốt hơn.

Hay như trường hợp nhà chị Nguyễn Thị Hạnh quê ở Nghệ An cũng đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM kể lại, gia đình có hai chị em, cả hai người đều ở xa. Một ở TP.HCM, một ở Kon Tum. Ở quê, người thân cũng không còn nhiều vì họ cũng tha hương đi làm kinh tế, người thì đi xuất khẩu lao động chỉ còn người cha già năm nay hơn 76 tuổi.

Chị Hạnh cho biết, hàng thàng chị vẫn gửi tiền về để bố của mình thích gì thì mua ăn, chăm nom sức khỏe. Nhưng, một vài năm trở lại đây, trái gió trở trời cùng bệnh huyết áp cao khiến sức khỏe của người cha đã yếu đi trông thấy. Chị lo lắng vì ở xa không tiện chăm sóc cho bố mình hàng ngày và cũng đang lên kế hoạch đưa cụ vào trong TP.HCM rồi gửi vào viện dưỡng lão để các nhân viên tiện chăm sóc.

Còn đối với bà Quách Thị Trang (quận 1) năm nay 60 tuổi cho biết, bây giờ bà đang sống một mình, các con đều sinh sống và lập nghiệp ở nước ngoài. Vì không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống của các con nên bà lựa chọn ở lại Việt Nam và cũng đang suy nghĩ về việc về sau khi tuổi cao, sức yếu sẽ vào viện dưỡng lão.

“Tôi luôn có tâm niệm là khi về già mình sẽ tự lo cho cuộc sống của mình để không ảnh hưởng đến con cháu. Ai cũng muốn ở bên cạnh con cháu của mình, nhưng cũng phải nghĩ đến lúc già rồi, đầu óc không còn minh mẫn lại làm khổ chúng nó. Tôi có nói với mấy đứa con, sau mẹ vào viện dưỡng lão thì lo tiền phí hàng tháng, còn tiền lương hưu tôi dùng để tiêu vặt”, bà Trang nói và cười vui vẻ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, phân khúc nhà ở dưỡng lão vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thị trường bất động sản vẫn còn rất sơ khai, thiếu những dự án được đầu tư bài bản.

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia có tuổi thọ trung bình ngày một tăng cao, tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Năm 2011, nước ta bước vào giai đoạn già hóa, cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng số lượng người già nhiều hơn người trẻ. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có dân số siêu già, trong đó trên 20% dân số trên 65 tuổi. Đây là xu hướng toàn cầu, trong đó các nước như Trung Quốc, Mỹ, Đức và Anh theo dự kiến đều sẽ có trên 20 thành phố siêu già của mỗi nước vào năm 2035.

Nghiên cứu của Savills Việt Nam chỉ ra rằng, phần lớn nhóm dân số cao tuổi của Việt Nam sống ở các tỉnh phía Bắc. Có đến 7/10 tỉnh có lượng dân số trên 60 tuổi nhiều nhất, đều tập trung ở miền Bắc. Trong đó, Hà Nội có hơn 1 triệu người; Thanh Hóa hơn 514.000 người; Nghệ An trên 408.000 người, Thái Bình là 347.830 người. Các tỉnh phía Nam như TP.HCM và Đồng Nai lần lượt có 841.005 người và 278.159 người trên 60 tuổi.

Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, số người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống với vợ/chồng của họ tăng từ 18,3% năm 2009 lên 27,8% vào năm 2019. Sự già hóa dân số là đã thấy rõ nhưng trong số 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Đây là con số rất ít so với nhu cầu và phần lớn các cơ sở này đều là của tư nhân. Những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn chỉ có cơ sở tổng hợp, không có cơ sở chăm sóc chuyên biệt.

Hiện, đã có một vài dịch vụ tư nhân cung cấp dịch vụ nhà dưỡng lão với với chi phí khá cao. Các viện dưỡng lão tư nhân như Viện dưỡng lão Thiên Đức hay Trung tâm dưỡng lão Hoa Sen thu phí khoảng 15 triệu đồng/phòng/tháng đơn, 19 triệu đồng/phòng đôi/tháng.

Qua nhiều nghiên cứu, khảo sát thì nhu cầu vào viện dưỡng lão ở Việt Nam gia tăng mạnh. Tuy vậy, do ảnh hưởng bởi lễ nghi, tôn giáo cùng thói quen và tư duy “tứ đại đồng đường” (nhà 4 thế hệ) nên quan niệm đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu vẫn đè nặng nhiều gia đình. Đặc biệt, với nhiều yếu tố khách quan về điều kiện cơ sở vật chất khiến việc phát triển các cơ sở dưỡng lão ở Việt Nam còn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức.

Doanh nghiệp chật vật phát triển

Với mức độ phát triển hoạt động kinh tế, quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, đã có những thay đổi trong cách cấu trúc các cộng đồng. Các gia đình hạt nhân ngày càng trở nên phổ biến và tỷ lệ các gia đình "tứ đại đồng đường" ngày càng giảm. Số lượng người cao tuổi sống một mình ngày càng tăng do có nhiều người đang lao đầu vào công việc.

Việc chăm sóc người cao tuổi là ưu tiên hàng đầu của các gia đình, cơ sở chăm sóc và chính sách của Nhà nước. Ở mức cộng đồng, các dịch vụ dưỡng lão được tích hợp trong hệ thống y tế hiện có và mục tiêu là ít nhất 70% người cao tuổi được khám sức khỏe hàng năm vào năm 2030.

Nhà nước cũng đang hướng đến mục tiêu bao phủ trung tâm dưỡng lão ở các tỉnh thành phố và những cơ sở cung cấp dịch vụ tương thích với quy mô dân số người cao tuổi trên địa bàn, ít nhất mỗi tỉnh một cơ sở. Đồng thời, tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng mạng lưới dưỡng lão.

Doanh nghiệp hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này được hưởng những ưu đãi về thuế, được thuê hoặc mượn đất, cơ sở vật chất. Những dự án đầu tư cho người cao tuổi là những dự án đầu tư ưu tiên, mang tính chất hoạt động công ích vì lợi ích cộng đồng.

nha-o-duong-lao-1

Vòng quay cuộc sống khiến người cao tuổi ở một mình nhiều hơn và việc lựa chọn vào viện dưỡng lão là nhu cầu chính đáng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Bách niên Thiên Đức

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp đã đi trước đón đầu thực hiện các dự án, mô hình viện dưỡng lão nhưng đến nay vẫn không thể triển khai do có nhiều vướng mắc.

Đơn cử như câu chuyện của Tập đoàn Trần Anh ở địa bàn Long An. Năm 2018, doanh nghiệp này đã khởi công xây dựng Viện điều dưỡng quốc tế Phúc An nằm trong quần thể khu đô thị Phúc An City rộng 100 ha.

Tính toán ban đầu, Viện điều dưỡng quốc tế Phúc An được xây dựng với các hạng mục bao gồm 520 căn villas, 2.000 căn condotel, 50 phòng khám đa khoa cùng nhiều tiện ích phục vụ cho toàn khu với tổng kinh phí đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, dự án này của Trần Anh dự kiến sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2019. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai còn doanh nghiệp cũng ngán ngẩm.

Được biết, Viện diều dưỡng quốc tế Phúc An là một trong những dự án đầy tâm huyết của ông chủ Trần Anh Group, với lý tưởng mang đến giá trị sống hạnh phúc và bình an. Đồng thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người cao tuổi. của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Anh cho biết, năm 2018 doanh nghiệp đã động thổ xây dựng dự án bất động sản viện dưỡng lão tại tỉnh Long An, đây cũng là dự án đầu tiên ở phía Nam và đã đủ pháp lý. Tuy nhiên, khi triển khai, phát triển dự án doanh nghiệp mới thấy rằng có khá nhiều khó khăn trong việc phát triển dòng sản phẩn này dù nhu cầu rất lớn.

"Việc phải xây dựng theo chuẩn của y tế, thêm việc vận hành dự án tại Việt Nam hiện chưa có đơn vị vận hàng và quan trọng nhất là kinh nghiệm phát triển dự án này không đơn giản như các dự án bất động sản khác. Chính vì vậy, chúng tôi đang phải đi học hỏi kinh nghiệm phát triển từ các nước như Nhật Bản để có kinh nghiệp phát triển dự án bất động sản dưỡng lão này trong thời gian tới", ông Vinh nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, câu chuyện nhu cầu của dòng sản phẩm này tại các tỉnh phía Nam là rất lớn. Thế nhưng lại chưa có bất kỳ hướng dẫn phát triển hay việc quản lý vận hành dự án và pháp lý dự án này cũng đang là rào cản cho doanh nghiệp phát triển.

Trước đó, nhiều dòng sản phẩm như condotel, offitel cũng được các doanh nghiệp phát triển theo nhu cầu thực tế của người dân, nhưng đến nay các dòng sản phẩm này vẫn chưa được công nhận. Vì vậy, việc phát triển phân khúc nhà ở dưỡng lão cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Doanh nghiệp muốn làm, phát triển mạnh dòng sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và sự già hóa dân số nhưng cũng gặp không ít khó khăn bởi rào cản pháp lý.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ