Thanh toán điện, nước... không dùng tiền mặt cần có lộ trình

Theo chuyên gia, cần có chiến dịch giáo dục để mọi người dân thấy được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.
NGUYỄN CHÂU
05, Tháng 01, 2019 | 13:59

Theo chuyên gia, cần có chiến dịch giáo dục để mọi người dân thấy được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

9-thanh-toan-dien-2_wpiy

 

Ngày 1-1, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Nghị quyết nêu ra một nhóm giải pháp quan trọng là đẩy mạnh thanh toán điện tử; khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt. Với hình thức thanh toán này, đa số người trẻ ủng hộ nhưng với người già thì gặp không ít khó khăn do không tiếp cận được công nghệ…

Người trẻ ủng hộ, người già kêu khó

PV phỏng vấn một số người dân lứa tuổi dưới 40. Đa số những người này đồng tình phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vì nhanh chóng và tiện lợi, chỉ cần thao tác vài phút đã thanh toán xong.

Chia sẻ với PV, chị Võ Ngọc Mai Thảo (35 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết ở khu vực của chị lâu nay đã thanh toán tiền điện qua các đơn vị thu hộ. “Tôi thấy nên thanh toán không dùng tiền mặt như thế lại hay và nhanh chóng; không sợ một số người giả danh nhân viên điện, nước đến để lừa đảo” - chị Thảo bày tỏ.

Tuy nhiên, với một số người lớn tuổi thì vẫn thích phương thức thanh toán dùng tiền mặt hơn. Lý do vì một phần họ không rành công nghệ và việc đi đến những nơi thu hộ cũng khó khăn.

Bà Lê Thị Hồng (62 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết bà đã đóng tiền điện không dùng tiền mặt một thời gian. Riêng tiền nước, tiền rác thì vẫn có nhân viên đến thu hằng tháng. “Với bản thân tôi, năm nay cũng đã có tuổi, việc đi lại cũng hạn chế, lại không dùng điện thoại thông minh nên mỗi tháng muốn đóng các loại tiền này phải nhờ hàng xóm đóng giúp” - bà Hồng nói.

Bà Lê Thị Thanh Lệ (67 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho hay hằng tháng, tiền điện bà ra cửa hàng điện thoại đóng theo dạng thu hộ. “Như vậy cũng thuận tiện. Còn tiền nước và tiền rác thì có nhân viên đến thu hằng tháng. Tôi ủng hộ việc thanh toán không dùng tiền mặt nhưng phải có những giải pháp hỗ trợ người lớn tuổi” - bà Lệ nói.

9-thanh-toan-dien-1_ebde

 

Thay đổi thói quen của người dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Hồng Nhân, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Bình Thạnh, cho hay: “Về việc thu tiền rác, hiện tại chúng tôi vẫn áp dụng song song hai hình thức. Nếu hộ dân nào muốn đóng qua tài khoản ngân hàng (NH) vẫn được và muốn đóng trực tiếp thì có bộ phận thu. Sắp tới, để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt thì chúng tôi sẽ chuyển hoàn toàn qua hình thức này mà không gặp khó khăn gì. Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đỡ tốn chi phí thuê nhân viên thu tiền và cũng đỡ thất thoát tiền do đôi lúc nhân viên thu tiền làm mất”.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP cần chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các NH, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Hoàn thành trước tháng 12-2019.

(Trích Nghị quyết 02 của Chính phủ)

Cùng vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) cho biết về việc thanh toán không dùng tiền mặt, phía SAWACO đã triển khai từ lâu theo nhiều cấp độ. “Trước đây, đối với doanh nghiệp, chúng tôi tạo kênh cho doanh nghiệp chuyển khoản qua NH. Còn hiện nay, chúng tôi có thêm một số đối tác thu hộ tiền nước thông qua một số cửa hàng tiện lợi, điểm giao dịch Internet…” - vị đại diện nói.

Cũng theo vị đại diện SAWACO, tuy đã tạo điều kiện để thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt từ nhiều kênh nhưng hiện vẫn còn một số người dân không có điều kiện thanh toán vì không quen thao tác với các thiết bị công nghệ hoặc điều kiện đi lại khó khăn. “Chính vì vậy, phía SAWACO vẫn phải cho nhân viên đến thu tiền nước tận nhà” - vị đại diện cho biết.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết việc NH phối hợp với các đơn vị như trường học, bệnh viện, công ty điện, nước... để thanh toán qua tài khoản NH đã được thực hiện rất tốt qua nhiều năm. “Hiện nay, chương trình này được tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng tôi đang có những nỗ lực truyền thông để từng bước thay đổi thói quen của người dân thanh toán qua NH, không dùng tiền mặt” - ông Minh nhấn mạnh.

Phải có chiến dịch giáo dục người dân

Với việc quy định 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... ở đô thị phải phối hợp với NH để thu học phí, viện phí, tiền điện nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thì thời điểm này rất khó thực hiện. Nguyên nhân, không phải mọi người dân đều có tài khoản NH. Do đó, đặt lộ trình ba năm mới có thể thực hiện được. Vì theo tính toán của tôi thì mới khoảng 30% người dân có tài khoản, mà để trở thành nền kinh tế không tiền mặt phải cần 80%. Và trong thời gian này là phải thuyết phục được người dân mở tài khoản NH.

Để làm được điều này, trước hết phải có chiến dịch giáo dục người dân. Chẳng hạn bên Mỹ, một nền kinh tế hiện đại nhất về tài chính, cách đây hơn chục năm chính phủ Mỹ đưa ra chương trình money smart, tạm dịch là “đồng tiền khôn”. Chương trình này đưa ra các bài học giáo dục tài chính rất cơ bản để mọi người hiểu, như tại sao phải mở tài khoản NH, tại sao không nên dùng tiền mặt, lợi ích của phi tiền mặt... và phổ biến trong các trường học, đưa cho NH hướng dẫn khách hàng. Việt Nam cũng nên cần một chương trình giáo dục tài chính mang tính quần chúng như vậy.

Chuyên gia NHNGUYỄN TRÍ HIẾU

P.MINH ghi

Theo PLO

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ