Tập đoàn Cao Su giao 400 ha trong 2.100 ha làm sân bay Long Thành trong tháng 7

Tập đoàn đang làm việc với các cơ quan và dự kiến giá đền bù 600 triệu/ha nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
LAN ĐIỀN
13, Tháng 06, 2019 | 05:35

Tập đoàn đang làm việc với các cơ quan và dự kiến giá đền bù 600 triệu/ha nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Sáng ngày 12/6, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: GVR) họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Tại thời điểm 8h, số cổ đông tham dự là 326 cổ đông đại diện cho 3,93 tỷ cổ phiếu, chiếm 98,22% vốn điều lệ, đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Kế hoạch lãi tăng 24% lên 4.150 tỷ đồng

Tập đoàn Cao su đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2019 là 24.224 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện 2018. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 24%. Tỷ lệ cổ tức là 6%.

Về kế hoạch đầu tư, doanh nghiệp dự kiến chi ra 2.216 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư tài chính dài hạn, tăng 93% so với thực hiện năm 2018.

e81gvr-1

 

Năm 2019, công ty tập trung 5 lĩnh vực, với nhận định lĩnh vực chính không nhiều khả quan. Cụ thể, lĩnh vực trồng, chăm sóc chế biến mủ cao su lợi nhuận không cao do giá giảm, chỉ duy trì quy mô hiện tại không đầu tư mở rộng. Sản phẩm công nghiệp cao su lợi nhuận không cao, cạnh tranh lớn và sẽ duy trì như hiện tại.

Trong khi đó, lĩnh vực khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su có lợi nhuận cao, tiềm năng nhiều lợi thế nên sẽ đầu tư mạnh giai đoạn 2019-2020 và 2021-2025. Lĩnh vực chế biến gỗ cao su lợi nhuận khá tốt và còn cơ hội nên sẽ đầu tư bổ sung, tái cơ cấu thông qua sáp nhập để tăng sức cạnh tranh. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có lợi nhuận khá tốt, nhưng GVR sẽ thận trọng vì rủi ro đầu ra, công nghệ sản xuất... nâng dần quy mô phù hợp với tình hình thực tế.

Trong thời gian ngắn hạn và định hướng trung hạn tập đoàn vẫn tập trung vào 3 lĩnh vực sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển khu công nghiệp để tạo đà tăng tốc, phát triển trong năm 2019, 2020 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

GVR tham gia đầu tư 17 khu công nghiệp trong đó trực tiếp quản lý, điều hành 12 khu với diện tích đất tự nhiên gần 6.000 hecta, đất thương phẩm cho thuê gần 4.400 ha được thực hiện trên quỹ đất trồng cao su chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Phát triển 5.000 - 7.000 ha đất KCN

Theo thành viên HĐQT Phạm Văn Thành, định hướng phát triển KCN bị phụ thuộc vào kế hoạch sử dụng đất của các địa phương. Hiện Tập đoàn có 1 số khu được chuyển đổi, bao gồm An Điền khoảng 300 ha, Nam Tân Uyên giai đoạn 2 với 360 ha, KCN rộng 200 ha về gỗ tại Phước Hòa. Một KCN khác tại Gia Lai và một số KCN nhỏ hơn 50 ha.

Tập đoàn sẽ cố gắng đẩy nhanh việc phát triển các KCN để tận dụng cơ hội từ đầu tư nước ngoài tăng mạnh và đây là nguồn thu lớn trong tương lai.

Tập đoàn vẫn đang làm việc với địa phương, định hướng giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển khoảng 5.000-7.000 ha ở khu vực Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể phụ thuộc vào kết quả làm việc chung với địa phương.

Chủ tịch Trần Ngọc Thuận đồng tình rằng việc phát triển KCN phụ thuộc lớn vào quy hoạch của các địa phương và quyết định của Chính Phủ. Tập đoàn có khả năng mở rộng KCN rất tốt từ Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên. Tập đoàn cũng nhìn ra câu chuyện về KCN và đang chủ trương đẩy mạnh quá trình này càng nhanh càng tốt.

Giao 2.100ha đất cho dự án Sân bay Long Thành

Một vấn đề được cổ đông quan tâm tại đại hội là tiến độ giao đất và đền bù để thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Tổng giám đốc Huỳnh Văn Bảo cho biết dự án sân bay Long Thành đã được các cấp triển khai 10 năm nhưng năm nay mới thực sự đẩy nhanh tiến độ. Tập đoàn phải giao lại là khoảng 2.100 ha, hiện Tập đoàn giao các đơn vị thành viên làm việc với tỉnh Đồng Nai để bàn giao gần 400 ha để làm dự án tái định cư ngay trong tháng 7-8 và đến cuối năm phải thực hiện xong. Tập đoàn sẽ phối hợp tỉnh Đồng Nai để xúc tiến nội dung này.

Ông Thành cho biết giá đền bù khoảng 600 triệu/ha, không cao bằng các đơn vị khác do đây là vùng cây già. Tiến độ giao đất là bàn giao trước khoảng 400 ha để xây dựng khu tái định cư, 1.700 ha thực hiện theo quyết định của tỉnh. Tập đoàn sẽ thực hiện bàn giao ngay sau 3 tháng khi tỉnh có yêu cầu.

Bổ sung vấn đề này, Chủ tịch GVR cho biết trước mắt đến 10/7 phải bàn giao đất để thực hiện tái định cư. Ông Thuận chia sẻ việc giữ đất khiến Tập đoàn bị tiến thoái lưỡng nan và cũng hy vọng dự án sớm triển khai để Tập đoàn có tiền đền bù và không mất thêm chi phí giữ đất. Tập đoàn cũng làm việc với các cơ quan và dự kiến giá đền bù 600 triệu/ha nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Niêm yết sớm nhất trong quý III

Năm 2018, việc niêm yết không đạt kế hoạch do gặp khó về cơ chế giao dịch trên sàn chứng khoán dẫn đến Tập đoàn phải mất 5-7 tháng mới đăng ký hết số cổ phiếu của nhà đầu tư. Tổng giám đốc Huỳnh Văn Bảo chia sẻ Tập đoàn cũng có định hướng niêm yết cổ phiếu và đang tập trung để thực hiện, nhanh nhất trong quý III.

Về việc bán vốn Nhà nước, ông Bảo dẫn quyết định của Thủ tướng là Nhà nước vẫn giữ 75% vốn điều lệ do GVR gắn liền với nhiều vấn đề an ninh quốc phòng, an sinh xã hôi… Việc Tập đoàn có tiếp tục bán cổ phần dưới 75% hay không phụ thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nói thêm về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại), ông Thuận cho biết nước ngoài đang sở hữu khoảng 2,3% vốn và có thể tăng nắm giữ tối đa trên 11%.

Thoái vốn khoảng 2.000 tỷ đồng

Theo thành viên HĐQT Phạm Văn Thành, Tập đoàn đang hoàn chỉnh phương án tái cơ cấu. Với các công ty cao su, giải pháp đơn giản là bán cổ phần nhưng nhiều đơn vị kết quả kinh doanh chưa cao dẫn đến khó thoái vốn; nếu bán được cũng có giá thấp, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao do các đơn vị cao su cần phải đầu tư trên 10 năm. Khi các công ty này hoạt động ổn định mới thực hiện bán cổ phần ra công chúng.

Vấn đề tại Nam Tân Uyên, phương án ban đầu là đề nghị bán cho cổ đông chiến lược là Tập đoàn Cao su nhưng hiện thị giá đơn vị này quá cao. Do vậy, phương án mới sẽ là bán cổ phiếu trên sàn, hoặc Tập đoàn bán hoặc Cao su Phước Hòa bán theo quy định của Ủy ban chứng khoán.

Về việc thoái vốn ngoài ngành, Tập đoàn đang vướng thủ tục, cơ chế. GVR đang thực hiện 1 số giải pháp, khi giải quyết được thủ tục sẽ tiến hành thoái vốn khoảng 2.000 tỷ.

Tập đoàn phải thoái vốn khỏi KCN Hố Nai dù đơn vị này vẫn hiệu quả vì đơn vị này không thuộc hoạt động sản xuất chính và nằm trên đất dân cư, không phải đất cao su.

(Theo Người đồng hành)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ