Sửa đổi Nghị định 90: Đi ngược nỗ lực của Chính phủ, gây khó doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhàđầutư
Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/ND-CP về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sau đây Nhadautu.vn xin được đăng tải bài viết của ông Trần Văn Thế, Th.S Quản trị Kinh doanh, PTGĐ Công ty CP Đầu tư Đèo cả đóng góp cho dự thảo.
TRẦN VĂN THẾ
11, Tháng 12, 2017 | 07:00

Nhàđầutư
Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/ND-CP về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Sau đây Nhadautu.vn xin được đăng tải bài viết của ông Trần Văn Thế, Th.S Quản trị Kinh doanh, PTGĐ Công ty CP Đầu tư Đèo cả đóng góp cho dự thảo.

Tran-van-the

Ông Trần Văn Thế, Th.S Quản trị Kinh doanh, PTGĐ Công ty CP Đầu tư Đèo cả

Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/ND-CP về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, có nhiều điểm bất hợp lý có thể gây cản trở sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, cần được xem xét để điều chỉnh.

Đi ngược lại nỗ lực kiến tạo của Chính phủ

Cụ thể, tại Điều 2 Nghị định 90 định nghĩa “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet” .

Tại Điều 4, Dự thảo quy định: “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet”.

Khác với Nghị định 90 hiện hành, Dự thảo nghị định mới dự kiến sẽ khống chế các giao dịch trái phiếu thứ cấp ở mức dưới 100 nhà đầu tư. Đồng thời, Dự thảo cũng không cho phép sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Việc hạn chế số lượng nhà đầu tư trong các giao dịch trái phiếu làm giảm nghiêm trọng tính thanh khoản của trái phiếu trên thị trường thứ cấp, từ đó giảm tính hấp dẫn của kênh đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng bất lợi đối với tổ chức phát hành, đồng thời bớt đi một kênh đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư.

Việc quy định cấm sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong giao dịch trái phiếu là không phù hợp trong bối cảnh xã hội công nghệ hiện nay (thời đại công nghiệp 4.0), đặc biệt trong điều kiện đang bùng nổ sự phát triển công nghệ của các định chế tài chính trên thế giới – đã, đang và sẽ thay đổi mạnh mẽ thị trường tài chính toàn cầu, làm cho các hoạt động tài chính trở nên nhanh chóng hơn, chính xác hơn và hiệu quả hơn. 

Nếu quy định như tại Dự thảo sẽ làm chậm tốc độ giao dịch, tăng khối lượng hồ sơ giấy tờ, từ đó tăng các rủi ro về sai sót và giả mạo giấy tờ...Trong bối cảnh Chính phủ và các cơ quan Chính phủ đang nỗ lực cải cách hành chính, phấn đấu trở thành một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, thì việc quy định như trên lại đi ngược với những nỗ lực này. 

Về điều khoản quy định kiểm toán báo cáo tài chính quy đinh tại dự thảo có những ưu nhược điểm nhất định. Cụ thể, đối với phát hành trái phiếu trong nước thì bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành có lãi. Mục tiêu của điểm sửa đổi này là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn thông qua trái phiếu (kể cả phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ). Hiện nay, chủ yếu nhà đầu tư là nhà đầu tư tổ chức nên có thể tự đánh giá được mức độ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu về kết quả kinh doanh và báo cáo tài chính được kiểm toán như trên không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nhược điểm của quy định này là yêu cầu báo cáo tài chính được kiểm toán phải là báo cáo nêu ý kiến chấp nhận toàn phần. So với Nghị định 90 hiện nay, Điều 4 của Dự thảo bổ sung thêm hàng loạt các thuật ngữ, trong đó đáng chú ý là phần về tổ chức kiểm toán. Theo quy định tại Dự thảo, tổ chức kiểm toán ở đây phải là tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán.

Năm 2017 danh sách tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán chỉ bao gồm 23 công ty. Nếu quy định tại Dự thảo được áp dụng, số lượng hạn chế các tổ chức kiểm toán được phép kiểm toán các tổ chức phát hành trái phiếu sẽ gây áp lực lớn cho cả các tổ chức phát hành lẫn các tổ chức kiểm toán. Lý do là ở chỗ cùng với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu đầu tư phát triển của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu có thể rất lớn.

Ngoài việc đang phải phục vụ cho hơn 1.000 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay, 23 tổ chức kiểm toán đạt điều kiện này còn được yêu cầu kiểm toán báo cáo tài chính của cả các tổ chức phát hành trái phiếu, điều này dẫn đến quá tải công việc đối với các công ty kiểm toán, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, tốc độ phát hành trái phiếu. Hệ quả là kế hoạch phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể làm gia tăng chi phí cơ hội của doanh nghiệp.

Gây khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Về mục đích phát hành trái phiếu. Hiện nay, Điều 3 Nghị định 90 chỉ cho phép tổ chức phát hành được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ 3 mục đích cụ thể. Đó là thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Nghị định cũng qui định doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành trái phiếu tại phương án phát hành để công bố thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Ngoài ra, việc sử dụng vốn huy động được từ phát hành trái phiếu phải đảm bảo đúng mục đích phát hành quy định tại phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Điều 6 của Dự thảo sửa đổi Nghị định vẫn giữ nguyên những qui định trên. Tuy nhiên, để tránh trường hợp doanh nghiệp bị quy kết là cơ cấu nợ nhằm che giấu nợ xấu theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, gây rủi ro cho nhà đầu tư khi đầu tư vào trái phiếu, cơ quan soạn thảo cần làm rõ điều này. 

Trên thực tế việc mua bán trái phiếu dựa trên cơ sở nhà đầu tư đã đánh giá các rủi ro và xem xét hiệu quả của việc phát hành đối với tổ chức phát hành thông qua việc sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành. Vì vậy, có lẽ không nhất thiết phải có quy định này.

Cuối cùng, về mệnh giá trái phiếu. Mệnh giá trái phiếu phải là 1 tỷ đồng hoặc bội số của 1 tỷ. Trước đây là 100.000 đồng. Mỗi doanh nghiệp quy mô khác nhau thì mệnh giá nên khác nhau, cần chia ra các quy mô doanh nghiệp: lớn, nhỏ và vừa để áp dụng quy định. Ví dụ doanh nghiệp star-up, doanh nghiệp quy mô nhỏ mệnh giá phát hành có thể nhỏ. Như vậy sẽ phù hợp hơn và tránh gây khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để góp phần thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia và thành viên thị trường về Dự thảo sửa đổi Nghị định 90, Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính tổ chức Hội thảo: “Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tác động tới các thành viên thị trường”. 

Hội thảo dự kiến diễn ra ngày 13/12/2017.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ