Sếp Lux Travel: 'Cần một trang mạng được đầu tư bài bản để quảng bá du lịch Việt Nam'

Nhàđầutư
Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Ngô Tiến Đức - Giám đốc vận hành (COO) của Lux Travel (thành viên của Lux Group) cho rằng một trang mạng chính thức được đầu tư bài bản và có chiều sâu để quảng bá du lịch Việt Nam thực sự cần thiết.
HỒ MAI
03, Tháng 09, 2019 | 18:00

Nhàđầutư
Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Ngô Tiến Đức - Giám đốc vận hành (COO) của Lux Travel (thành viên của Lux Group) cho rằng một trang mạng chính thức được đầu tư bài bản và có chiều sâu để quảng bá du lịch Việt Nam thực sự cần thiết.

ngo tien duc

Ông Ngô Tiến Đức - Giám đốc vận hành (COO) của Lux Travel (một thành viên của Lux Group - công ty kinh doanh du thuyền ở Hạ Long).

Chọn nghỉ dưỡng hạng sang là hướng đi vào thị trường ngách, ông đánh giá tiềm năng của phân khúc này ra sao trong tương lai? Ông có thể tiết lộ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Lux Group trong những năm gần đây, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng hạng sang?

Ông Ngô Tiến Đức: Chúng ta đều biết, phân khúc du lịch hạng sang chỉ chiếm khoảng 5% số lượng du khách ở mỗi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, phân khúc khách hàng này có mức chi tiêu rất cao. Khách du lịch vào Việt Nam có mức chi tiêu trung bình là 750 USD một người. Khách du lịch sang trọng chi tiêu gấp 3-5 lần thậm chí họ chi tiêu cao gấp nhiều lần hơn như vậy. Trung bình 1 du khách hạng sang chi tiêu từ 2.000 - 3.000 USD một người cho một chuyến đi du lịch ở Việt Nam.

Với tốc độ tăng chóng mặt của giới triệu phú trên thế giới hiện nay, có thể nói tiềm năng của phân khúc khách hạng sang là rất lớn. Việt Nam hiện nay có rất nhiều khu nghỉ dưỡng hạng sang đáp ứng được nhu cầu của phân khúc này, các bãi biển của Việt Nam cũng lọt vào top các bãi biển đẹp nhất hành tinh nên đã thu hút được giới nhà giàu và siêu giàu đến Việt Nam nghỉ dưỡng. Ví dụ như CEO (giám đốc điều hành), COO (giám đốc vận hành) của Facebook; Calvin Klein đã từng đến Việt Nam nghỉ dưỡng; hay gần đây là tỷ phú Ấn Độ làm đám cưới ở Phú Quốc.

Ngoài cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng là điểm đến an toàn về chính trị nên được nhiều lãnh đạo thế giới lựa chọn cho các cuộc gặp gỡ thượng đỉnh như APEC, Mỹ - Triều... nên cũng là yếu tố thuận lợi để thu hút các chính trị gia, giới nhà giàu biết đến Việt Nam và chọn Việt Nam là điểm nghỉ dưỡng hạng sang cho họ. Vì vậy, tiềm năng cho thị trường này là rất lớn và sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới.

du thuyen

Hình ảnh du thuyền Heritage Cruises của Lux Group.

Đối tượng khách hàng của Luxury Travel được định vị ngay từ khi thành lập là phân khúc khách hàng cao cấp nên chúng tôi không chú trọng vào số lượng mà quan tâm đến những trải nghiệm và cảm xúc của khách hàng với 5C gồm Culture (Văn hóa), Cuisine (Ẩm thực), Customization (Cá nhân hóa), Community (Cộng đồng), Content (độc đáo). Do vậy, doanh thu và lợi nhuận của chúng tôi cũng không lớn như các doanh nghiệp lữ hành khác luôn ổn định và tăng trưởng ở mức độ từ 15% đến 20% một năm.

Ông đánh giá ra sao về tiềm năng, cũng như những điểm còn hạn chế của du lịch của Việt Nam và đâu là cơ hội để phát triển trong tương lai?

Ông Ngô Tiến Đức: Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn vì Việt Nam có bờ biển trải dài khắp đất nước, có hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng với các di sản thiên nhiên vật thể và phi vật thể được Unesco công nhận ở nhiều địa danh trên khắp đất nước, phân bổ giữa các vùng miền, tạo điểm nhấn và sức hút đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Tuy nhiên, đến nay, du lịch Việt Nam vẫn không nhưng chưa phát huy được những thế mạnh mà còn bộc lộ những hạn chế như sau:

Hạn chế đầu tiên là cơ chế chính sách, mặc dù được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chính sách phát triển du lịch của Việt Nam chưa cởi mở và thông thoáng. Chính sách miễn Visa cho du khách quốc tế vào Việt Nam là một ví dụ điểm hình. Chúng ta cần nhìn sang các nước hàng xóm có ngành du lịch phát triển như Thailand, Malaysia, Indonesia, Singapore, để mạnh dạn mở tung cánh cửa chào đón du khách vào Việt Nam. Ngay bên trong đất nước chúng ta, những chính sách cục bộ, ngăn sông cấm chợ, thiếu khuyến khích phát triển du lịch cần được gỡ bỏ càng sớm càng tốt. Ví dụ: không cho phép tàu Hải Phòng đón khách ở Hạ Long hay đưa khách sang thăm quan Vịnh Hạ Long. 

Hạn chế thứ 2 về nguồn nhân lực, chúng ta thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Nhân sự trong nhiều khách sạn, nhà hàng và khu du lịch, đặc biệt là ở những khu vực xa thành phố lớn vẫn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng kém, chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi cho khách du lịch hạng sang. Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp còn thiếu và chuyên môn yếu, đặc biệt là hướng dẫn viên nói được các ngoại ngữ hiếm như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp,...

Chúng ta cần chú trọng đào tạo không chỉ kiến thức chung mà còn đào tạo theo chuẩn năng lực gồm thái độ, hiểu biết và các kỹ năng làm việc. Phát triển du lịch phải song song với đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Muốn phục vụ được khách 4 - 5 sao, phải có nhân lực chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn này. Đào tạo bài bản ngay từ trong trường gắn với thực tiễn công việc để khi ra trường, sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn mà không phải đào tạo lại.

Hạn chế lớn nữa là sản phẩm du lịch. Đây là vấn đề cần quan tâm để tháo gỡ nhất. Hiện chúng ta đang thừa các sản phẩm giống nhau, nhưng thiếu các sản phẩm độc đáo. Khách du lịch hạng sang không những cần những sản phẩm cao cấp đáp ứng cao nhất những nhu cầu và mong muốn của họ mà còn cần những trải nghiệm, những sản phẩm mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Ví dụ, du khách có thể dễ dàng mua vé lên tàu đi thăm Vịnh Hạ Long theo các chương trình được phổ biến trên rất nhiều phương tiện truyền thông và được cung cấp bới bất cứ công ty du lịch nào. Nhưng để có những trải nghiệm trên Du thuyền Heritage Cruises sang trọng tiêu chuẩn quốc tế 5 sao nhưng thuần phong cách Việt lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và lịch sử Việt Nam thì không phải dễ mà có được.

Ngoài ra, chúng ta thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí cả về số lượng và tính hấp dẫn ở các địa điểm du lịch và các khu nghỉ dưỡng. Nhiều du khách nước ngoài hay còn gọi là khách Tây cho biết họ thường đi cùng với bạn bè vào ban đêm uống vài ly bia, đi dạo loanh quanh rồi về khách sạn ngủ. Khách du lịch, đặc biệt là khách hạng sang không có chỗ chơi hay nơi để tiêu tiền, nên thay vì chọn đến Việt Nam hay quay lại Việt Nam, thì họ thường có xu hướng lựa chọn Thái Lan, Indonesia hay các điểm đến khác có nhiều tổ hợp giải trí về đêm kết hợp với nghỉ dưỡng.

Cuối cùng là hạn chế về xúc tiến du lịch. Các hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh/ thành phố chưa bài bản, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, chưa có chiến lược lâu dài mang tính bền vững khiến cho hiệu quả xúc tiến chưa cao. Muốn quảng bá những điểm mạnh của Du lịch Việt Nam bao gồm con người, văn hóa, ẩm thực và kỳ quan thiên nhiên thì không chỉ bằng các hoạt động như triểm lãm, roadshow mà còn cần xúc tiến thông qua các kênh ngoại giao và kinh tế. 

Tóm lại, những hạn chế nêu trên nếu được tháo gỡ với những giải pháp chúng tôi đã đề xuất kèm theo sẽ mở ra các cơ hội cho du lịch Việt Nam phát triển trong những năm tới.

Khai thác phân khúc du lịch hạng sang, ông đánh giá thế nào về các phương thức du lịch trải nghiệm như tour phượt, trekking được khá nhiều người, đặc biệt là giới trẻ rất ưa chuộng?

Ông Ngô Tiến Đức: Trekking hay Phượt là những tên gọi các phương thức trải nghiệm của khách du lịch ưa phiêu lưu. Khách “hạng sang” thường quan tâm đến những trải nghiệm khác biệt trong đó có cả trekking. Ví dụ, khách du lịch hạng sang đi Sapa vẫn thường xuyên đi trekking để chiêm ngưỡng cảnh quan đẹp, khám phá cuộc sống của người dân tại các làng bản ở Sapa. Nhưng thay vì ăn uống và lưu trú tại nhà dân hay khách sạn không đảm bảo chất lượng dịch vụ như mong muốn của khách, chúng tôi sẽ thiết kế cho họ ở tại homestay có chất lượng cao hơn như Eco-Palm House hay Topas Ecolodge. Và như vậy, khách hàng vẫn có thể đi đến những nơi nào họ muốn mà vẫn được hưởng các dịch vụ chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn và không bị giới hạn bởi khái niệm “phượt” hay “trekking”.

Với những khách hàng muốn có những trải nghiệm nguyên bản (authentic experience), như ngủ tại nhà dân với các sinh hoạt đời thường trong khi điều kiện vật chất, vệ sinh không đảm bảo như nhà người Hmong – Dao ở Hoàng Sư Phì, thì chúng tôi đã làm việc với đối tác của mình, để mang “dịch vụ hậu cần” (như chăn ga gối đệm sạch sẽ) như ở Eco Lodge đến nhà dân để sắp đặt trong khi vẫn giữ nguyên hiện trạng của không gian nhà dân. Đối tác của chúng tôi cũng hướng dẫn người dân trong việc giữ gìn vệ sinh khi sinh hoạt, hướng dẫn họ cách nấu ăn sạch sẽ với những nguyên liệu và hương vị địa phương truyền thống để khách hàng vẫn cảm nhận nguyên vẹn ẩm thực địa phương.

Với các loại hình du lịch mạo hiểm, chúng tôi thường khảo sát và lựa chọn đối tác uy tín, chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch trong quá trình tham gia loại hình du lịch này; mặc dù chi phí cho các nhà cung cấp hàng đầu sẽ cao hơn những đối tác phổ thông khác. Những tour “trekking” mạo hiểm, chúng tôi lựa chọn đội ngũ hướng dẫn viên và phục vụ (porter) được đào tạo bài bản các kỹ năng trợ giúp và xử lý tình huống cho khách dưới sự kiểm duyệt gắt gao của các chuyên gia nước ngoài để đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn tuyệt đối cho khách.

Theo ông, việc có một mạng xã hội về du lịch thật "chất" và đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng sẽ là một cách quảng bá tốt nhất cho du lịch Việt Nam?

Ông Ngô Tiến Đức: Có không ít những trang mạng xã hội đang quảng bá cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, một mạng xã hội về du lịch thật “chất” thì hiện chưa có. Một trang mạng chính thức được đầu tư bài bản và có chiều sâu để quảng bá du lịch Việt Nam thực sự cần thiết.

Mục tiêu đầu tiên là làm sao có một mạng xã hội có lượng nội dung đủ lớn, hấp dẫn và luôn được cập nhật để khách du lịch có đủ thông tin để ra quyết định đến Việt Nam. Cần tạo ra một kho nội dung đảm bảo về chất và lượng.

Điều quan trọng thứ hai là mạng xã hội cần tăng khả năng tiếp cận để nhiều người biết đến Việt Nam hơn và thuyết phục họ du lịch tại Việt Nam thay vì các quốc gia khác. Nhiều trang mạng xã hội ở Việt Nam mới chỉ tiếp cận được đối tượng khách du lịch nội địa do rào cản về ngôn ngữ.

Để phát triển được trang mạng xã hội thu hút khách du lịch quốc tế cần có sự tham gia của các công ty du lịch với những sản phẩm hấp dẫn được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ