Phó Thống đốc NHNN: Ngân hàng cũng đang có hàng 'tồn kho'

Nhàđầutư
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, ngành ngân hàng đang đứng trước "hai dòng nước", hoặc là mở cửa ồ ạt, giảm điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng cao; hoặc không tạo điều kiện cho vay thì làm sao tăng trưởng tín dụng? Chính vì vậy, ngân hàng cũng đang "tồn kho", có tiền không thể cho vay.
ĐÌNH VŨ
22, Tháng 08, 2023 | 12:05

Nhàđầutư
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, ngành ngân hàng đang đứng trước "hai dòng nước", hoặc là mở cửa ồ ạt, giảm điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng cao; hoặc không tạo điều kiện cho vay thì làm sao tăng trưởng tín dụng? Chính vì vậy, ngân hàng cũng đang "tồn kho", có tiền không thể cho vay.

pho-thong-doc-dao-minh-tu

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: SBV

Ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm".

Phát biểu đề dẫn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng chưa bao giờ phải đối mặt với những khó khăn lớn như hiện nay. Bài toán đặt ra là làm sao tìm được điểm cân bằng giữa rủi ro và phát triển để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Theo đó, báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây cho biết, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp (-20%), EU (-11%), Trung Quốc (-10%)....

Phó Thống đốc cho biết, sang đến năm 2023, tình hình càng trở nên khó khăn hơn, bằng chứng là tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức thấp nhất trong vòng 12 năm (từ năm 2011 đến nay, ngoại trừ năm 2020), khu vực sản xuất liên tục bị thu hẹp trong nhiều tháng, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm cả về số lượng và quy mô vốn trong khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tiếp tục tăng. Dù các bộ ngành, NHNN đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4,6%, chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ năm 2022 (9,54%).

"Trong 6 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp tiếp cận tín dụng giảm hơn 1.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng", Phó Thống đốc nói.

Theo đó, ông Tú cho biết, từ giữa tháng 9-10/2022 (sau vụ việc SCB), NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, do: Thế giới trong xu hướng thắt chặt tiền tệ, Việt Nam lại phải giảm lãi suất, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ, giảm thủ tục cho vay. Lãi suất hạ liên tục, NHNN sẵn sàng bơm thanh khoản cho các NHTM, "tiền không thiếu". Nhưng thực tế, ngành ngân hàng cũng đang phải đứng trước 2 dòng nước hoặc là mở cửa ồ ạt, giảm điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng lên; hoặc không tạo điều kiện cho vay thì làm sao tăng trưởng được tín dụng?

Đại diện NHNN cho biết, các NHTM cũng rất tích cực cho vay vì họ "sống" chủ yếu bằng tín dụng, huy động vào thì phải cho vay ra. Do vậy có thể nói ngân hàng "cũng đang tồn kho" không bán được hàng, dư thừa thanh khoản, không cho vay được. Tuy nhiên, ngân hàng là ngành đặc thù, không thể như doanh nghiệp, tồn kho có thể hạ giá bán, chấp nhận lỗ nhưng ngân hàng dù có thể hạ lãi suất lại không thể lỗ vì có nguy cơ dẫn tới đổ vỡ.

"Một doanh nghiệp đổ vỡ thì chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp đó, người lao động mất việc nhưng một ngân hàng đổ vỡ sẽ kéo cả hệ thống khó khăn theo. Vì vậy, ngân hàng có thể lãi nhiều lãi ít nhưng không thể lỗ", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Khó khăn tín dụng từ tiêu dùng bất động sản

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2023 thấp là do khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, đặc biệt dư nợ tiêu dùng bất động sản giảm, trong khi cùng kỳ nhiều năm trở lại đây tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).

"Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn", bà Giang lý giải.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

Về dư địa giảm lãi suất từ nay tới cuối năm, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN đã gây áp lực trong điều hành chính sách tiền tệ. NHNN cũng đã có những chính sách đồng bộ để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, hiện nay lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm, bình quân lãi suất cho vay đã giảm hơn 1% từ đầu năm. Với độ trễ chính sách, kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm.

Mục tiêu của NHNN thời gian tới là theo dõi sát diễn biến vĩ mô, chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ