Phát triển thành quả thu hút FDI: Vùng Bắc Trung Bộ cần thêm cách làm mới

Nhàđầutư
Những năm gần đây, vùng Bắc Trung Bộ (BTB) đang trở thành điểm nhấn tích cực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thành công đã đạt được, 6 tỉnh của vùng cần tiếp tục nghiên cứu, đưa thêm những cách làm mới, mang tính đột phá.
BÍCH KHÁNH
26, Tháng 06, 2019 | 08:44

Nhàđầutư
Những năm gần đây, vùng Bắc Trung Bộ (BTB) đang trở thành điểm nhấn tích cực trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thành công đã đạt được, 6 tỉnh của vùng cần tiếp tục nghiên cứu, đưa thêm những cách làm mới, mang tính đột phá.

PHAT TRIEN vung bac trung bo

 

Kết quả tích cực chỉ là điểm xuất phát

Năm 2011, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực BTB nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét các tỉnh vủng BTB chưa thực sự hiện hữu trong định hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, tiềm năng của vùng vẫn tiềm ẩn. Thời điểm đó, toàn vùng mới thu hút được 243 dự án với tổng vốn đăng ký 19,9 tỷ USD (chiếm 10% tổng vốn đăng ký cả nước).

Tuy nhiên, đến nay số dự án và số vốn FDI trên đã có sự bứt phá tích cực, các doanh nghiệp cho thấy đang bắt đầu nhìn nhận ngày càng rõ tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư hấp dẫn của 6 tỉnh thuộc vùng có thể mang lại lợi nhuận tốt cho họ.

Tính đến tháng 5/2019, vùng BTB thu hút được hơn 402 dự án với tổng vốn đầu tư 32 tỷ USD, (chiếm gần 10% so với 350 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào Việt Nam). Đây là con số khả quan khi so sánh với một số vùng miền có thế mạnh thu hút FDI truyền thống khác, nhất là khi đặt cạnh hơn 25 tỷ USD vốn FDI thu hút hút được của 8 tỉnh Nam Trung Bộ.

Về nguyên nhân bứt phá của vùng BTB trong thu hút vốn FDI, bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp đã và đang chuyển xu hướng đầu tư sang các vùng miền mới, nổi bật có sự cố gắng liên tục của các tỉnh trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại có tính gắn kết với nhiều vùng miền và quốc tế, việc chủ động trong công tác xúc tiến đầu tư, ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn; các tiềm năng lợi thế phù hợp với định hướng đầu tư của doanh nghiệp FDI…

Cụ thể hơn, BTB hiện được coi là thị trường rộng mở, đa dạng với nhiều ngành nghề thu hút đầu tư đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu, đưa ra quyết định rót vốn vào 19/21 ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Cơ cấu vốn đầu tư được chuyển dịch đúng hướng, đúng tỷ trọng vào ngành, nghề trọng tâm các địa phương đã đặt ra.

Theo đó, với vị trí địa lý nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây nối Lào với biển Đông và Bắc Nam, có đầy đủ hạ tầng cảng nước sâu, sân bay, đường sắt; lợi thế nhân công dồi dào; các khu kinh tế, công nghiệp đa ngành nghề, chuyên biệt về thép, xi măng, lọc dầu…đã giúp dòng chảy vốn FDI vào ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo trở nên lớn nhất, với hơn 24 tỷ USD.

Một thị trường tiêu thụ rộng lớn, có tính kết nối cao với các vùng miền; lợi thế bờ biển, đất đai mầu mỡ, vùng nguyên liệu lớn của cả nước, thuận lợi giao lưu trao đổi hàng hóa… cũng tạo thế, lực cho vùng BTB ở một số lĩnh vực thu hút vốn FDI như: sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với hơn 3,1 tỷ USD; vui chơi và giải trí với 2 tỷ USD; kinh doanh bất động sản hơn 631 triệu USD; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hơn 381 triệu USD.

Ngoài những lĩnh vực trên, các tỉnh BTB còn tạo lợi nhuận với doanh nghiệp nước ngoài ở một số ngành, nghề khá đặc thù: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Giáo dục và đào tạo… Đây là những lĩnh vực tiềm năng, hứa hẹn sễ góp phần gia tăng các quyết định tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp FDI trong tương lai.

Trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hiện diện tại các tỉnh BTB và tạo sự lan tỏa, góp phần hình thành động lực thúc đẩy trong thu hút FDI với các tỉnh, thành khác. Trong đó nổi bật thương hiệu của tập đoàn, doanh nghiệp đến từ các quốc gia có trình độ cao về công nghệ, tiềm lực kinh tế vững mạnh: Tập đoàn Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Công ty Scavi ( Pháp), Tập đoàn bia Carlsberg (Đan Mạch), Tập đoàn SBH (Tây Ban Nha), Công ty Quarzwerke (CHLB Đức); Tập đoàn Banyan Tree (Singapore)…. Nhiều dự án lớn đã triển khai thành công: Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I, Nhà máy may Sakurai...

Một số Khu kinh tế, Khu công nghiệp trong vùng BTB hiện hoạt động rất hiệu quả, được coi là trụ cột trong thu hút vốn FDI không chỉ ở phạm vi tỉnh, mà còn của cả Vùng.

Trong đó, có thể nhắc đến khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), nơi tập trung tới 42 dự án FDI, vốn đăng ký đầu tư 13,215 tỷ USD (chiếm 94 % tổng vốn FDI của Thanh Hóa); bên cạnh đó là các Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Khu kinh Đông Nam (Nghệ An)…

Tại các dự án FDI, người lao động có cơ hội tiếp cận việc làm với thu nhập cao, ổn định. Gần đây, khi dự án Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn và các dự án của Tập đoàng Hong Fu tại Thanh Hóa đi vào hoạt động, đã giải quyết khoảng gần 72.000 lao động thường xuyên. Số lao động trong khu vực có vốn FDI của Hà Tĩnh cũng lên tới 9.546 lao động…

Các dự án FDI luôn được 6 tỉnh đánh giá cao vì đa số hoạt động hiệu quả, triển khai đúng tiến độ, tốc độ giải ngân cao, đóng góp chủ yếu vào giá trị sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách… trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2018, riêng thu xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Tĩnh vào khoảng 6.000 tỷ đồng thì trong đó thu từ doanh nghiệp FDI khoảng 5.520 tỷ đồng, chiếm tới 92%; doanh thu khu vực FDI của Thừa Thiên - Huế đạt khoảng 881,8 triệu USD (tăng 10,2% so với cùng kỳ), nộp ngân sách khoảng 87,83 triệu USD (tăng 6,2 % so với cùng kỳ)…

Nhận định “điểm nhấn” thu hút vốn FDI BTB, phải nhắc đến hai điển hình xếp trong top 10 tỉnh, thành cả nước về thu hút nhiều vốn FDI nhất: Thanh Hóa đang giữ vị trí 8/10 và Hà Tĩnh là 9/10. Tổng vốn FDI đổ vào hai tỉnh là hơn 25 tỷ USD (chiếm 79% tổng vốn FDI cả vùng)

Theo đó, Thanh Hóa hiện có 125 dự án còn hiệu lực phân bổ vào 14 phân ngành, vốn đăng ký đầu tư hơn 13 tỷ USD. Năm 2018, Thanh Hóa đã thẩm định và cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) mới cho 14 dự án, với tổng vốn đầu tư 96,3 triệu USD. Trước đó, 6 tháng đầu của năm 2017, Thanh Hóa từng trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI với 14,32 tỷ USD (chiếm 15.9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam thời điểm đó).

Song hành cùng Thanh Hóa, với hơn 11 tỷ USD vốn FDI thu hút được, Hà Tĩnh có 75 dự án triển khai tại địa bàn đến từ 17 quốc gia, phân bổ vào 25 ngành, nghề. Năm 2018, Hà Tĩnh đã tiến hành cấp mới giấy CNĐKĐT cho 08 dự án với tổng số vốn đăng ký 96,615 triệu USD.

Tuy nhiên, khát quát về tổng vốn thu hút được giữa các tỉnh vùng BTB, có thể thấy sự chênh lệnh khá lớn. Cụ thể, khi Thanh Hóa và Hà Tĩnh với thứ tự thu hút hơn 13 và 11 tỷ USD; thì Huế thu hút được hơn 3,6 tỷ USD, Nghệ An hơn 2 tỷ USD và Quảng Bình là 766,79 triệu USD và Quảng Trị thấp nhất với hơn 64 triệu USD.

Bên cạnh đó, một số ngành, nghề quan trọng như lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ vốn đầu tư thu hút còn thấp; chỉ 04 tỉnh có dự án với hơn 11 triệu USD; Quảng Trị và Hà Tĩnh chưa thu hút được dự án.

Ngoài ra, nhiều lĩnh vực gắn với thế mạnh chung của nhiều tỉnh trong vùng cũng chưa thực sự phát huy vai trò trong thu hút vốn FDI. Cụ thể, các dự án nông nghiệp công nghệ cao; dự án xử lý rác thải, xử lý nước; năng lượng tái tạo…còn thấp, số vốn thu hút được còn khiêm tốn, chất lượng chưa như kỳ vọng. Cơ cấu vốn còn phụ thuộc nhiều vào số ít quốc gia, trong đó chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan. Các doanh nghiệp FDI cũng chưa thực sự có sự liên liên kết với nhau trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm, khu vực tư nhân.

Những nhận định trên, không chỉ vẽ nên bức tranh tổng thể về thu hút FDI của các tỉnh BTB, quan trọng hơn đó là cơ sở để các địa phương có thể tiếp tục nghiên cứu những mặt mạnh, yếu trong trông tác đầu tư nước ngoài. Từ đó, có đối sách và giải mới, phù hợp hơn nữa trong nhiệm vụ thu hút vốn FDI.

Vẫn là các cản trở cũ

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, số vốn FDI các tỉnh BTB hiện thu hút được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như tương đồng với quyết tâm của các địa phương. Nguyên nhân tạo cản trở trong thu hút FDI đã được các tỉnh đưa ra trong “Báo cáo cập nhật tình hình ĐTNN năm 2018 và kế hoạch năm 2019”. Đáng tiếc một số “lý do cũ”, nhưng hiện vẫn là tồn tại cần giải quyết của không ít tỉnh.

Cụ thể, điểm nghẽn phải tháo gỡ cũng đang là rào cản trực tiếp trong việc đón đầu các dự án công nghệ cao chính là trình độ kỹ thuật, công nghệ, ngoại ngữ của đội ngũ lao động còn thấp. Sự chậm trễ trong công tác tạo mặt bằng sạch đã làm chậm tiến độ triển khai của không ít dự án, thậm chí ảnh hưởng đến cả dự án trọng điểm.

Ngoài ra, một loạt nguyên nhân khác cũng đang góp sức gián tiếp làm nản lòng nhiều nhà đầu tư như sự thiếu phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, địa phương trong công tác ĐTNN; thủ tục đầu tư vẫn rườm rà, một dự án phải chịu nhiều sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật; cơ chế chính sách thu hút đầu tư có giai đoạn định hướng chưa rõ rang; coi trọng số lượng dự án và số vốn đăng ký đầu tư, chưa chú trọng đến chất lượng dự án; một số cơ sở hạ tầng trọng yếu chưa được đầu tư xây dựng hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng…

Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của một số địa phương trong vùng BTB đôi lúc chưa được quan tâm cải thiện theo hướng năm sau tăng hơn năm trước. Thậm chí chỉ số PCI năm 2018 của Quảng Bình còn sụt 9 bậc so với năm 2017 (xếp thứ 54 trên cả nước). Những tồn tại trên rất cần được giải quyết quyết triệt để trong thời gian sớm. Không thể để nó tiếp tục là rào cản trong thu hút vốn FDI kéo dài từ từ năm này sang năm khác.

PHAT TRIEN vung bac trung bo 2

 

Lợi thế lớn, không quên tiềm năng nhỏ

Để duy tri vị thế và gặt hái thêm nhiều thành công trong thu hút vốn FDI, các tỉnh thành đã xây dựng chiến lược lâu dài và ngắn hạn trong công tác đầu tư nước ngoài. Định hướng thu hút được các tỉnh tập trung chủ yếu vào khá nhiều trụ cột: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng, nông sản sạch… Riêng kế hoạch năm 2019, Thanh Hóa đưa ra mục tiêu thu hút 8 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 678 triệu USD. Hà Tĩnh 15 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 2.250 triệu USD…

Tuy nhiên, để thực hiện thành công những chỉ tiêu đưa ra, rất cần các tỉnh sắp xếp định hướng, kế hoạch theo thứ tự ưu tiên quan tâm mời gọi đầu tư, để từ đó dồn các nguồn lực triển khai.

Ngoài ra, liên quan thế mạnh lớn trong thu hút vốn FDI của đa số địa phương nhất là Quảng Bình và Quảng Trị là du lịch, tuy đã khai thác khá hiệu quả thời gian qua từ nguồn vốn doanh nghiệp, tập đoàn trong nước, nhưng vẫn thiếu bóng dáng nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cần giải pháp riêng thúc đẩy nguồn vốn FDI hơn.

Trong đó, chú ý triển khai chính sách mới có thể tạo mặt bằng sạch trong thời gian nhanh nhất phục vụ dự án; tạo thêm các vị trí đầu tư mới và đưa thông tin dự án đến doanh nghiệp nước ngoài một cách nhanh nhất.Với các dự án lớn đang vướng hiện nay, cần thúc đẩy tiến độ như Dự án Khu Du lịch Laguna Lăng Cô, Khu du lịch Bãi Chuối (Huế).

Trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; các tỉnh cũng cần triển khai quyết liệt kế hoạch đặt ra năm 2019. Cụ thể, Quảng Bình cần thúc đẩy kế hoạch thu hút, vận động và cấp giấy CNĐKĐT với dự án Trang trại điện gió B&T, tổng mức đầu tư 493 triệu USD (B&T Windfam triển khai). Dự án Điện mặt trời với 54 triệu USD (Tập đoàn Solar Philippines, đầu tư). Nhà máy điện khí sinh học (Công ty ME-LE Biogas GmbH) tại Hà Tĩnh của Cộng hòa Liên bang Đức…

Một thị trường hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài, bên cạnh thế mạnh thu hút đầu tư truyền thống, cần đảm bảo sự đa dạng với việc liên tục khai thác thêm các ngành, nghề mời gọi đầu tư mới. Qua đó, mở rộng thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư trong định hướng kinh doanh, kết nối thêm với doanh nghiệp ở những lĩnh vực tương thích, cũng là để tận dụng những lĩnh vực chưa được coi là thế mạnh thu hút vốn FDI của các địa phương.

Bên cạnh mục tiêu mời gọi những dự án lớn, nhà đầu tư có năng lực tài chính từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; các nước sở hữu công nghệ nguồn thuộc nhóm G7… cần chú ý nhà đầu tư, dự án vừa và nhỏ nhưng có tác động tốt tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần quan tâm các nước có nền kinh tế mới nổi, các dự án công nghệ cao, có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, dự án phù hợp với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0…

Đặc biệt, các tỉnh luôn phải đổi mới chính sách thu hút, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư sao cho phù hợp với bối cảnh hiện nay và tương lai. Chú trọng sáng tạo các hình thức thông tin, xúc tiến đầu tư; trong đó quảng bá và công bố rộng rãi các thông tin về quy hoạch đất, xây dựng, phát triển ngành và vùng kinh tế bền vững, danh mục dự án mời gọi đầu tư, ưu đãi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài. Chương trình xúc tiến đầu tư luôn tạo tính hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí mời gọi đầu tư, văn hóa từng quốc gia…

Hy vọng với những quyết tâm và cách làm mới năng động, các tỉnh sẽ tiếp tục vươt xa những con số trong thu hút vốn FDI đã đạt được hiện nay, để trong thời gian tới đây vùng BTB luôn là lựa chọn đầu tiên trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24610.00 24930.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30551.00 31735.00 31684.00
HKD 3105.00 3117.00 3219.00
CHF 27051.00 27160.00 28008.00
JPY 159.87 160.51 167.97
AUD 15844.00 15908.00 16394.00
SGD 18015.00 18087.00 18623.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17865.00 17937.00 18467.00
NZD   14602.00 15091.00
KRW   17.66 19.27
DKK   3523.00 3654.00
SEK   2299.00 2389.00
NOK   2259.00 2349.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ