PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến: Cần chế tài đánh giá năng lực doanh nghiệp tham gia đấu giá

Nhàđầutư
PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng cần có chế tài đánh giá năng lực các doanh nghiệp tham gia đấu giá, trong đó bao gồm hồ sơ pháp lý cũng như việc quá khứ đã có hiện tượng bỏ cọc hay chưa.
THANH TRẦN
04, Tháng 03, 2022 | 05:58

Nhàđầutư
PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng cần có chế tài đánh giá năng lực các doanh nghiệp tham gia đấu giá, trong đó bao gồm hồ sơ pháp lý cũng như việc quá khứ đã có hiện tượng bỏ cọc hay chưa.

td-tuyen-thieu-1031

PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ngày 3/3, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhà đã tổ chức toạ đàm "Chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất" nhằm đánh giá thực trạng đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua, từ đó kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, phát huy hiệu quả công cụ đấu giá quyền sử dụng đất.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết, đất đai chính là nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước. Nếu không sớm tìm ra cơ chế thích hợp để tận dụng và khai thác nó, thì việc thực hiện các mục tiêu, tham vọng về phát triển kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thời gian vừa qua, trên thị trường đã xuất hiện nhiều trường hợp các doanh nghiệp bỏ cọc sau khi tham gia đấu giá đất. Về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, quá trình đấu giá quyền sử dụng không có lỗi mà lỗi là do cơ chế chính sách, cũng như cách thức thực hiện.

Trong năm vừa qua, tỷ lệ đóng góp ngân sách nhà nước từ đấu giá đất đã tăng mạnh (khoảng 16-17%).

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tài nguyên đất đai khan hiếm, nhu cầu sử dụng đất tăng, hình thức đấu giá đã tạo ra cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp và người dân để tiếp cận một cách công khai minh bạch.

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tình trạng bỏ cọc của các nhà đầu tư tại địa phương là không mới. Tuy nhiên, gần đây, sau câu chuyện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, thì chúng ta mới để ý đến nó. Về cơ bản, những nhà đầu tư này cũng không vi phạm pháp luật", ông Tuyến nói.

Tuy nhiên, theo ông, câu chuyện cần phân tích ở đây chính là qua những vụ việc bỏ cọc với giá cao như vậy, thì nó sẽ dẫn đến hệ lụy gì về kinh tế xã hội. Vấn đề này là rất đáng lo ngại và cần được xem xét kỹ lưỡng.

Theo Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, những vụ đấu giá cao bất thường sẽ khiến mặt bằng giá bất động sản trong khu vực tăng cao, lên một mức 'ảo'. Bên cạnh đó, nó cũng khiến công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án gặp khó khăn.

Ông Tuyến cho rằng, nhân dịp này, các cơ quan quản lý cần phải rà soát lại, nếu quy định nào chưa phù hợp, thì sửa đổi, bổ sung. Nếu không làm sớm, thì chắc chắn, những câu chuyện như vậy sẽ còn tái diễn.

"Đúng là hệ thống pháp luật của chúng ta đã có cơ chế. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra ở đây, chính là với hệ thống như vậy, khi áp dụng vào thực tế, thì có hiệu quả hay không. Tại sao cơ chế đầy đủ rồi, nhưng khi áp dụng lại không thể đạt được mục đích của việc tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp đấu giá cao, nhưng nhà nước về cơ bản chỉ thu được tiền cọc", ông Tuyến chia sẻ.

Cũng tại tòa đàm, PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến đã khuyến nghị rằng, hiện tại, cần có chế tài đánh giá các doanh nghiệp tham gia đấu giá, "xem hồ sơ pháp lý có sạch sẽ hay không, trong 5 năm qua có bỏ cọc sau đấu giá hay không. Nếu vi phạm thì nên không cho tham gia".

Ngoài ra, các chế tài xử phạt cần nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp bỏ cọc như bổ sung mức tiền phạt hay cấm trong 5 năm không được tham gia đấu giá. Nếu tái phạm, có thể xem xét về xử lý trách nhiệm hình sự.

"Không nên để doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật, coi đấu giá là trò chơi để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta cần yêu cầu các nhà đầu tư phải có trách nhiệm với xã hội cũng như tính bền vững của thị trường", ông Tuyến khẳng định.

Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến cũng phân tích quy định về giá đất trong Luật Đất đai có điểm trừ lớn, trong đó bao gồm hình thức quy định giá đất. Trước đây, giá đất quy định phải sát với giá thị trường. Tuy nhiên, sau khi sửa đổi luật, giá đất quy định hiện tại phải phù hợp với giá chuyển nhượng thị trường.

Theo ông, đây là một hình thức thiên về định tính hơn là định lượng, và không hiệu quả.

"Không chỉ vậy, chúng ta cần xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống kiểm định thông tin thị trường. Đặc biệt, trong thời gian tới, sớm thành lập một cơ quan thẩm định độc lập để xác định giá đất nhằm tránh được những bất cập hiện hữu", ông Tuyến cho biết.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ