Những tù nhân tỷ phú Việt Nam

Nhàđầutư
Đứng trên đỉnh cao của giàu sang và danh vọng nhưng nhiều triệu phú, tỷ phú của Việt Nam - ông chủ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên sàn chứng khoán đã rơi vào vòng lao lý như ông Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Đoàn Văn An...
HỒ MAI
15, Tháng 03, 2018 | 06:30

Nhàđầutư
Đứng trên đỉnh cao của giàu sang và danh vọng nhưng nhiều triệu phú, tỷ phú của Việt Nam - ông chủ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên sàn chứng khoán đã rơi vào vòng lao lý như ông Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Đoàn Văn An...

Câu chuyện về tỷ phú Việt nhận được nhiều sự quan tâm khi mới đây Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD (ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Bá Dương - Chủ tịch công ty ô tô Thaco), nâng tổng số lên thành 4 tỷ phú (cùng với ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air) trong danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2018 mà tạp chí Forbes của Mỹ công bố. 

Các tỷ phú này đều là chủ của những tập đoàn tư nhân niêm yết trên sàn chứng khoán, dẫn đầu các ngành công nghiệp, dịch vụ quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Việc liên tiếp có thêm các tỷ phú USD lọt vào top những người giàu nhất hành tinh phần nào khẳng định sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam, cũng như tài năng, sự cống hiến của các ông chủ.

Dù vậy, đứng trên đỉnh cao của giàu sang và danh vọng, cũng có không ít các triệu phú, tỷ phú của Việt Nam - ông chủ các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên sàn chứng khoán đã rơi vào vòng lao lý.

Nguyễn Đức Kiên -  trùm ngân hàng một thời 

Ngày 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị bắt, để điều tra liên quan tới các sai phạm trong hoạt động kinh tế tại 3 công ty con do ông làm chủ tịch Hội đồng quản trị (gồm Công ty Đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội).

Cơ quan điều tra xác định thường trực HĐQT của ACB đã ban hành chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, và uỷ quyền cho bị cáo Kiên trực tiếp làm. Chủ trương này được cho là trái quy định của nhà nước, khiến ACB bị thua lỗ gần 688 tỷ đồng.

Sự kiện bắt bầu Kiên đã gây chấn động thị trường tài chính ngân hàng thời điểm đó. Vụ án này được coi là đại án trong giai đoạn 2012 – 2014, tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và được sự quan tâm lớn của dư luận.

bau kien

Ông Nguyễn Đức Kiên - cựu Chủ tịch Ngân hàng ACB. 

Năm 2014 sau phiên tòa sơ thẩm, tháng 12/2014, Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm với ông Nguyễn Đức Kiên tổng cộng 30 năm tù giam, nộp phạt 75 tỷ đồng trốn thuế, 100 triệu đồng tội lừa đảo.

Cuối 2013, bầu Kiên vẫn nằm trong tốp 25 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, còn gia đình ông cũng nằm trong tốp 15. Bên cạnh đó, ông trùm ngân hàng một thời này còn rất nhiều các tài sản khác.

Không ít ý kiến cho rằng ông Kiên có thể còn nắm giữ cổ phiếu tại nhiều ngân hàng khác. Cách đây vài năm, gia đình ông Kiên nắm giữ 15% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Á. Ngân hàng Đại Á có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng, tính ra tài sản của ông Kiên tại ngân hàng này vào khoảng 450 tỷ đồng.

Chính ông bầu này tự công bố bí mật là “cổ đông chính” của ngân hàng Eximbank, ngân hàng tài trợ hàng năm cho V.League hàng chục tỷ đồng.

Bầu Kiên cũng từng tiết lộ là có cổ phần tại Kienlong Bank - ngân hàng được cho là do bầu Kiên và một đại gia ngành nội thất, bất động sản khác đứng tên thành lập.

Không những vậy, ông Kiên và vợ đứng tên sở hữu nhiều bất động sản gồm: nhà và đất tại số 5 Hồ Biểu Chánh (phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM); nhà và đất ở số 22 Hoàng Dư Khương (phường 12, quận 10, TP HCM); hơn 2.400 m2 đất tại 78/6 Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM). Ngôi biệt thự vào loại đắt và đẹp nhất Hà Nội, biệt thự tọa lạc cạnh hồ Tây, thuộc mảnh đất “kim cương” ở Hà Nội, rộng 1,3 ha. Đây cũng là nơi mà gia đình ông chọn làm nơi cư trú.

Tháng 5/2014, trước toà, ông Kiên đã khai về mối quan hệ giữa ông và ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Ông Nguyễn Đức Kiên lấy quyền là Chủ tịch HĐQT chỉ đạo Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) hoán đổi 30 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (Thép Hòa Phát).

Tháng 5/2010, ACBI thế chấp hơn 22,4 triệu cổ phần này cho ACB để bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Tháng 4/2012, ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, đề nghị bán lại 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát (tương ứng 264 tỷ đồng) nhằm tăng sở hữu vốn của tập đoàn này tại các công ty thành viên.

tran dinh long - nguyen duc kien

 Ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Đức Kiên được biết đến là bạn bè thân thiết trong làng thể thao.

ACBI đề nghị cho giải chấp 20 triệu cổ phần của Thép Hòa Phát đang thế chấp tại ACB song không được đồng ý. Dù vậy, Nguyễn Đức Kiên vẫn chỉ đạo nhân viên soạn quyết định của HĐQT để ông ký, thể hiện việc đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát. Sau đó, ACBI ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát và nhận 264 tỷ đồng.

Bầu Kiên khai: “Anh Long nhiều lần nói với tôi muốn cơ cấu lại cổ phần của công ty Thép Hòa Phát. Tôi không muốn bán cổ phần của ACBI. Sau đó anh Long nhờ tôi giúp đỡ, muốn mua lại cổ phần từ công ty tôi. Tôi và anh Long thống nhất với nhau sẽ hoán đổi cổ phiếu. Anh Long nói tôi xác định giá, tôi giao việc này cho cấp dưới”.

Tuy nhiên, khi được tòa hỏi, ông Long đã chối bỏ, nói rằng không biết số cổ phiếu trên đang bị thế chấp. Ông Long giải thích mói quan hệ của mình: “Tôi và anh Kiên quen biết nhau từ năm 2001, qua việc có cùng sở thích bóng đá. Chính tôi là người đứng ra tiến hành đàm phán về giá cả để mua số cổ phần này”.

Bán cổ phiếu cho Trần Đình Long đã khiến bầu Kiên bị truy tố. Dù ông Long nói ngược lại lời khai của mình song bầu Kiên không ngừng nhắc đến tình bạn giữa hai người và nói: “Uy tín của chúng tôi không nằm ở 264 tỷ đồng. Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”

Ông Long đã nhận lại được toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng do cơ quan điều tra chuyển. Ông Kiên với ông Long được biết đến là những người bạn thân thiết trong làng thể thao khi đều từng là những ông bầu nổi tiếng của các đội bóng. Giờ đây, ông Long là tỷ phú đô la còn ông Kiên đang thụ án trong trại giam.

Hà Văn Thắm - tỷ phú USD có thừa

Sau 3 năm, năm 2017, đại án Ngân hàng OceanBank đã đi đến hồi kết bằng những bản án với các bị cáo liên quan. Bên cạnh án tử hình dành cho Nguyễn Xuân Sơn, “đại gia” Hà Văn Thắm lĩnh án chung thân do tội Tham ô tài sản, cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay tại các tổ chức tín dụng.

Cuối tháng 10/2014 khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Group bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

ha van tham

Ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ocean Group. 

Trước khi bị bắt vào tháng 10/2014, ông Hà Văn Thắm, sinh năm 1972, từng là ông chủ nhiều thương hiệu nổi tiếng như Oceangroup (bất động sản), OceanBank (ngân hàng), Ocean Hospitality (khách sạn, du lịch), Kem Tràng Tiền, bánh Givral (thực phẩm), hệ thống OceanMart (bán lẻ), Chứng khoán Đại Dương (OCS)...

Ông Hà Văn Thắm trở nên nổi bật hơn bao giờ hết từ giữa 2010 với cương vị là chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC), khi đó chưa đến 40 tuổi. Ocean Group của ông Thắm được biết đến là một tập đoàn kinh tế đa ngành, từ bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông và thương mại thực phẩm...

Chỉ một thời gian ngắn sau đó OceanGroup đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán thời bấy giờ, với vốn hóa thị trường lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Năm 2011, ông Thắm lọt top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán và còn nằm trong nhóm này 2 năm sau đó.

Trong lĩnh vực bất động sản, OceanGroup có nhiều dự án khá nổi tiếng, trải từ Bắc chí Nam như: VNT Tower Nguyễn Trãi, StarCity Lê Văn Lương, StarCity Center, StarBowl (Phạm Ngọc Thạch),...

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Thắm và OGC là cổ đông lớn chi phối tại OceanBank, Ocean Sercurities,... Ông Thắm còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu nhiều doanh nghiệp như Ocean Hospitality (75%), Bảo Hà, Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long, Ocean Media (50%),... và có thời điểm là thành viên HĐQT Vinamilk, VS Industry Việt Nam…

Cú thâu tóm Kem Tràng Tiền hay “khu đất vành khăn hơn 5ha” thuộc khu đô thị mới Đông Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội)... là những lần mà tên tuổi “đại gia” này phủ kín mặt báo.

Nhiều thông tin tham chiếu từ giới tài chính đều nhìn nhận vị nguyên Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương có thể là tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam trong bảng xếp hạng những người siêu giàu do Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) bình chọn năm 2014.

Tháng 9/2014, Wealth-X và UBS công bố báo cáo “Billionaire Census 2014”. Trong đó, Việt Nam có 2 tỷ phú với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD, mà Hà Văn Thắm (Ocean Group) là một cái tên đang chú ý.

Đoàn Văn An - ông chủ GPBank

Tháng 12/2017, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch GPBank 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước khi GPBank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, ông Đoàn Văn An là cổ đông lớn nhất tại GPBank với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 55,32%. 

doan van an

Ông Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch GPBank.

Ngoài việc nắm giữ cương vị lãnh đạo cấp cao tại GPBank ông Đoàn Văn An đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sân gôn Ngôi sao Chí Linh, Ủy viên HĐQT độc lập không điều hành Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện.

Tại buổi tuyên án, Hội đồng xét xử công bố, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Đoàn Văn An tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Bắc với Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), Công ty Cổ phần Ngôi sao Chí Linh (vốn điều lệ 200 tỷ đồng, là công ty sở hữu và điều hành sân gôn Ngôi sao Chí Linh), Công ty TNHH Đại Lải (vốn điều lệ 150 tỷ đồng, là công ty sở hữu và điều hành sân gôn Đại Lải), và Cong ty Cổ phần Ngôi sao Hà Nội đã thế chấp tài sản của mình để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho bị cáo Đoàn Văn An. Đây là những công ty do Đoàn Văn An và những người thân trong gia đình nắm cổ phần.

Những tài sản do ông Đoàn Văn An đứng tên bị kê biên trong vụ án này gồm: 68% cổ phần tại Sân gôn Ngôi Sao Chí Linh; 50% cổ phần tại Nhà máy xi măng Hà Giang; 75% cổ phần tại Công ty Sao Bắc; 80% cổ phần tại một công ty Dược; 18% cổ phần tại Công ty Thiết bị Hoàng Long; 21% cổ phần tại Khách sạn Dân Chủ; 4% cổ phần tại Công ty du lịch Hà Nội – Hạ Long; 22,5% cổ phần tại Công ty Cổ phần Hà Quang, 40 ha đất tại Công ty Đại Lải, tương đương 33,3% cổ phần Sân gôn Đại Lải.

Các tài sản do ông Đoàn Văn An sở hữu đã được chuyển quyền sở hữu gồm: 18% cổ phần tại Nhà máy điện Hạ Long, 100% cổ phần tại khách sạn Ngọc Khánh, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Thủ Đô, và Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội – Hạ Long.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24600.00 24620.00 24940.00
EUR 26373.00 26479.00 27646.00
GBP 30747.00 30933.00 31883.00
HKD 3106.00 3118.00 3220.00
CHF 27080.00 27189.00 28038.00
JPY 159.61 160.25 167.69
AUD 15992.00 16056.00 16544.00
SGD 18111.00 18184.00 18724.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17987.00 18059.00 18594.00
NZD   14750.00 15241.00
KRW   17.82 19.46
DKK   3544.00 3676.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2280.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ