[CAFÉ Cuối tuần] Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump: Thách thức nào cho Hòa Phát và các công ty nhôm thép Việt?

Nhàđầutư
Sắc lệnh áp thuế nhập khẩu nhôm thép mà Tổng thống Mỹ vừa ký được xem như phép thử thái độ. Với ngành thép Việt, thay vì trả đũa thương mại thì việc chứng minh "sự trong sạch" rằng toàn bộ lượng thép xuất khẩu sang Mỹ là có nguồn gốc nội địa có thể sẽ lọt vào tầm "xem xét" của ông Trump.
HỒ MAI
10, Tháng 03, 2018 | 05:57

Nhàđầutư
Sắc lệnh áp thuế nhập khẩu nhôm thép mà Tổng thống Mỹ vừa ký được xem như phép thử thái độ. Với ngành thép Việt, thay vì trả đũa thương mại thì việc chứng minh "sự trong sạch" rằng toàn bộ lượng thép xuất khẩu sang Mỹ là có nguồn gốc nội địa có thể sẽ lọt vào tầm "xem xét" của ông Trump.

Giống như một show truyền hình thực tế mà Tổng thống Mỹ - Donald Trump là người đã có quá nhiều kinh nghiệm, những sóng gió mà vị tổng thống thứ 45 tạo ra ngay ở phút cuối cùng khiến thế giới đứng ngồi không yên, trong đó có cả Việt Nam.

Xem 'thái độ' để đánh thuế

Cuối cùng, đúng ngày 8/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump "nói là làm" khi hiện thức hóa một trong những lời hứa gây tranh cãi nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống bằng cách ký lệnh áp thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Ông Donald Trump ký sắc lệnh tại phòng Roosevelt của Nhà Trắng, xung quanh là các công nhân được cho là sẽ hưởng lợi từ động thái này. Mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm sẽ có hiệu lực trong 15 ngày kể từ ngày ký. 

“Hôm nay, tôi đang bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định khi nói về thâm hụt thương mại thép và nhôm thời gian qua và cho rằng, "đây không chỉ là thảm họa kinh tế, mà đó là thảm họa an ninh".

trump

Tổng thống Trump ký lệnh thuế nhôm, thép nhập khẩu trong căn phòng Roosevelt của Nhà Trắng hôm 8/3. Ảnh: Reuters 

Dù vậy, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vẫn tỏ ra là một nhà thương lượng tài ba khi chỉ vài giờ trước khi đặt bút ký quyết định áp dụng biểu thuế nhập khẩu mới ngày 8/3, ông lấp lửng việc sẽ miễn biểu thuế mới cho một vài nước, tùy vào thái độ. Trong khi trước đó, thông tin từ một cố vấn của ông Trump rằng Mỹ sẽ không miễn thuế cho bất kỳ quốc gia nào hết. 

"Tôi vẫn kiên quyết mức thuế đề xuất ban đầu là 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu. Nhưng tôi có quyền nâng thuế lên hoặc hạ thuế xuống, tùy coi đó là quốc gia nào. Tôi cũng đủ khả năng thêm vào hay bớt ra các quốc gia (nằm trong danh sách giảm thuế)", ông Trump nói với các phóng viên trước cuộc họp nội các rạng sáng 9/3 (giờ Việt Nam).

Viết trên Twitter, Tổng thống Trump nói sự linh hoạt và hợp tác sẽ được dành cho "những người bạn thực sự của nước Mỹ, những người cư xử một cách công bằng với nước Mỹ trong cả thương mại và quân sự". Những lời nói ẩn ý quá chung chung.

"Tôi cho rằng Mexico và Canada là những trường hợp đặc biệt", ông Trump khẳng định. Điều đó đồng nghĩa hai quốc gia láng giềng của Mỹ, vốn đang tái đàm phán NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ), sẽ được miễn trừ áp dụng biểu thuế mới, tất nhiên, chỉ trong khoảng thời gian nhất định.

Với Canada, quốc gia xuất khẩu thép số 1 vào Mỹ, việc miễn trừ thuế 1 tháng cũng có ý nghĩa rất lớn. Nhưng với Mexico, miễn trừ bị xem là cách mà Mỹ gây sức ép lên tiến trình đàm phán NAFTA theo hướng có lợi cho Washington chứ không hẳn xuất phát từ việc cân nhắc lợi ích kinh tế thật sự của Mexico.

Việc áp biểu thuế mới lên nhôm và thép nhập khẩu đã vấp phải sự chỉ trích và lo ngại không chỉ của các quốc gia mà ngay cả các chính khách Mỹ. Kịch bản tệ nhất là một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ bùng nổ, Mỹ sẽ bị đẩy vào thế đối đầu với cả thế giới.

Đáp lại kế hoạch đánh thuế lên nhôm và thép nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay từ ngày 7/3, từ châu Âu, Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmstrom tuyên bố một danh sách dài các sản phẩm của Mỹ sẽ bị đánh thuế cao hơn khi nhập khẩu vào EU nếu ông Trump quyết định áp thuể nhôm và thép mới. Ủy ban châu Âu có thể áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Trong bản danh sách những mặt hàng sẽ phải chịu thuế được châu Âu lên kế hoạch bao gồm xe máy, mỹ phẩm, quần áo jean, rượu whisky, nước cam, ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp với tổng giá trị lên tới 951 triệu euro. Du thuyền cũng nằm trong danh sách “trả đũa“ của châu Âu với trị giá khoảng 1 tỷ euro, cũng như các sản phẩm thép và các sản phẩm hàng hóa công nghiệp khác trị giá 854 triệu euro.

Phía chính phủ Brazil cũng khẳng định họ sẽ đáp trả trên cả các sân chơi thương mại đa phương và song phương nếu các biện pháp đàm phán để ngăn quy định thuế mới được áp dụng không phát huy hiệu quả.

nhom thep

Mexico và Canada sẽ được miễn trừ áp dụng biểu thuế mới của Mỹ.

Nhưng nói như một nhà bình luận quốc tế, thay vì nhảy dựng lên, các quốc gia nên dành thời gian để nói chuyện với Mỹ và xin quy chế miễn áp dụng biểu thuế nhập khẩu mới. Chính xác là sẽ có 15 ngày để các nước đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo do Washington đưa ra.

Mỹ hiện là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu nhiều gấp 4 lần xuất khẩu. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, năm 2017 quốc gia này nhập khẩu tổng cộng 48 tỷ USD các sản phẩm thép và nhôm, chiếm khoảng 2% tổng giá trị nhập khẩu. Trong số này, giá trị thép nhập khẩu chiếm tới 60%, tương đương 29 tỷ USD. 

Năm 2017, Mỹ nhập khẩu thép từ hơn 100 quốc gia. Trong đó 3/4 số thép đến từ 8 nước là Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật và Đức.

Trung Quốc không nằm trong danh sách 8 nước này nhưng lại là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Phía Mỹ cho rằng, thép của Trung Quốc đã chuyển sang các nước thứ ba trước khi tới Mỹ, trong đó có Việt Nam. 

Ngay sau động thái từ phía Chính phủ Mỹ, cho rằng việc nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Bộ này cũng khẳng định quan điểm cho rằng các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam chỉ nhằm mục đích sử dụng là xây dựng dân dụng không phải xây dựng cơ sở hạ tầng hay an ninh quốc phòng và không không cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Mỹ.

Thách thức nào cho Hòa Phát và các công ty nhôm thép Việt?

Ngay trong lúc các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về việc chính phủ của Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu lên tôn thép Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú đô la Trần Đình Long vui mừng thông báo đã nhận đơn hàng xuất khẩu 15.000 tấn thép sang Mỹ trong ngày đầu tiên hoạt động sau kỳ nghỉ Tết.

thep hoa phat

 Hòa Phát nhận đơn hàng xuất khẩu 15.000 tấn thép sang Mỹ trong ngày đầu tiên hoạt động sau kỳ nghỉ Tết.

Kết thúc năm 2017, Hòa Phát đã xuất khoảng 200.000 tấn thép ra nước ngoài, trong đó có khoảng 161.000 tấn thép thanh, thép cuộn tới các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, Malaysia, Campuchia,… Ngoài ra, Hòa Phát còn xuất khẩu khoảng 35.000 tấn phôi thép trong 9 tháng đầu năm 2017. Bên cạnh đó, công ty Ống thép Hòa Phát còn xuất khẩu trên 8.000 tấn sản phẩm các loại đi các nước như Mỹ, Canada… Ống thép Hòa Phát đã có lô xuất khẩu đầu tiên vào Mỹ từ năm 2010.

Một cuộn thép hiện có giá xuất khẩu khoảng 1.000 USD, với mức thuế áp 25% lên thép nhập khẩu như tuyên bố của Mỹ, sau áp thuế giá sẽ tăng thêm 200 USD. Đây là một mức giá khá cao để có thể cạnh tranh với thép nội địa Mỹ.

Khi mức thuế nhập khẩu nhôm thép vào Mỹ chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ chịu tác động không nhỏ, khi mà Việt Nam đang đứng thứ 12 trong số 20 nguồn thép nhập khẩu lớn nhất của Mỹ và đứng thứ ba sau Canada và Mexico về sản lượng nhôm thuộc hạng mục thanh, que và hình xuất khẩu sang Mỹ, theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ.

Nếu như năm 2014, xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ mới chỉ xuất được 35.000 tấn sắt thép các loại sang Mỹ trong tổng số 2,6 triệu tấn xuất khẩu ra thế giới trong năm đó (chiếm 1,3% trong tổng lượng sắt thép Việt Nam xuất ra thế giới). Con số này đã nhảy vọt lên nhiều lần trong năm 2015 (207.000 tấn và 8,1%) và đặc biệt là năm 2016 (931.000 tấn và 26,8%) và đến năm 2017 (567.000 tấn và 12,1%).

Theo thống kê của Hiệp hội Thép, hiện sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam sang thị trường Mỹ là khoảng 200.000 tấn/năm. Trong đó chủ yếu là từ 3 doanh nghiệp là Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VSC).

Là doanh nghiệp đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ với sản lượng khoảng 10.000 tấn thép mỗi tháng, Tôn Đông Á chiếm hơn 50% tổng lượng tôn xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.

Kể từ năm ngoái, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá khoảng 265% đối với tôn mạ nhập từ Việt Nam sử dụng thép cán nóng (HRC) nhập từ Trung Quốc làm đầu vào. Động thái này nhằm ngăn chặn việc chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi xuất vào Mỹ.

Công ty Cổ phần Tôn Đông Á là 1 trong 4 doanh nghiệp bị Mỹ khiếu nại yêu cầu điều tra thuế chống lẩn tránh thương mại do nghi ngờ sử dụng thép cán nóng từ Trung Quốc. Ngoài ra, một số nhà sản xuất thép của Mỹ còn cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã không có những tác động đáng kể để tạo ra thành phẩm cuối cùng.  

Nhà sản xuất tôn lớn nhất là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đầu năm 2016 đã xuất khẩu lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm trị giá 10 triệu USD sang thị trường Mỹ. Hoa Sen có mặt tại Mỹ từ năm 2014 và liên tục đẩy mạnh kim ngạch vào thị trường này thời gian qua. Xuất khẩu hiện chiếm tới 40% doanh thu hàng năm của Hoa Sen.

Trong khi đó, Tôn Nam Kim (NKG) xuất khẩu 152.000 tấn tôn thép mạ trong nửa đầu năm 2017, trong đó thị trường Mỹ tăng trưởng 100%. Mỹ cũng được xác định là thị trường quan trọng khi Nam Kim đưa vào hoạt động nhà máy Nam Kim 3 với công suất 350 tấn mạ kẽm và 120.000 tấn mạ màu/năm.

Có một sự trùng hợp thú vị là nhập khẩu sắt thép cả Trung Quốc vào Việt Nam trong những năm gần đây đều tăng mạnh. Việt Nam cũng phải xem xét và áp dụng một số biện pháp bảo hộ thép nội địa. Đáng lưu ý, trong 10 tháng đầu năm 2017, lượng sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tới 48% trong tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước. 

Do đó, có khả năng một con số không nhỏ trong lượng sắt thép xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam là có nguồn gốc từ thép Trung Quốc, một trong những nguyên nhân khiến Mỹ áp thuế nhập khẩu nhôm, thép cao đối với Việt Nam.

Trước viễn cảnh đối mặt với những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, thay vì trả đũa thương mại thì có thể việc chứng minh "sự trong sạch" rằng toàn bộ lượng thép xuất khẩu sang Mỹ là có nguồn gốc nội địa, được luyện tại Việt Nam chứ không phải là nhập khẩu từ Trung Quốc hay một nước khác rồi chế biến qua loa để xuất đi thì có thể Việt Nam sẽ lọt vào tầm "xem xét thái độ" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ