Trần Đình Long: Tỷ phú USD duy nhất Việt Nam từng giải thể một đội bóng

Nhàđầutư
Trong khi khả năng quay lại với bóng đá vẫn còn bỏ ngỏ thì ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát vẫn không ngừng nuôi tham vọng ở dự án thép tỷ đô.
HỒ MAI
08, Tháng 02, 2018 | 16:21

Nhàđầutư
Trong khi khả năng quay lại với bóng đá vẫn còn bỏ ngỏ thì ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát vẫn không ngừng nuôi tham vọng ở dự án thép tỷ đô.

Ông bầu tỷ phú USD

Ngày ra quyết định thưởng "nóng" 1 tỷ đồng cho ban huấn luyện và các cầu thủ U23 Việt Nam sau trận bán kết gặp U23 Qatar cũng là ngày khối tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

tran dinh long

 Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.

Với khối tài sản này, ông Long là doanh nhân Việt thứ 4 sở hữu lượng cổ phiếu có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên trên sàn chứng khoán cùng với Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. 

Giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng mạnh ngay trước thềm trận đấu chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan diễn ra ngày 27/1, một diễn biến càng có ý nghĩa to lớn với một ông bầu bóng đá như ông Long.

Trong phiên hai giao dịch chấn động của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 5/2 - 6/2/2018, tài sản của Chủ tịch Hoà Phát cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, khi cổ phiếu HPG giảm sàn 2 phiên liền. Tuy nhiên, cuối phiên 6/2, HPG bất ngờ lội ngược dòng, lấy lại sắc xanh và tiếp tục tăng mạnh trong phiên 7/2. Cổ phiếu HPG ngày 7/2 giao dịch ở mốc 60.000 đồng/cổ phiếu. Với tỷ lệ sở hữu 32,4%, tương đương 492 triệu cổ phần tại Hoà Phát, ông Long sở hữu khối tài sản 22.893 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Chủ tịch Hòa Phát không chỉ nổi tiếng trong ngành thép mà trước đây ông từng là ông bầu đội bóng Hòa Phát Hà Nội trong vòng 7 năm. 

Ông Long cùng với ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã từng có một thời gian dài thân thiết, cùng nhau làm bóng đá. Tháng 9/2011, khi bầu Long quyết định ngừng đầu tư vào bóng đá và giải thể đội bóng Hòa Phát Hà Nội thì câu lạc bộ Hà Nội ACB của Nguyễn Đức Kiên đã tiếp nhận đội bóng này.

Mối quan hệ thân thiết của hai ông bầu này càng thể hiện rõ hơn trong phiên tòa xét xử vụ án bầu Kiên ở Ngân hàng ACB cách đây gần 4 năm. 

Ông Kiên bị tòa tuyên án tổng hình phạt 30 năm tù cho các tội danh: cố ý làm trái, kinh doanh trái phép, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, tội danh nặng nhất, chiếm đoạt tài sản với mức án 20 năm tù liên quan đến một khoản đầu tư chung của ông Kiên với Tập đoàn Hòa Phát.

bau Long - bau Kien

Bầu Long và bầu Kiên đã từng có một thời gian thân thiết. 

Tại tòa, ông Kiên cho biết giữa ông và ông Trần Đình Long đã hợp tác với nhau nhiều dự án lên dến nhiều nghìn tỷ. Quả thực giữa Hòa Phát và công ty của Nguyễn Đức Kiên đã có một số thương vụ hợp tác đầu tư lớn như thành lập Công ty Thép Hòa Phát, Bất động sản Hòa Phát Á Châu hay Xi măng Hòa Phát.

Tại những thương vụ trên, thì phía Hòa Phát hoặc là đã thoái vốn toàn bộ (xi măng Hòa Phát, bất động sản Hòa Phát Á Châu) hoặc là đã mua lại để sở hữu toàn bộ (Thép Hòa Phát).

Khi được hỏi có trở lại với bóng đá hay không, trả lời trên Thanh niên trong bài viết đăng ngày 5/2, ông Long cho biết thời điểm này thì chưa nhưng vì là người ham mê bóng đá nên "có thể đóng góp gì thì chúng tôi sẽ làm".

'Vua' thép đầy tham vọng

Được mệnh danh là "vua" thép, ông Trần Đình Long sinh năm 1961 ở Hải Dương. Ông học đại học Kinh tế Quốc dân, ra trường lập nghiệp và sớm có trong tay công ty Hòa Phát.

Là đại gia nổi tiếng nhất trong ngành thép, Hòa Phát sở hữu một dàn lãnh đạo trong mơ với bất cứ công ty nào, khi hội đồng quản trị của Hòa Phát là những gương mặt kỳ cựu, đã hợp tác kinh doanh đầy ăn ý suốt 3 thập kỷ qua.

Hai nhân vật nắm giữ vị trí cao nhất tập đoàn này, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương đã có khoảng thời gian rất dài hợp tác với nhau, từ thời đi học cho tới những ngày đầu tiên chập chững kinh doanh.

tran dinh long

 Ông Trần Đình Long (ngoài cùng bên trái) và ông Trần Tuấn Dương (thứ hai từ phải sang) thuở lập nghiệp.

Năm 2017, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long tròn 25 năm thành lập. Bước vào lĩnh vực sản xuất thép, một lĩnh vực được cho là độc tôn của các doanh nghiệp nhà nước, đến thời điểm này, Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất cả nước với tổng tài sản gần 40.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường hơn 90.200 tỷ đồng.

Năm 2016 cũng là lần đầu tiên Hòa Phát vượt qua Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) và chiếm ngôi “vua” thị phần tiêu thụ thép và ống thép trong cả nước.

Kết quả kinh doanh năm 2017 mới được công bố của tập đoàn này ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử khi đạt 8.000 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước. Doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 46.800 tỷ đồng, tăng 38% so với 2016. 

Năm 2017 được xem là điểm nhấn trên hành trình của Hòa Phát khi tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất. Đây được coi là bàn đạp tăng trưởng vượt bậc để Hòa Phát cán đích những kế hoạch đầy tham vọng.

Đại hội cổ đông 2017 của Hòa Phát đã thông qua kế hoạch trong vòng 3 năm nữa, tức năm 2020, Hòa Phát sẽ nâng doanh thu lên con số 100.327 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thép xây dựng khoảng 63.500 tỷ đồng – chiếm 63%. 

Kế hoạch này được đặt ra dựa trên mức sản lượng thép (thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép chất lượng cao) tiêu thụ dự kiến là 5,4 triệu. Sau năm này, Hòa Phát đặt mục tiêu tăng sản lượng thép tiêu thụ lên tới 6 triệu tấn. Con số tiêu thụ thép kế hoạch năm 2020 gấp 3 lần kỷ lục lập được năm 2016, điều đó có nghĩa là dự án thép ở Dung Quất sẽ đóng vai trò rất lớn.

Với sản phẩm thép cuộn cán nóng, Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp thép đầu tiên của Việt Nam sản xuất được loại thép này.

Việc Hòa Phát tái khởi động dự án thép 2,7 tỷ USD tại Quảng Ngãi cũng gây ít nhiều chú ý dù dự án này nhà đầu tư ngoại đã bỏ của chạy lấy người.

Đây là dự án mà Tập đoàn Hòa Phát đã mua lại từ Tập đoàn E-United (Đài Loan), chủ đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Guang Lian Dung Quất đã bị thu hồi giấy phép đầu tư do vi phạm cam kết về tiến độ. 

Tập đoàn JFE Steel của Nhật Bản cũng đã từ bỏ ý định thâu tóm phần lớn cổ phần của Guanglian Steel để sở hữu dự án thép tại Dung Quất sau 2 năm nghiên cứu. Thay vào đó, JFE Steel mua 5% cổ phần của nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh.

Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Dung Quất tại Quảng Ngãi đã được tập đoàn vạch ra từ cuối năm 2015. Dự án thép này có tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD và sản lượng thép hàng năm là 4 triệu tấn. Nếu hoàn thành, đây sẽ là dự án thép có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, sau dự án của Formosa tại Hà Tĩnh.

Tính đến ngày 31/12/2017, Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất ghi nhận chi phí xây dựng dở dang là 1.536,7 tỷ đồng.

Về câu hỏi “có sợ không khi dư luận đang phản ứng rất tiêu cực với các dự án thép bởi nói đến thép là nói đến ô nhiễm môi trường”, ông Trần Đình Long cho biết, đã 25 năm kể từ ngày bị "ông trùm" gang thép thời bấy giờ nói "biết gì mà làm", đến nay trở thành tập đoàn thép số 1 Việt Nam, ông đã trải qua quá nhiều chuyện nên miễn nhiễm với từ “sợ”.

Một số nguồn tin cũng nhắc tới câu chuyện Hòa Phát sẽ không dừng lại ở các dự án luyện gang, cán thép. Mỏ sắt Thạch Khê - được định giá 35 tỷ USD trữ lượng hơn 500 triệu tấn - có thể là đích ngắm mới của Hòa Phát nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu, bớt phụ thuộc vào giá quặng của thế giới.

Năm 2007, Công ty Cổ phần Khai thác mỏ sắt Thạch Khê (TIC) ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) góp 5%. Được biết, Hòa Phát đã mua lại 5% cổ phần của BIDV. Đại gia này cũng không giấu tham vọng sẽ nắm được phần lớn vốn trong công ty vận hành mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. Tuy nhiên, tương lai của mỏ sắt Thạch Khê còn chưa nói trước được nên cũng khó đoán định kế hoạch này.

Dù vậy, với các dự án đầy tham vọng đang triển khai, Hòa Phát chắc chắn sẽ còn tiếp tục hành trình dài với ngành thép.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ