Những con đường ngang dọc Tây Nguyên

Bốn mươi mốt năm ở Pleiku, tôi đã đi hầu hết các con đường, kiểu đường dọc Tây Nguyên và từ Tây Nguyên tỏa xuống đồng bằng. Phải nói ngay rằng, chả riêng Tây Nguyên, mà bất cứ đâu, giao thông luôn là vấn đề hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là sống còn, để phát triển.
Nhà thơ VĂN CÔNG HÙNG
26, Tháng 01, 2023 | 07:00

Bốn mươi mốt năm ở Pleiku, tôi đã đi hầu hết các con đường, kiểu đường dọc Tây Nguyên và từ Tây Nguyên tỏa xuống đồng bằng. Phải nói ngay rằng, chả riêng Tây Nguyên, mà bất cứ đâu, giao thông luôn là vấn đề hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là sống còn, để phát triển.

ttxvn20150630_ql14

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN

Từ 1975 tới nay, giao thông Tây Nguyên đã có rất nhiều thay đổi, nhiều con đường mới được mở, nhưng cũng có những thụt lùi, ví dụ từng có đường sắt từ Phan Rang - Tháp Chàm lên Đà Lạt, giờ đã bỏ, cái ga xe lửa Đà Lạt giờ là điểm du lịch để khách tới check in, ví dụ như đường 19 nối đường 1 với Pleiku, từng là một trong hai con đường đẹp và tốt nhất miền Nam thời trước 1975 (Đường kia là đoạn Đông Hà - Huế).

Con đường 19 nối từ cầu Bà Di (Bình Định) tới cửa khẩu biên giới Đức Cơ của Gia Lai, đoạn cầu Bà Di - Pleiku khoảng 160 km là đoạn đường cực tốt, xe chạy êm ru không một gợn sóng, không một nhấp nhô, mà qua hai con đèo nổi tiếng hiểm trở là An Khê và Mang Yang, nghe nói thi công từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, 20 năm sau hòa bình nó vẫn rất tốt, nhưng giờ nó đang như mặt sao Hỏa sau khi bao nhiêu rừng Tây Nguyên theo đường này xuống cảng Quy Nhơn.

Mới nhất, dù có một đơn vị BOT tráng nhựa thu tiền nhưng đường vẫn như ruộng, tới mức cơ quan quản lý phải ra tối hậu thư...Hàng không thì trước năm 1975 đã có đường bay Huế - Pleiku. Sau năm 75 tuyến này bỏ, bù lại còn tuyến Pleiku - Đà Nẵng, nhưng giờ cũng bỏ luôn. Các sân bay đa phần chỉ bay hai tuyến Sài Gòn và Hà Nội, các tỉnh lưng chừng hầu như không còn, dù các thành phố tương ứng ở đồng bằng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang... đều có sân bay. Nên nếu muốn đi các tỉnh cách khoảng bốn tới năm trăm kilomet thì chỉ còn đường bộ, hoặc bay vào Sài Gòn, ra Hà Nội rồi nối chuyến ngược lại.

Từ đường số 1 nhìn lên, Tây Nguyên thăm thẳm xanh và mây trắng vờn, nhưng nếu xuyên các đường xương cá mà lên, thì lên tới đâu “trời” mở ra tới đấy. Các đô thị, làng mạc xóm thôn, những con đường ngang dọc, đường xuyên rừng, đường xuyên làng...Tôi đã rất nhiều lần đi trên những con đường độc đạo Tây Nguyên, chênh vênh cheo leo bên vực thẳm, bên núi cao hoặc phẳng lì giữa những cơ man là rừng khộp, gặp những đoàn người lầm lũi trong chiều. Đàn ông đóng khố, cởi trần ngậm tẩu, đàn bà địu con đằng trước, đeo gùi sau lưng. Tất cả đi theo hàng một như những sợi chỉ nhấp nhô xuyên trong chiều.

Sau này về phố, người Tây Nguyên vẫn thế, quen rồi, cứ hàng một mà đi, người đi sau luôn đi đúng dấu chân người đi trước. Đấy là cái cách đi rừng hữu hiệu nhất để bảo vệ mình, và nó cũng là khởi thuỷ của những con đường... Hiện nay Tây Nguyên có hai đường chính để giao thương là đường không và đường bộ. Đường hàng không thì có các sân bay Pleiku, Buôn Ma Thuột và Liên Khương (Lâm Đồng). Nghe nói tỉnh Kon Tum cũng đang “xin” làm một sân bay ở Măng Đen, nơi được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai”, cách sân bay Pleiku chừng 100 kilomet, tỉnh Đắk Nông cũng có dự án nâng cấp sân bay Nhân Cơ thành sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự.

Nhưng như đã nói, các sân bay hầu như chưa sử dụng hết công năng của mình khi các hãng hàng không chưa mặn mà mở các tuyến ngắn, dù đã từng mở, với giá vé khá đắt và khách cũng khá ổn định.Nghe nói cũng đang có ý tưởng làm đường xe lửa từ Tuy Hòa lên Tây Nguyên, nếu mà được thế, đây sẽ là một đột phá rất lớn để Tây Nguyên phát triển. Tôi hình dung đường xe lửa ấy khi lên tới Tây Nguyên sẽ tỏa về các tỉnh, cũng chạy song song với đường sắt đồng bằng, giải tỏa rất lớn cho nhu cầu giao thông của cả vùng kinh tế trọng yếu này.Còn lại là trông chờ đường bộ.

Phải nói ngay là, việc nâng cấp đường 14 thành đường Hồ Chí Minh là một đột phá rất lớn cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển, dẫu có vẻ như nó cũng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là vào mùa mưa, nhiều đoạn sạt lở, và ngay bình thường, xe chưa nhiều, và những tiện ích trên đường cũng chưa đủ.Với các tỉnh Tây Nguyên, ngoài việc đường Hồ Chí Minh thông suốt thì các con đường nhánh, đường xương cá nối với các tỉnh đồng bằng tương ứng cũng hết sức quan trọng.Những con đường này có từ ngày xưa, tất nhiên nó là đường mòn.

Câu ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn/ măng le (mít non) gửi xuống cá chuồn gửi lên” ra đời từ khi bắt đầu có những giao dịch Kinh Thượng, cụ thể là Tây Nguyên với Bình Định, Quảng Ngãi. Hay như, từ con đường mòn sau thành quốc lộ 19 ấy mà anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ của nhà Tây Sơn lên An Khê mở ra một Tây Sơn Thượng đạo làm nơi luyện quân khởi nghĩa, để rồi sau đấy làm bàn đạp để tiến ra Thăng Long, làm nên chiến thắng quân Thanh lừng lẫy.

Và cũng chính con đường ấy, mà người Chăm từ thành Đồ Bàn (Bình Định) thông thương sang tận các Ăng Ko của Campuchia, tạo nên con đường văn hóa Chăm khá thú vị... Tôi từng lái xe ngang dọc các con đường Tây Nguyên như thế, cả đi thẳng đường Hồ Chí Minh từ Pleiku sang Đắk Nông hoặc Pleiku về Huế, hoặc từ đường Hồ Chí Minh rẽ xuống các đường nhánh (nhưng là quốc lộ) như đường 14B xuống Đà Nẵng, 14E xuống Quảng Nam, 24 xuống Quảng Ngãi, 19 xuống Quy Nhơn, 25 đi Tuy Hòa, 26 đi Nha Trang, và đã từng nằm, ngồi trên xe nguyên một ngày một đêm vì tắc đường do núi lở ở ngã ba làng Hồi, một ngã ba lớn trên đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Phước Sơn, Quảng Nam, cách thị trấn Khâm Đức 7 cây số...

Mỗi con đường mỗi vẻ, đều đẹp đến mê mẩn, nhưng là với tâm thế người lái xe nhỏ, người vừa đi vừa chơi, chứ nếu để vận tải nặng, logistics, đưa hàng hóa từ nơi sản xuất tới tận nơi cần, hoặc xuống các cảng biển, thì có vẻ như đường Tây Nguyên chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không nói vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.Các con đường xương cá nối đồng bằng với Tây Nguyên ấy quan trọng không chỉ với nền kinh tế mà cả với quốc phòng, an ninh (chắc cũng vì thế mà ngày xưa hai con đường tốt nhất là đường Đông Hà - Huế và 19 nối Quy Nhơn với Pleiku như đã nói), nhưng bây giờ đang bị xuống cấp sau nhiều năm oằn mình phục vụ những đoàn xe chở gỗ ùn ùn xuống đồng bằng, xuống các cảng biển miền Trung.

Hình như tỉnh Quảng Nam đang đề xuất mở rộng đường 14D nối sang Lào. Tháng trước từ Pleiku xuống Tuy Hòa họp lớp, có khoảng ba chục cây số tôi phải bò sau một cái xe tải vì đường hẹp không thể vượt. Gọi là đường nhưng thực chất nó là con đê của hệ thống nông giang thủy lợi từ đập Đồng Cam.Tất nhiên chúng ta vẫn có quyền tin vào một ngày mai, không xa nữa, bên cạnh con đường Hồ Chí Minh xuyên Bắc - Nam thì các đường xương cá xuống đồng bằng sẽ được mở rộng, hiện đại, và đặc biệt là ý tưởng con đường xe lửa sẽ thành hiện thực.

Theo các chuyên gia, con đường này nếu mở sẽ kéo từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) lên Krông Pa (Gia Lai), đây là đoạn ngắn nhất và ít dốc nhất, khoảng chưa đầy 100 kilomet, rồi từ đây cắt góc tỏa tiếp đi các tỉnh Tây Nguyên. Hình dung ngày nào đấy, những đoàn tàu chạy trên những nhấp nhô thảo nguyên sẽ thú vị biết bao, lướt qua bao làng mạc, bao rừng, bao đồng cỏ, những bao la, những rộng lớn, những trời, những chiều, những pờ lây, những cộng đồng tộc người Tây Nguyên. Lúc ấy nó không chỉ có giá trị kinh tế, mà còn du lịch, là văn hóa, là trái tim tới trái tim, tâm hồn gặp tâm hồn...

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ