'Nhỏ nhưng có võ': Bí mật những cổ phiếu nhỏ, lợi nhuận to

Nhàđầutư
Là những doanh nghiệp nhỏ, không phát sinh nhiều hoạt động kinh doanh nhưng Công ty Cổ phần Sara Việt Nam (SRA) hay Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp (ICC) lại sở hữu những mã cổ phiếu nhiều lần gây 'bão' trên thị trường khi liên tục báo lãi lớn, cùng với chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu cao ngất ngưởng.
THU PHƯƠNG
12, Tháng 02, 2019 | 07:45

Nhàđầutư
Là những doanh nghiệp nhỏ, không phát sinh nhiều hoạt động kinh doanh nhưng Công ty Cổ phần Sara Việt Nam (SRA) hay Công ty Cổ phần Xây dựng công nghiệp (ICC) lại sở hữu những mã cổ phiếu nhiều lần gây 'bão' trên thị trường khi liên tục báo lãi lớn, cùng với chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu cao ngất ngưởng.

Sara Việt Nam hay Thiết bị Y tế Việt Nhật phiên bản 2?

Cổ phiếu SRA của Công ty Cổ phần Sara Việt Nam được xem là "hiện tượng" của năm 2018. Là doanh nghiệp niêm yết đã lâu trên sàn chứng khoán (từ năm 2008), kể từ sau khi tái cơ cấu, công ty đẩy mạnh cung cấp những thiết bị xét nghiệm ung thư và xử lý chất thải y tế. Cũng từ đây, SRA liên tục báo lãi tăng vọt và cổ phiếu được xếp hàng "siêu biến động".

Thời điểm quý I/2016, báo cáo tài chính SRA thậm chí không ghi nhận doanh thu và chỉ có lãi 1,5 triệu đồng nhờ lợi nhuận khác. Tuy vậy, đến cuối năm 2016, SRA bất ngờ đạt doanh thu lên đến gần 12,6 tỷ đồng, đưa lợi nhuận cả năm 2016 đạt đến hơn 2,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 512 triệu đồng. 

Năm 2017, dù lợi nhuận của công ty mẹ chỉ đạt 1 tỷ đồng, nhưng nhờ 3 công ty con (đều do SRA nắm 98%), SRA vẫn báo lãi tăng mạnh trên báo cáo tài chính hợp nhất 2017 (11,6 tỷ đồng). Cả 3 doanh nghiệp này mới chỉ thành lập trong tháng 8/2017 (bao gồm Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh thiết bị Y tế Môi trường Phú Thọ, Công ty Cổ phần Đầu tư Kỹ thuật cao Nha Trang, Công ty Cổ phần Đầu tư Kỹ thuật cao Cần Thơ). 

Năm 2018, SRA báo lãi sau thuế năm 2018 đạt 104,9 tỷ đồng, doanh thu đạt 392 tỷ đồng, đều tăng gấp 10 lần năm 2017.

Đây cũng là lý do SRA trở thành cổ phiếu có mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất trên thị trường chứng khoán năm 2018 với 51.851 đồng/cổ phiếu, gấp 9 lần so với năm 2017. 

Cổ phiếu SRA có thời điểm tăng từ mức dưới mệnh giá lên gần 80.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong 1 tháng rưỡi. Sau khi rớt không phanh về ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu, SRA nhanh chóng leo lại đỉnh cũ, nhưng rồi rớt 50% ngay sau đó. Giá SRA ở ngưỡng 19.000 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên ngày 11/2 - phiên giao dịch đầu năm Kỷ Hợi 2019.

Sự biến động chóng mặt của SRA gợi nhớ đến cổ phiếu JVC của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật - từng là cái tên làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán, sau đó… biệt tích.

Từng chia sẻ về mối quan hệ giữa JVC, SRA và AMV (Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh dược và Trang thiết bị y tế Việt Mỹ), cựu Chủ tịch Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) – ông Lê Văn Hướng (người bị bắt với tội danh lừa dối khách hàng vào năm 2015) – cho biết hai trong số các đơn vị ông đang làm chiến lược hiện nay chính là AMV và SRA. 

le van huon

Cựu Chủ tịch Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) – ông Lê Văn Hướng.

Đáng chú ý, những cái tên trong danh sách các giao dịch mua bán sản phẩm của SRA có một nhóm các công ty xét nghiệm và môi trường, các công ty này lại là con của AMV.

Cụ thể, kết thúc năm 2017, SRA có phải thu ngắn hạn khách hàng tăng từ hơn 9,6 tỷ đồng lên hơn 25,7 tỷ đồng. Trong đó, 3 công con của AVM là Công ty Cổ phần Trung tâm Xét nghiệm và môi trường Phú Thọ chiếm hơn 10,2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Trung tâm xét nghiệm và môi trường Cần Thơ gần 4 tỷ đồng, Công ty Cổ phần trung tâm xét nghiệm và môi trường Nha Trang hơn 4,7 tỷ đồng. 

Và chính AMV cũng lại bán hàng cho công ty con của SRA khi có phải thu ngắn hạn khách hàng liên quan đến các công ty này. Các khoản này được đưa về SRA thành hàng tồn kho. Như vậy, hàng hóa đi một vòng và giúp SRA ghi nhận được doanh thu, lợi nhuận, giảm phải thu, tăng tồn kho?

Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của SRA tăng gấp đôi so với đầu năm lên 178 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn chiếm phần lớn, hơn 100 tỷ đồng.

Mới đây, Sara Việt Nam cũng đã thông qua việc phát hành 16 triệu cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện 1:8. Qua đó, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ lên 180 tỷ đồng, gấp 9 lần.

Công ty con của UDIC - nhân tố mới ngành bất động sản

Cổ phiếu ICC của Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp là một gương mặt mới nổi trong ngành bất động sản, xây dựng khi xuất hiện trên sàn chứng khoán vào năm 2016 với con số chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) lớn vượt trội.

Năm 2016, doanh thu của ICC đạt 1.025 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế tăng 173% lên tới 160 tỷ đồng. Theo đó, EPS năm 2016 của ICC đạt 42.157 đồng – cao gấp đôi cổ phiếu CTD của Coteccons. Năm trước đó, EPS cũng đạt hơn 15.000 đồng.

Năm 2017, doanh thu của ICC tăng trưởng 20%, lên gần 1.235 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức tăng trưởng trên 21%, lên gần 197 tỷ đồng. Tuy nhiên EPS đạt 14.236 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng đột biến năm 2016. Tuy vậy, đây cũng là một trong những doanh nghiệp được xếp hàng top EPS cao trên thị trường.

Từ đầu năm 2018 đến nay giá cổ phiếu ICC cũng có độ biến động giá khá lớn. Giá giao dịch thấp nhất có khi xuống đến 40.000 đồng/cổ phiếu và mức giá khớp lệnh cao nhất có lúc lên xấp xỉ 58.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch đầu năm Kỷ Hợi 2019, giá cổ phiếu ICC ở ngưỡng gần 45.000 đồng/cổ phiếu.

ICC có vốn điều lệ 38 tỷ đồng, là công ty con của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Đô thị UDIC (nắm 79% cổ phần).

ICC đầu tư và xây dựng một số dự án quen thuộc ở Hà Nội như Dự án Tòa nhà Hỗn hợp dịch vụ, văn phòng và nhà ở cao tầng Đại Kim, tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh, Tổ hợp chung cư cao tầng N04 Trần Duy Hưng.

HN-CG-Chung-cu-N04-Tran-Duy-HUng

ICC là chủ đầu tư dự án Tổ hợp chung cư cao tầng N04 Trần Duy Hưng.

Đáng chú ý, các dự án mà ICC thực hiện đều được hợp tác theo hình thức hợp danh. Do đó, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ phải phân phối lại cho các đối tác trước khi đến tay cổ đông.

Dù vậy, ICC không thuyết minh chi tiết phần này trong mục lợi nhuận, tuy nhiên, thuyết minh phần "Phải trả khác" tại báo cáo tài chính 2017 của ICC có đề cập rằng, lợi nhuận tại dự án N04 Trần Duy Hưng còn phải trả cho UDIC là 49,2 tỷ đồng, trả cho Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế và Tư vấn Đầu tư Invencon là 42,1 tỷ đồng. Như vậy, 197 tỷ đồng lợi nhuận của ICC sẽ phải trả cho UDIC và Invencon hơn 91 tỷ đồng trước khi về tay cổ đông?

Và một điểm chung giữa SRA và ICC là ngay sau mỗi lần báo lãi "khủng" sẽ là đợt phát hành cổ phiếu hay đăng ký bán ra cổ phiếu của ban lãnh đạo và các cổ đông lớn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ