Nhiều khó khăn trong việc phát triển cụm công nghiệp ở Quảng Nam

Nhàđầutư
Quảng Nam hiện có 54 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động trên địa bàn, tuy nhiên việc phát triển loại hình này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc dẫn đến có rất ít nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN cũng như thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
THÀNH VÂN
28, Tháng 02, 2022 | 07:10

Nhàđầutư
Quảng Nam hiện có 54 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động trên địa bàn, tuy nhiên việc phát triển loại hình này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc dẫn đến có rất ít nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh hạ tầng CCN cũng như thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Hơn 14.629 tỷ 'chảy' vào các CCN

Theo phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đến năm 2025 tỉnh có 92 CCN với tổng diện tích hơn 2.280ha, đến năm 2035 hơn 2.613ha. Từ khi phương án phát triển CCN được phê duyệt, tỉnh Quảng Nam đã mở rộng thêm 2 CCN (Quế Thọ - huyện Hiệp Đức và Mỹ An - huyện Đại Lộc) và Bộ Công Thương đã thỏa thuận bổ sung 1 CCN (Nam Chu Lai 2 - huyện Núi Thành) với tổng diện tích 146,68ha. Như vậy, đến nay quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm 93 CCN với tổng diện tích hơn 2.759 ha. 

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 54 CCN đã đi vào hoạt động, trong đó có 45 CCN đã hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư và đi vào hoạt động; 9 CCN chưa có hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư nhưng đã đi vào hoạt động gồm: CCN Duy Nghĩa 1, CCN Đông Yên (huyện Duy Xuyên); CCN Đại Chánh 2 (huyện Đại Lộc); CCN Bà Huỳnh, CCN Sông Trà, CCN Gò Hoang, CCN Việt An (huyện Hiệp Đức); CCN Bình An, CCN Quý Xuân (huyện Thăng Bình). 

Về tình hình thu hút đầu tư đã có 274 dự án đăng ký đầu tư vào 54 CCN với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê hơn 707ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án hơn 14.629 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 62.667 người. Tỉ lệ lấp đầy bình quân của 54 CCN đã đi vào hoạt động đạt 65,1%.

Trong đó: 179 dự án đã thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất với tổng diện tích đất thuê hơn 436 ha, tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 6.382 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp là 29.718 người; 82 dự án đang thực hiện các thủ tục và tiến hành xây dựng với tổng diện tích đăng ký thuê hơn 244ha, tổng vốn đăng ký hơn 5.256 ha, tổng số lao động đăng ký 13,838 người, vốn đầu tư đã thực hiện 71,46 tỷ đồng; 13 dự án ngưng hoạt động với tổng diện tích thuê đất 26,2 ha, tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 527 tỷ đồng.  

dji_0005-1247

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 54 CCN đã đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 58 CCN có quyết định thành lập, chủ yếu là đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư, có 5 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư gồm: CCN Đồi 30 (huyện Phú Ninh), CCN Gò Đồng Mặt (huyện Quế Sơn), các CCN: Đại Nghĩa 1, Đông Phú, Đại An mở rộng (huyện Đại Lộc).  

"Hạ tầng kỹ thuật một số CCN trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, các chủ đầu tư tổ chức quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung của CCN từ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, tạo điều kiện các dự án trong cụm hoạt động hiệu quả", ông Quang cho hay. 

Nhiều hạn chế, khó khăn

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn gặp hạn chế, khó khăn. Có thể kể đến như diện tích đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê khoảng 350ha, trong đó có khoảng 30ha đất đã giải phóng, san lấp mặt bằng (chủ yếu tập trung các CCN huyện miền núi). Hiện nay các CCN trên địa bàn tỉnh đa số do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, nên việc đền bù - GPMB thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Do đó diện tích còn lại có thể cho thuê đa số chưa thực hiện đền bù, san lấp mặt bằng, gây khó khăn cho việc thu hút dự án vào đầu tư.

Bên cạnh đó, tiến độ quy hoạch và công tác bồi thường GPMB còn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của các doanh nghiệp; hạ tầng kỹ thuật của các CCN (như hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải, vỉa hè, cây xanh...) chưa được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ nên việc kêu gọi đầu tư vào các CCN vẫn còn rất hạn chế.

Ngoài ra, đến nay, chỉ có 4/58 CCN trên địa bàn tỉnh xây dựng Hệ thống xử lý nước thải chung toàn cụm. Tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả, lý do là các doanh nghiệp thu hút trong CCN là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ảnh hưởng lớn đến môi trường, vì vậy có ít nhà máy sử dụng khu xử lý nước thải tập trung này, đồng thời chi phí để quản lý và vận hành cao nên không đủ ngân sách đảm bảo hoạt động lâu dài. 

Ông Quang cho rằng, nguyên nhân là do thiếu ngân sách cho đầu tư phát triển công nghiệp, trong khi nhu cầu đầu tư cho CCN là lớn và đòi hỏi kịp thời mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư; việc thu giá các dịch vụ tiện ích công cộng trong CCN chưa thực hiện được do chưa ban hành được khung giá thu.

Cùng với đó, do khó khăn về nguồn vốn, thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng cần nhiều thời gian, do vậy khó có thể đầu tư đồng bộ hạ tầng. Cũng như chưa thu hút mạnh các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng để huy động mọi nguồn lực cũng như nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, đối với các CCN có hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh, tỷ lệ lấp đầy cao từ 60% trở lên sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dứt điểm, hoàn chỉnh hạ tầng CCN để đáp ứng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư.

“Đối với các CCN chủ đầu tư là nhà nước chưa đầu tư hoặc đang đầu tư dỡ dang thì giao toàn bộ diện tích CCN cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm triển khai đầu tư hạ tầng được nhanh và đồng bộ hơn; doanh nghiệp làm chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả kinh phí đầu tư các hạng mục cho nhà nước”, ông Quang thông tin.  

Trước đó, tháng 10/2021, HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, điều kiện được hỗ trợ bởi Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN là CCN nằm trong quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh phê duyệt hoặc cho phép bổ sung trong từng thời kỳ; CCN đã có quyết định thành lập; CCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nguyên tắc hỗ trợ là CCN có diện tích từ 5ha trở lên tại địa bàn 9 huyện miền núi gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước. Hỗ trợ mỗi huyện miền núi tối đa 2 CCN, và chỉ hỗ trợ CCN thứ hai sau khi CCN thứ nhất lấp đầy trên 50% diện tích đất công nghiệp.

CCN đầu tư mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp các CCN tại 9 huyện miền núi nếu không lựa chọn được doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì mới giao cho đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư.

Đối với nguồn kinh phí hỗ trợ CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện không quá 50% kinh phí hạng mục giải phóng mặt bằng, tối đa 10 tỷ đồng/CCN.

CCN do đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ 100% hạng mục giải phóng mặt bằng; 50% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng, mức tối đa 25 tỷ đồng/CCN.

CCN thực hiện di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ 100% hạng mục giải phóng mặt bằng; 70% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng, mức tối đa 30 tỷ đồng/CCN.

Dự kiến tổng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn 2021-2025 khoảng 250 tỷ đồng, mỗi năm bố trí khoảng 50 tỷ đồng.

Tỉ giá đang cập nhật
Điều chỉnh kích thước chữ