Nhiều 'chướng ngại vật' trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam qua Nam Trung Bộ

Sau hơn 2 tháng khởi công, đại công trường cao tốc Bắc - Nam qua khu vực Nam Trung Bộ được các nhà thầu huy động nguồn lực để triển khai thi công. Song việc triển khai dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
THÀNH VÂN
06, Tháng 05, 2023 | 09:01

Sau hơn 2 tháng khởi công, đại công trường cao tốc Bắc - Nam qua khu vực Nam Trung Bộ được các nhà thầu huy động nguồn lực để triển khai thi công. Song việc triển khai dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thi công gặp nhiều khó khăn

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Đến thời điểm này, đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi, mặt bằng được bàn giao 50,89km/60,3km đạt 84,4%. Ngay sau khi khởi công, nhà thầu đã tập trung thi công các hạng mục của dự án, tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thi công, khối lượng công việc đã thực hiện của dự án này vẫn đạt tỷ lệ thấp.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, hiện nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, đường găng. Đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 84%, đây là tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều vị trí còn "xôi đỗ", phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38km.

Một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân tái định cư chưa di dời, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên người dân chưa đồng ý cho nhà thầu triển khai thi công, đền bù xong nhưng người dân mong muốn khai thác xong nông sản mới bàn giao… “Để đảm bảo tiến độ như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, đơn vị thi công phải tự thỏa thuận với người dân để thuê mặt bằng tiếp cận thi công hạng mục hầm, cầu”, ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Trong khi đó, tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, hiện đơn vị đang thi công tuyến Hoài Nhơn - Phù Mỹ với chiều dài 23,5km (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn), tuy nhiên, trong quá trình thi công gặp nhiều vướng mắc. 

Anh cao toc bai 3

 Nhà thầu thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: Ngọc Toàn.

Cụ thể, các địa phương ở tỉnh Bình Định đã giao đơn vị thi công trên thực địa 70% mặt bằng nhưng chủ yếu vị trí đất ruộng, còn lại vị trí đồi cao cần lấy đất để san lấp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng dẫn đến không thể thi công một cách đồng bộ. Đồng thời, các bãi đổ thải chưa được triển khai nên không có vị trí thích hợp đổ thải. Đơn vị thi công tập kết tạm thời đất không thích hợp san lấp ra 2 bên tuyến gây vướng mặt bằng thi công.

"Các vướng mắc về vật liệu san lấp đang làm chậm tiến độ công trình. Trữ lượng cát được tỉnh Bình Định cấp cho các doanh nghiệp tư nhân ở đây một năm chỉ cấp phép từ 6.000-7.000m3, thời gian cấp phép trong vòng 2 năm. Do đó, trữ lượng cát để đảm bảo cho dự án tại địa bàn là không đảm bảo. Cùng với đó, hiện các nhà cung cấp các mỏ đang có hiện tượng giữ lại và đẩy giá lên cao", ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Tháo gỡ các "điểm nghẽn"

Thông tin với báo giới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhưng trong đó, chủ đầu tư, Ban QLDA 2, các sở, ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh và hệ thống chính trị các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành trong công tác bồi thường GPMB.

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB trong thời gian tới, ông Minh yêu cầu Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi - đơn vị đầu mối thực hiện công tác bồi thường GPMB, tái định cư khẩn trương phối hợp với các địa phương tiếp nhận bàn giao mặt bằng 100% các khu tái định cư để tổ chức thi công hoàn thành trước 30/6/2023. Đồng thời, khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi toàn tuyến, hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/4/2023.

Ông Minh cũng yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và Ban QLDA rà soát các mỏ vật liệu, đảm bảo cấp đủ cho việc thi công; kiểm soát việc tuân thủ trong khai thác các mỏ vật liệu xây dựng của các đơn vị được cấp phép khai thác chỉ định. Đặc biệt, kiểm soát việc kê khai, niêm yết và giá bán vật liệu cung cấp cho dự án đường cao tốc và các công trình, dự án của tỉnh.

Tại Bình Định, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng tái định cư và tháo gỡ “nút thắt” về vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc-Nam có trọng tâm, trọng điểm để đạt kết quả tốt trong thời gian tới.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (hơn 42km) do Ban QLDA 85 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (hơn 48km) do Ban QLDA 7 thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc qua Phú Yên là trên 20.848 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, các chủ đầu tư và đơn vị thi công đều phản ánh về tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu. Theo Ban QLDA 7, hiện công suất 4 mỏ cát đang khai thác chỉ là 40.000m3/năm, trong khi đó khối lượng cần để sử dụng cho dự án rất lớn (nhu cầu 1,36 triệu m3). Với công suất như vậy nếu có tăng công suất tối đa cũng không đáp ứng theo yêu cầu tiến độ dự án. Bên cạnh việc thiếu vật liệu, tại tỉnh Phú Yên giá bán cát, đất, đá đều cao hơn so với một số địa phương lân cận. Đặc biệt, các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án gặp vướng mắc về cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Tại buổi làm việc với tỉnh Phú Yên vào cuối tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia và chỉ định thầu vậy nên giá không thể "đội" lên. Giá các vật liệu xây dựng tại Phú Yên tăng cao có nhiều nguyên nhân, nhưng địa phương phải hỗ trợ chủ đầu tư kiểm soát được việc này.

Ông Thắng yêu cầu chính quyền cần làm "trọng tài" để doanh nghiệp có mỏ vật liệu xây dựng và đơn vị thi công cùng thống nhất giá bán đúng theo niêm yết. Nếu có tình trạng bán giá cao không đúng theo quy định thì phải cương quyết xử lý. "Bộ GTVT sẽ có kiến nghị với Bộ TN&MT để tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng cho dự án không chỉ riêng ở Phú Yên mà đối với cả nước", Bộ trưởng GTVT nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ