Nâng hạng TTCK Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Nhàđầutư
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng cho công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.
VŨ CHÍ DŨNG (*)
10, Tháng 10, 2023 | 09:16

Nhàđầutư
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng cho công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.

IMG_2831

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN. Ảnh: Trọng Hiếu

Sáng 10/10 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Hội thảo "Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết".

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, Ban Kinh tế TW, Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, các chuyên gia kinh tế và các công ty kiểm toán, các thành viên thị trường.

Nhadautu.vn trân trọng giới thiệu bài tham luận của ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với chủ đề: "Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Cơ hội và thách thức".

Sau 23 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ một thị trường non trẻ, quy mô khiêm tốn nhất, đến nay đã là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh về quy mô và thanh khoản trong khu vực. Hơn hai thập kỷ qua, TTCK đã thể hiện rõ vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, theo nhiều góc độ về định lượng như quy mô vốn hóa, cơ sở nhà đầu tư, số lượng sản phẩm, giá trị giao dịch hàng ngày, sự chuyên nghiệp của các thành viên tham gia thị trường.

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, trong đó đặt ra yêu cầu "Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài", trong thời gian qua, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tích cực thực hiện giải pháp liên quan đến phát triển TTCK, trong đó có nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thông qua nghiên cứu, tham vấn với các chuyên gia quốc tế, tổ chức xếp hạng và các thành viên thị trường, nhằm xác định rõ các tiêu chí, các nhóm vấn đề vướng mắc cần giải quyết, đề xuất giải pháp để giải quyết từng nhóm vấn đề một cách toàn diện, dài hạn, hướng tới cải thiện đánh giá đối với TTCK mang tính bền vững.

Các tiêu chí đánh giá phân hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng quốc tế

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các TTCK của các nhà đầu tư tài chính quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng TTCK, phân loại chỉ số tham chiếu cho TTCK. Chính vì vậy, việc phân loại, xếp hạng TTCK của các tổ chức xếp hạng lớn có ảnh hưởng quan trọng đến việc dẫn dắt luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Hiện trên thế giới có một số tổ chức xếp hạng thị trường lớn như FTSE Russell, MSCI, S&P, và Dow Jones mà các quỹ đầu tư lớn đều sử dụng chỉ số của các tổ chức này để làm tham chiếu đầu tư gián tiếp vào TTCK thế giới. Hàng năm, những tổ chức này cung cấp việc xếp hạng các thị trường tài chính toàn cầu với mục đích đánh giá sự hấp dẫn của thị trường cổ phiếu của các quốc gia cho các nhà đầu tư tham khảo. Theo đó, thị trường vốn của các quốc gia được phân theo 4 nhóm gồm:

(1) Nhóm Thị trường Phát triển (Developed Markets), có độ mở lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN); (2) Nhóm Thị trường Mới nổi (Emerging Markets); (3) Nhóm Thị trường Cận biên (Frontier Markets); và (4) Nhóm các Thị trường Không đủ điều kiện để được phân loại (về phát triển kinh tế, quy mô và tính thanh khoản, và khả năng tiếp cận thị trường).

Tiêu chí xếp hạng cụ thể của các tổ chức xếp hạng đối với từng loại thị trường có thể khác nhau, nhưng có một số tiêu chí tương đồng trong nguyên tắc xếp hạng bao gồm: Quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với cổ phiếu của doanh nghiệp ở nước sở tại; Khả năng tiếp cận thị trường, bao gồm cả khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ và mức độ mở cửa của dòng vốn đầu tư; Cơ sở hạ tầng cho giao dịch trên TTCK, bao gồm cả hệ thống thanh toán và bù trừ chứng khoán; Cơ chế giao dịch linh hoạt, có giao dịch bán khống và cho vay chứng khoán.

Đối với từng quốc gia được đánh giá, lợi ích của việc đánh giá này bao gồm việc thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, và đồng thời, nâng cao hình ảnh quốc gia trong thị trường tài chính toàn cầu. Các công ty đầu tư và các công ty quản lý quỹ, những tổ chức theo đuổi chiến lược đầu tư thụ động sẽ xây dựng ETF hoặc các quỹ tương hỗ đầu tư vào cổ phiếu của những quốc gia nằm trong rổ chỉ số để theo dõi hiệu quả hoạt động của những chỉ số này. Tuy nhiên, do hầu hết các quỹ ETF đều theo đuổi cổ phiếu ở các thị trường mới nổi và phát triển, Việt Nam và những quốc gia vẫn nằm trong phân loại thị trường cận biên cần hành động nhanh chóng để được phân loại lại thành thị trường mới nổi nếu muốn thu hút thêm luồng vốn đầu tư từ các tổ chức đầu tư quốc tế.

Vị trí, cơ hội và thách thức của TTCK Việt Nam

Đối với TTCK ở các nước châu Á, MSCI và FTSE Russell có ảnh hưởng lớn nhất, chiếm tới 65% tỷ trọng tại châu Á. TTCK Việt Nam nằm trong khu vực châu Á, do vậy Việt Nam đặt trọng tâm theo tiêu chí xếp hạng của MSCI và FTSE Russell. Riêng FTSE Russell còn phân Nhóm 2 – Thị trường Mới nổi thành 2 cấp nhỏ hơn gồm: Thị trường Mới nổi thứ cấp và Thị trường Mới nổi nâng cao.

Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường Cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi. Trong chỉ số FTSE Russell Frontier Index, tính đến ngày 31/8/2023, thị trường Việt Nam chiếm tỷ trọng 34% mức vốn hóa lớn nhất với 103 công ty. Việt Nam cũng có 6 trong số top 10 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của chỉ số này. Do đó, Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng lên Thị trường Mới nổi do được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức Thị trường Cận biên.  

Trong các nhóm tiêu chí còn vướng mắc để được nâng hạng, FTSE Russell và MSCI đánh giá một số hạn chế liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin của NĐTNN bao gồm chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài, chưa đầy đủ thông tin trong quy trình thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thông tin về hoạt động của doanh nghiệp và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp chưa được cập nhật kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận đối với NĐTNN bằng tiếng Anh.

Cơ hội của việc nâng hạng TTCK

Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường trong nước bao gồm:

Thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Các nguồn đầu tư này từ các quỹ đầu tư lớn và các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài khác.

Cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, theo đó định giá cổ phiếu của thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Việc định giá được cải thiện này sẽ mang lại tác động tích cực đến quá trình cổ phần hoá của Chính phủ, dẫn đến khả năng có được lợi nhuận cao hơn từ việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư hiện đang có nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, tăng tính chuyên nghiệp và quy mô nhà đầu tư, giảm thiểu biến động từ tác động tâm lý thị trường đối với số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.

Thu hút thêm nhiều NĐTNN mới đầu tư vào trong nước, từ đó có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của TTCK và sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.

Việc nâng hạng TTCK giúp nâng cao vị thế và hình ảnh của thị trường vốn Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh, sức hút, tính cạnh tranh của kinh tế Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Các thách thức khi TTCK được nâng hạng

TTCK khi được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích nên thách thức lớn nhất là đảm bảo đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng. Thách thức này đến từ việc các TTCK không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại (trường hợp của Ác hen ti na bị MSCI cân nhắc hạ từ Nhóm 3 xuống Nhóm 4 vào kỳ đánh giá tháng 6/2022 do các NĐTNN đánh giá rằng không thể tiếp cận thị trường chứng khoán trong nước kể từ khi Chính phủ nước này áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt vào tháng 9/2019) hoặc khi TTCK không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng (trường hợp của Peru đã bị FTSE hạ cấp từ Nhóm 2 sang Nhóm 3 do không còn có thể đáp ứng các tiêu chí yêu cầu về vốn hóa thị trường tối thiểu và số lượng chứng khoán mới vào tháng 9/2020).

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK có thể gây tác động đến mức độ biến động của TTCK do tác động đến tâm lý thị trường (khi dòng vốn vào hoặc rút ra có biến động mạnh, gây ra hiệu ứng tâm lý hoặc dây chuyền đến các nhà đầu tư), cũng như gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ - tiền Đồng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động giao dịch tăng mạnh, có thể cao hơn nhiều lần so với bình thường, gây áp lực đến hệ thống giao dịch, thanh toán của thành viên thị trường. Yêu cầu về cơ sở hạ tầng của hệ thống giao dịch cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống đối với việc gia tăng mạnh hoạt động giao dịch cần được đảm bảo để hệ thống giao dịch hoạt động thông suốt.

Một số giải pháp đề xuất

Không như nhiều thị trường khác, việc Việt Nam chưa được nâng cấp lên Thị trường Mới nổi không phải do các yếu tố về quy mô và thanh khoản mà chủ yếu do các yếu tố liên quan đến khả năng tiếp cận thị trường của NĐTNN. Trong đó, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho NĐTNN, cũng như khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng thông tin công bố của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo đó, nhằm thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách phát triển TTCK, thông qua việc rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc; tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐTNN đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Thứ hai, rà soát và bổ sung các quy định nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu; nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam theo các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước.

Thứ ba, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của NĐTNN tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán IFRS của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

Thứ tư, về công tác truyền thông, duy trì thường xuyên việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Thứ năm, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc khuyến khích các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Cụ thể, đối với vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tiếp cận thông tin cho NĐTNN, UBCKNN đã có một số kiến nghị đối với Bộ KHĐT về việc cần công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận; thực hiện cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để tạo thuận lợi cho NĐTNN có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.

Về phía UBCKNN, chúng tôi sẽ chủ động rà soát, sửa đổi quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP theo hướng yêu cầu các công ty đại chúng trên TTCK phải công bố rõ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mỗi công ty.

Để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự "khỏe mạnh", minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia trên thị trường. Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng cho công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.

(*) Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ