MBS trích lập 30 tỷ đồng khoản đầu tư vào Tân Cảng Hiệp Phước

Nhàđầutư
Tới cuối tháng 6/2023, MBS đã phải trích lập tới 82,5 tỷ đồng, tương đương 70% giá gốc tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) là cổ phiếu. Phần nhiều các khoản đầu tư chủ yếu mới được thực hiện trong khoảng 5 năm trở lại.
KHÁNH AN
21, Tháng 07, 2023 | 13:03

Nhàđầutư
Tới cuối tháng 6/2023, MBS đã phải trích lập tới 82,5 tỷ đồng, tương đương 70% giá gốc tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) là cổ phiếu. Phần nhiều các khoản đầu tư chủ yếu mới được thực hiện trong khoảng 5 năm trở lại.

tchp-toan-cang-62c53e1a9b117

Cảng Tân Cảng Hiệp Phước. Ảnh Saigonnewport

CTCP Chứng khoán MB (Mã: MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu hoạt động đạt hơn 401 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các loại chi phí, MBS báo lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 đạt 123 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty lãi ròng gần 245 tỷ đồng, giảm 23,4% so với 6 tháng năm 2022. 

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của MBS đạt 10.760 tỷ đồng. Riêng giá trị tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) đạt gần 967 tỷ đồng, giảm khoảng 1.600 tỷ so với số đầu kỳ. Trong cơ cấu tài sản FVTPL của MBS, thì chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu, còn cổ phiếu chiếm tỷ trọng khá nhỏ, chỉ ở mức 6,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý là tới cuối tháng 6/2023, MBS đã phải trích lập tới 82,5 tỷ đồng, tương đương 70% giá gốc tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) là cổ phiếu. Phần nhiều các khoản đầu tư chủ yếu mới được thực hiện trong khoảng 5 năm trở lại.

Trong đó, giá trị dự phòng lớn nhất là gần 30 tỷ đồng với 1,71 triệu cổ phiếu của CTCP Cảng Tân Cảng Hiệp Phước.

CTCP Cảng Tân Cảng Hiệp Phước (TCHP) là công ty con của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), được thành lập năm 2010, thuộc nhóm cảng biển số 5.

Với vị trí chiến lược nằm giữa vùng phía Nam của TP.HCM và Biển Đông, nằm gần đường vành đai và nhiều khu công nghiệp, Cảng Tân Cảng Hiệp Phước được chủ trương xác định là Cảng Cát Lái nối dài là cảng vệ tinh hệ thống Cảng Cái Mép trong hệ thống cung ứng dịch vụ logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Đồng thời là nơi thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa tại khu vực phía Nam TP.HCM và các tỉnh lân cận (chủ yếu là hàng nông sản, bách hóa tổng hợp).

Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật tính đến tháng 6/2020 của Tân Cảng Hiệp Phước là ông Nguyễn Hữu Đức (SN 1975). Cập nhật tại ngày 20/2/2017, Tân Cảng Hiệp Phước có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào Tân Cảng Hiệp Phước được MBS duy trì từ năm 2018 đến nay. 

Công ty mẹ của Tân Cảng Hiệp Phước - Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là cổ đông lớn, nắm giữ 7,2% cổ phần MBBank. Trong khi Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội (công ty do MBBank nắm 100% vốn) tính đến cuối năm ngoái đang nắm 7,65%VĐL Công ty CP ICD Tân cảng - Long Bình (thành viên của Tân Cảng Sài Gòn).

Danh mục tự doanh của MBS có gì?

Danh mục trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán của MBS còn ghi nhận nhiều khoản đầu tư đáng chú ý khác, đó là 2,5 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam; gần 900.000 cổ phiếu CTCP Chế biến Thuỷ sản Út Xi; 457.300 cổ phiếu CTCP Việt Lotus; 300.000 cổ phiếu CTCP Đầu tư Đất Việt và 492.000 cổ phiếu CTCP Công nghiệp cao su COECCO.

Trong đó, Viet Lotus là công ty cung cấp các dịch vụ vườm ươm tăng tốc khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo mở cho doanh nghiệp; tư vấn và triển khai giải pháp chuyển đổi số và đào tạo chuyển đổi số.

Công ty này được thành lập ngày 30/12/2020 với vốn điều lệ 41,57 tỷ đồng, ngoài MBS góp 11% (457.300 CP), thì còn có các cổ đông lớn khác là CTCP Ô tô Trường Hải (31,2%), CTCP Tập đoàn Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang (viết tắt VLG, 24,1%), CTCP Cervello (6%) và ông Vũ Viết Ngoạn (24,1%).

Cervello được thành lập vào tháng 11/2020. Tổng giám đốc là ông Vũ Đức Minh Hiếu - người có địa chỉ thường trú cùng chỗ với ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Hiếu còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC). Như vậy, số cổ phần trực tiếp và gián tiếp mà gia đình ông Vũ Viết Ngoạn nắm giữ tại Viet Lotus là 30,1%. Mức ảnh hưởng của doanh nhân này tại Viet Lotus còn thể hiện qua vị trí Chủ tịch HĐQT đang nắm giữ.

Ông Vũ Viết Ngoạn sinh năm 1958, là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietcombank. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vietcombank, vị này được bầu giữ chức thành viên HĐQT độc lập.

Trở lại với Viet Lotus, danh sách thành viên HĐQT của công ty này còn có 2 cái tên đáng chú ý khác là đại gia Nguyễn Cao Trí Capella Holdings và ông Vũ Thành Trung – Thành viên ban điều hành MBBank.

Được MBS rót 30 tỷ đồng, Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (nay là Tổng Công ty Bảo Dưỡng - Sửa chữa Công trình Dầu khí, CTCP (PVMR)) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam).

Năm 2022, doanh thu thuần của PVMR đạt 642,8 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 85% so với năm trước. Sang năm 2023, công ty này đặt kế hoạch doanh thu và lãi ròng lần lượt là 510 tỷ đồng và 6,7 tỷ đồng.

Còn CTCP Chế biến Thuỷ sản Út Xi (UTXICO) được thành lập vào năm 2006, hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản. Tính đến cuối ngày 30/9/2018, công ty này có số vốn điều lệ 354 tỷ đồng, thành phần cổ đông lớn gồm các ông: Nguyễn Hoàng Nhã, Nguyễn Triệu Đông, Nguyễn Hoàng Phương, CTCP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí. 

Cập nhật tại ngày 31/3/2023, vốn điều lệ của UTXICO vẫn ở mức 354 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 1.025 tỷ đồng. Quý 1/2023, doanh thu thuần của công ty này đạt 60,3 tỷ đồng, còn lỗ sau thuế ở mức 30,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 500 triệu đồng. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Lý Bích Quyên (SN 1980).

Về phần mình, CTCP Đầu tư Đất Việt được thành lập năm 2008. Cơ cấu cổ đông tính đến tháng 5/2008 gồm: Bà Nguyễn Thị Thành (5%) và bà Nguyễn Thị Vân Huyền (85%) - đồng thời là CEO, đại diện theo pháp luật công ty. Bên cạnh Đất Việt, bà Huyền còn đứng tên tại CTCP Du lịch Quốc tế Á Châu - chi nhánh tại TP. Hà Nội.

Ngoài ra, danh mục tự doanh của MBS còn có 492.000 cổ phiếu CTCP công nghiệp cao su COECCO, khoản đầu tư này được MBS duy trì từ năm 2019 đến nay. COECCO được thành lập từ năm 2008, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng và chế biến mủ cao su. Năm 2022, COECCO ghi nhận tổng doanh thu 109 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19,4 tỷ đồng.

Tính đến tháng 4/2023, COECCO có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, ngoài MBS nắm 492.000 cổ phiếu (tương đương 3,075%VĐL) thì còn có các cổ đông lớn khác là Tổng Công ty Hợp tác kinh tế (72,3%), CTCP Công nghiệp Dịch vụ Cao su Chưpả (10,28%), Tổng Công ty Sông Đà (2,85%), Chứng khoán Liên Việt (1,8%).

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ