Licogi thuê thẩm định giá thoái vốn Nhà nước

Nhàđầutư
Nhóm cổ đông Khu Đông - Gia Cường được dự đoán sẽ là ứng viên hàng đầu, dễ dàng mua lại toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Licogi.
NGHI ĐIỀN
03, Tháng 03, 2018 | 08:16

Nhàđầutư
Nhóm cổ đông Khu Đông - Gia Cường được dự đoán sẽ là ứng viên hàng đầu, dễ dàng mua lại toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Licogi.

licogi-lic-nhadautu.vn

 Licogi chuẩn bị thoái hết vốn Nhà nước

Tổng công ty Licogi (Mã chứng khoán: LIC) ngày 1/3 có thư mời chào giá tư vấn định giá để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn Nhà nước.

Thư mời được gửi tới 3 công ty kiểm toán: Công ty TNHH Kiểm toán BDO, Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam và Công ty TNHH  Kiểm toán và dịch vụ tin học TP. HCM. 

Theo đó, hồ sơ chào giá phải được gửi đến Licogi trước 15h ngày 5/3. Đây cũng là thời điểm mở thầu. Tiến độ thực hiện gói thầu tối đa 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực (kể cả ngày lễ và chủ nhật). 

Licogi trước đây là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng. Sau khi cổ phần hoá năm 2015, vốn Nhà nước tại đây giảm về 40,71%. Theo Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/8/2017, toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Licogi sẽ được chuyển giao cho SCIC quản lý và tiến hành thoái vốn ngay trong năm 2017.

Cổ đông chiến lược 'mở cờ trong bụng' 

Trong đợt IPO tháng 4/2015, một nhóm nhà đầu tư cá nhân liên quan đến nhau đã mua thành công phần lớn trong số 21,27 triệu cổ phần, tương đương 23,6% vốn, của Licogi. Trước đó, 31,5 triệu cổ phần (35% vốn) đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông với giá mua đúng bằng mệnh giá. 

Tính tới 16/3/2017, Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường - pháp nhân có liên quan tới Công ty BĐS Khu Đông - đã nhận chuyển nhượng từ các cổ đông cá nhân trong đợt IPO năm 2015 và nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 22,24%. 

Nhóm cổ đông Khu Đông - Gia Cường qua đó sở hữu quá nửa vốn của Licogi, với 57,24% cổ phần.

Theo thông tin công bố vào thời điểm cổ phần hoá, Licogi sở hữu gần 1,6 triệu m2 đất, chủ yếu dưới dạng dự án đã được cấp phép, như Khu ĐTM Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội với diện tích 351.618 m2; dự án Khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 TP Hạ Long, Quảng Ninh (332.828 m2); dự án khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 mở rộng (198.603 m2); dự án khu ĐTM Nam Ga – TP. Hạ Long (238.018 m2); dự án Khu dân cư đô thị Yên Thanh – Licogi Yên Thanh Uông Bí, Quảng Ninh (275.672 m2)… 

Cuối tháng 3/2017, Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Công ty Khu Đông, đề xuất mua chỉ định toàn bộ phần vốn Nhà nước còn lại (40,71%) trong Licogi. Tuy nhiên Bộ Xây dựng sau đó phản hồi rằng thẩm quyền thoái vốn nhà nước tại Licogi không còn thuộc cơ quan này. 

Dù không thành công trong việc thâu tóm phần vốn nhà nước còn lại tại Licogi trong năm 2017, nhưng chủ trương thoái vốn đã được thông qua tiếp tục mở ra cơ hội cho nhóm cổ đông chiến lược, trong bối cảnh 2 pháp nhân Khu Đông - Gia Cường đang sở hữu tỷ lệ chi phối tại cựu thành viên Bộ Xây dựng.

Đáng chú ý, mức giá đưa ra có thể sẽ khá 'nhẹ nhàng', với thực trạng thua lỗ nặng nề hiện nay của Licogi. 

Sau cổ phần hoá là thua lỗ

Licogi trước đây là đơn vị xây lắp có tiếng của Bộ Xây dựng, với kết quả kinh doanh khả quan, như lãi 167 tỷ đồng năm 2011, lãi 143 tỷ đồng năm 2012 hay 101 tỷ đồng năm 2013.

Những tưởng với sự tham gia của cổ đông chiến lược, dòng vốn cùng phương thức quản trị tư nhân sẽ 'thổi luồng gió mát', đưa Licogi lên tầm cao mới. Nhưng trái ngược những kỳ vọng này, Licogi bất ngờ lao dốc mạnh sau cổ phần hoá. 

Năm 2016, năm đầu tiên hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, Licogi gây 'shock' khi lỗ sau thuế hợp nhất 437 tỷ đồng, xấp xỉ một nửa vốn điều lệ (900 tỷ đồng). Bước sang năm 2017, tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể với lỗ luỹ kế hợp nhất tới cuối Quý III là 514 tỷ đồng. 

Theo giải trình của Licogi, tổng công ty này lỗ lớn hậu cổ phần hoá do tất cả các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng đầu tư tài chính hoàn nhập tăng vốn nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần đều phải trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, theo ý kiến ngoại trừ của hãng kiểm toán uy tín PwC, nhiều bút toán của Licogi đã làm giảm doanh thu, lợi nhuận của tổng công ty này.

Trong báo cáo tài chính 2016, tại dự án Khu ĐTM Nam Ga Hạ Long, PwC cho rằng Licogi đã ghi giảm doanh thu hàng bán 17,8 tỷ đồng trái với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 và Thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính. Nếu hạch toán đúng, lỗ trước thuế trong năm sẽ giảm 3,3 tỷ đồng. Liên quan tới dự án Khu ĐTM C5-C8 và dự án C8 mở rộng, Licogi đã ghi nhận thêm vào Giá vốn hàng bán 8,1 tỷ đồng mà theo PWC là trái với nguyên tắc tại CMKTVN số 14, khiến lỗ trước thuế tăng lên tương ứng 8,1 tỷ đồng... 

Tại Khu đô thị Thịnh Liệt – dự án lớn nhất của Licogi, tổng công ty này tới cuối năm 2015 tồn tại khoản phải thu 39 tỷ đồng đối với Ban quản lý Dự án, song trong năm 2016 tiếp tục rót thêm 16 tỷ đồng, nâng số dư lên 55 tỷ đồng vào cuối năm và đồng thời trích lập 100% mất vốn cho khoản phải thu này. 

Với thực trạng thua lỗ nặng nề, không khó để dự đoán về một mức giá 'nhẹ nhàng' trong đợt thoái 40,71% vốn Nhà nước tại Licogi. Và với tỷ lệ chi phối của 2 cổ đông Khu Đông - Gia Cường, liệu còn nhà đầu tư nào hứng thú tham gia bán vốn này? 

Trong trường hợp hoàn tất thâu tóm, nhóm cổ đông tư nhân sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 98%, đồng nghĩa với gần như toàn quyền phát triển 1,6 triệu m2 đất vàng dự án tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ