Lãi suất tiết kiệm chạm đáy lịch sử, thời kỳ tiền rẻ đang đến?

Nhàđầutư
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hội tụ đủ 2 yếu tố kích hoạt dòng tiền rẻ là mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp và ngân hàng đẩy mạnh bơm tiền vào nền kinh tế.
MỸ HÀ
06, Tháng 12, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang hội tụ đủ 2 yếu tố kích hoạt dòng tiền rẻ là mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp và ngân hàng đẩy mạnh bơm tiền vào nền kinh tế.

Empty

Các yếu tố ủng hộ dòng tiền rẻ vào thị trường chứng khoán đã hội tụ. Ảnh: Trọng Hiếu.

Lãi suất tiết kiệm đã liên tục giảm nhiều tháng qua và đang có một làn sóng giảm mạnh trong tháng cuối năm 2023, về vùng thấp nhất lịch sử. Phát súng đầu tiên trong làn sóng này đến từ "ông lớn" Vietcombank (mã: VCB). Lãi suất tiết kiệm từ nhà băng này đã giảm về 2,4%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng và 4,8%/năm cho kỳ hạn 1 năm trở lên.

Sau đó, Techcombank công bố biểu phí lãi tiết kiệm áp dụng từ 4/12 ghi nhận mức 3,25%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng và 4,85%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên. Các nhà băng lớn khác như Agribank, BIDV, VietinBank niêm yết lãi suất kỳ hạn 1 năm trở lên ở mức 5,3%, ngang với vùng lãi suất trong thời kỳ dịch bệnh 2020-2021.  

Bình luận với Nhadautu.vn, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng Nhóm Vĩ mô và Thị trường Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng có 2 yếu tố tạo nên việc xuất hiện dòng tiền rẻ vào thị trường chứng khoán gồm lãi suất tiết kiệm thấp và các ngân hàng bơm tiền vào nền kinh tế. "Mọi thứ đang ủng hộ cho việc dòng tiền rẻ sẽ chảy vào thị trường chứng khoán", ông Khoa nói.

Về mặt lý thuyết, lãi suất tiết kiệm giảm là động lực để dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác, bao gồm cả chứng khoán. Lãi suất càng thấp thì nhu cầu vay và đầu tư càng lớn hơn, đặc biệt là khi so sánh tương quan hiệu quả đầu tư mang lại.

Đồng thời, tăng trưởng tín dụng năm nay quá thấp, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong gặp áp lực rất lớn trong việc giải ngân. Nếu nhìn lại 1 đến 2 tháng trước việc đi vay khá khó khăn nhưng hiện nay các ngân hàng đã nới lỏng điều kiện ra khá nhiều. Đồng thời, lãi suất cho vay cũng xuống thấp khoảng 7-8%/năm. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và cá nhân cải thiện rất nhiều. Thông thường, các doanh nghiệp khi huy động vốn sẽ chưa sử dụng hết ngay mà phân bổ từ từ, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, doanh nghiệp có thể phân bổ cho các kênh đầu tư khác để tối ưu hóa.

Nói về dòng tiền, ông Khoa cho rằng khó có sự gia tăng đột biến trong thời gian ngắn, mà chỉ ở trạng thái thăm dò. Vẫn có một vài rủi ro, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới chưa ổn định nên nhà đầu tư vẫn chọn kênh tiết kiệm như một nơi trú ẩn an toàn dù lãi suất thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mọi thứ đã được cải thiện tốt hơn.

Báo cáo của Công ty cổ phần FIDT (đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và quản lý tài sản) nhận định kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục phục hồi diện rộng. Hoạt động sản xuất phục hồi với tốc độ nhanh, tăng 3% theo tháng, ghi nhận 7 tháng tăng liên tục với động lực đến từ tín dụng giá rẻ, thúc đẩy đầu tư công, nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước cải thiện. Bán lẻ tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại. Thu hút đầu tư nước ngoài có phần chậm lại trong tháng 11 nhưng dòng vốn sản xuất tăng nhanh kể từ khi Việt Nam mở rộng ngoại giao và kinh tế với Mỹ, tỷ lệ giải ngân ổn định. Mặt khác, lạm phát duy trì mức thấp, 3,2 - 3,5% trong ngưỡng mục tiêu.

Về tình hình thế giới, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 10 tiếp tục hạ nhiệt khi chỉ tăng 3,5% và 3% cho chỉ số PCE toàn phần và cơ bản, giảm so với mức 3,7% và 3,4% trong tháng 9. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ yếu hơn kỳ vọng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm. SSI Research cho biết điều này khiến cho thị trường định giá cao hơn xác xuất Fed sẽ giảm lãi suất ngay trong kỳ họp tháng 3 năm sau.

Đồng thời, các phát biểu của quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Powell đã phần nào thay đổi giọng điệu đối với lạm phát, mặc dù vẫn thận trọng trước kỳ vọng giảm lãi suất. Diễn biến này khiến cho đồng USD có xu hướng giảm, tỷ giá USD/VND cũng bớt áp lực và biến động trong biên độ hẹp. Tính đến hết tháng 11, tỷ giá ở mức 24.650 đồng/USD, tăng 3,7% so với cuối năm 2022.

Ông Khoa cho rằng bối cảnh rõ ràng đã khác so với tháng trước, rủi ro xuống thấp. Theo đó, dòng tiền từ kênh tiết kiệm có thể tìm đến các kênh đầu tư khác, nhưng trước hết là thị trường chứng khoán do tính thanh khoản cao, quyết định đầu tư dễ dàng và nhiều lựa chọn hơn.

Về mặt giao dịch khối ngoại, chuyên gia đến từ BSC nhận định chính vì lãi suất đồng USD cao nên Việt Nam vẫn bị khối ngoại rút ròng dù vĩ mô tương đối ổn định về cả mặt bằng lãi suất, lạm phát, tỷ giá (có biến động nhưng so với mặt bằng chung trong khu vực là ổn định). Việc Fed phát đi tín hiệu lãi suất đạt đỉnh và có thể giảm trong năm sau sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại trở lại.

Báo cáo mới đây của VNDirect cũng nhận định đây là thời điểm thích hợp để đầu tư trung – dài hạn vào kênh chứng khoán do định giá thị trường hấp dẫn đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp và lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện từ quý IV. Tổ chức này dự báo VN-Index giao dịch vùng 1.080 - 1.150 trong tháng 12 và đạt vùng 1.400 - 1.450 trong năm 2024.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ