Lãi suất là ẩn số lớn nhất

Mặt bằng lãi suất trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng ngay cả khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (bình quân khoảng 4%), gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
NGỌC KHANH
04, Tháng 01, 2019 | 09:45

Mặt bằng lãi suất trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng ngay cả khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (bình quân khoảng 4%), gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

00891_laisuatlaansolonnhat

Mặt bằng lãi suất trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng ngay cả khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Ảnh: Thành Hoa

Yếu tố bên ngoài đã tác động mạnh lên thị trường tiền tệ

Năm 2018 đã trôi qua với nhiều diễn biến khó lường trên thị trường tiền tệ của Việt Nam. Đó là sự ổn định vững chắc của tỷ giá và lãi suất trong sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, thị trường đã trải qua sóng gió trong những tháng còn lại của năm 2018. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải liên tục bán ra ngoại tệ để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Ngoài ra, NHNN cũng đã phải hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng ngay từ đầu tháng 11-2018, thời điểm được xem là sớm hơn nhiều so với các năm gần đây.

Nguyên nhân của tất cả những biến động này đều đến từ bên ngoài. Đó là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Mỹ liên tục áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc đã khiến cho đồng đô la Mỹ lên giá và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh. Do Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, chiếm tới 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nên diễn biến trái chiều giữa đô la Mỹ và nhân dân tệ đã tác động mạnh đến tâm lý của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, mặc dù chưa có nhu cầu về đô la Mỹ nhưng các doanh nghiệp của Việt Nam đã đẩy mạnh việc mua bán kỳ hạn bằng đô la Mỹ (forward). Do vậy, NHNN đã phải bán ra gần 6 tỉ đô la kể từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 10-2018. Việc bán ngoại tệ đồng nghĩa sẽ có một lượng tiền đồng tương ứng được hút về khiến cho thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trở lên khan hiếm hơn.

Lãi suất giao dịch kỳ hạn qua đêm và một tuần liên tục vượt mức 4,75%/năm (mức lãi suất bơm vốn qua thị trường mở - OMO - của NHNN và thường được xem là mức trần lãi suất trên thị trường liên ngân hàng) từ cuối tháng 10 đến nay. Thanh khoản khan hiếm đã buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) phải liên tục tăng lãi suất huy động trên thị trường 1. Diễn biến này đang có xu hướng lan rộng và được xem là chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhưng yếu tố bên trong mới là nhân tố chính trong năm 2019

Ổn định sẽ là xu hướng chủ đạo của đô la và nhân dân tệ trong năm 2019. Khi đó thì tiền đồng cũng sẽ không chịu áp lực giảm nhiều như diễn biến của năm 2018.

Nếu như yếu tố chi phối đến thị trường tiền tệ của Việt Nam trong năm 2018 đến từ bên ngoài thì yếu tố bên trong lại được xem là nhân tố chính trong năm 2019. Nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy giảm trong năm 2019, trong đó có cả kinh tế của Mỹ và Trung Quốc.

Diễn biến này khiến cho các chuyên gia kinh tế dự báo rằng căng thẳng thương mại giữa hai nước sẽ dần được giải quyết thông qua đàm phán. Chính vì vậy mà ổn định sẽ là xu hướng chủ đạo của đô la Mỹ và nhân dân tệ trong năm 2019. Khi đó thì tiền đồng cũng sẽ không chịu áp lực giảm nhiều như diễn biến của năm 2018.

Tuy nhiên, trong khi rủi ro bên ngoài được giảm thiểu thì rủi ro bên trong hay nội tại của Việt Nam lại tăng lên. Đó là việc huy động vốn đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Tính đến ngày 20-12-2018, huy động vốn của hệ thống ngân hàng mới chỉ tăng 11,5% so với cuối năm 2017. Con số này đang thấp hơn khá nhiều so với mức 14,9% của năm 2017 và 18,5% của năm 2016. Nguyên nhân được cho là do việc NHNN đã phải hút một lượng lớn, khoảng hơn 130.000 tỉ đồng thông qua việc bán ngoại tệ trong năm 2018.

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước cũng đã huy động gần 166.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2018. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 31-12-2018 ước tính đạt khoảng 66,8% đã khiến cho một lượng tiền rất lớn, khoảng 400.000 tỉ đồng của Kho bạc Nhà nước đang được để dưới dạng tiền gửi tại NHNN và các NHTM.

Rủi ro tiếp theo mà các NHTM của Việt Nam đang phải đối mặt đó là tình trạng thiếu hụt nguồn vốn tự có. Theo đó, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng đang ở mức thấp (khoảng 12%) và sẽ giảm mạnh khi Thông tư số 41/2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Do vậy, các ngân hàng sẽ buộc phải đẩy mạnh huy động vốn tự có trong năm 2019. Để có đủ vốn thì các ngân hàng sẽ buộc phải tìm cách phát hành cổ phiếu tăng vốn thông qua thị trường chứng khoán (TTCK) và/hoặc phải huy động vốn tự có cấp 2 (Tier 2). Dù bằng cách nào thì những tác động của việc đó cũng sẽ khiến cho chi phí huy động của các ngân hàng tăng lên trong năm 2019.

Lãi suất sẽ là ẩn số lớn nhất

Những rủi ro trên khiến cho mặt bằng lãi suất trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng ngay cả khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (bình quân khoảng 4%). Lãi suất tăng sẽ là yếu tố cản trở mọi hoạt động của nền kinh tế và sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế khó có thể vượt được mức 7,08% như kỳ vọng trong năm 2019.

Ngoài ra, diễn biến bên ngoài cũng đang khiến cho NHNN phải chịu áp lực tăng lãi suất điều hành. Ngân hàng trung ương một số nước đã phải tăng lãi suất trong năm 2018 để đối phó với các diễn biến khác nhau. Philippines đã phải tăng lãi suất 5 lần nhằm mục tiêu thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, các nước như Indonesia, Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ phải tăng lãi suất để hạn chế sự mất giá của đồng nội tệ. Mới đây nhất, Ngân hàng trung ương Thái Lan đã phải tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 4-2015. 

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ