Lãi 'mỏng' như Tân Á Đại Thành

Nhàđầutư
Từ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị ngành nước, Tân Á Đại Thành vài năm trở lại lấn sân mạnh mẽ sang mảng địa ốc, dù rằng ít nhất ở trên báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của tập đoàn này chưa thực sự khả quan.
KHÁNH AN
20, Tháng 12, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Từ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị ngành nước, Tân Á Đại Thành vài năm trở lại lấn sân mạnh mẽ sang mảng địa ốc, dù rằng ít nhất ở trên báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của tập đoàn này chưa thực sự khả quan.

du-a-n-meyhomes-capital-phu-quo-c-da-u-a-n-ta-n-a-da-i-tha-nh

Phối cảnh dự án khu đô thị cao cấp Meyhomes Capital Phú Quốc quy mô hơn 56ha của Tân Á Đại Thành. Nguồn ảnh Internet.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa công bố danh sách 12 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện về năng lực tham gia đấu giá 34,8 triệu cổ phần (tương ứng 98,15% VĐL) CTCP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (HUD Kiên Giang). Cái tên đáng chú ý hàng đầu trong danh sách này là CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành (tên viết tắt Tân Á Đại Thành Corporation).

Tân Á Đại Thành Corporation được thành lập vào tháng 2/2019, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại với vốn điều lệ ban đầu ở mức 510 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Thị Mai Phương (50%), Nguyễn Minh Ngọc (28,8%) và Nguyễn Anh Tuấn (19,2%). Đến tháng 1/2020 công ty tăng vốn điều lệ lên mức 1.657,2 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Duy Chính (SN 1985). Ông Chính là con trai của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương và Tân Á Đại Thành Corporation cũng là một nhánh trong hệ sinh thái của Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Có lịch sử từ năm 1993, Tập đoàn Tân Á Đại Thành được điều hành bởi đại gia đình có 3 thế hệ là doanh nhân. Trải qua gần 3 thập kỉ hình thành và phát triển, tập đoàn này đã xây dựng được thương hiệu uy tín trong mảng thiết bị ngành nước.

Theo giới thiệu, năm 2007, Tập đoàn Tân Á Đại Thành chính thức ra đời với việc sáp nhập 3 công ty gồm: Công ty TNHH sản xuất và Thương Mại Tân Á; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Đại Thành và Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Á Đông, vốn điều lệ lúc đấy ở mức 760 tỷ đồng.

Dẫu vậy, ít ai biết thương hiệu Tân Á Đại Thành thực chất là thuộc hai công ty khác nhau mặc dù lãnh đạo của hai công ty này là người cùng một gia đình. Trong khi Công ty Tân Á được bán hàng thị trường phía Bắc tính từ Phú Yên trở ra thì Công ty Đại Thành bán hàng thị trường phía Nam từ Phú Yên trở vào và các tỉnh Tây Nguyên.

Đến giữa năm 2018, ông Nguyễn Duy Chính, Tổng Giám đốc Tân Á Đại Thành tiết lộ rằng, năm 2019, Công ty Tân Á và Công ty Đại Thành sẽ tiến hành hợp nhất thành một và đặt ra mục tiêu đến năm 2020 doanh thu của thương hiệu này sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, thị phần bồn nước inox trên thị trường trong nước sẽ đạt trên 80%, thị phần bình nước nóng đạt 70%.

Được biết, hiện tại Tập đoàn Tân Á Đại Thành đang sở hữu hệ thống 19 công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào, với hệ sinh thái gồm 9 dòng sản phẩm. Trong đó, bồn inox - bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời đang chiếm thị phần số 1 Việt Nam.

Pháp nhân lõi trong lĩnh vực sản xuất của tập đoàn là Công ty TNHH Sản Xuất và Thương mại Tân Á Hưng Yên.

Tân Á Hưng Yên được thành lập vào tháng 3/2004, là công ty con 100% vốn thuộc sở hữu của Công ty TNHH Sản Xuất và Thương mại Tân Á, tuy nhiên đến tháng 8/2019, chủ sở hữu mới được xác định là CTCP Kim Khí và Gia dụng Tân Á Đại Thành. Trên thực tế, đây chỉ là động thái tái cấu trúc bởi cả 2 công ty mẹ của Tân Á Hưng Yên đều là của bà Nguyễn Thị Mai Phương - Chủ tịch Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Cập nhật tới ngày 13/7/2020, số vốn điều lệ của Tân Á Hưng Yên ở mức 300 tỷ đồng.

Screenshot (324)

 

Đây chính là pháp nhân đóng góp doanh thu lớn nhất cho tập đoàn. Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, như năm 2016 chỉ tiêu này ở mức 1.603 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã là 2.975 tỷ đồng. Lãi thuần mặc dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh, song xét về giá trị tuyệt đối vẫn ở mức khá khiêm tốn. Năm 2019 là 8,4 tỷ đồng, tương đương ROE và ROA lần lượt chỉ là 4% và 0,6%. 

Lãi "mỏng" cũng là bức tranh chung của hệ sinh thái Tân Á Đại Thành, điển hình có thể kể đến CTCP Nhựa Stroman (Nhựa Stroman).

Trong năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 101,38 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước; lãi thuần ở mức 204 triệu đồng, trong khi năm 2018 lỗ thuần 580 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Stroman đạt 379 tỷ đồng, giảm 5,6% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 197,2 tỷ đồng.

Nhựa Stroman được biết đến nhiều với sản phẩm ống nhựa thương hiệu Stroman. Công ty này được thành lập vào tháng 3/2017 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 300 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Tân Á Đại Thành góp 80%. Đây là chủ đầu tư nhà máy Stroman tại Hưng Yên và Long An với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 140 triệu USD) và được xếp trong số những nhà máy sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, Công ty TNHH Một thành viên sản xuất và thương mại Tân Á Nghệ An cũng chỉ thu về khoản lãi thuần 1,8 tỷ đồng trong năm vừa qua trong khi doanh thu thuần là 93 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp khác cùng nhóm trong năm 2019 cũng đã không phát sinh doanh thu thậm chí báo lỗ thuần là CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (lỗ 1,4 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Tân Thuận Yến (lỗ 4,4 triệu đồng), CTCP Đầu tư Xây dựng Du lịch và Kinh doanh Bất động sản Hưng Phát Phú Quốc (lỗ 120 triệu đồng).

Screenshot (335)

 

Dù rằng kết quả kinh doanh của tập đoàn này chưa thực sự khả quan, song cũng như nhiều tập đoàn tư nhân khác, sau khi tạo được vị thế cho ngành nghề cốt lõi thì Tân Á Đại Thành nhiều năm trở lại đã và đang đầu tư lớn vào mảng bất động sản. 

Cùng với việc âm thầm mua gom quỹ đất lên tới 1.000ha tại TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Bình Thuận, Long An và Phú Quốc, Tân Á Đại Thành đã tiến hành thành lập CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (MeyLand).

Trên trang chủ, doanh nghiệp này cho biết “với số vốn điều lệ 1.000 tỷ, 8 công ty thành viên, Tân Á Đại Thành Meyland định hướng phát triển trở thành Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam”.

Tân Á Đại Thành Meyland hiện là chủ dự án khu đô thị cao cấp Meyhomes Capital Phú Quốc quy mô hơn 56ha tọa lạc tại tuyến đường huyết mạch kết nối sân bay quốc tế Phú Quốc qua Bãi Trường tới thị trấn An Thới. Ngày 24/9 vừa qua, doanh nghiệp này đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank). Theo đó, MBBank sẽ đứng ra hỗ trợ tài chính cho các khách hàng của dự án Meyhomes Capital Phú Quốc trong việc: mua/chuyển nhượng/góp vốn/thuê căn hộ, nhà, đất tại các dự án do BĐS Tân Á Đại Thành đầu tư phát triển.

Tại Nghệ An, Tân Á Đại Thành Meyland là nhà phát triển Bãi Lữ Resort, dự án nghỉ dưỡng được thực hiện trên diện tích 200 ha, với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Dự án về tay Tân Á Đại Thành sau khi pháp nhân này mua lại 88% cổ phần của CTCP Đầu tư kinh doanh Bãi Lữ vào tháng 7/2018.

Do đang trong quá trình đầu tư và phát triển dự án, Tân Á Đại Thành Meyland vẫn chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ thuần 1,4 tỷ đồng năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty này đạt 915,18 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 498,57 tỷ đồng.

Về phần mình, nữ doanh nhân năm nay 56 tuổi Nguyễn Thị Mai Phương còn trực tiếp đứng tên tại loạt doanh nghiệp trong hệ thống như CTCP Đầu tư Xây dựng Du lịch và Kinh doanh BĐS Hưng Phát Phú Quốc; CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Á Đại Thành; CTCP bất động sản Tân Á Đại Thành; Công ty TNHH Hoàng Yến; CTCP Bất động sản và Du lịch Thành Vinh 1; CTCP Bất động sản và Du lịch Thành Vinh 2; CTCP Bất động sản và Du lịch Thành Vinh 3; Công ty TNHH Bất động sản Tân Thuận Yến.

Dẫu vậy, bắt đầu từ năm 2015, nữ doanh nhân này đã tiến hành bước đầu chuyển giao quyền lực cho người con trai Nguyễn Duy Chính - nhân vật luôn sát cánh bên bà Mai Phương trong những sự kiện trọng đại của tập đoàn.

Trong một lần chia sẻ với giới truyền thông vào năm 2013, ông Chính cho biết, Nguyễn Phương Anh - cô em gái du học chuyên ngành tài chính sẽ là cánh tay phải của ông trong quá trình tiếp quản tập đoàn. Đến thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Phương Anh đang đảm trách vai trò Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Meyland, trước đó vị doanh nhân này cũng đã được nhận giải thưởng “Top 10 Nữ Doanh Nhân Phát Triển Thương Hiệu Việt Thành Công 2015”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ