Khơi thông dòng vốn ngoại vào Đà Nẵng - Bài 2: Mất dần những lợi thế

Nhàđầutư
TP. Đà Nẵng được đánh giá là địa phương ở miền Trung sở hữu nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên trong những năm gần đây, thành phố này đang có dấu hiệu mất dần sức hấp dẫn, thể hiện qua năng lực cạnh tranh, thiếu quỹ đất công nghiệp, tiền thuê đất tăng cao…
THÀNH VÂN
20, Tháng 11, 2023 | 06:50

Nhàđầutư
TP. Đà Nẵng được đánh giá là địa phương ở miền Trung sở hữu nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên trong những năm gần đây, thành phố này đang có dấu hiệu mất dần sức hấp dẫn, thể hiện qua năng lực cạnh tranh, thiếu quỹ đất công nghiệp, tiền thuê đất tăng cao…

PCI thấp nhất trong 10 năm

Kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, TP. Đà Nẵng xếp thứ 9 toàn quốc, với 68,52/100 điểm. Như vậy, so với PCI 2021, Đà Nẵng tụt 5 hạng và là địa phương đứng thứ 2 khu vực duyên hải miền Trung. Điều đáng nói, những năm trước đó (năm 2018, 2019, 2020), Đà Nẵng luôn đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng PCI.

Nói về nguyên nhân, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho rằng, một số nguyên nhân chính rơi vào các vấn đề tồn tại đầu tư kinh doanh. Trong đó, nhiều năm qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, tuy nhiên thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn lực của thành phố chưa được khơi thông.

"Điều này khiến cho việc thu hút đầu tư vào thành phố còn hạn chế, trong đó có các dự án liên quan đến thanh tra, thành phố đã báo cáo Trung ương xem xét tháo gỡ", ông Tường cho hay.

Ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng nhận định, việc Đà Nẵng tụt 5 hạng so với PCI 2021 trong khi thành phố đang có nhiều thuận lợi so với các tỉnh, thành phố như cơ sở hạ tầng tốt, công nghệ thông tin và chuyển đổi số liên tục xếp hạng dẫn đầu cả nước là điều mà thành phố cần nỗ lực cải thiện trong thời gian đến.

thu-hut-dau-tu-3

PCI 2022 Đà Nẵng tụt 5 hạng và là địa phương đứng thứ 2 khu vực duyên hải miền Trung. Ảnh: T.V.

Vị này cũng nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố xếp hạng cao hơn Đà Nẵng năm nay đều được đánh giá về thái độ hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực, triển khai đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp thường xuyên từ trực tiếp đến trực tuyến. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa, đặc biệt là giải quyết các vấn đề đã tích lũy nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp triệt để như đất đai, xây dựng...

Trong khi đó, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng – CTCP Long Hậu cho rằng, trong bối cảnh xung đột địa chính trị, nhiều tập đoàn và công ty bán dẫn dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia trong khu vực "tăng nhiệt" và cạnh tranh trong nước.

"Chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tại Đà Nẵng còn ở quy mô vừa và nhỏ, liên kết chuỗi cung ứng trong khu vực chưa thể hoàn toàn đáp ứng, nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao cũng là thách thức cho việc thu hút đầu tư vào Đà Nẵng", ông Hiếu nói.

20220430-a (33)

Nhiều doanh nghiệp ven biển Đà Nẵng phản ánh, giá đất thành phố cho thuê quá cao. Ảnh: T.V.

Giá đất thuê tăng cao

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng phản ánh việc giá đất thành phố cho thuê quá cao khiến một số đơn vị phải nợ tiền thuê đất. Điều này dẫn đến doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại thành phố.

Ông Nguyễn Mạnh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước (Chủ đầu tư Melia Danang Beach Resort) cho biết, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp ven biển hiện nay là giá đất. Mặc dù thành phố đã cố gắng giảm tất cả các hệ số, nhưng giá đất vẫn tăng lên rất cao.

"Chúng tôi đầu tư tại Đà Nẵng 15 năm, qua 3 lần điều chỉnh giá đất. Lần đầu năm 2010 – 2014 giá đất tăng 2 lần, 2015 – 2019 giá đất tăng 4 lần, 2020 – 2024 giá đất lại tăng thêm 4 lần nữa", ông Trung nói và cho biết, trong những năm đại dịch, doanh nghiệp du lịch không hoạt động được nhưng vẫn đóng tiền thuê đất (dù có được giảm) và phải đóng đủ nếu không sẽ bị cưỡng chế thuế.

 
Thành phố nên xem lại mức giá đất như thế nào cho hợp lý để doanh nghiệp có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn này.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng kiến nghị

Tương tự, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng cho rằng, giá đất Đà Nẵng đã tiệm cận với thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Nhất là các doanh nghiệp ven biển, doanh nghiệp thuê diện tích lớn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán, Thẩm định và Tư vấn Ecovis Afa Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thành phố bức xúc về việc tiền thuê đất tăng đột biến, trung bình tăng khoảng 4 lần.

"Việc tăng giá đất quá đột biến dẫn đến tiền thuê đất tăng theo, trong khi các địa phương lân cận Đà Nẵng không tăng cao dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư có khả năng chuyển đầu tư về các tỉnh lân cận để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh", ông Hiếu lo ngại.

z4882925279649_997d9ab646ec630fde8e2ab30a4a819e

Công viên phần mềm số 2, có tổng vốn đầu tư lên hơn 986 tỷ đồng. Ảnh: T.V.

Nhiều hạ tầng chờ "cởi trói"

Việc thiếu quỹ đất được cho là một trong những nguyên nhân chính cản trở thu hút đầu tư Đà Nẵng trong những năm gần đây. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá cao môi trường đầu tư tại Đà Nẵng nhưng lại băn khoăn về việc thiếu quỹ đất có thể ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp.

Đơn cử tại dự án Công viên phần mềm số 2, có tổng vốn đầu tư lên hơn 986 tỷ đồng được TP. Đà Nẵng đầu tư với kỳ vọng sẽ trở thành "cứ điểm" cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dù đã được xây dựng cơ bản hoàn thành, nhưng dự án trọng điểm này chưa được đưa vào khai thác, sử dụng.

 
Trong năm 2023, Sở đã nhận được nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về mở rộng không gian phát triển phần mềm cũng như các chính sách liên quan nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển không gian sáng tạo tại Công viên phần mềm số 2.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng thừa nhận, dự án này chưa hoạt động là "điểm nghẽn" của ngành công nghệ thông tin

Theo ông Phong, dự án Công viên phần mềm số 2 được thành phố xem là công trình trọng điểm, triển khai từ năm 2020. Sau nhiều lần triển khai thu hút đầu tư, đấu giá không thành công, thành phố đã quyết định đầu tư từ ngân sách. 

Do được đầu tư bằng ngân sách nên Công viên phần mềm số 2 là tài sản công. Trong khi đó, đến nay, quy định của pháp luật, hành lang pháp lý về tài sản kết cấu hạ tầng công lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa được Chính phủ ban hành.

"Quy định về quản lý, sử dụng và khai thác công viên phần mềm chưa có. Đây chính là vướng mắc chính đối với dự án này. Mới đây, ngày 21/3 Thủ tướng đã đồng ý cho phép thành phố bổ sung nội dung này vào quy định cơ chế đặc thù", ông Phong thông tin.

Trong khi đó, đối với quỹ đất khu công nghiệp (KCN), TP. Đà Nẵng có chủ trương xây dựng 3 KCN mới là KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Nhơn ngay từ năm 2016, tuy nhiên đến nay cả 3 khu công nghiệp này vẫn còn nằm trên giấy. Lãnh Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng thừa nhận, tiến độ triển khai các khu công nghiệp hiện đang chậm trễ nhiều so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân khác nhau.

biet-thu-bo-hoang-12-1438

Danang IT Park do CTCP Phát triển công nghệ thông tin Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Tri.

Còn ở phía Tây Bắc TP. Đà Nẵng, dự án Khu công nghệ thông tin tập trung (Danang IT Park) do CTCP Phát triển công nghệ thông tin Đà Nẵng (thuộc Trungnam Group) làm chủ đầu tư, đã hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 131ha. Tuy nhiên, từ khi đưa vào hoạt động vào năm 2019 đến nay, dự án chỉ mới thu hút được 2 nhà đầu tư, với tổng diện tích cho thuê khoảng 13,8ha/84ha.

Hiện giai đoạn 2 của dự án "đứng bánh" nhiều năm nay, do thành phố chưa giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Trong khi các hạ tầng quan trọng như trạm xử lý nước thải, trạm điện và một số hạ tầng xã hội được thực hiện trong giai đoạn này.

Đại diện CTCP Phát triển khu công nghệ thông tin Đà Nẵng cho biết, sau khi đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 dự án vào tháng 3/2019, công ty đã có văn bản gửi Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xem xét tiếp tục giao đất giai đoạn 2 để sớm triển khai đồng bộ dự án, khớp nối cả 2 giai đoạn nhằm tránh lãng phí thời gian và khai thác tối ưu hoạt động kinh doanh tại dự án.

Đặc biệt, trạm xử lý nước thải, trạm điện và một số hạ tầng xã hội nằm ở giai đoạn 2 dự án cần sớm được triển khai để bổ trợ cho giai đoạn 1. Qua đó giúp dự án thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư và giúp chủ đầu tư thuận lợi trong việc huy động vốn để triển khai theo đúng lộ trình công ty đề ra.

(Còn tiếp)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ