Thu hút FDI Đà Nẵng - Bài 2: Nhiều rào cản trong thu hút đầu tư

Nhàđầutư
Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra cũng như một số rào cản trong công tác thu hút đầu tư, Đà Nẵng đang từng bước điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, từ đó đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho đà phục hồi kinh tế bền vững, an toàn.
THÀNH VÂN
05, Tháng 09, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra cũng như một số rào cản trong công tác thu hút đầu tư, Đà Nẵng đang từng bước điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, từ đó đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho đà phục hồi kinh tế bền vững, an toàn.

Khó từ bên trong

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác thu hút đầu tư, song dịch COVID-19 đã khiến cho hoạt động đầu tư vào Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn, cản trở, đặc biệt là thu hút FDI.

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tìm hiểu và khảo sát địa điểm đầu tư tại Đà Nẵng của nhà đầu tư nước ngoài. Cũng như hiện nay, quỹ đất sạch nằm ngoài các khu công nghiệp hiện có sẵn nhưng chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án.

Đặc biệt, việc xúc tiến các dự án lớn ngoài các khu công nghiệp khá chậm do chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nên chưa có cơ sở xác định cụ thể vị trí đất phù hợp để giới thiệu cho nhà đầu tư quan tâm. Cũng như, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện có đã lấp đầy gần 90% trong khi các khu công nghiệp mới chưa được hình thành.

Ngoài ra, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm như Cảng Liên Chiểu, Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố… còn chậm đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc thu hút đầu tư vào Đà Nẵng. 

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã chỉ ra những hạn chế của thành phố ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào Đà Nẵng. Theo đó, các nhà đầu tư muốn tiếp cận các quỹ đất lớn để thực hiện các dự án có quy mô lớn nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thành phố đang triển khai tháo gỡ những bất cập về đất đai trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra.

thu-hut-dau-tu-FDI-Da-Nang-bai-2-anh-1

Khu CNTT Đà Nẵng vừa hoàn thành giai đoạn 1. 

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư có quy mô lớn còn thiếu. Quy hoạch phát triển đô thị chưa kết nối với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành dẫn đến quỹ đất hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu kêu gọi đầu tư, phát triển các dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa.

“Cơ sở hạ tầng, giao thông nội bộ, cảnh quan trong các khu công nghiệp đầu tư thiếu đồng bộ, khoảng cách ly với khu dân cư chưa phù hợp. Nhà xưởng cho thuê trong các khu công nghiệp còn thiếu, chất lượng nhà xưởng cho thuê và môi trường cảnh quan chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư”, ông Sơn chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng, ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Công ty Cổ Phần phát triển Khu CNTT Đà Nẵng đánh giá, hiện nay, Đà Nẵng còn thiếu sự gắn kết với những tỉnh lân cận, dẫn đến dễ xảy ra cạnh tranh trong thu hút đầu tư, chúng ta cần phối hợp các địa phương lân cận để ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến phát triển.    

“TP. Ðà Nẵng cần xây dựng định hướng, tiêu chí thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư gắn với xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường”, ông Huy đề xuất.

thu-hut-dau-tu-FDI-Da-Nang-bai-2-anh-2

Nhiều rào cản ảnh hưởng hoạt động đầu tư vào Đà Nẵng, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản 

Được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất miền Trung – Tây Nguyên, song nhiều doanh nghiệp FDI đã đồng loạt chỉ ra một số khó khăn, cản trở hoạt động đầu tư vào Đà Nẵng như thủ tục đất đai, hành chính, hạ tầng công nghiệp và nguồn nhân lực…

Ông Ikeda Naoatsu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, là doanh nghiệp vốn Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị thể thao cho biết, vấn đề thiếu hụt nhân lực vẫn đang tiềm tàng, thậm chí có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi ngành du lịch được khôi phục. Đặc biệt, làn sóng công nghiệp hóa tại các địa phương lân cận Đà Nẵng đang diễn ra mạnh mẽ, gây nên sự lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực.

"Để đón làn sóng dịch chuyển công nghiệp từ các quốc gia khác tới Đà Nẵng, cần mở rộng các khu công nghiệp và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi rất mong thành phố nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường sống như: phát triển hệ thống nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động, thu hút nhân lực từ các nơi đến Đà Nẵng làm việc", ông Ikeda Naoatsu chia sẻ.

Theo ông Lee Sungnyung, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng (KOTRA Đà Nẵng), sau COVID-19, điều nhà đầu tư quan tâm hàng đầu không còn là tối đa lợi nhuận mà là môi trường đầu tư ổn định. Thời gian qua, Việt Nam và Đà Nẵng đã xây dựng hình ảnh ổn định về kiểm soát dịch bệnh, mang lại cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều điều kiện hấp dẫn.

Tuy nhiên, ông Lee Sungnyung cho rằng, trong quá trình đầu tư vào Đà Nẵng, các doanh nghiệp Hàn Quốc đều gặp phải một số rào cản vô hình gây chậm trễ tiến độ. Tổn thất về thời gian và chi phí, gây hại đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Do đó, ông Lee Sungnyung đề nghị Đà Nẵng cần giảm bớt thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và phối hợp chặt chẽ cùng nhà đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, kiến nghị thành phố quan tâm hỗ trợ sau đầu tư, khuyến khích các công ty mở rộng quy mô, thường xuyên thu thập ý kiến và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để giữ chân nhà đầu tư hiện hữu. Đặc biệt, thay đổi phương pháp thu hút đầu tư “không tiếp xúc” trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung cho biết, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng, đó là việc tiếp cận, thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp lớn còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách, ưu đãi thu hút đầu tư đặc biệt dành cho các dự án trọng điểm.

“Thủ tục hành chính mặc dù đã được cải thiện đáng kể, điều kiện đầu tư kinh doanh được thông thoáng hơn, nhưng vẫn còn một số thủ tục chưa tạo được sự thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc nên ảnh hưởng đến công tác xúc tiến đầu tư, hoạt động đoàn ra và các sự kiện đầu tư”, ông Dương cho hay.

thu-hut-dau-tu-FDI-Da-Nang-bai-2-anh-3

Đà Nẵng tiếp tục chọn xúc tiến đầu tư trực tuyến là giải pháp thu hút nhà đầu tư mới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp. 

Linh động trong tình hình mới

Ðể Ðà Nẵng thật sự là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Ðà Nẵng Phạm Trường Sơn cho rằng, Chính phủ cần tạo điều kiện, cho phép thành phố thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, khôi phục và phát triển kinh tế.

Đồng thời, xây dựng định hướng rõ ràng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng định hướng, tiêu chí thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư gắn với xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Sơn cho biết thêm, Đà Nẵng cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm bớt việc nhập khẩu nguyên liệu ở nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến phát triển, hạn chế đầu tư vào các ngành gia công, các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp; xây dựng chương trình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung cho biết, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương sau dịch bệnh COVID-19, Đà Nẵng tập trung chuyển đổi, đẩy mạnh hình thức quảng bá thu hút đầu tư từ trực tiếp sang trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút làn sóng đầu tư từ các thị trường đầu tư truyền thống và tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ…

“Địa phương cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào và lao động; thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, hỗ trợ TP. Đà Nẵng xây dựng một nền kinh tế có tính thích nghi cao, có sức chống chịu tốt trong một thế giới diễn biến phức tạp, khó lường”, ông Dương nói.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, để đẩy mạnh việc thu hút dòng vốn FDI, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đà Nẵng sẽ tập trung hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, khắc phục những tồn đọng, vướng mắc. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất trong và ngoài các khu công nghiệp đón dòng vốn dịch chuyển. Đổi mới, nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư từ hình thức đến nội dung, hỗ trợ có hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ đi đôi với tìm kiếm có chọn lọc các nhà đầu tư mới tiềm năng.

Đồng thời, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư. Phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp và định hướng phát triển của thành phố.

Theo bà Trâm, bên cạnh việc tập trung thu hút các dự án FDI mới, Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư hiện hữu. Cụ thể, định kỳ, hằng năm tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như: đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với cộng đồng doanh nghiệp. Mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư…

“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư hiện hữu cũng như thu hút thêm đầu tư mới, thành phố tập trung đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục, minh bạch hóa các giấy tờ cũng như quy hoạch, định hướng phát triển. Hơn nữa, chính quyền thành phố mở rộng các kênh thông tin tiếp nhận ý kiến, đóng góp của doanh nghiệp, tăng cường gặp gỡ, đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp hiện hữu. Thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm xây dựng một môi trường đầu tư bền vững”, bà Trâm thông tin.  

(Còn nữa)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ