Khoản vay 'cắt cổ' hé lộ cuộc chơi lớn của VSD Holdings

Nhàđầutư
Đứng sau doanh nhân Vũ Ngọc Tú cùng VSD Holdings là hình bóng của một nhóm nhà đầu tư giàu tiềm lực đến từ xứ "Bắc" - Bắc Giang và Bắc Ninh.
NGHI ĐIỀN
10, Tháng 04, 2020 | 07:00

Nhàđầutư
Đứng sau doanh nhân Vũ Ngọc Tú cùng VSD Holdings là hình bóng của một nhóm nhà đầu tư giàu tiềm lực đến từ xứ "Bắc" - Bắc Giang và Bắc Ninh.

thuy-dien-nam-la-8271724_1442020

Nhà máy Thủy điện Nậm La (Nguồn: thuydiennamla.com.vn)

Mời đọc trước:

      Chủ mới Xe đạp Thống Nhất và 'hệ sinh thái' VSD Holdings

      Người xứ 'Bắc' ở Nhựa Đồng Nai

Thuỷ điện Nậm La

CTCP Thuỷ điện Nậm La vừa công bố phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 42 tháng. Ngày phát hành là 31/3/2020. MBBank - MBS là bên thu xếp.

Khoản trái phiếu có giá trị không quá lớn, song điểm đặc biệt là lãi suất phát hành rất cao, lên đến 13%/ năm đầu tiên dù có tài sản đảm bảo. Lãi suất cho các kỳ sau đó bằng lãi tham chiếu cộng biên độ tới 6,1%/năm.

So với xu hướng giảm lãi suất theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, hiện ở mức từ 9,5-10,5%/ năm, biên độ lãi từ 2,5-3,5%, thì mức lãi cao bất thường của Thuỷ điện Nậm La không khỏi thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Lưu ý rằng, nếu cộng thêm chi phí phát phát hành, lưu ký, quản lý tài sản đảm bảo từ 1-1,5%, thì chi phí thực của lô trái phiếu 100 tỷ đồng có thể lên tới 14,5%, xấp xỉ gấp rưỡi thị trường tín dụng.

Vậy thì trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng giảm, vì sao Thuỷ điện Nậm La lại phải đi vay với chi phí vốn cao như vậy? Câu trả lời không khó đoán định, là doanh nghiệp này chắc hẳn đang rất "khát" vốn. Vấn đề hay hơn ở đây là: Vì sao họ "khát" vốn?

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Thuỷ điện Nậm La được thành lập từ năm 2007, trước đây có tên gọi CTCP Thuỷ điện Viwaseen - Tây Bắc, là chủ đầu tư Nhà máy thuỷ điện Nậm La có vốn đầu tư 527 tỷ đồng tại tỉnh Sơn La. Dự án gồm ba tổ máy, tổng công suất 27MW, khởi công cuối năm 2007, vận hành phát điện tổ máy số 1 vào tháng 9/2011 và đưa vào sử dụng toàn bộ từ tháng 7/2012.

Đúng như tên gọi ban đầu, Thuỷ điện Nậm La là sự hợp tác giữa Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen), Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam - Chi nhánh Nam Định (sau chuyển cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí - PVPower) và CTCP Thiết bị và Xây dựng Tràng An.

Cơ cấu sở hữu của CTCP Thuỷ điện Viwaseen - Tây Bắc thời gian sau đó có nhiều biến động lớn. Doanh nghiệp này từng có giai đoạn được giới thiệu là thành viên của Đông Dương Group - một tập đoàn đa ngành ở phía Bắc. Tuy nhiên bước ngoặt cơ bản xảy đến khi hai cổ đông lớn Viwaseen và PVPower lần lượt thoái hết vốn trong năm 2015, Viwaseen - Tây Bắc đổi tên thành CTCP Thuỷ điện Nậm La như hiện nay. Dù vậy, cơ cấu cổ đông từ đó chưa từng được công bố.

Theo dữ liệu riêng của Nhadautu.vn, Thuỷ điện Nậm La hiện đã về tay một nhóm nhà đầu tư ở Bắc Ninh - Bắc Giang. Đặc biệt từ sau đợt tăng vốn từ 150 tỷ đồng lên 315 tỷ đồng vào đầu năm ngoái, CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings) và các pháp nhân liên quan đã gia tăng tỷ lệ sở hữu lên ít nhất 79%, trong đó trực tiếp VSD Holdings nắm 19.246.150 cổ phần, và là công ty mẹ, sở hữu 61% vốn Thuỷ điện Nậm La.

VSD Holdings, như Nhadautu.vn đã đề cập trong bài viết cách đây một năm, được thành lập năm 2016, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu của doanh nhân Vũ Ngọc Tú, người hiện cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Thuỷ điện Nậm La. 

Ông Tú sinh năm 1989, đã tham gia vào một số thương vụ M&A doanh nghiệp ngành nước cổ phần hoá cùng với CTCP Nhựa Đồng Nai và công ty con CTCP Đầu tư Ngành nước DNP như tại CTCP Cấp thoát nước Long An hay CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình (không thành công); ngoài ra phải kể đến thương vụ mua lại CTCP Nhựa Tân Phú. Bản thân VSD Holdings và các thể nhân, pháp nhân trong "group" còn trực tiếp đầu tư và nắm giữ phần vốn đáng kể của cả Nhựa Đồng Nai lẫn Ngành nước DNP.

Tuy vậy, một vài khoản đầu tư trong mảng nhựa hay nước sạch có thể xem là những cuộc "dạo chơi" ban đầu của doanh nhân trẻ năm nay mới 31 tuổi. Còn mục tiêu thực sự của VSD Holdings và ông Vũ Ngọc Tú, sẽ không bất ngờ nếu chính là lĩnh vực năng lượng, hay cụ thể hơn là thuỷ điện.

Ngoài dự án thuỷ điện đã vận hành gần 10 năm, Thuỷ điện Nậm La và pháp nhân trong hệ sinh thái VSD Hodlings là CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất năm ngoái đã mua lại Nhà máy Thuỷ điện Tắt Ngoẵng (Mộc Châu, Sơn La) với giá 177,3 tỷ đồng, và tiếp tục đầu tư thêm 35,4 tỷ đồng vào dự án.

Nhưng, đây vẫn chưa phải thương vụ đáng chú ý, nhất là khi bên bán hiện đang "xin" mua lại chính dự án này.

Vinaconex P&C và vai trò làm "deal" của PVI AM

Đầu năm 2020, cùng với diễn biến Vinaconex thoái hết vốn, giới đầu tư tài chính không khỏi bị "choáng" bởi các giao dịch mua bán cổ phiếu VCP của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Năng lượng Vinaconex (Vinaconex P&C) có trị giá tới 1.800 tỷ đồng.

Sau các giao dịch này, từ ngày 19/2/2020, Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI (POF) là cổ đông lớn nhất, nắm 40,88% vốn Vinaconex P&C, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất sở hữu 14,04% và một cá nhân là ông Nguyễn Tuấn Anh có 20,16%.

Ngay sau khi Vinaconex rút lui, chiếc "ghế" Chủ tịch Vinaconex P&C vào ngày 20/2/2020 nhanh chóng được chuyển giao từ ông Dương Văn Mậu sang cho ông Vũ Ngọc Tú - doanh nhân như đã biết, năm nay chỉ vừa bước qua độ tuổi đầu "ba".

Diễn biến doanh nhân quê Bắc Giang lên làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex P&C chắc hẳn phải nhận được cái "gật đầu" của nhóm các cổ đông lớn; trong đó ngoài Đầu tư Châu Á Thống Nhất đã đề cập, thì POF hay đứng sau là CTCP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) cũng có mối quan hệ mật thiết, nếu không muốn là đối tác thân thiết của nhóm VSD Holdings và DNP Group.

Phiên đấu giá 3.932.400 cổ phần, tương đương 6,9% vốn Vinaconex P&C của Tổng công ty Sông Đà vào ngày 25/3 đã không diễn ra do không có nhà đầu tư nào đăng ký đấu giá.

Ngoài khoảng 11% cổ phần Vinaconex P&C được VSD Holdings chuyển cho POF, thì cả POF và PVI AM, nên biết, đã đồng hành cùng Ngành nước DNP ở rất nhiều thương vụ M&A, như tại Nước Bình Thuận, Nước Bình Phước, Nước Quảng Bình, Nước Đắk Lắk, Nước Khánh Hoà...

Tới cuối năm 2019, POF đã dành ra 1.046 tỷ đồng, tương đương 2/3 tổng giá trị đầu tư chứng khoán để mua cổ phiếu các doanh nghiệp như Nước Bình Phước, Nước Đắk Lắk, Ngành nước DNP, và đặc biệt là khoản đầu tư 546 tỷ đồng vào Vinaconex P&C - nhiều khả năng là một khoản uỷ thác đầu tư, căn cứ theo thuyết minh trong báo cáo tài chính về 660,6 tỷ đồng tiền nhận đặt cọc chuyển nhượng cổ phiếu của khách hàng tính đến cuối năm ngoái.

Hay nói cách khác, trong thương vụ Vinaconex P&C, vai trò làm "deal" của POF và PVI AM là khá rõ ràng.

Về phần mình, không có thông tin cụ thể về nhà đầu tư cá nhân Nguyễn Tuấn Anh, dù số cổ phiếu VCP mà vị doanh nhân bí ẩn này nắm giữ có giá thị trường lên tới gần 600 tỷ đồng. Tuy nhiên quan sát cái cách nhóm Đầu tư Châu Á Thống Nhất và POF (nắm gần 55%, thấp hơn mức phủ quyết 65%) "ngó lơ" phiên đấu giá 6,9% cổ phần Vinaconex P&C của Tổng công ty Sông Đà vào ngày 22/3 vừa qua, sẽ là không bất ngờ nếu ông Nguyễn Tuấn Anh cũng có liên hệ với nhóm nhà đầu tư xứ "Bắc".

Nếu giả thiết này là đúng, thì nhóm nhà đầu tư của ông Vũ Ngọc Tú đã sở hữu tới 75% cổ phần, và thương vụ M&A Vinaconex P&C coi như đã an bài.

VSD Holdings "vào" Vinaconex P&C từ thời điểm nào?

Tháng 3/2016, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Vietinbank nhận uỷ thác của ông Nguyễn Anh Tuấn trúng đấu giá trọn lô 11,36% cổ phần Vinaconex P&C từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Hơn hai năm sau, ông Tuấn tháng 5/2018 sang tay toàn bộ cổ phần VCP cho VSD Holdings, đánh dấu sự có mặt chính thức của nhà đầu tư này tại Vinaconex P&C.

Hiện tại, ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT thuộc về ông Vũ Ngọc Tú, Trưởng BKS Vinacopex P&C là ông Trịnh Nguyên Khánh - cổ đông và là Phó TGĐ VSD Holdings, còn chức vụ Tổng giám đốc Vinacopex P&C được bổ nhiệm cho ông Phạm Văn Minh - một doanh nhân cũng tới từ Bắc Ninh vào ngày 25/3 vừa qua. 

Ảnh hưởng của nhóm VSD Holdings tại Vinaconex P&C nhiều khả năng sẽ được cụ thể hoá bằng các vị trí ở HĐQT và BKS trong ĐHĐCĐ thường niên sắp tới.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ