Khó có làn sóng FDI kiểu hiệu ứng dây chuyền

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam đạt mức 7,08%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 đến nay và FDI tiếp tục là một khu vực kinh tế rất quan trọng của Việt Nam.
NGỌC KHANH
21, Tháng 01, 2019 | 09:50

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam đạt mức 7,08%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 đến nay và FDI tiếp tục là một khu vực kinh tế rất quan trọng của Việt Nam.

fdi

 

Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; đóng góp 20% vào GDP và 15% tổng thu ngân sách. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI đang tạo ra việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp...

Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục chủ trương đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư nhằm thu hút thêm các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là khi đang có dự báo rằng nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển khỏi Trung Quốc để đến một quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các nước khác như Indonesia, Thái Lan và cả Ấn Độ - một quốc gia ngoài khu vực ASEAN.

Nhân công giá rẻ và ưu đãi thuế mới chỉ là điều kiện cần

Đã có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành để xác định xem các doanh nghiệp FDI sẽ cân nhắc những yếu tố nào khi quyết định đầu tư vào một quốc gia. Một số yếu tố chính cũng đã được chỉ ra như chi phí nhân công, trình độ tay nghề của người lao động, các ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng, sự ổn định về chính trị hay tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó...

Thực tế tại Việt Nam, để thu hút được tập đoàn Samsung thì Chính phủ và các địa phương đã có rất nhiều ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ kết nối với các nhà máy của Samsung. Bên cạnh đó, chi phí nhân công tại Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn Samsung cũng như các doanh nghiệp khác. Theo đó, lương bình quân của một công nhân làm việc trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam hiện chỉ vào khoảng 216 đô la Mỹ/tháng, tương đương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Con số này thấp hơn mức 257 đô la Mỹ tại Ấn Độ, 314 đô la Mỹ tại Indonesia và thấp hơn nhiều so với mức 378 đô la Mỹ tại Thái Lan hay 470 đô la Mỹ tại Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ chưa thể kết thúc trong tương lai gần. Do vậy, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế cũng như trong nước cho rằng sẽ có một làn sóng các doanh nghiệp FDI chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đích đến là các nước ASEAN hoặc Ấn Độ. Câu hỏi nhiều người quan tâm lúc này là cụ thể các doanh nghiệp đó sẽ chuyển đến nước nào.

Nếu như nhìn vào trường hợp của Samsung thì có lẽ nhiều người sẽ rất lạc quan vào viễn cảnh các doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam, khi mà Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đáp ứng hầu hết các điều kiện ưu đãi mà doanh nghiệp này đưa ra. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của một doanh nghiệp có quy mô toàn cầu, khi họ dịch chuyển cả hệ thống cũng như chuỗi các nhà cung ứng từ các công ty con cho đến công ty vệ tinh sang Việt Nam.

Còn đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động riêng lẻ trong nhiều lĩnh vực khác nhau thì sao? Theo quan điểm của người viết thì những ưu đãi về thuế và chi phí nhân công mới chỉ là điều kiện cần đối với một doanh nghiệp FDI.

Điều kiện đủ là chuỗi giá trị sản xuất

3e46f_3_405

 

Điều kiện đủ để thu hút một doanh nghiệp FDI đó là việc họ phải nằm trong chuỗi giá trị sản xuất (value chain) của ngành mà mình đang hoạt động. Theo đó, nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp phải được tối ưu hóa chi phí ở mức thấp nhất.

Nhận định trên được đưa ra dựa trên đặc thù của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang có sự khác biệt so với Indonesia, Thái Lan cũng như Ấn Độ.

Theo đó, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang có số vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Nhật Bản cũng là các nhà đầu tư lớn nhất tại Thái Lan nhưng lĩnh vực đầu tư chủ yếu là sản xuất ô tô và hàng điện tử tiêu dùng. Còn tại Ấn Độ, Mỹ và Anh đang là hai quốc gia đầu tư nhiều nhất nhưng các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính, ngân hàng. Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc là những nhà đầu tư lớn nhất tại Indonesia với lĩnh vực chủ yếu là bất động sản.

Như vậy, có sự khác biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp FDI tại các quốc gia khác nhau. Sự khác biệt này dựa trên chuỗi giá trị sản xuất mà họ đang tham gia. Cho nên nếu có sự dịch chuyển các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam thì cũng sẽ chỉ diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực cụ thể chứ khó có một làn sóng mang tính hiệu ứng dây chuyền như kỳ vọng của nhiều người.

Theo The Saigontimes

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ