Hôm nay ký hợp đồng tín dụng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Nhàđầutư
Hôm nay 15/6, nhà đầu tư, đại diện các ngân hàng cho vay và Bộ GTVT sẽ tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
PHAN CHÍNH
15, Tháng 06, 2018 | 10:07

Nhàđầutư
Hôm nay 15/6, nhà đầu tư, đại diện các ngân hàng cho vay và Bộ GTVT sẽ tổ chức Lễ ký kết hợp đồng tín dụng Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.

201224caotoctrungluongmythuanhqds-15274901140742138987378-0-18-298-548-crop-15274901175881718850547

Ảnh minh họa

Như Nhadautu.vn đã thông tin, dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng vẫn đang nhọc nhằn tiến những bước chậm chạp, dù đã triển khai được hơn 3 năm.

Trong cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, bên cạnh phần vốn chủ sở hữu trị giá 1.542 tỷ đồng, các nhà đầu tư phải huy động đủ 8.126 tỷ đồng từ vốn vay thương mại để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và thi công công trình.

Trước đó, theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ngày 31/5/2018  là hạn chót mà doanh nghiệp dự án phải ký được hợp đồng tín dụng. “Hết thời hạn này, doanh nghiệp dự án chưa ký được hợp đồng vay đủ 100% phần vốn vay để thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ chấm dứt hợp đồng dự án, bao gồm việc tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và xử lý phạt theo các quy định của hợp đồng đã ký”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu.

Cần phải nói thêm rằng, mốc thời hạn hoàn thành việc ký hiệp định tín dụng này đã được Bộ GTVT “nới” nhiều lần, nhằm cứu dự án BOT này không rơi vào tình trạng đổ bể.

trungluong

Sơ đồ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo hợp đồng được ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư dự án vào ngày 18/11/2016, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phải ký được hợp đồng tín dụng đủ giá trị trong vòng 2 tháng kể từ khi hợp đồng BOT được xác lập. Tuy nhiên, trong suốt 2 năm qua, việc ký hợp đồng tín dụng cho dự án luôn nằm ngoài tầm với của nhà đầu tư, khiến công tác thi công trên công trường theo kiểu cầm chừng. Hiện toàn bộ “nguồn sống” phục vụ công tác thi công đều bám vào phần vốn chủ sở hữu đã dần cạn, sau khi nhà đầu tư đã ứng hơn 1.304 tỷ đồng để phục vụ chi trả đền bù giải phòng mặt bằng.

Trong văn bản xin Bộ GTVT nới “một ít thời gian nữa” cho việc ký hợp đồng tín dụng, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, tính đến ngày 31/5/2018, ngoại trừ Ngân hàng TMCP Quân đội, 4/5 nhà tài trợ tín dụng còn lại đã họp cấp phê duyệt cao nhất theo quy định của từng ngân hàng để thông qua khoản vay. 

Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đồng ý cho vay tối đa 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay tối đa 1.500 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank) đồng ý cấp hạn mức tối đa 1.500 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng ý cấp hạn mức tối đa 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dù đến cuối tháng 5/2018, hầu hết các ngân hàng hợp vốn đã họp và thông qua khoản vay, nhưng trong quá trình lấy chữ ký của từng thành viên HĐQT, một số thành viên vẫn yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin về dự án.

Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro, phản ứng của người dân về các thu giá, thu phí… dẫn đến các ngân hàng trở nên đặc biệt thận trọng khi xét duyệt cho vay BOT, trong đó có Dự án BOT đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Có thể thông cảm với khó khăn của nhà đầu tư trong việc hợp vốn tín dụng cho Dự án BOT đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trên thực tế, từ đầu năm 2017, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tiến rất sát việc ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng đứng ra hợp vốn là VietinBank. Dù nhà đầu tư rất nỗ lực, ngân hàng rất thiện chí cho vay, nhưng việc ký hợp đồng tín dụng vẫn không thể diễn ra.

“Vướng mắc chủ yếu là do Thông tư 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) quy định lãi suất vay trong hợp đồng BOT không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ, chênh lệch từ 2,2 đến 2,5% so với lãi suất các nhà đầu tư dự án sẽ phải trả cho các ngân hàng thương mại”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết. 

Khoản hụt thu dòng tiền rất lớn này đe dọa phương án tài chính dự án, khiến các tổ chức tín dụng e ngại. Đến tháng 7/2017, Bộ Tài chính mới có Thông tư 75/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 55/2016/TT-BTC, nâng trần lãi suất cho vay lên 1,5 lần lãi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn tương tự. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho những dự án chưa ký hợp đồng. Những dự án BOT đã ký hợp đồng như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn áp dụng mức trần lãi suất không vượt quá 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ. Trong khi đó, các ngân hàng ra điều kiện là, chỉ cho dự án vay vốn nếu dự án được áp dụng Thông tư 75/2017/TT-BTC.

Phải đến cuối tháng 4, nút thắt này mới được tháo gỡ khi Bộ Tài chính cho phép 2 dự án BOT cao tốc là Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận được vận dụng quy định trần lãi suất tại Thông tư số 75/2017/TT-BTC. Đây là một trong những rào cản mà nhà đầu tư tốn khá nhiều thời gian để gỡ bỏ nhằm đạt được thỏa thuận cấp vốn cuối cùng với 5 ngân hàng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ