Hệ sinh thái SSG – tập đoàn quyền lực đứng sau dự án có số phận kỳ lạ Mỹ Đình Pearl

Nhàđầutư
Từ một công ty được thành lập năm 2003 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vài trăm triệu đồng, đến nay SSG Group đã tăng vốn lên mức 1.000 tỷ đồng, hoạt động đa ngành từ bất động sản; phát triển giáo dục; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đến năng lượng tái tạo.
ANH MAI
07, Tháng 08, 2018 | 09:08

Nhàđầutư
Từ một công ty được thành lập năm 2003 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vài trăm triệu đồng, đến nay SSG Group đã tăng vốn lên mức 1.000 tỷ đồng, hoạt động đa ngành từ bất động sản; phát triển giáo dục; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đến năng lượng tái tạo.

Mới đây, CBRE Việt Nam đã chính thức trở thành đơn vị quản lý vận hành dự án Mỹ Đình Pearl, dự án do Tập đoàn SSG làm chủ đầu tư.

Tọa lạc tại số 1 Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Mỹ Đình Pearl được giới thiệu là dự án chung cư cao cấp được thiết kế với mật độ xây dựng 18,25% tổng diện tích.

Với quy mô lên đến 3,8 ha, gồm 2 tòa căn hộ, mỗi tòa cao 38 tầng với tổng số căn hộ là 951 căn, sau nhiều năm trì trệ, dự kiến dự án sẽ triển khai đi vào hoạt động trong quý IV/2018.

my dinh pearldd

Toàn cảnh dự án Mỹ Đình Pearl vào tháng 5/2018. Ảnh: SSG Group

Số phận kỳ lạ

Năm 2010, Công ty Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG) được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn SSG, với 5cổ đông sáng lập gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 6% cổ phần, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chiếm 25% cổ phần, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) chiếm 10% cổ phần, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) chiếm 10% cổ phần và Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG chiếm 49% cổ phần.

Liên doanh PV-SSG khi đó được lập ra để thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam, tiêu chuẩn 5 sao siêu hoành tráng ở thời điểm đó. Sau đó, dự án này được đổi tên thành Mỹ Đình Pearl.

Thực tế, dự án Mỹ Đình Pearl từ năm 2010 đến năm 2014 đã không phát sinh doanh thu. Tới năm 2015, PV-SSG mới ghi nhận khoản doanh thu 2 tỷ đồng đến từ dự án Golf Mỹ Đình Pearl và cho thuê mặt bằng.

Sau một thời gian dài trì trệ và thực hiện quy định các doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư ngoài ngành, lần lượt các doanh nghiệp họ dầu khí là PVN, PVC, PVI đều thoái vốn, bỏ lại dự án dang dở cho SSG.

Với việc các đối tác bỏ đi, SSG cũng nâng dần số cổ phần sở hữu của mình tại dự án này lên 81%.

Một số cổ đông chính của tập đoàn SSG - công ty mẹ của PV-SSG – là bị cáo trong đại án Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh.

Đại án Hà Văn ThắmPhạm Công Danh đều có liên quan đến nhóm cổ đông sở hữu hơn 5,8 triệu cổ phần SSG là bà Hứa Thị Phấn, Hứa Anh Thơ, Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Bách Hạnh. Bà Hứa Thị Phấn từng là thành viên HĐQT của Tập đoàn SSG.

Trên vai trò là đại diện cổ đông sáng lập, bà Phấn đã dùng hơn 5 triệu cổ phiếu tại SSG (gồm 1,6 triệu cổ phiếu SSG của bà Ngô Thị Kim Huệ, hơn 860.000 cổ phiếu SSG của bà Hứa Thị Phấn, 3,3 triệu cổ phiếu SSG của bà Hứa Thị Bích Hạnh) cùng hai biệt thự là tài sản cá nhân để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng giữa Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh đầu năm 2012.

Cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên hơn 5,8 triệu cổ phần SSG của nhóm cổ đông bà Hứa Thị Phấn để khắc phục thiệt hại cho khoản vay 500 tỷ đồng của công ty Trung Dung tại OceanBank.

Ngày 31/5/2018, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bà Hứa Thị Phấn 30 năm tù.

Hàng loạt dự án "khủng"

Theo giới thiệu, Tập đoàn SSG (SSG Group) được thành lập năm 2003 với 7 cổ đông sáng lập là các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau khi bà Hứa Thị Phấn xin rút khỏi HĐQT SSG Group do liên quan đến đại án OceanBank vào tháng 10/2016, hiện HĐQT công ty nhiệm kỳ 2016 - 2020 gồm các thành viên là các bà Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Thị Tường Giang, Hứa Thị Bích Hạnh và các ông Võ Thế Minh, Đinh Ngọc Ninh.

Ông Đinh Ngọc Ninh hiện làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, bà Nguyễn Hồng Phương làm Chủ tịch HĐQT của SSG.

nguyen hong phuong

Bà Nguyễn Hồng Phương - Chủ tịch SSG Group (phải) tại Lễ khởi động Dự án Liên doanh Petrosetco – SSG tại bán đảo Thanh Đa, Quận Bình Thạnh, TP.HCM tháng 2/2011. Ảnh: SSG Group

Ngoài Công ty TNHH Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn và một số pháp nhân, thể nhân khác, cổ đông chiến lược của SSG còn có sự xuất hiện của một doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Bảo Việt nắm 5% vốn điều lệ; quỹ đầu tư VinaCapital và Vietnam Partners.

Tháng 9/2007, Tập đoàn Bảo Việt đã rót 225 tỷ đồng mua 5% vốn điều lệ SSG.

Với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vài trăm triệu đồng, đến nay SSG đã tăng vốn lên mức 1.000 tỷ đồng, hoạt động đa ngành từ bất động sản; phát triển giáo dục; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đến năng lượng tái tạo.

27 công ty thành viên của SSG hiện hầu hết hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Vietnam Land SSG, Công ty Cổ phần Địa Ốc Và Xây Dựng SSG 2, Công ty Cổ phần Bất động sản dầu khí Việt Nam – SSG, Công ty TNHH Địa Ốc Sông Sài Gòn Thanh Đa, Công ty TNHH Bất Động Sản SSG Tân Bình, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Ngọc Thăng Long…

Ngoài Mỹ Đình Pearl, các dự án bất động sản nổi bật của SSG có thể kể đến như Saigon Pearl, Thảo Điền Pearl, Thanh Đa Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza, PSSSG Tower, dự án Trường Quốc tế Wellspring tại Hà Nội và TP. HCM...

sai-gon-pearl-2 (1)

Phối cảnh dự án Khu phức hợp cao cấp Saigon Pearl.

Trong đó, dự án khu đô thị 5 sao Saigon Pearl nằm bên bờ sông Sài Gòn với tổng diện tích 10,3756 ha là dự án SSG trúng đấu giá 850 tỷ đồng do UBND TP.HCM tổ chức năm 2003. Dự án được khởi công năm 2005 với tổng vốn đầu tư hơn 750 triệu USD.

Chủ đầu tư dự án Saigon Pearl là Công ty TNHH Vietnam Land SSG được thành lập từ liên doanh giữa Công ty Cổ phần Địa ốc và Xây dựng SSG - thuộc Tập đoàn SSG - với đối tác Hồng Kông là công ty Vietnam Land (HK) Ltd., một công ty thành viên của Tập đoàn Sun Wah; mỗi bên góp 50% vốn.

SSG

Bà Nguyễn Hồng Phương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SSG (thứ 10 từ trái qua phải) tại lễ khánh thành dự án Saigon Pearl (giai đoạn 1) ngày 21/5/2010. Ảnh: SSG Group

Một số khoản đầu tư lớn khác của SSG có thể kể đến như: hợp tác Công ty TNHH MTV Phát Triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) - trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn để thành lập công ty vốn điều lệ ban đầu 217 tỷ đồng, trong đó SSG sở hữu 80%; Dự án Khách sạn - dịch vụ tại khu "đất vàng" số 5 Lê Quý Đôn vốn đầu tư 300 tỷ đồng...

Trong lĩnh khai khoáng, được biết SSG từng hợp tác với Tập đoàn Hòa Phát để thành lập Công ty Cổ phần Khai Khoáng Hòa Phát – SSG vào năm 2007. Trong đó, Hòa Phát nắm giữ 38% vốn điều lệ, SSG nắm giữ 40%.

Công ty Cổ phần Khai khoáng Hòa Phát - SSG được thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm, khai thác nguyên liệu quặng sắt ở Việt Nam, Lào và một số khu vực lân cận. Công ty này từng thực hiện dự án thăm dò mỏ wolfram tại tỉnh KonTum.

Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình quản trị năm 2016 của Hòa Phát, tháng 9/2016, công ty đã thông qua nội dung giải thể Công ty Cổ phần Khai Khoáng Hòa Phát – SSG.

Ngoài liên doanh đã giải thể với Hòa Phát, SSG còn có công ty khác hoạt động trong lĩnh vực khai tác khoáng sản là Công ty Cổ phần Khoáng Sản SSG với các dự án khai thác vàng tại tỉnh Quảng Nam; khai thác mỏ Titan tại tỉnh Bình Thuận...

SSG bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực giáo dục vào năm khi thành lập và xây dựng Trường Phổ thông Quốc tế WellSpring trực thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục SSG tại Hà Nội và TP.HCM. WellSpring được xem là một trong những ngôi trường "quý tộc", nơi chỉ dành cho con nhà giàu với mức học phí “khủng” lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24675.00 24695.00 25015.00
EUR 26141.00 26246.00 27411.00
GBP 30532.00 30716.00 31664.00
HKD 3113.00 3126.00 3228.00
CHF 26871.00 26979.00 27815.00
JPY 159.92 160.56 168.00
AUD 15832.00 15896.00 16382.00
SGD 18029.00 18101.00 18636.00
THB 660.00 663.00 690.00
CAD 17973.00 18045.00 18577.00
NZD   14540.00 15029.00
KRW   17.60 19.20
DKK   3510.00 3640.00
SEK   2258.00 2345.00
NOK   2225.00 2313.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ