Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Cần quy định chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách

Nhàđầutư
"Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc", bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị.
THẮNG QUANG
15, Tháng 11, 2022 | 10:31

Nhàđầutư
"Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc", bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị.

Sáng 15/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Đấu thầu sửa đổi.

Cho ý kiến, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP. Hà Nội) cho rằng trong thời gian vừa qua, dự thảo Luật Đấu thầu nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. 

Đại biểu Hà cho rằng Điều 21 của dự thảo luật nêu chỉ định thầu quy định "gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua bán từ các nhà thầu khác. Gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được".

"Quy định này phù hợp với thông lệ đấu thầu quốc tế cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp có tính độc quyền, bảo hộ sáng chế, tuy nhiên việc sử dụng thuật ngữ "duy nhất vận hành được" như nội dung trên chưa phản ánh hết được thực tiễn hiện nay và có thể dẫn đến nguy cơ vi phạm quy định pháp luật đấu thầu khi áp dụng điều này", bà nói.

Nữ đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội dẫn chứng, các hãng sản xuất máy xét nghiệm không cung cấp tài liệu chứng minh máy này chỉ sử dụng duy nhất một loại hóa chất, vật tư tiêu hao của chính hãng đó, mà chỉ khuyến cáo việc phải sử dụng đúng hóa chất của hãng, mặc dù vậy một số hóa chất có thể đưa vào máy của các hãng khác, máy vẫn vận hành được nhưng lại cho kết quả không chính xác. Tương tự như vậy, một số linh kiện, phụ kiện thay thế của hãng khác đảm bảo máy vẫn có thể vận hành được nhưng không đạt được yêu cầu về mặt chuyên môn.

trai-thi-nhi-ha

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP. Hà Nội).

Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên được nhận viện trợ, tài trợ, máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, trong quá trình vận hành máy móc phải sử dụng các dịch vụ phi tư vấn do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền nên không thể mua từ các nhà cung cấp khác, vì vậy phải cần phải quy định đối với trường hợp trang thiết bị nhận được từ viện trợ, tài trợ.

Đại biểu kiến nghị sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 21 như sau "gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu, từ nhà cung cấp theo nguồn tài trợ, viện trợ đã thực hiện trước đó, do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác. Gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới đảm bảo yêu cầu về mặt chuyên môn".

Về chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện nay, trang thiết bị y tế là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển khoa học rất nhanh, yếu tố công nghệ, bản quyền rất cao, có một số loại máy móc rất hiện đại như máy robot trong phẫu thuật, trên thế giới có rất ít nhà sản xuất, việc mua sắm sẽ không thể có giá để tham khảo. Vì vậy, bà đề xuất bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất, chế tạo và bán thương mại trên thị trường.

Về chỉ định thầu rút gọn, theo đại biểu Hà, thực tế trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vì tính chất cấp bách của công tác chống dịch, nhiều cơ sở y tế phải triển khai ngay các nhiệm vụ chuyên môn nên đã phải vay mượn trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao của các đơn vị y tế tư nhân, sau đó hợp thức hồ sơ đấu thầu để mua sản phẩm của đơn vị đã vay và mượn, như vậy đã có vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu. Hình thức chỉ định thầu rút gọn có thể giải quyết được những tồn tại này. Nghị định 63/2014 đã có quy định chi tiết về hình thức đấu thầu rút gọn đối với thuốc trong trường hợp cấp bách, dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất thì lại không có quy định. Hình thức chỉ định thầu rút gọn đã được đề cập rất ngắn gọn trong khoản 2 Điều 40 của dự thảo.

"Dự thảo cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. Nội dung dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay", đại biểu Trần Thị Nhị Hà khuyến nghị.

Về lập kế hoạch vào nguồn vốn cho mua sắm thuốc tập trung, bà Hà cho rằng theo Điều 51 dự thảo Luật Đấu thầu quy định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc được thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI, chương VII của luật này.

Như vậy, được hiểu quy định đấu thầu thuốc được áp dụng giống như mua sắm thường xuyên khác mà không có quy định riêng cho lĩnh vực hết sức đặc thù như mua sắm thuốc. Đối chiếu các quy định tại khoản 1 Điều 51, đại biểu này nhận thấy có rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đấu thầu mua thuốc.

Theo tiết b khoản 1, theo tiết b khoản 2 Điều 33 quy định: "Căn cứ lập kế hoạch nhà thầu đối với mua sắm thường xuyên, dự toán được giao hoặc nguồn vốn được phê duyệt". Theo khoản 3 Điều 36 quy định: "Đối với mỗi gói thầu phải được nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt, trừ trường hợp đối với gói thầu, đấu thầu trước quy định tại Điều 39 của luật này".

Tuy nhiên, đối với các gói thầu mua sắm thuốc tập trung thì không thể nêu rõ nguồn vốn như các gói thầu mua sắm tập trung hàng hóa phục vụ hoạt động thường xuyên của đơn vị. Hiện nay, nguồn vốn mua sắm thuốc của các đơn vị phụ thuộc vào hợp đồng với bảo hiểm y tế lại được ký vào thời điểm giữa năm.

Chính vì vậy, đơn vị được giao đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương thường lúng túng, gặp khó khăn trong việc nêu rõ nguồn vốn. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 32 quy định: "Trường hợp gói thầu có thời hạn dài hơn 1 năm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo bố trí kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm”.

Trong thực tế, khi Hà Nội tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc tập trung ở cấp địa phương, không những tổ chức cho các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế mà phải tổ chức đấu thầu cho cả các bệnh viện, bộ, ngành trung ương, cả các bệnh viện tư nhân có ký hợp đồng bảo hiểm y tế đóng trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động đấu thầu thuốc tập trung thường dài hơn một năm, thường là 2 đến 3 năm.

Cũng theo nữ đại biểu, quy định này thực sự gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, vì Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hoặc Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nếu được ủy quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì không thể chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo bố trí kinh phí để thanh toán hợp đồng mua thuốc của các bệnh viện, bộ, ngành trung ương.

"Tôi cho rằng hoạt động đấu thầu thuốc tập trung có nhiều điểm khác biệt, như căn cứ lập kế hoạch trong đấu thầu thuốc tập trung nhu cầu thuốc đều là dự kiến, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tình hình dịch bệnh, cơ cấu, mô hình bệnh tật, sự thay đổi về quy mô và cập nhật hướng dẫn điều trị. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần đưa ra nguyên tắc xác định nguồn vốn, căn cứ lập kế hoạch đối với gói thầu mua sắm thuốc tập trung. Đồng thời, cần làm rõ vai trò của đơn vị mua sắm thuốc tập trung trong quá trình đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu", bà Hà đề xuất.

Ngời ra, theo tiết e khoản 1 Điều 1 dự thảo quy định "dự toán mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế sử dụng vốn nhà nước, Quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập". Hiện nay có một số cơ sở y tế ngoài công lập tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng tăng, tuy nhiên việc đấu thầu thuốc khi sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế chỉ áp dụng đối với các cơ sở y tế công lập, trong khi không nhắc tới các các cơ sở y tế ngoài công lập là thiếu công bằng giữa các cơ sở y tế. Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị Ban soạn thảo xem xét có quy định đối với tất cả các cơ sở y tế có sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế để tạo công bằng, minh bạch trong hệ thống y tế Việt Nam.

TỪ KHÓA:
Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ