Gelex thông qua đổi tên, đẩy mạnh M&A, mở rộng thị phần

Nhàđầutư
Trong năm 2021, Gelex hướng đến trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp ở các lĩnh vực thiết bị điện, vật liệu xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản, năng lượng, và nước sạch.
KHÁNH AN
18, Tháng 06, 2021 | 11:20

Nhàđầutư
Trong năm 2021, Gelex hướng đến trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành, quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp ở các lĩnh vực thiết bị điện, vật liệu xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản, năng lượng, và nước sạch.

Screenshot (832)

Ban chủ tọa tại cuộc họp ĐHĐCĐ sáng ngày 18/6 của GELEX

Dự lãi 1.285 tỷ đồng, chia cổ tức 10%

Sáng ngày 18/6, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã chứng khoán GEX - HOSE) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 200 cổ đông, đại diện cho 70,64% cổ phần có quyền biểu quyết.

Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo Gelex cho biết, công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch với kịch bản không hợp nhất Tổng công ty Viglacera – CTCP. Theo đó, năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất đạt 17.949 tỷ đồng, vượt 2,6% kế hoạch năm và tăng 17,2% so với năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.197 tỷ đồng, vượt 62,8% kế hoạch năm và tăng 11,8% so với năm 2019.

Về cơ cấu doanh thu, công nghiệp vẫn là lĩnh vực kinh doanh chủ đạo của Tổng công ty khi đóng góp 16.098 tỷ đồng doanh thu, tương ứng với tỷ lệ 90%, lĩnh vực hạ tầng tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc với doanh thu 898 tỷ đồng và đóng góp 5% doanh thu thuần.

Năm 2020, Gelex tiếp tục thực hiện các hoạt động M&A, định hướng tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi là phát triển sản xuất công nghiệp và hạ tầng, mở rộng đầu tư chiến lược vào phát triển khu công nghiệp. Trong đó, hoàn thành tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% tại Công ty dây đồng Việt Nam - CFT vào tháng 8/2020; Tăng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Viglacera – CTCP lên 46.07%; Đầu tư sở hữu 25,47% Công ty cổ phần đầu tư khu công nghiệp dầu khí Long Sơn; Tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Viwaco lên 15% (đã đầu tư một phần năm 2019). Bên cạnh các khoản đầu tư thêm, Gelex cũng thực hiện thoái vốn tại một số đơn vị nhằm tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.

Với sự tăng trưởng quy mô của hệ thống, tổng tài sản của Gelex đã tăng 27,6% từ 21.262 tỷ đồng năm 2019 lên 27.152 tỷ đồng cuối năm 2020.

Năm 2021, Tổng công ty tiếp tục hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh trên hai trụ cột gồm: (1) Sản xuất công nghiệp trong đó cụ thể gồm ngành sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng và (2) Hạ tầng gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.

Gelex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 28.540 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.285 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2021 dự kiến tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch lợi nhuận năm 2021 dựa trên việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Tổng công ty Viglacera – CTCP từ quý II/2021.

Doanh nghiệp sẽ chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 9%, dự kiến cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 10%.

Screenshot (833)

Ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT làm chủ toạ cuộc họp

Đẩy mạnh M&A, mở rộng thị phần

Để đạt được kế hoạch doanh thu đề ra, đối với lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, Gelex sẽ tăng cường phát triển thị trường và mở rộng thị phần.

Đối với lĩnh vực nguồn phát điện, hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành thương mại toàn bộ cụm dự án điện gió 140 MW tại Quảng Trị bao gồm dự án điện gió Hướng Phùng 2, 3 và Gelex 1, 2, 3 trong tháng 9/2021. Phát triển có chọn lọc các dự án Điện gió Gia Lai (100 MW), Điện gió Đak Lak (200 MW), Điện mặt trời Bù Gia Mập – Tây Ninh (85 MW), Điện mặt trời Bình Phước 1,2 (480 MW), cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800 MW).

Lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu phát triển các khu công nghiệp, khu công nghiệp cận cảng, diện tích khoảng 2.700 ha.

Lĩnh vực bất động sản thương mại tiếp tục đầu tư dự án tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn số 10 Trần Nguyên Hãn; Hoàn thành và đưa vào vận hành dự án Cadivi Tower trong quý IV/2021.

Đối với hoạt động M&A, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ đầu tư, M&A chiến lược của Tổng Công ty và các đơn vị thành viên trong hệ thống qua việc tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Tổng công ty Viglacera -CTCP (Tính đến đầu quý II/2021, mục tiêu này đã được hoàn thành khi Gelex và công ty thành viên nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên 50,21%); đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Công ty cổ phần đầu tư khu công nghiệp dầu khí Long Sơn.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ Gelex đã thông qua việc cho phép ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT được mua/nhận chuyện nhượng cổ phiếu GEX mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai theo quy định.

Đặc biệt, đại hội đã thông qua việc đổi tên công ty thành Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX, viết tắt là Tập đoàn GELEX. 

Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, sau chặng đường 5 năm tái cấu trúc, Gelex hiện trở thành một tập đoàn tư nhân đa ngành, hoạt động theo mô hình holdings, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững với các lĩnh vực kinh doanh chính gồm thiết bị điện, bất động sản, vật liệu xây dựng, năng lượng, nước sạch. Chính vì vậy, để phản ánh hợp lý về quy mô, tính chất và định hướng tái cấu trúc của Gelex, việc đổi tên công ty là nhu cầu tất yếu.

Screenshot (829)

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc GELEX

Phiên thảo luận:

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 1.285 tỷ đồng, giảm so với kế hoạch sơ bộ đặt ra trước đó, vì sao?

Ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT: Kế hoạch sơ bộ năm 2021 được lập vào tháng 12/2020, được nội bộ xây dựng trong đó có tính đến khoản đánh giá lại việc hợp nhất Viglacera. Tuy nhiên sau khi hợp nhất Viglacera, thì Tổng công ty đã làm việc với đơn vị kiểm toán, trên cơ sở các ý kiến tư vấn và khuyến nghị của đơn vị này, HĐQT đã xem xét điều chỉnh lại khoản lợi nhuận từ việc đánh giá lại từ việc hợp nhất Viglacera để không tạo quá nhiều đột biến từ nghiệp vụ hợp nhất cũng như đảm bảo tốc độ tăng trưởng của công ty trong các năm tới.

Kế hoạch IPO các công ty subholding sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Như trong tài liệu trình cổ đông, kế hoạch IPO của Tổng công ty cho các công ty subholding với mục tiêu huy động vốn, giảm hệ số nợ trong hệ thống, thống nhất về quản lý. Do vậy, công ty đã lên phương án định giá và IPO có hiệu quả nhất. Đối với mảng hạ tầng, GELEX đang làm việc nội bộ để xây dựng bức tranh tổng thể chung cho cả group giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó sẽ lực chọn phương án IPO hiệu quả nhất cho Tổng công ty và cổ đông.

Kết quả kinh doanh của công ty trong 6 tháng đầu năm 2021?

Lãnh đạo Gelex: 6 tháng đầu năm nay không chỉ riêng Gelex mà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, bên cạnh đó, dịch COVID-19 xảy ra cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp và nhân lực, tuy nhiên với Gelex chúng ta đã có sự nhìn nhận từ cuối năm 2020 và đã có hợp đồng đầu vào dài hơi vì vậy việc đứt gãy nguyên vật liệu là không xảy ra. 6 tháng đầu năm nay chưa tăng giá sản phẩm, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng giá nguyên vật liệu đầu vào, trong 6 tháng cuối năm, Gelex cũng phải cân đối hài hòa, đảm bảo kết quả sản xuất và cân đối mức lợi nhuận hợp lý.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 12.234 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 42% kế hoạch đề ra. Trong đó mảng thiết bị điện thu về 9.092 tỷ, đạt 53% kế hoạch. Với tốc độ này, công ty kỳ vọng đạt chỉ tiêu doanh thu đề ra trong năm. Lợi nhuận kế hoạch 1.285 tỷ đồng, kết thúc 6 tháng dự kiến đã đạt khoảng 891 tỷ đồng.

HĐQT có thể lý giải lý do Gelex tham gia mua phát hành cổ phiếu Nam Long?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Mảng bất động sản là định hướng chiến lược đầu tư dài hạn của Gelex, trong đó có mảng bất động sản thương mại, do vậy công ty đã luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư vượt ra khỏi khuôn khổ của Viglacera, trong đó Nam Long đã là đối tác và đã có trao đổi thông tin ban đầu. Tuy nhiên chúng tôi chưa đưa ra quyết định đầu tư vào Nam Long.

Kế hoạch mua phần vốn còn lại tại Viglacera như nào?

Lãnh đạo Gelex: Việc thoái vốn nhà nước của Viglacera thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và của Chính phủ. Hiện Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ kế hoạch thoái vốn Viglacera trong năm 2022, tuy nhiên với việc dịch bệnh đang diễn ra nên việc này vẫn phải chờ. Dự kiến sau khi tái cấu trúc, Viglacera sẽ tham gia đầu tư kính xây dựng và gạch ốp lát, đối với mảng bất động sản KCN, Viglacera sẽ tập trung các dự án bất động sản mới gắn liền với phát triển khu đô thị vệ tinh.

Tại sao việc giao dịch của Tổng giám đốc và người có liên quan vượt 35% nhưng không cần phải báo cáo?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trước tiên tôi xin chia sẻ với cổ đông rằng, bản thân tôi rất muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Gelex để đầu tư dài hạn nhưng chào mua công khai rất phức tạp và không thuận lợi, nên tôi xin giao dịch không cần chào mua công khai, việc này cũng cập nhật luật chứng khoán mới nhất và chúng tôi cũng đã có hai đối tác để giao dịch cổ phiếu là CTCP Chứng khoán Everest, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội. Việc mua vẫn sẽ tuân thủ hoàn toàn các quy định pháp luật và luật chứng khoán.

TỪ KHÓA: GELEXGEXViglacera
Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ