[Gặp gỡ thứ Tư] TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Một thị trường trái phiếu đáng buồn!'

Nhàđầutư
Nói về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Chúng ta có một thị trường trái phiếu 'đáng buồn' và cần nhiều chính sách mang tính căn bản để tạo động lực cho kênh huy động vốn này chảy vào khu vực doanh nghiệp sản xuất.
N.THOAN
16, Tháng 03, 2022 | 06:56

Nhàđầutư
Nói về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Chúng ta có một thị trường trái phiếu 'đáng buồn' và cần nhiều chính sách mang tính căn bản để tạo động lực cho kênh huy động vốn này chảy vào khu vực doanh nghiệp sản xuất.

Phát hành trái phiếu là phương thức huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của các doanh nghiệp ở các nước có thị trường vốn phát triển. Ở Việt Nam, hình thức huy động vốn này ngày càng được chú ý bởi tính hấp dẫn của lãi suất.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 1.224 nghìn tỷ đồng, bình quân gần 239 nghìn tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 48%/năm. 

Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 495.029 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% GDP, tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020. Trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn so với quy mô thị trường cổ phiếu hay vốn tín dụng ngân hàng.

Để có một góc nhìn sâu hơn về sự phát triển thị trường TPDN Việt Nam, nguyên nhân tại sao thị trường này còn nhỏ bé và những góp ý để TPDN thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp thời gian tới, Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Empty

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: Trọng Hiếu

Xin ông cho biết nhận định của mình về sự phát triển của thị trường TPDN thời gian vừa qua?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nói về thị trường TPDN ở ta có thể dùng từ "đáng buồn". Vì nhìn vào cấu trúc trái phiếu năm ngoái có thể thấy, gần 1 nửa trái phiếu phát hành là bất động sản, 30% là ngân hàng. Như vậy, 80% TPDN phát hành là không thuộc lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Trong 20% còn lại, đâu đó 5-7% là điện mặt trời, ồ ạt phát hành giai đoạn gần đây.

Có thể nói, toàn bộ khối lượng trái phiếu trong mấy năm vừa rồi dường như không có bóng dáng khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông nghiệp hay thương mại mà chỉ tập trung cho ngành có cơ hội đầu cơ lớn, nhất là bất động sản. Ngân hàng phát hành trái phiếu cũng chủ yếu để tăng vốn cấp 2, từ đó tăng huy động vốn trên thị trường, để tăng cho vay và cho vay cũng chủ yếu là cho công ty sân sau, bất động sản. Đây là điều đáng lo ngại.

Tại sao lại như vậy? Bao nhiêu năm trời phát triển TPDN lại không vào khu vực sản xuất là lĩnh vực cần vốn nhất? Nguyên nhân thứ nhất là lãi suất quá cao. Không có doanh nghiệp (DN) sản xuất, khởi nghiệp, công nghiệp gia công, chế biến nào chịu được lãi suất 12-14%. Có hợp đồng trái phiếu phát hành 9,5% nhưng thực tế DN phải trả cho người mua trái phiếu lên tới trên 20%. Đó là dạng phát hành đầu cơ, không phải sản xuất. Cùng với đó, kỳ hạn trái phiếu phần lớn là 3 năm thì làm sao DN sản xuất, xây dựng - khu vực cần vốn trung và dài hạn chịu được. 

Vậy tại sao lãi suất cao, kỳ hạn ngắn? Vì rủi ro lớn khiến lãi suất cao và thời hạn ngắn. Tại sao rủi ro lớn và tại sao trái phiếu hiện chỉ là nơi huy động vốn cho ngành có triển vọng đầu cơ như bất động sản?

TPDN Việt Nam dù phát triển sơ khai nhưng nền tảng giúp để tạo bước phát triển đúng hướng của loại hình huy động vốn này còn rất nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là cạnh tranh của ngành ngân hàng trên thị trường tài chính khi 95% tài sản thị trường là của ngân hàng. Điều này khiến DN phụ thuộc quá lớn vào ngân hàng, cả vốn trung hạn, ngắn hạn, khiến thị trường vốn như trái phiếu khó phát triển. Điều này trái ngược với xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính quốc tế và phần nào phản ánh thị trường tài chính hoạt động không có hiệu quả.

Vậy xin ông cho một vài ý kiến đề xuất để phát triển thị trường TPDN thời gian tới, làm sao để thị trường này thực sự trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp đúng nghĩa?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Chúng ta gần như chưa có thị trường trái phiếu thực thụ, chủ yếu mang màu sắc đầu cơ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ. Vì thế, để có thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định, thì việc trước tiên cần làm phải minh bạch, càng minh bạch rủi ro càng thấp.

Thứ 2 là luật lệ phải được thực hiện nghiêm túc giúp giảm rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư.

Thứ 3 là phải có thị trường TPDN thứ cấp, để tăng tính thanh khoản của trái phiếu, để dù nhà đầu tư có mua trái phiếu 15 năm thì vẫn bán được bất cứ lúc nào.

Chuyện lớn nhất mà Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cần làm là làm sao cho thị trường TPDN được minh bạch, làm cho thị trường thứ cấp hùng mạnh và công tác giám sát chặt chẽ hơn.

Nhìn vào quá trình phát triển trái phiếu chính phủ (TPCP) có thể rút ra bài học cho TPDN. Trước đây, TPCP chỉ có kỳ hạn 3 năm đến 5 năm, Thủ tướng đặt vấn đề làm sao có thị trường kỳ hạn dài 30 năm. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, thứ nhất cần rất minh bạch, lộ trình đâu ra đấy, minh bạch cả lộ trình trả nợ. Thứ 2 là hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng thương mại mua đi, bán lại thuận tiện, tức là có thị trường thứ cấp để tạo thanh khoản bất cứ lúc nào. Đến nay TPCP đã có kỳ hạn 15-20 năm. Kỳ vọng thị trường TPDN cũng sẽ có lúc như vậy và khi đó nhà sản xuất, các tập đoàn xây dựng, thương mại lớn mới thực sự là trụ cột của thị trường.

Ngoài ra, nhìn vào các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ có thể thấy cơ cấu vốn tín dụng chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng (chiếm tới 70% tổng tín dụng ngân hàng), trong đó có cả nhà ở. Còn phần vốn tín dụng ngân hàng dành cho DN, phương tiện vận tải công cộng là rất ít. Các DN chủ yếu huy động vốn trung, dài hạn qua kênh trái phiếu. Vì vậy, muốn có sự chuyển động căn bản trong hoạt động phát hành TPDN và đi vào thực chất, Bộ Tài chính và NHNN cần mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa trong việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo đúng lộ trình đã đề ra. Không nên trì hoãn việc giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 37%, tiếp đó là 34% và 30% để dần phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như giảm rủi ro cho ngành ngân hàng.

Với việc sắp sửa ban hành quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính nên cân nhắc, không nên quy định công ty đại chúng mới được phát hành trái phiếu và cũng không nên quá ràng buộc về tài sản bảo đảm. Cần thấy rằng, quan trọng nhất với TPDN là xếp hạn tín nhiệm. Trung Quốc phát hành trái phiếu Gấu trúc ra toàn cầu, không cần tài sản bảo đảm nhưng dứt khoát phải có xếp hạng tín nhiệm và các nước Đông Âu mua loại trái phiếu này rất nhiều. Có thể nói rằng, kiểm soát minh bạch là đúng nhưng minh bạch đừng ràng buộc, đừng quá nặng về tài sản bảo đảm.

Cuối cùng, xin ông cho một số nhận định về thị trường chứng khoán năm 2022, đâu sẽ là yếu tố dẫn dắt?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Năm 2022, theo tính toán của chúng tôi, giả định rằng giá dầu thô toàn cầu tăng 58-60%, giá xăng Việt Nam tăng 30% thì GDP Việt Nam giảm đi khoảng 1,1-1,2%. Như vậy, dự đoán năm nay phương án tốt nhất là GDP tăng từ 5,2-5,5%.

Với lạm phát, cứ 10% tăng giá xăng dầu thì lạm phát tăng 0,3%, tổng cộng 3 vòng tăng 0,9-1% trong năm 2022. Nên thị trường chứng khoán cần tính toán trên nền tảng phục hồi yếu hơn kỳ vọng.

Chúng tôi kỳ vọng, đầu tư nước ngoài sẽ trở thành trụ cột, dẫn dắt thị trường trong năm 2022. Theo dõi có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên 3 tỷ USD, nhưng quan sát thị trường hối phiếu thấy không có thay đổi lớn, tức là tiền bán ròng vẫn còn treo trên tài khoản, chưa rút ra khỏi Việt Nam. Đây là lý do chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại và đóng góp cho sự ổn định của thị trường, có thể là quyết định, không chỉ thay thế cho F0 chạy khỏi thị trường mà còn có thể là trụ cột vững chắc cho thị trường 2022-2023.

Vậy làm sao cho nhà đầu tư ngoại quay lại thị trường? Chủ yếu nhìn vào các yếu tố vĩ mô. Nếu lạm phát năm 2022 tiếp tục dưới 4% thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm thấy khá tốt so với nhiều nước lạm phát lên tới xấp xỉ 10%. Cùng với đó tăng trưởng GDP đâu đó 5% đã là điểm sáng; đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khả quan; tỷ giá hối đoái trong 3 năm vừa qua duy trì khá ổn định, hỗ trợ đắc lực cho xuất khẩu, đầu tư.

Tôi tin rằng, nếu chỉ số vĩ mô duy trì được như vậy thì chắc chắn khối ngoại sẽ quay trở lại. Đặc biệt trong bối cảnh, Việt Nam thành công trong lĩnh vực y tế, tiêm phủ vaccine cao sẽ khiến nhà đầu tư ngoại cảm thấy rằng, ở lại Việt Nam có khi tốt hơn sang thị trường khác hoặc quay lại bản địa.

Ngoài ra, theo thăm dò của chúng tôi thấy rằng Mỹ rất rụt rè trong tăng lãi suất, với nhịp tăng thận trọng khoảng 0,25% thì vốn cũng khó quay trở về bản quốc. Dù không thể tích cực như năm 2021, nhưng kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn sẽ tích cực với sự quay trở lại của khối ngoại.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ