Lạm phát và chứng khoán

Nhàđầutư
Áp lực lạm phát đang tăng cao cả trên thế giới lẫn ở trong nước, là yếu tố tiềm tàng tác động tiêu cực đến TTCK. Tuy nhiên, Việt Nam vừa thông qua gói phục hồi kinh tế, đồng thời chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp, mang tới kỳ vọng về một năm 2022 vẫn sôi động với TTCK.
VŨ MẠNH TIẾN
15, Tháng 03, 2022 | 10:00

Nhàđầutư
Áp lực lạm phát đang tăng cao cả trên thế giới lẫn ở trong nước, là yếu tố tiềm tàng tác động tiêu cực đến TTCK. Tuy nhiên, Việt Nam vừa thông qua gói phục hồi kinh tế, đồng thời chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp, mang tới kỳ vọng về một năm 2022 vẫn sôi động với TTCK.

Screen Shot 2022-03-15 at 9.44.51 PM

Ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐQT Công ty Chúng khoán Everest. Ảnh: Trọng Hiếu.

Sáng 15/3 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức toạ đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022" nhằm mang tới không gian thảo luận, trao đổi và làm rõ hơn các cơ hội đầu tư, cũng như chỉ ra những rủi ro và đề xuất giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ toạ đàm, Nhadautu.vn xin giới thiệu bài tham luận của ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Everest (HNX: EVS), với chủ đề: "Diễn biến lãi suất và tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam".

Bối cảnh kinh tế thế giới

Thế giới chịu tác động năng nề bởi đại dịch Covid-19, đây cũng là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, thậm chí sâu rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 -2009.

Theo báo cáo IMF, đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 giảm 0,5 – 0,1% và khiến lạm phát lõi tăng 1%. World Bank dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt lần lượt 4,1% và 3,2% trong 2022 và 2023. Đặc biệt, một số ngành sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả như: Hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ.

Sự suy thoái về kinh tế khiến ngân hàng trung ương các nước phải tung ra các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có. Cùng với đó, sự thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu hụt lao động buộc nhiều công ty phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ nhằm đẩy bớt chi phí về phía người tiêu dùng, gây áp lực lên giá cả hàng hóa. Hệ quả là CPI của một số nước lớn trên thế giới năm 2021 đã ghi nhận mức kỷ lục (CPI Mỹ tăng 7%, CPI Anh tăng 5.4%).

Chưa dừng lại ở đó, sự kiện Nga phát động chiến tranh với Ukraina đã khiến giá của nhiều mặt hàng cơ bản liên tục leo thang. Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô vượt ngưỡng 120 USD/thùng, trong khi giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng tăng tới 60%. Chính cú sốc cung này khiến các quốc gia lớn phải cân nhắc lại lộ trình lãi suất và thu hẹp các gói mua tài sản trong năm nay để tránh rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn.

Bối cảnh nền kinh tế trong nước

Xét về bối cảnh Việt Nam, có thể thấy thời gian qua nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng lệch pha so với các nền kinh tế phát triển trên Thế giới. Cầu tiêu dùng hồi phục chậm khiến chỉ số CPI tại Việt Nam thời gian qua duy trì ở mức thấp, 2 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ. Nhóm giao thông vẫn đóng góp chủ yếu vào đà tăng với mức tăng bình quân 11,02% do giá xăng dầu tăng, ngay sau đó là nhóm vật liệu xây dựng với mức tăng bình quân 1,78%.

Mặt bằng lãi suất huy động trong năm vừa qua được duy trì khá ổn định ở mức rất thấp, dao động từ 4 – 6,2%/năm đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng. Tuy nhiên, dấu hiệu tăng lãi suất trở lại dần trở nên hiện hữu vào các tháng cuối năm 2021 khi lãi suất huy động trung bình có diễn biến tăng nhẹ với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng (lần lượt tăng 0,05% và 0,04%).

Lãi suất kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất thuận lợi cùng làn sóng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường đã giúp chỉ số VN-INDEX năm 2021 tăng trưởng ngoạn mục 36%, chinh phục cột mốc 1.500 điểm đi kèm với thanh khoản bùng nổ. Tuy nhiên bước sang năm 2022, TTCK 2 tháng đầu năm diễn biến khó lường hơn rất nhiều. Chịu ảnh hưởng tâm lý tiêu cực từ chiến tranh Nga- Ukraina, thị trường chung phân hóa sâu rộng khi nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản tăng trưởng mạnh nhờ giá tăng cao, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán đã có sự chững lại.

Một số tin tức tiêu cực diễn ra trong tháng 1/2022 cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý những nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường suy giảm nhẹ do yếu tố mùa vụ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2021. Có thể thấy một sự thật rằng bất chấp những biến động kinh tế tiêu cực trong ngắn hạn, khi lạm phát được kiểm soát tốt, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và các kênh tải sản khác kém hấp dẫn, chứng khoán vẫn luôn là một kênh đầu tư chủ đạo thu hút dòng tiền thông minh trên thị trường.

Áp lực lạm phát

Việc gián đoạn nguồn cung khiến giá cả các mặt hàng cơ bản trên thế giới liên tục leo thang trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên chỉ số lạm phát. Cụ thể, giá hợp dầu thế giới tăng lên vùng 120 USD/thùng khiến giá xăng trong nước điều chỉnh 5 - 6 lần từ đầu năm 2022 lên mức gần 30.000 đồng/lít. Các mặt hàng lương thực như lúa mỳ, ngô, đậu nành trên thị trường thế giới cũng ghi nhận mức tăng nóng từ 30-70%, phân bón tăng 30% gây áp lực lớn lên ngành nông nghiệp, chăn nuôi.

Ngoài ra, giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như thép, đồng cũng ghi nhận mức tăng 30%, niken tăng 150% so với đầu năm 2022. Việc Việt Nam tăng trưởng lệch pha so với các nền kinh tế phát triển trên thế giới tạo ra sự khác biệt chính sách giữa 2 bên. Tình trạng các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nâng lãi suất có thể khiến dòng vốn quốc tế rút ra khỏi Việt Nam, áp lực tỷ giá tăng cao khiến các giá các mặt hàng nhập khẩu tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh nước ta là một nền kinh tế có độ mở lớn (hơn 200%) sẽ gây ra nhập khẩu lạm phát.

Áp lực lạm phát do giá cả hàng hóa cơ bản kết hợp với xu hướng tăng lãi suất trên toàn thế giới được cho là sẽ gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam trong quyết định nâng mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế. Hệ quả, sẽ có tác động tiêu cực lên thị trường các tài sản có tính rủi ro tương đối, bao gồm cả thị trường chứng khoán.

Xét về ngắn hạn, yếu tố này sẽ tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với các nhà đầu tư toàn thị trường. Tuy nhiên cũng sẽ có một số nhóm ngành được hưởng lợi từ kinh doanh sản xuất các mặt hàng commodities tăng giá như: Dầu khi, hóa chất, phân bón,… Tuy nhiên trong dài hạn, việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đồng nghĩa với việc chi phí sử dụng vốn cao hơn sẽ khiến cho định giá của các doanh nghiệp niêm yết kém hấp dẫn. Dòng tiền cũng có thể dịch chuyển một phần sang kênh tiền gửi tiết kiệm khi lãi suất huy động tăng lên. Một điểm khác cần lưu tâm khi dòng vốn ngoại liên tục bán ròng trên TTCK trong suốt thời gian qua với việc FED và sau này là ECB nâng lãi suất, xu hướng bán ròng dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian sắp tới.

Đối mặt với bối cảnh nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam vẫn rất cần những biện pháp hỗ trợ cần thiết của Chính phủ để duy trì tăng trưởng ổn định. Có thể thấy một loạt các chính sách hỗ trợ liên quan tới mặt bằng lãi suất đầu ra đã được ban hành, cụ thể như:

1) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% trong 2 năm.

2) Gói 40.000 tỷ cấp bù 2% lãi suất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid,… đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục tình hình sản xuất.

Áp lực lạm phát - yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thực hiện điều hành giá các mặt hàng quan trọng để giữ lạm phát theo mục tiêu thông qua các hoạt động tiếp tục hỗ trợ chi phí điện, nước (giúp giảm chi phí nhà ở trong khấu phần CPI) cũng như giảm thuế bảo vệ môi trường 50% (từ 4.000 VNĐ/lít 2.000 VNĐ/lít) để kiềm chế đà tăng giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam duy trì xuất siêu, thu hút dòng vốn FDI tốt cùng lượng dữ trữ ngoại hối cao kỷ lục (xấp xỉ 110 tỷ USD – tương đương 17 tuần nhập khẩu) là nền tảng vững chắc để duy trì ổn định tỷ giá xuyên suốt năm 2022.

Xét tới yếu tố mặt bằng lãi suất, EVS cho rằng lãi suất chính sách sẽ tiếp tục duy trì ổn định, không có những đợt tăng lớn trong năm 2022. Lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng 25-50 điểm cơ bản trong năm 2022 khi áp lực giá cả hàng hóa tăng, nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất hậu đại dịch lớn trong khi lãi suất cho vay đi ngang, thậm chí giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ. Áp lực thanh khoản hệ thống chưa lớn và việc thiếu hụt chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ thông qua các nghiệp vụ thị trường mở để giải quyết vấn đề này.

Triển vọng chứng khoán 2022

Thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ chứng kiến một năm với nhiều biến động. Nền tảng vĩ mô được kỳ vọng sẽ được duy trì trên bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng nhẹ, lạm phát không còn ở mức thấp và các yếu tố bất ổn trên thế giới tiếp tục khó lường. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2022 các doanh nghiệp niêm yết trên sàn có thể đạt mức trên 20% nhưng định giá VN-INDEX đã không còn ở mức quá rẻ (PE thị trường 16,5-17). EVS cho rằng thị trường có thể tiếp tục đi lên vùng 1.600 điểm trong năm 2022 nhưng việc phân hóa giữa các nhóm ngành, cổ phiếu sẽ trở nên rõ nét.

Các nhà đầu tư cá nhân F0, chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư nên tham khảo và đồng hành cùng những đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực cao của các Công ty Chứng khoán để đạt được lợi suất tốt trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm tốt để các cơ quan chức năng như UBCK, Bộ Tài chính hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật Chứng khoán, đẩy nhanh lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS nhằm nâng cao môi trường đầu tư minh bạch, thực hiện triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn TTCK, hệ thống thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm (CCP), phát triển các sản phẩm phái sinh mới, hệ thống giao dịch T-0, bán khống để hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường trong thời gian sớm nhất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ