Chứng khoán không còn 'dễ ăn', nhưng nhiều nhóm ngành vẫn khả quan

Nhàđầutư
Các chuyên gia tài chính, chứng khoán nhận định sau 2 năm tăng mạnh, thị trường sẽ chững lại nhất định. Việc lựa chọn cơ hội đầu tư phải khắt khe và kỷ luật hơn.
NHÓM PHÓNG VIÊN
15, Tháng 03, 2022 | 08:05

Nhàđầutư
Các chuyên gia tài chính, chứng khoán nhận định sau 2 năm tăng mạnh, thị trường sẽ chững lại nhất định. Việc lựa chọn cơ hội đầu tư phải khắt khe và kỷ luật hơn.

Sáng 15/3, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức tọa đàm "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022", tại Hội trường tầng 1, số 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cho biết, sau năm 2021 tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm 2022 diễn biến trồi sụt. Chỉ số chính VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm, chưa tìm kiếm được động lực bứt phá trong bối cảnh có nhiều biến số khó lường cả trong và ngoài nước.

TBT15.3-THieu

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn. Ảnh Trọng Hiếu

Ở thị trường quốc tế, rủi ro địa chính trị tăng cao khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ cuối tháng Hai, khiến giá dầu thô tăng lên mức kỷ lục 130 USD/thùng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các loại hàng hoá cơ bản khác cũng tăng phi mã do đứt gãy nguồn cung. Nguy cơ lạm phát tăng cao trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, CPI tháng 1 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất trong 40 năm qua, dẫn tới tín hiệu thắt chặt tiền tệ sớm và mạnh hơn của FED. Thắt chặt tiền tệ cũng là chính sách chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới, sau 2 năm nới lỏng mạnh mẽ để phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại vừa mới chấp thuận chính sách kích thích kinh tế thông qua gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng vào đầu năm nay. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế là với áp lực lạm phát cả trong và ngoài nước, lãi suất đang có xu hướng tăng lên. Ngoài ra, sau đà tăng mạnh trong năm ngoái, không ít cổ phiếu đã tăng bằng lần, mặt bằng giá đã được đẩy lên một mức cao mới.

Những thực tế này dẫn tới băn khoăn của nhà đầu tư rằng thị trường có còn nhiều dư địa tăng trưởng, những nhóm ngành nào có tiềm năng tăng trưởng tích cực/ định giá còn hấp dẫn?

Về chính sách phát triển dài hạn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030, dự kiến trình thông qua trong năm nay. Đây được kỳ vọng là "xương sống", định hình cấu trúc và mở ra một giai đoạn phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường trong tầm nhìn 10 năm tới.

Tọa đàm nhằm thảo luận, trao đổi và làm rõ hơn các cơ hội đầu tư, cũng như chỉ ra những rủi ro và đề xuất giải pháp tháo gỡ rào cản nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bền vững, đóng góp ý kiến cho cơ quan quản lý nhà nước...

Còn nhiều dư địa cho thị trường chứng khoán năm 2022

Phát biểu tại Toạ đảm, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN đánh giá trong năm 2021, mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển ổn định, tạo ấn tượng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và các doanh nghiệp.

TathanhBinh-THIeu

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nhận đinh về bối cảnh hiện nay, bà Tạ Thanh Bình đánh giá năm 2022 là một năm vô cùng khó khăn, phức tạp cho thế giới và cả Việt Nam. Thị trường chứng khoán bởi vậy cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn năm ngoái, đặc biệt những biến động địa chính trị khó lường trên thế giới. 

Ở trong nước, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi tới quá trình hồi phục của doanh nghiệp và nền kinh tế, giá nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp tới chi phí hoạt động của doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, dòng tiền dần dịch chuyển trở lại khu vực sản xuất kinh doanh, có thể thị trướng chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng, khó đạt được mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021.

Vấn đề địa chính trị, kinh tế thế giới dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với các biến động thị trường thế giới. Trước khả năng diễn biến phức tạp của thị trường, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cơ bản sẽ chậm lại.

Theo nhận định IMF, nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức 4,4% so với 5,9% năm 2021. Dự báo thị trường chứng khoán cũng giảm so với năm 2021, đặc biệt khi các nước cắt giảm các hỗ trợ kinh tế. FED, Ngân hàng Trung ương Anh thắt chặt qua cắt giảm các gói định lượng, tăng lãi suất.

Mặt bằng lãi suất tăng sẽ là lực cản với thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, viễn cảnh tăng lãi suất sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận thấy dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022. Khi Chính phủ mở cửa thì sẽ có tác động tốt lên những nhóm ngành ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh. Mặt bằng lãi suất chưa có những thay đổi mạnh trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn được giữ lại trên thị trường. Đặc biệt sự quan tâm của nhà đầu tư tiếp tục duy trì.

TDCK-THieu

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh Trọng Hiếu.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường: 

Một số giải pháp tập trung: Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, qua đó góp phần giúp các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và hiệu quả.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường TPDN riêng lẻ, tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững; tăng cường vai trò giám sát tuyến 1 của SGDCK trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu CTCK tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm công ty chứng khoán hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán;

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường TPDN phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường; Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam.

Năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn

Đồng quan điểm, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS đánh giá năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn và đòi hỏi nhà đầu tư kiên nhẫn hơn.

Điều này có thể hiểu được bởi thị trường chứng khoán thường sẽ tăng chậm lại sau một quá trình tăng rất mạnh.

KhanhTDCK-THieu

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS. Ảnh Trọng Hiếu.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn tốc độ lây lan nhanh chóng tại Châu Âu và Châu Mỹ. Dù vậy, không có bằng chứng về việc biến chủng Omicron có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người hơn so với biến chủng Delta. Điều này hỗ trợ các nền kinh tế hoạt động bình thường trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

Ngân hàng Goldman Sachs, WB, IMF đều có báo cáo điều chỉnh hạ tăng trưởng GDP các khu vực Châu Âu, Mỹ, Nhật do cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng, áp lực lạm phát tăng mạnh ở nhiều khu vực, kinh tế trên thế giới.

Năm 2022, có thể thấy giá dầu, hàng hoá cơ bản đồng loạt tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán ở các thị trường phát triển đều suy giảm.

Mối quan hệ liên thị trường là điều đáng ngại, sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Thêm nữa, lạm phát tại Mỹ, Châu Âu tăng mạnh trong thời gian qua. Tôi lo ngại lạm phát ở khu vực Châu Á, Đông Nam Á sẽ bắt đầu ảnh hưởng từ quý II/2022, quý III/2022.

Các nhà đầu tư rất quan tâm tới động thái của FED. Chúng ta có thể thấy không có sự điều chỉnh lãi suất quá lớn, mà nhỏ giọt mỗi lần 0,25%, nhưng việc tăng lãi suất đều đặn từ 5-7 lần trong năm nay thì cách thức điều hành của các ngân hàng trung ương sẽ phải thay đổi.

Về các tác động tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể thấy chỉ tiêu PMI ổn định, tăng trưởng nhẹ trong lĩnh vực chế biến chế tạo – xuất khẩu, FDI tăng khá, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển thuận lợi.

Trong tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. 

Năm 2022, câu chuyện đầu tư công sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của Việt Nam. Các tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan về đà hồi phục tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.

Về khối ngoại, cả năm 2021, chỉ mua ròng tháng 7. Đầu năm nay, họ tiếp tục bán mạnh và đã bán gần 7.900 tỷ đồng cả năm 2022 và bán ròng 4.823 tỷ đồng riêng tháng 3/2022.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi đánh giá VN-Index đang ở pha điều chỉnh đã kéo dài 2-3 tháng, và có thể kéo dài 6 tháng.

Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha. Ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400 – 1.410 điểm.

Dù vậy, nhà đầu tư không nên bi quan quá, dù thị trường lên hay xuống, điều quan trọng là chúng ta đầu tư cổ phiếu nào, nhóm ngành nào.

Đôi khi, bất chấp lạm phát, dòng tiền vẫn trú ẩn ở một số mã chứng khoán.

Trong năm tới, không phải câu chuyện nhóm ngành nào dẫn dắt, mà theo các cổ phiếu riêng lẻ thuộc diện đứng đầu, có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu, cảng biển, bảo hiểm, dầu khí, thủy sản, phân bón hóa chất và thép, cao su tự nhiên.

Cơ hội tốt để các doanh nghiệp với nền tảng tài chính tốt phát hành cổ phiếu

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital: Căng thẳng chiến sự leo thang giữa Nga – Ukraine có thể coi là “thiên nga đen” thứ 2 (sau COVID-19 hồi đầu năm 2020) và ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Tác động rõ ràng nhất là giá dầu liên tục tăng và đang ở vùng đỉnh lịch sử. Từ đó, lạm phát nguy cơ gia tăng, dẫn đến lãi suất cũng tăng (theo lý thuyết kinh tế vĩ mô cơ bản).

TuanBBC-THieu

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital. Ảnh Trọng Hiếu

Tuy vậy, Chính phủ Việt Nam hiện vẫn đang ưu tiên phục hồi kinh tế với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng.

Đối với TTCK Việt Nam, trong gần 3 năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường vẫn liên tục tăng trưởng. Theo thống kê, VN-Index đã tăng 26,41% trong 1 năm vừa qua và lọt top 5 các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Đi cùng với đó, thanh khoản TTCK cũng tăng tốt với nhiều phiên giao dịch lên đến hàng tỷ USD.

Có nhiều nguyên nhân cho sự tăng trưởng của TTCK, một trong số các lý do nổi bật là sự gia nhập của lớp nhà đầu tư F0. Đây được coi là cơ hội tốt để các doanh nghiệp với nền tảng tài chính tốt có thể phát hành cổ phiếu, huy động vốn trên TTCK, thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn vay.

Mặt khác, đối với các nhà đầu tư, đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu triển vọng, tiềm năng trong tương lai dài hạn với mức giá phát hành thấp hơn so với giá giao dịch trên sàn chứng khoán.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn 3 diễn giả đã trình bày 3 tham luận rất nhiều thông tin, trước khi kết thúc phiên thứ nhất, tôi muốn nghe thêm một ý kiến từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì Chương trình phục hồi kinh tế.

Xin mời ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày một số nội dung chính, chủ yếu là về Chương trình phục hồi kinh tế.

Duy trì mở cửa kinh tế, đảm bảo các hoạt động kinh tế bình thường

Ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trong 2 năm, trước bối cảnh COVID-19, tăng trưởng kinh tế trong nước liên tiếp ở mức thấp dưới 3%. Đây là con số đáng báo động, chúng ta cần có giải pháp mạnh mẽ để thay đổi.

LongKHDT-THieu

Ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh Trọng Hiếu

Để hỗ trợ nền kinh tế, có 2 nhiệm vụ quan trọng, một là duy trì mở của nền kinh tế, hai là đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Trước yêu cầu cấp thiết nêu trên, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15.

Về chính sách đầu tư phát triển, Nghị quyết quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.

Trong đó, cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 5.000 tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm.

Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3.150 tỷ đồng.

Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.

Ngoài ra, bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, những gói hỗ trợ này kèm theo 1 số cơ chế đặc thù để thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Một là chỉ định thầu, gói thầu xây lắp những dự án quan trọng quốc gia. Hai là không cấp phép những dự án mỏ khai thác làm vật liệu xây dựng. Ba là, những dự án hạ tầng quan trọng chính phủ cho phép triển khai phân cấp cho các địa phương có năng lực, tự đứng ra làm chủ quản, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Chúng tôi cho rằng, đầu tư công có rất nhiều tác động, trong dài hạn góp phần hoàn thiện những kết nối hạ tầng, giảm chi phí logistic, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Trong ngắn hạn, giải pháp này góp phần kích cầu tiêu dùng, đồng thời góp phần giải quyết việc làm trong đại dịch COVID-19.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn: Phiên 1 đã cung cấp được cho chúng ta một bức tranh khá toàn cảnh về các yếu tố đang tác động trực tiếp và gián tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Và đặt ra những vấn đề rất cụ thể cho phiên thảo luận.

Về các yếu tố tích cực, các tham luận đã chỉ ra được nhiều yếu tố quan trọng và mới.

Thứ nhất, Việt Nam không còn giãn cách xã hội, mở cửa nền kinh tế, mở cửa hoàn toàn du lịch.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế năm nay được các tổ chức trong và ngoài nước dự báo khá cao, ở mức trên 6%, thậm chí một số tổ chức dự báo có thể tăng trưởng lên tới 7,6%.

Thứ ba là những tác động từ chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có việc bơm tiền và cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp và ổn định, tâm lý nhà đầu tư được đánh giá là tương đối tích cực thông qua việc mở mới tài khoản tiếp tục tăng. Tiêu dùng tăng trở lại, tín dụng tăng trưởng tích cực, cơ chế chính sách về thị trường chứng khoán được cải thiện (như việc sửa đổi Nghị định 53 về trái phiếu doanh nghiệp).

Bên cạnh các yếu tố tích cực, chuyên gia cũng đã chỉ ra một số rủi ro sẽ phải đối mặt. Đó là, tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chậm lại sẽ ảnh hưởng tới mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Xung đột vũ trang Nga - Ukraine đang có những yếu tố khó lường, đặc biệt cấm vận từ Mỹ và phương Tây với Nga sẽ tác động mạnh tới quan hệ đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên cũng như chuyên gia đã nhận định trước đó, chiến tranh không tiêu diệt cơ hội, thị trường đang đứng trước cơ hội và thách thức. Yếu tố giá dầu tăng cao khiến giá nguyên vật liêu tăng theo, nguy cơ lạm phát đang ẩn hiện, giá dầu tăng như nào trong tương lai ngắn, và các biện pháp ứng phó của Chính phủ cũng đang là câu hỏi cần lời giải đáp.

Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định VN-Index tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhưng cơ hội lựa chọn đầu tư không dễ dàng, khuyến nghị cần bình tĩnh đưa ra quyết định đầu tư trước các diễn biến mới. 

Thị trường nói chung được dự báo khá tích cực, thậm chí Yuanta dự báo VN-Index có thể lên tới 1.900 điểm, đây cũng là vấn đề cần thảo luận. Rồi triển vọng các nhóm ngành nghề, những ngành nghề được đánh giá có triển vọng như bất động sản, hàng tiêu dùng, cảng biển, xuất nhập khẩu... có đúng như vậy không?

Tác động của Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế với lượng vốn rất lớn "bơm" cho đầu tư hạ tầng giao thông cũng mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư lĩnh vực này đến mức nào? Phân khúc thị trường phái sinh sẽ chịu ảnh hưởng thế nào do xung đột Nga - Ukraine?

Ở phiên này, chúng ta sẽ xoay quanh những vấn đề rất cụ thể, nếu mổ sẻ sâu được vấn đề sẽ giúp nhà đầu tư nhìn nhận được rõ các vấn đề. Để đi vào từng vấn đề, xin mời ý kiến đầu tiên của GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), ông sẽ bình luận về quan hệ quốc tế đối với kinh tế Việt Nam, về dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay, và giải pháp hạn chế tiêu cực từ việc tăng giá dầu tới nền kinh tế.

"Thế giới phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều"

GS.TSKH Nguyễn Mại: Không có ai nghĩ tới xung đột Nga - Ukraine xảy ra và chưa ai biết bao giờ kết thúc. Đó là câu chuyện của cả thế giới kéo theo hệ luỵ giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Khó đoán định vài tháng tới sẽ như thế nào. 

Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 6,5% hay 7% là lạc quan với điều kiện chúng ta không chịu tác động quá lớn với những biến động của thế giới và nội tại Việt Nam.

nguyen-mai1

GS-TSKH. Nguyễn Mại. Ảnh: Trọng Hiếu.

Một vấn đề rất đáng quan tâm là phản ứng chính sách của Chính phủ với các vấn đề trong từng thời điểm như hiện nay, đó là mở cửa du lịch quốc tế, hỗ trợ tăng trưởng.

Chúng ta đã có 2 giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19 là trước tháng 4/2021, Việt Nam coi là điển hình thành công ở một nước hệ thống y tế chưa hiện đại nhưng với biện pháp thích ứng đã ngăn chặn được dịch.

Nhưng đến tháng 4/2021 chúng ta đã rất lúng túng khi dịch lan từ TP.HCM đến 18 tỉnh thành khác, chúng ta có biện pháp chống dịch chưa được phù hợp. 

Các DN không được tự chủ trong sản xuất. Cho đến tháng 9/2021, khi có Quyết định 1508 thì kinh tế mới dần phục hồi lại.

Giá dầu trở thành tới vấn đề rất lớn, 2 tháng giá xăng dầu trong nước đã tăng từ 22.000 đồng/lít lên 28.000 đồng/lít rồi lên 30.000 đồng/lít. Đến nay, vẫn chưa đưa có giải pháp làm sao ngăn giá dầu lên, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Vận chuyển, giao thông vận tải vừa phục hồi, mới gần 3 tháng thì lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá dầu, nhiều DN không dám tiếp tục vận chuyển. Thử hỏi toàn bộ vận chuyển bị đứt gãy thì nền kinh tế đi về đâu.

Phản ứng chính sách giá dầu phải nhanh hơn. Hiện Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 2.000 đồng/lít xăng dầu để hỗ trợ giảm giá xăng dầu nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Nếu chúng ta không có quyết sách mạnh kìm hãm giá dầu thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ vừa trình Quốc hội, vấn đề cần được quyết định nhanh chóng. Đề nghị nhìn vào giá dầu nên nhìn dài hạn, nhìn trong bối cảnh hội nhập thế giới.

Trong các thời điểm vào AFTA, WTO, một số quan chức lo rằng tham gia hội nhập nên thuế hải quan giảm nên ngân sách giảm thu, bội chi ngân sách tăng nhưng thực tế tăng trưởng xuất khẩu thường xuyên tăng từ 15-20% nên chẳng những không làm thiệt hại thu ngân sách mà còn làm tăng ngân sách tăng, giảm bội chi ngân sách.

Giá dầu thế giới tăng không chỉ nhìn vào thiệt hại, đó chỉ là cách nhìn 1 phía, còn xuất khẩu dầu thô PVN thu được rất nhiều. Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng thông báo: hai tháng đầu năm 2022 doanh thu của PVN ước đạt 118,73 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch và tăng 48% so với cùng kỳ 2021. Không nhìn dài hạn là thiên lệch về thu ngân sách do giá dầu tăng.

Giá dầu là câu chuyện cả thế giới, chỉ lo ta mà không quan tâm tới thế giới. Tổng thống Mỹ, nguyên thủ các quốc gia, hàng ngày quan tâm tới giá dầu, ở Mỹ ở kho dự trữ giá dầu, phục hồi dầu đá phiến. Biến động dầu khí sắp tới là chưa lường trước. Nếu không có kịch bản khác nhau trong điều hành giá cả thì chúng ta sẽ bị động khi cả giá dầu lên và xuống.

Đề nghị chính phủ giữ giá dầu ở mức 22-23.000/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay làm ngành giao thông vận tải phục hồi, yên tâm mở động sản xuất, làm kinh tế không bị đứt gãy do ngừng giao thông vận tải.

Mất đi bao nhiêu cho ngân sách do giảm thu từ giá dầu thì thặng dư từ thu nhập của PVN sẽ bù vào, rồi tăng nguồn cung liên quan tới vận tải sẽ bù đắp được giá dầu. Cùng với đó, không bị khủng hoảng kinh tế do giá dầu. Giải pháp này nhiều nước đã làm trong từng thời kỳ.

Cần có giải pháp mạnh, quyết liệt thích ứng với giai đoạn này, không bị ảnh hưởng bởi giá dầu từ nay tới tháng 6. Chúng ta chủ động nhiều kịch bản ứng phó với lên xuống của giá dầu thế giới.

Ý kiến thứ 2 là ngày 15/3 chúng ta bắt đầu mở cửa nền kinh tế, cũng cần quan tâm tới lo ngại của ngành du lịch, kể cả du lịch lữ hành.

Xin nêu 2 ví dụ ở các nước Asean: Một là Malaysia từ 1/4 họ sẽ coi COVID là bệnh lý thông thường nên không có chuyện phải cách ly nếu đã tiêm đủ 2 mũi. Hai là khi Indonesia mở cửa Bali, chính phủ nước này tuyên bố làm mọi cách thu hút khách quốc tế. Trước đây Indonesia cấp visa chi phí rất cao thì nay cấp nhanh chóng, giảm chi phí để thu hút khách du lịch.

Trong khi đó Việt Nam quá nhiều quy định gây khó khăn để mở cửa du lịch quốc tế, thay vì mở cửa lại thành đóng cửa nền kinh tế.

Nền kinh tế cần linh hoạt ứng phó với biến động lớn của kinh tế thế giới, đòi hỏi nhà hoạch định chính sách, Chính phủ, Quốc hội phải nhanh nhạy hơn trong nắm bắt thông tin, hoạch định chính sách để phù hợp với biến động của thế giới.

Chúng ta có thể tăng trưởng GDP 7-8% hay sụt xuống 3% trong năm nay nếu không có giải pháp thích hợp.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ý kiến của GS-TSKH. Nguyễn Mại, theo Giáo sư, kinh tế có cơ hội tăng trưởng, nhưng trước biến động khó lường của kinh tế thế giới thì tăng trưởng sẽ phụ thuộc phản ứng chính sách từ chính chúng ta.

Tiếp theo phần thảo luận, tôi muốn đi từ nhận định của các chuyên gia đã trình bày trong tham luận, đại diện VPS đã đưa ra triển vọng thị trường năm 2022, và các nhóm cổ phiếu tiềm năng, tôi muốn nghe ý kiến bình luận từ các chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán khác.

Xin mời ý kiến từ ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), ông có đồng tình với các tác động tích cực và triển vọng các nhóm cổ phiếu mà phía VPS đã đưa ra?

Chiến lược đầu tư năm 2022 sẽ cần thận trọng hơn

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích SHS: Tôi đồng tình quan điểm của GS.TSKH Nguyễn Mại. Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2 tháng đầu năm đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn chịu tác động bởi COVID-19. Thêm vào đó, bối cảnh chung thế giới đang có thêm nhiều yếu tố bất định.

ngo-the-hien

Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích SHS. Ảnh: Trọng Hiếu.

Do vậy, tôi nghĩ tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam trở nên rất khó đoán. Về mặt thị trường, thị trường chứng khoán năm nay vẫn hưởng lợi nhờ một số yếu tố hỗ trợ như lãi suất thấp, dòng tiền trong thị trường tiếp tục dồi dào, nhà đầu tư tiếp tục số lượng lớn mở tài khoản trong 2 tháng đầu năm 2022.

Chúng tôi cho rằng chiến lược đầu tư năm 2022 sẽ cần thận trọng hơn. Bởi, mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong năm 2021. Nhà đầu tư có thể đầu tư ở một số nhóm ngành như: (1) Nhóm hưởng lợi từ gói phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng; (2) các nhóm hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỷ, chúng tôi nghĩ với các doanh nghiệp có đầu ra ổn định, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, như ngành dệt may, thủy sản, có thể tận dụng gói hỗ trợ lãi suất; (3) một số nhóm khác có thể kể đến là logistics, cảng biển, BĐS khu công nghiệp, hưởng lợi sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam; (4) nhóm ngành đi cùng sự phục hồi hậu COVID-19 như bán lẻ và (5) nhóm hưởng lợi mang tính chất gián tiếp là bất động sản du lịch, bất động sản nhà ở, sau đó là ngân hàng.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ý kiến nhận định về các nhóm ngành nghề được hưởng lợi từ các yếu tố tích cực đang được mở rộng. Tôi muốn nghe thêm ý kiến từ phía nhà đầu tư, liên quan đến Chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt một lượng vốn rất lớn sẽ được đầu tư vào lĩnh vực giao thông. Ở đây có đại diện Tập đoàn Đèo Cả, một trong những nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam, xin mời ông Ngọ Trường Nam, ông có thể chia sẻ doanh nghiệp giao thông nhìn thấy cơ hội gì từ Chương trình phục hồi kinh tế?

Cơ hội chưa từng có đối với doanh nghiệp giao thông

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả: Về triển vọng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông mọi người có thể nhìn từ những quy hoạch, mục tiêu quốc gia cho ngành nghề này, như mục tiêu đường cao tốc, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 chúng ta phải có 5.000 km, đến năm 2025 chúng ta phải làm khối lượng công việc gấp đôi những gì chúng ta đang hiện có. Như vậy có thể thấy, triển vọng ngành không chỉ đến năm 2022 mà còn đến năm 2025 và 2030.

ngo-truong-nam

Ông Ngọ Trưởng Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh: Trọng Hiếu.

Về nguồn lực, bên cạnh nguồn từ Quốc hội, Chính phủ dành cho kế hoạch trung hạn thì chúng ta có hơn 100.000 tỷ đồng nữa trong gói phục hồi kinh tế. Mục tiêu của gói này là giải ngân thật nhanh để tạo cú huých cho nền kinh tế 1-2 năm tới. Với những quy hoạch, mục tiêu và nguồn lực mà Chính phủ dành cho lĩnh vực giao thông đường bộ, đấy là cơ hội chưa từng có đối với doanh nghiệp giao thông.

Về điểm rơi, với đặc thù của các dự án đầu tư công, cần có thủ tục về quản lý vốn ban đầu và thời gian chuẩn bị đầu tư, năm 2021 là đầu nhiệm kỳ thì điểm rơi các dự án trọng điểm sẽ bắt đầu từ năm 2022 đến năm 2025, đây là giai đoạn doanh nghiệp có thể nhìn rõ nhất cơ hội để tăng trưởng. Dù vậy cũng có nhiều thách thức như biến động khó lường về giá cả nhiên vật liệu và khối lượng công việc 2022-2025 rất lớn, các doanh nghiệp liệu có hấp thu khối lượng công việc như vậy không?

Đối với Đèo Cả, từ làm rất tốt việc của mình, chúng tôi đã làm được và rất nhiều dự án khác, đây đều là dự án lớn và khó, chúng tôi đã làm tốt. Với những sản phẩm đã làm được và triển vọng của ngành GTVT trong thời gian tới, Tập đoàn Đèo Cả đặt ra chiến lược sẽ tiếp tục tập trung vào việc triển khai các dự án giao thông đường bộ với trọng tâm là đầu tư theo hình thức PPP, khai thác tối đa các giá trị gia tăng từ công trình giao thông và nhận thầu thi công các dự án đầu tư công.

Chúng tôi cũng nhận định TTCK là kênh huy động vốn tích cực để có thể hoàn thành khối công việc lớn. Vừa qua, cổ phiếu HHV của Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (đơn vị thành viên của Tập đoàn) đã chuyển từ sàn Upcom sang sàn HOSE nhằm hướng đến tiêu chuẩn cao hơn về tính minh bạch. Trong năm nay, chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để tăng vốn HHV nhằm huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án PPP nói trên. Đây chính là cơ hội để các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán có thể đồng hành cùng Đèo Cả tham gia đầu tư vào các dự án giao thông.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Đèo Cả đã có những thành công bước đầu trong việc đa dạng hóa nguồn vốn để huy động cho phát triển các dự án giao thông, ông có thể cho biết thêm hiện các doanh nghiệp kết cấu hạ tầng muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp có vướng mắc gì không và đề xuất gì để tháo gỡ vướng mắc đó?

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả: Những doanh nghiệp đầu tư hạ tầng có nhu cầu vốn rất lớn, chúng ta phải đa dạng hóa nguồn vốn, chúng tôi tập trung vào tín dụng, TTCK và phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trái phiếu được phát hành hiện nay có những vướng mắc như trái phiếu tập trung trung hạn song kỳ thu hồi vốn của các dự án giao thông lại kéo dài trên 15 năm, bên cạnh đó, Luật PPP mới ban hành chỉ cho phép trái phiếu của những doanh nghiệp không chuyển đổi, điều này hạn chế công cụ cho nhà đầu tư lựa chọn hơn.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Quay trở lại với các yếu tố tác động tích cực và rủi ro, tôi xin mời ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô CTCK MBS. Có một số chuyên gia đã đưa ra nhận định về các nhóm cổ phiếu lần lượt dẫn dắt thị trường năm 2022 sẽ là nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Phía Công ty Yuanta đã có bài phân tích rất sâu về các yếu tố tác động tới nhóm cổ phiếu này, ông có bình luận gì về nhận định trên và các yếu tố tác động?

Thị trường vẫn tăng trưởng nhưng phân hoá sâu sắc

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô CTCK MBS: Về cơ bản, thị trường chứng khoán năm nay vẫn có nhiều cơ hội và tiềm năng tăng trưởng nếu nhìn vào lượng tài khoản mới, thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư đến TTCK. Năm 2021 là năm TTCK thăng hoa với VN-Index tăng hơn 35%.

hoang-cong-tuan1

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô Công ty Chứng Khoán MBS. Ảnh: Trọng Hiếu.

Về dài hạn, tăng trưởng TTCK diễn biến theo lợi nhuận DN, nếu thị trường quá thăng hoa thì xung lực tăng trưởng TTCK sẽ thấp đi, thị giá cổ phiếu dừng lại 1 phần chờ lợi nhuận DN. Năm nay triển vọng nền kinh tế vĩ mô sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, dù giá dầu tăng mạnh và căng thẳng Nga – Ukraine leo thang.

Về các mã nhóm ngành dẫn dắt trong năm 2022, đầu tiên là ngành chứng khoán, nhìn vào lượng tài khoản mới, 2 tháng đầu năm tăng trưởng giao dịch trên 20%. Những công ty chứng khoán tiếp tục lộ trình tăng vốn, có thể nhìn thấy cơ hội tiềm năng đáp ứng vốn cho hoạt động đầu tư.

Tôi cho rằng, kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán năm nay rất khả quan, vấn đề là mua với giá nào. Hai là ngành bất động sản (BĐS), nhìn theo chu kỳ kinh tế, sau khi kinh tế phục hồi thì BĐS bao giờ cũng đi theo sau. Do đó, giá BĐS năm 2022 dự kiến tiếp tục gia tăng, đặc biệt là BĐS nhà ở. Cuối cùng là ngân hàng, ngành này có các yếu tố mang tính thuận lợi nhờ gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng. Mức độ tăng trưởng tín dụng khả quan, nhất là những ngân hàng tầm trung có thể đạt trên 20%.

Tuy nhiên, năm 2022, ngành ngân hàng sẽ phân hóa bởi mức độ nợ xấu năm 2021 là 8%. Do đó, những ngân hàng có trích lập dự phòng tốt trong năm 2021 là nhóm yếu tố khả quan. Hơn nữa, hệ số NIM của hệ thống ngân hàng năm 2021 tăng do lãi xuất huy động giảm tạo đáy. Do đó, năm nay ngân hàng phân hóa cao, tức là cổ phiếu ngành ngân hàng khá khả quan nhưng mang tính chọn lọc rất nhiều.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp theo xin mời bình luận đến từ đại diện Công ty chứng khoán Yuanta?

Cơ hội thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 nhờ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cao, lãi suất duy trì thấp và tâm lý tích cực của nhà đầu tư (số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng). Tăng trưởng lợi nhuận chính là động lực cơ bản trọng yếu. Các bên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 25% YoY và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%.

Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 so với nền thấp trong năm 2021. Thứ hai là đến từ yếu tố thanh khoản, tâm lý nhất đầu tư. Mặt bằng thanh khoản hiện nay còn thấp so với trước đây, thanh khoản sẽ còn duy trì cao trong năm 2022. So sánh với thanh khoản các nước trong khu vực, Việt Nam hiện đạt 2 tỷ USD, chỉ thua Thái Lan (4 tỷ USD), và đã vượt Indonesia và Philippine, Thái Lan.

Tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân có thể vẫn sẽ tích cực đối với thị trường chứng khoán do giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022. Chúng tôi rất ấn tượng với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước, trái ngược hoàn toàn với sự kiện các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. 

Tuy nhiên, cơ hội không còn dồi dào như 2020-2021, từng nhóm cổ phiếu có sự phân hoá. 2 tiêu chí có thể đáp ứng khi lựa chọn một cổ phiếu: 1 là định giá rẻ, 2 là tiếp tục duy trì tăng trưởng 2022.

Với nhà đầu tư nước ngoài, tổng bán ròng 2 tháng/2022 đạt hơn 8.800 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Về cơ bản, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư ngoại giảm, các quỹ trong tâm thế thận trọng về thị trường Việt Nam nhưng hoạt động quay trở lại có dấu hiệu tăng lên, nhà đầu tư ngoại đang dần tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, đây là cơ hội thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường trong nước. 

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn nhận định từ phía Yuanta, mặc dù thời điểm hiện tại nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhưng có thể họ sẽ quay trở lại, đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Tôi muốn nghe ý kiến bình luận của một bên khác về vấn đề này, xin mời ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán Everest có bình luận gì thêm về vấn đề này?

Thị trường chứng khoán khá lạc quan

Ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐTV Công ty Chứng khoán Everest: Việc dòng vốn ngoại quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố nội tại của nền kinh tế vĩ mô. Có thể thấy, lạm phát, lãi suất đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Thêm vào đó, giá dầu, hàng hóa… đang tăng rất nhanh. 

Đây đều là các dấu hiệu đáng lo ngại. Nhất là khi chúng ta là nền kinh tế mở. Dù vậy, chúng tôi tin tưởng các nhà hoạch định chính sách, Chính phủ sẽ lấy các kinh nghiệm từ lần gần nhất vào năm 2011 để vượt qua.

vu-manh-tien

Ông Vũ Mạnh Tiến, Thành viên HĐQT Công ty Chúng khoán Everest. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thời điểm đó, lạm phát ở ngưỡng khoảng 20% và ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, VN-Index giảm rất mạnh. Tuy nhiên, nhờ vào chính sách tiền tệ, tài khóa, chúng ta đã chặn đứng được và nền kinh tế trở lại nhịp bình thường.

Tổng kết lại, chúng tôi vẫn nhận định khá lạc quan. Nghĩa là, sau đại dịch, căng thẳng địa chính trị trên thế giới được gỡ bỏ, Việt Nam vẫn phát huy nhiều cơ hội, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng liên tục nhưng sẽ sớm quay trở lại thị trường chứng khoán.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp theo mạch này xin mời ông Lê Hoàng Phương, Trưởng phòng Chiến lược thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt?

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn

Ông Lê Hoàng Phương: Về mặt lạm phát, chúng tôi cho rằng đây là yếu tố phải quan sát, nhưng không cần quá lo ngại bởi chính sách FED cần một khoảng thời gian rất lâu để tác động tới thị trường, khoảng từ 18 tháng tùy thuộc vào nền kinh tế, nhìn xa hơn, vậy liệu lạm phát có kéo dài không? Hay chỉ là yếu tố mang tính chất hàng quý, hàng năm.

bao-viet

Ông Lê Hoàng Phương, Trưởng phòng Chiến lược thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Trọng Hiếu.

Có thể lấy ví dụ như thời gian gần đây chúng ta lo ngại giá dầu nhưng hiện giờ giá dầu đã giảm xuống dưới 100 USD/ thùng, thêm vào đó chúng ta không cần quá lo ngại về chiến tranh bởi chiến tranh không hủy diệt các cơ hội mà thậm chí còn tạo cơ hội như tái cấu trúc nền kinh tế.

Nhìn chung trong năm nay, bối cảnh vẫn tích cực nhưng cần đãi cát tìm vàng. Ví dụ về năng lượng, thông thường trong quá khứ đây là nhóm hưởng lợi từ lạm phát tăng lên nhưng trong bối cảnh giá dầu có những biến động mạnh thì chúng ta cần đánh giá lại triển vọng.

Câu chuyện đầu tư công, tôi đồng ý quan điểm rằng doanh nghiệp đầu tư công sẽ được hưởng lợi. Về ngành chứng khoán, năm nay sẽ là năm tích cực vì trong năm nay chúng ta có thể hoàn thành hệ thống giao dịch mới. Khi điều này xảy ra, TTCK Việt sẽ hấp dẫn hơn, đảo ngược lại xu hướng của khối ngoại, từ đó họ sẽ bơm ròng vào TTCK.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đã thảo luận khá nhiều về triển vọng của thị trường và một số nhóm ngành cụ thể. Còn một sản phẩm khác của thị trường là trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa đã có một tham luận khá sâu về sản phẩm này. Ông có đề cập để phát triển sản phẩm này cần một cú huých, ông có thể cắt nghĩa cú huých đấy là gì, và năm nay diễn biến của dòng sản phẩm này sẽ như thế nào?

Thị trường trái phiếu còn lộn xộn

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cấu trúc thị trường trái phiếu rất lộn xộn, trong năm 2021, gần một nửa khối lượng trái phiếu phát hành là của các doanh nghiệp bất động sản, 30% từ ngân hàng, gần như không có bóng dáng khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, thương mại, chỉ tập trung cho ngành đầu cơ lớn nhất là bất động sản.

le-xuan-nghia1

TS. Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thực tế hiện nay là phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng, các loại hình vốn khác có rủi ro cao rất ít được quan tâm. Hơn nữa lãi suất trung dài hạn của thị trường tín dụng khá cao (12-14%) đã đẩy lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lên mức rất cao, gần với thặng dư vốn bình quân. Vì vậy, các doanh nghiệp sử dụng vốn từ TPDN sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra, kỳ hạn của TPDN chủ yếu là 3 năm cũng là một yếu tố hạn chế khả năng đầu tư và sinh lời của DN khu vực sản xuất thực sự. Chính vì vậy, cơ cấu giá trị của TPDN thường tập trung vào những ngành có yếu tố đầu cơ cao như bất động sản (chiếm 46% tổng số lượng TPDN phát hành) hoặc để gia tăng vốn chủ sở hữu cấp 2 của ngành ngân hàng (chiếm 30% tổng số lượng TPDN phát hành).

Trong đó, lượng lớn TPDN được dùng vào mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần hoặc mua bán sáp nhập. Tôi cho rằng, TPDN Việt Nam dù phát triển rất sơ khai nhưng để phát triển đúng hướng hơn trong tương lai còn rất nhiều vấn đề, quan trọng là muốn giảm lãi suất của thị trường TPDN thì lãi suất tín dụng ngân hàng, đặc biệt lãi suất trung, dài hạn cũng phải giảm.

Rõ ràng, chúng ta chưa có thị trường trái phiếu chân chính, bởi yếu tố đầu cơ rất lớn. Do đó, vấn đề cốt lõi để phát triển lành mạnh thị trường TPDN chính là giải quyết các vướng mắc từ phát hành, một là minh bạch thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành, hai là luật lệ thực hiện nghiêm túc, ba là phải có thị trường trái phiếu thứ cấp để tăng tính thanh khoản.

Câu chuyện lớn nhất của UBCKNN là làm cho thị trường TPDN được minh bạch, có thị trường thứ cấp hùng mạnh hơn và công tác giám sát chặt chẽ hơn. Lúc này, các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp và thương mại mới thực sự là trụ cột của thị trường này.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn TS. Lê Xuân Nghĩa đã đưa ra một số ý kiến rất cụ thể. Trước hết nhận định chung về thị trường chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng thiên về xu hướng lạc quan, lạc quan này dựa trên kỳ vọng sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài. Về vấn đề trái phiếu cũng đưa ra nhận định thị trường thiên về hướng đầu cơ, trái phiếu vắng bóng doanh nghiệp sản xuất, do một số nguyên nhân cụ thể như lãi suất cao, kỳ hạn phát hành ngắn, ... Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đã đưa ra một số giải pháp như cần phải tăng giám sát, tạo minh bạch, đề xuất cải thiện chính sách... Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, có một số ý kiến trùng hợp với ý kiến TS. Nghĩa, nhưng cũng có một số quan điểm khác. Ví dụ như nhiều chuyên gia cho rằng cũng không nên phê phán lĩnh vực bất động sản quá mức, một lĩnh vực được cho là đầu tàu kéo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác. Hay như việc giám sát chặt chẽ thị trường mới chỉ trong thời gian gần đây, trước đây dường như không đáng kể, nhưng quản lý chặt quá liệu có triệt tiêu sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không lại là vấn đề đặt ra?

Trước bối cảnh Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp, tôi muốn nghe ý kiến từ nhà quản lý, TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông có thể đưa ra ý kiến bình luận về dòng sản phẩm này?

Nhà nước không thể ngăn chặn được hết rủi ro

TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN: Tác động của Nga - Ukraine có 2 vấn đề: Một là tác động giá cả nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát, xu hướng tăng lãi suất; hai là thúc đẩy nhanh quá trình tái định hình các chính sách, liên quan tới chuỗi cung ứng, vấn đề dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Nó đã bắt đầu trong vài năm gần đây, với xung đột này, sẽ dịch chuyển nhanh hơn.

Tác động khá rõ nhưng không nhìn quá tiêu cực với xu hướng này. Giá dầu tạm thời tăng lên nhưng các nước sẽ tìm nguồn cung ứng khác gia tăng sản lượng; thay thế dầu bằng các nhiên liệu khác.

vu-bang

TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ và các nền kinh tế lớn có thể không tăng lãi suất đột ngột, hoặc tốc độ tăng không cao như lộ trình trước đây. Thực tế, tác động của xung đột Nga - Ukraine cũng không quá tiêu cực với Việt Nam. Lạm phát có thể lên thêm tối đa 1% nhưng lạm phát chưa phải cao so với chu kỳ với các nước thế giới, để vượt qua 5% năm nay là khó, khả năng lạm phát có ảnh hưởng nhưng không lớn.

Về lãi suất thì NHNN sẽ không tăng mặt bằng lãi suất trong thời điểm này. Kinh tế đang trong giai đoạn cần phục hồi, nên cơ quan quản lý sẽ không đi ngược lại chủ trương. Về tỷ giá, dự trữ ngoại tệ cao, tiềm lực tốt nên tỷ giá sẽ không có biến động nhiều. Khủng hoảng nợ trên thế giới sẽ gia tăng hơn nữa nhưng trước mắt chưa có nhiều tác động nhiều ở Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội, điểm sáng: Một là chiến lược điều chỉnh ứng phó COVID, tiêm vaccine rất tốt. Hai là gói kích thích, hỗ trợ, cũng bắt đầu được triển khai khá tích cực, hướng tới hạ tầng, công nghệ số, tăng năng suất, tăng khả năng hấp thụ với đầu tư nước ngoài, thu hút dòng vốn ngoại. Tiếp xúc nhà đầu tư nước ngoài thấy họ rất quan tâm, nên dịch chuyển dòng vốn hiện là cơ hội với Việt Nam, cung ứng toàn cầu. Ba là chúng tôi thấy tăng trưởng kinh tế hồi phục mạnh, ngành dịch vụ du lịch tăng 39%, từ đó hỗ trợ tới thị trường vốn. 

Các giải pháp của UBCK sẽ hỗ trợ thị trường phát triển. Đề xuất một số giải pháp: Về ngắn hạn: Việt Nam phải có động thái kiểm soát lạm phát. Tập trung vào kiểm soát lạm phát của ngành nông sản, thực phẩm, những sản phẩm không phụ thuộc lớn vào nước ngoài mà chủ yếu sản xuất trong nước. Khu vực này nên làm tốt hơn vai trò để hỗ trợ nhóm nhiên liệu, tháo gỡ khó khăn, giảm bớt lưu thông phân phối, giảm lạm phát cho nhóm ngành này.

Hai là kiểm tra, giám sát lạm phát, xử lý nghiêm các trường hợp tát nước theo mưa, tăng giá khiến tăng lạm phát. Trong thông tin tuyên truyền cũng không nên quá tiêu cực về áp lực lạm phát gây tâm lý kỳ vọng lạm phát. Chính phủ, bộ, ngành có xử lý nhanh để có chủ trương hỗ trợ, tháo gỡ hơn nữa giá nguyên liêu nguồn thu khác, hỗ trợ phụ thêm, nên có hỗ trợ quyết liệt, giảm thấp việc tác động gói hỗ trợ ban hành, để cho giá dầu tăng lên, làm khó khăn DN, hiệu quả gói hỗ trợ sẽ giảm đi nhiều.

Nên mạnh dạn có đề xuất, nghiên cứu có tháo gỡ, hỗ trợ lớn hơn hiện nay. Cần nghiên cứu tiếp để hỗ trợ DN, nền kinh tế hơn nữa. Giải pháp ngắn hạn, cố gắng làm sao có chính sách hạn chế mặt bằng lãi suất dâng lên nhiều quá, có tác dộng kìm hãm lãi suất không tăng mạnh, chính sách tiền tệ ổn định tỷ giá, không gây tác động lên thị trường. Cần tăng khả năng tiếp cận vốn của DN. 

Quan điểm của tôi là kiểm soát dòng vốn vào bất động, chứng khoán năm ngoái là phù hợp nhưng hiện cần hết sức cân nhắc khi phát tín hiệu siết chặt. Hiện nền kinh tế đang quá trinh hồi phục, nếu tiếp tục phát tín hiệu thái quá, thị trường nhạy cảm, sụt giảm sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, thị trường tài chính, nợ xấu ngân hàng. Cách xử lý phải khéo léo, không gây sốc cho thị trường.

Nhìn nhận lại dòng vốn vào thị trường chứng khoán, vốn vào sơ cấp và thứ cấp. Vốn vào sơ cấp là vào DN trực tiếp, vốn vào thứ cấp là đầu cơ mua bán, nếu quá nhiều thì phải kiểm soát. Về dài hạn cần tận dụng dòng vốn để có cải cách, thu hút tốt hơn cơ hội nước ngoài, phù hợp xu hướng tiếp theo, điều chỉnh cơ cấu năng lượng, gia tăng năng lượng sạch, tập trung cơ sở hạ tầng vào kinh tế số, giảm thiểu các thủ tục hành chính, cải cách mạnh hơn thể chế, đó là tiền bạc, thời gian, đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Riêng với TPDN, tôi nghĩ để có thị trường trái phiếu hoàn chỉnh còn nhiều gian nan. Chúng ta không kỳ vọng thị trường trái phiếu tốt ngay được đâu. Vốn vào BĐS cũng tốt cho ngành xây dựng, giảm bớt rủi ro cho ngân hàng, đó là phù hợp. Kỳ hạn dài không nên kỳ vọng ngay mà trước mắt phải ngắn hạn, rồi tốt thì tự nó thành dài hạn. Chưa thể đòi hỏi ngay từ thị trường TPDN, cần có lộ trình. Năm ngoái huy động 500.000 tỷ cũng là đáng trân trọng, hỗ trợ cho các ngành, các lĩnh vực nên mới có tăng trưởng.

Trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã có kiểm tra, xử lý phát hành TPDN, tích cực, kịp thời điều chỉnh nghị định. Nhưng tôi hơi băn khoăn với dự thảo gần đây trong TPDN hơi thái quá, làm khả năng tiếp cận vốn của DN gặp khó khăn, khi thắt lại thì lại thắt nhiều quá. Trái phiếu riêng lẻ phải có nguyên tắc, tính tủi ro cao hơn, nhà đầu tư phải là hiểu biết và tự chịu trách nhiểm rủi ro.

Nhà nước không thể ngăn chặn hết được rủi ro mà chỉ có quy định phù hợp thông lệ quốc tế; phải tính đến chỗ nào là chỗ rủi ro. Rủi ro lớn nhất hiện nay là phát hành không có tài sản đảm bảo (TSĐB) và đầu tư vào không có TSĐB, lại phát hành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp riêng lẻ. Chỉ nên kiểm soát đầu vào không nên kiểm soát cả sử dụng vốn, làm như vậy không đúng thông lệ.

Đề xuất TPDN không có TSĐB phát hành không được nhiều so với vốn chủ sở hữu, hai là phát hành cho cá nhân nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng không quá 100 người để đổ vỡ không lan truyền lớn, ba là có xếp hạng, minh bạch khi không có TSĐB; trái phiếu không có TSĐB thì kỳ hạn không được quá 2 năm. Đó là cách kiểm soát đầu vào.

Còn đầu ra thì không được cho vay lại, đầu tư vào lĩnh vực không có TSBĐ và làm việc khác trong quá trình sử dụng vốn. Cùng với đó chỉ nên kiểm soát bộ phận rủi ro mà không phải tất cả. TP riêng lẻ là dành cho không đại chúng, phục vụ cho công ty chứng khoán, các tổ chức tài chính nhưng giờ ta lại chặn thì không đúng thông lệ. Thị trường TP cần tăng minh bạch thay cho rào cản.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ý kiến đã bao quát được khá nhiều vấn đề của TS. Vũ Bằng. Về trái phiếu doanh nghiệp, TS. Vũ Bằng cho rằng giám sát rủi ro là cần thiết, nhưng phải làm sao để không triệt tiêu dòng sản phẩm này. Qua các ý kiến của chuyên gia có thể thấy, vốn phục vụ xã hội chủ yếu vẫn trông chờ từ các ngân hàng, nếu các dòng sản phẩm khác ko phát triển được thì sự lệ thuộc có lẽ còn kéo dài. Đây là vấn đề còn phải bàn nhiều, trong khuôn khổ tọa đàm là "nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022", chúng ta không có cơ hội để bàn sâu, nhưng qua các ý kiến cũng đã gợi mở được nhiều vấn đề.

Trước khi kết thúc toạ đàm, xin mời bà Tạ Thanh Bình có ý kiến phát biểu lại về các bình luận chuyên gia ngày hôm nay?

Đưa các doanh nghiệp cổ phần hoá tốt lên sàn

Bà Tạ Thanh Bình: Năm 2022 sẽ có nhiều khó khăn và thử thách nhưng dư địa tăng trưởng của thị trường vẫn còn. Chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển. Về vấn đề thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với Nghị định sửa đổi 153, tinh thần chung của Bộ Tài chính không phải là siết lại, thu hẹp thị trường này, mà tạo điều kiện để thị trường phát triển bền vững hơn, thông qua bảo vệ tổ chức phát hành trái phiếu và bên tham gia mua trái phiếu.

Ví dụ, với tài sản đảm bảo thì Nghị định yêu cầu định mức tín nhiệm, siết việc lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, quy định cơ chế đại diện người sở hữu trái phiếu để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư… Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia ý kiến Bộ Tài chính để hoàn thiện hơn nữa Nghị định 153 trước khi được ban hành.

Ngoài ra, tôi xin chia sẻ UBCKNN sẽ cố gắng đặt trọng tâm phát triển thêm các hàng hóa chất lượng mới cho thị trường. Năm 2021, khối doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn chưa đạt như kỳ vọng, chúng tôi sẽ cố gắng đưa thêm các đơn vị cổ phần hoá tốt lên sàn. Ngoài ra, các sản phẩm phái sinh sẽ đa dạng hơn, tránh sự tập trung vào 1-2 sản phẩm như hiện tại.

***

Tọa đàm có sự tham gia của Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH&ĐT; GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế; ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS; ông Nguyễn Hải Châu, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Everest; ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam; ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả; ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital; lãnh đạo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC); và đại diện một số doanh nghiệp khác.

Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Nhadautu.vn, Fanpage Nhà đầu tư, kênh Youtube Nhà đầu tư và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tin đại chúng.

Để tọa đàm có chất lượng, thiết thực góp phần phát triển thị trường, Tạp chí điện tử Nhadautu.vn hoan nghênh và mong muốn lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư về thực trạng và những băn khoăn về thị trường chứng khoán hiện nay. Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ