[Gặp gỡ thứ Tư] Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Cho vay BOT vẫn là trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng

Nhàđầutư
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN khẳng định cho vay BOT vẫn là trách nhiệm xã hội của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, Chính phủ cần đảm bảo được yêu cầu an toàn vốn cho các ngân hàng thương mại khi cấp tín dụng, cùng với đó năng lực của doanh nghiệp BOT phải là "thực lực".
N.THOAN
23, Tháng 06, 2021 | 07:28

Nhàđầutư
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN khẳng định cho vay BOT vẫn là trách nhiệm xã hội của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, Chính phủ cần đảm bảo được yêu cầu an toàn vốn cho các ngân hàng thương mại khi cấp tín dụng, cùng với đó năng lực của doanh nghiệp BOT phải là "thực lực".

Theo Đề án "Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030" đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó, năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông (hoàn thành 375 km, khởi công 387 km) và khoảng gần 500 km đường cao tốc khu vực phía Nam, Đồng Bằng sông Cửu Long. 

Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc trong kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025 lên tới 350.936 tỷ đồng, và khoảng 395.670 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030. Như vậy, trong khoảng 10 năm tới, Việt Nam cần tới khoảng 756.606 tỷ đồng tương đương 32,4 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó khoảng 13,8 tỷ USD là huy động ngoài ngân sách. 

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, nhiều rào cản khiến nhà đầu tư tư nhân đang dần rời xa lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là BOT. Minh chứng rõ nét nhất là trong 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai bằng hình thức PPP theo Nghị quyết 52/2017/QH14 cuối cùng cũng chỉ chốt được 3 dự án và đến thời điểm hiện tại mới chỉ ký hợp đồng 2/3 dự án, 5 dự án còn lại phải thực hiện đầu tư công.

Ông Nguyễn Nhật, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT xác nhận, kể từ năm 2015 đến nay, trong lĩnh vực GTVT không có thêm bất cứ dự án PPP giao thông dưới dạng hợp đồng BT hoặc BOT mới nào được triển khai. Đây là thời gian đủ dài để đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về tình trạng "đóng băng" thị trường PPP giao thông.

Một số ngân hàng từng cấp tín dụng chính cho các dự án BOT giai đoạn trước đây cho hay gần như rất khó để cấp tín dụng cho các dự án BOT mới vì không tìm được tiếng nói chung giữa Nhà nước, doanh nghiệp BOT và ngân hàng. Để làm rõ hơn quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cơ quan quản lý, đứng vai trò điều tiết vốn cho nền kinh tế về vấn đề này, Nhadautu.vn đã trao đổi với ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN.

dao-minh-tu

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN. Ảnh: VGP.

Một quan điểm thống nhất và xuyên suốt của Chính phủ, Quốc hội là "phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đi trước" để tăng trưởng kinh tế theo sau. Tuy nhiên, dường như, phát triển hạ tầng giao thông của nước ta thời gian gần đây đang gặp nhiều điểm nghẽn, trong đó đáng chú ý là vấn đề nguồn vốn. Đặc biệt là hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), mà cụ thể là BOT. Vậy đứng vai trò là cơ quan quản lý, điều tiết vốn cho nền kinh tế, xin ông cho biết quan điểm của NHNN về cho vay BOT?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chính phủ đang triển khai rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Một trong những vấn đề quan trọng được bàn tới là giải bài toán vốn, tính toán xem vốn nhà nước bao nhiêu, huy động xã hội bao nhiêu, vay nước ngoài bao nhiêu rồi kết cấu trong nguồn ngân sách.

Quan điểm của NHNN cũng rất rõ ràng, trước đây đã cho vay BOT và sau này cho vay BOT vẫn là trách nhiệm xã hội của các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay đang có một số vướng mắc trong chính sách với BOT nên các nhà đầu tư, trong đó có ngân hàng đang tìm các giải quyết tháo gỡ những vướng mắc này. Việc tháo gỡ các điểm nghẽn càng tích cực, càng nhanh thì việc huy động vốn từ phía các ngân hàng sẽ càng dễ dàng hơn. Còn như hiện nay, vốn cho vay cũ vẫn nằm đấy không có khả năng thu hồi thì các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng rất khó để cho vay mới và quyền quyết định cho vay hay không vẫn nằm trong tay các ngân hàng thương mại.

Vấn đề này đã được NHNN nhiều lần báo cáo tại các cuộc họp của Chính phủ. NHNN khẳng định rằng đó vẫn là trách nhiệm xã hội của các NHTM, sự tham gia của hệ thống Ngân hàng vào nguồn vốn BOT là rất cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng là cần đảm bảo an toàn vốn cho các ngân hàng khi cấp tín dụng cho dự án BOT.

Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, trong thông điệp chính sách mà NHNN gửi đi luôn là "kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT". Điều đó có nghĩa là NHNN đang xếp cho vay BOT cùng hệ số rủi ro của bất động sản, chứng khoán. Điều này dường như đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ, Nhà ước là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Quan điểm của NHNN là không phân biệt các ngành kinh tế trong cấp tín dụng, BOT cũng vậy. Ngành nào cũng quan trọng, BOT hay năng lượng đều quan trọng. Tuy nhiên, ngành nào, dự án nào rủi ro thì NHNN đều phải đưa ra cảnh báo và giám sát dòng vốn chảy vào lĩnh vực đó.

Bản thân cấp tín dụng cho BOT thôi đã là khó cho các ngân hàng trong vấn đề đảm bảo an toàn vốn khi huy động của hệ thống chủ yếu là ngắn hạn còn cho vay thì kéo dài lên tới 10-20 năm. Để đảm bảo cơ cấu nguồn vốn đã là câu chuyện lớn chưa kể tới trên thực tế triển khai các dự án lại không đạt phương án tài chính khi trạm BOT bị xả trạm, giảm giá phí ảnh hưởng tới phương án thu hồi vốn. Ngoài ra còn là sự hợp tác của Chính quyền địa phương, người dân sử dụng dịch vụ...

Tất nhiên, những dự án như năng lượng tái tạo cũng có thời gian sử dụng vốn dài nhưng vẫn hút được dòng vốn ngân hàng vì có những chính sách ưu tiên từ phía chính phủ và bản thân các ngân hàng nhận thấy đây là lĩnh vực có tiềm năng. Nhưng ngay cả với những dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời nếu có những dấu hiệu rủi ro thì NHNN cũng sẽ đưa thông điệp cảnh báo yêu cầu các ngân hàng kiểm soát dòng vốn chứ không đương nhiên mà cấp tín dụng ồ ạt vào lĩnh vực này.  

Bản thân các NHTM và NHNN hiện tại chỉ quan tâm xem dòng vốn vào lĩnh vực này hay dự án này có rủi ro hay không rủi ro. Nếu rủi ro thì dòng vốn chảy vào phải được kiểm soát chặt chẽ. Với các dự án giao thông, nếu rủi ro không đáng thì vẫn sẽ khuyến khích các NHTM tham gia tích cực.

Hiện, NHNN cũng đã đề xuất với Chính phủ, trách nhiệm ngành ngân hàng sẽ phải tham gia các dự án BOT. Nhưng nguồn vốn nhà nước tối đa 50%, còn lại là xã hội hoá, huy động của doanh nghiệp, các NHTM. Và phải cần đảm bảo an toàn vốn cho các NHTM khi tham gia cho vay BOT.

Thứ 2 là năng lực nhà đầu tư phải là "thực lực". Không thể, một dự án làm đường huy động 100 tỷ thì 90 tỷ là của ngân hàng, còn nhà đầu tư tư nhân chỉ góp 10 tỷ, mà có khi 10 tỷ đó cũng là đi vay từ ngân hàng khác đập vào. Như vậy là không được. Hiện nay vay nước ngoài chúng ta cũng cần phải có tới 30% vốn đối ứng. Vì vậy với các dự án BOT cũng đòi hỏi nhà đầu tư có thực lực, vốn đối ứng thực và không dưới 30%.

Có thể thấy, Chính phủ đang rất quyết liệt trong xử lý các điểm nghẽn cho các dự án hạ tầng giao thông. Vấn đề đã được nhìn nhận khá rõ. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng, thời gian tới các điểm nghẽn sẽ sớm được giải quyết thấu đáo hài hoà vì lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ