Đưa cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ 'về đích' vào cuối năm nay

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Trong khi đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau lại đang vướng mặt bằng và đặc biệt rất thiếu nguồn vật liệu cát san nền dù đã có nghị quyết về cơ chế đặc thù.
ĐÌNH NGUYÊN
02, Tháng 05, 2023 | 06:52

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Trong khi đó, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau lại đang vướng mặt bằng và đặc biệt rất thiếu nguồn vật liệu cát san nền dù đã có nghị quyết về cơ chế đặc thù.

Cuối năm "về đích"

Báo cáo Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận cho biết, tính đến cuối tháng 3, toàn tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có 3 gói thầu, trong đó gói thầu XL-01 do liên danh nhà thầu Công ty VNCN - TCT 319 - Nhạc Sơn thi công đạt sản lượng 58,75 % giá trị hợp đồng. Cụ thể, đường chính dài 3,73km đang đắp gia tải, đường đầu cầu đã hoàn thành đắp gia tải giai đoạn 2 với chiều dài 1,87km. Riêng phần cầu đã thi công bản mặt cầu 6 cầu tuyến chính và đang thi công đắp gia tải nút giao QL80.

Gói thầu XL-02 do liên danh Tổng Công ty Trường Sơn - Cienco4 thi công, đạt sản lượng thực hiện đạt 59,52% giá trị hợp đồng. Phần đường chính hoàn thành đắp gia tải 4,55km, đường đầu cầu đã hoàn thành đắp gia tải giai đoạn 2 đạt 1,88km. Hoàn thành bê tông bản mặt cầu của 4 cầu tuyến chính.

Còn tại gói thầu XL-03 do liên danh Công ty CP Đèo Cả - TCT 36 - Tân Nam thi công, sản lượng thực hiện đạt 62,92% giá trị hợp đồng. Trong đó, đường chính đã hoàn thành đắp gia tải 5,3km, đường đầu cầu hoàn thành đắp gia tải giai đoạn 2 với chiều dài 2,7km. Hoàn thành bản mặt bê tông của 5 cầu trên tuyến chính, nút giao ĐT908 đang thi công đắp gia tải.

cao-toc-MyThuan-CanTho

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Ảnh: Chu Du

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, tiến độ của dự án đang được kiểm soát từng ngày, phấn đấu hoàn thành công trình đồng bộ với cầu Mỹ Thuận 2, thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ vào cuối năm 2023.

Trước đó, Bộ GTVT ấn định ngày hoàn thành dự án vào tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, một số vị trí tại địa phương chậm bàn giao mặt bằng, trong khi tuyến đi qua khu vực nền đất yếu cần đủ thời gian chờ lún nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công. Ngoài ra, một số nhà thầu dù cam kết tiến độ thi công nhưng thực hiện không đạt yêu cầu.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được được khởi công năm 2021, tổng chiều dài gần 23km, đi qua địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long (12,53km) và Đồng Tháp (10,44km). Quy mô gồm 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m. Giai đoạn 1 được đầu tư 4 làn xe, nền đường rộng 17m, tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng.

Điểm nghẽn vật liệu, giải phóng mặt bằng

Trong khi đó, thiếu nguồn vật liệu cát đắp và mặt bằng "xôi đỗ" đang là những vướng mắc, cản trở tiến độ của nhiều dự án thành phần qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đơn cử như tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau), hồi cuối tháng 3, nhà thầu liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - TCT 36 - TCT Xây dựng số 1 - VNCN E&C - Tân Nam cho biết, do không có vật liệu cát đắp nên không thể triển khai các công việc tiếp theo, dù trước đó đào khuôn đường.

Tổng trữ lượng cát cho dự án khoảng 18 triệu m3. Nhưng, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chỉ mới có khoảng 35.000m3. Còn đoạn Hậu Giang - Cà Mau thì chưa có cát.

Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, ban cùng các đơn vị thi công đã làm việc với địa phương có nguồn vật liệu cát theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Nhưng, các thủ tục liên quan đến việc tăng công suất và khảo sát các mỏ cát mới còn chậm.

Hiện, Đồng Tháp, An Giang cũng đã lên phương án cung cấp cát cho dự án với trữ lượng khoảng 3 triệu m3. Trong đó, Đồng Tháp dự kiến 1,89 triệu m3, đồng thời, xác định 2 vị trí mỏ mới có trữ lượng khoảng 1,52 triệu m3. An Giang dự kiến tăng công suất 2 mỏ đang khai thác để cung cấp cho dự án khoảng 1,1 triệu m3.

Tuy nhiên, theo Ban QLDA Mỹ Thuận, việc tăng công suất các mỏ đang khai thác chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ, khoảng hơn 1,47 triệu m3, chiếm 8% so với nhu cầu dự án. Thủ tục khai thác mỏ cát mới mất nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Ngoài câu chuyện thiếu vật liệu cát, việc giải phóng mặt bằng cũng đang có vấn đề. Cụ thể, tỉnh Hậu Giang bàn giao hơn 55km mặt bằng cho dự án. Nhưng, phạm vi mặt bằng bàn giao chỉ tổ chức thi công đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang chỉ được khoảng 19km, còn đoạn Hậu Giang - Cà Mau khoảng 15km.

Đối với đoạn qua Hậu Giang, tỉnh này có 12.067 hộ dân bị ảnh hưởng bởi. Địa phương đã lập và phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qua rà soát, hiện còn 217 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, khoảng 37 hộ cam kết sẽ bàn giao mặt bằng dứt điểm trước ngày 30/4; có 69 hộ chờ nhận nền tái định cư; 31 hộ yêu cầu nâng giá nhà, đất, cây trồng và 80 hộ yêu cầu, vướng mắc khác.

Việc các hộ dân chậm di dời khiến các nhà thầu không thể tập kết vật liệu tiến hành tổ chức thi công. Nếu không sớm được giải quyết, sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ của toàn dự án.

Để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các vị trí đường găng của dự án. Đảm bảo mặt bằng bàn giao liên tục tạo thuận lợi cho công tác huy động thiết bị máy móc triển khai thi công.

Là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng.

Đã được dự báo từ trước

Giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long triển khai đồng loạt 4 dự án đường bộ cao tốc gồm đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ GTVT, nhu cầu cát đắp nền đường khoảng hơn 35,6 triệu m3. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 15 triệu m3. Đoạn Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu m3; Mỹ An - Cao Lãnh cần hơn 1,4 triệu m3 và đoạn An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu m3.

Nghiên cứu của vụ này cho thấy, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ có thể sử dụng cát sông để thi công nền đường. Nguồn mỏ cát sông chủ yếu ở An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long.

Tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu m3. Sản lượng khai thác hàng năm có thể cung cấp cho các dự án khoảng 1,9 triệu m3/năm.

Nếu không sớm có giải pháp, thiếu vật liệu cát đắp thi công các tuyến cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là điều khó tránh. Và thực tế, cũng đang cho thấy, điều này là đúng khi dự án đều đang rất thiếu nguồn vật liệu này.

Nếu tính nhu cầu sử dụng cát thì tổng nhu cầu cho công trình giao thông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 39 triệu m3. Nhưng thực tế, ở khu vực này chỉ mới có khoảng 26 triệu m3, do đó, việc triển khai công trình giao thông sẽ thiếu một lượng lớn về vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát san nền.

Vì vậy, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu, về việc sử dụng vật liệu cát biển để thay thế cho cát sông. Dự kiến, khoảng cuối năm nay, bộ sẽ đưa ra kết quả.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ