Từ thực tiễn triển khai, Bộ GTVT nhận định có hai vấn đề mang tính mấu chốt quyết định đến tiến độ dự án cần phải giải quyết ngay trong giai đoạn đầu chính là công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.

Hôm nay (29/4), Bộ GTVT phối hợp với 2 tỉnh Thanh Hóa và Bình Thuận tổ chức khánh thành, thông xe 2 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020).

Nhân dịp này, Nhadautu.vn đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, về công tác giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thi công cũng như giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam...

tit1

 

Năm 2023, vốn giải ngân đầu tư công của Bộ GTVT lên đến 94.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022, đây có thể xem là nhiệm vụ rất nặng nề Bộ GTVT đã và đang triển khai thế nào?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng:  Như chúng ta đã biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành… Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ này Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên, đưa vào kế hoạch nhiều dự án giao thông quan trọng quốc gia và bố trí nguồn vốn lớn để triển khai thực hiện.

cao-toc-bac-nam-quan-thanh-hoa-mai-son-quoc-lo-45-no-luc-can-dich-dip-304-061613949

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Ảnh: Sông Lam.

Bộ GTVT đã luôn nỗ lực phấn đấu để giải ngân tối đa nguồn vốn theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những năm gần đây, khả năng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT tăng bình quân khoảng 23-24%/năm. Năm 2023, Thủ tướng giao cho Bộ GTVT số vốn đầu tư công kỷ lục lên tới hơn 94.000 tỷ đồng (cao gấp 2,2 lần năm 2021; 1,7 lần năm 2022). Để hoàn thành được nhiệm vụ này là một thách thức rất lớn đối với Bộ GTVT.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội để Bộ GTVT tận dụng nguồn vốn quý báu, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư các công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Đây cũng được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành để Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; ngay từ đầu năm, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết đối với từng dự án, hoàn thiện thủ tục phân bổ dự toán để công tác giải ngân được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm.

TNH_2904

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 ngày 14/4. Ảnh: Tạ Hải.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải ngân, các chủ đầu tư/ban QLDA cũng được yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, từng quý; phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ có năng lực chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện để linh hoạt, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp; chủ động phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, đấu thầu, triển khai thi công, thanh, quyết toán… đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân gắn với thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tiến độ giải ngân phải gắn với sản lượng thi công và chất lượng công trình.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT tin tưởng công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT sẽ đạt được mục tiêu đặt ra, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

tit2

 

Với chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, các dự án cao tốc đang được đẩy nhanh tiến độ. Căn cứ từ thực tiễn và kinh nghiệm triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam trong thời gian qua, Bộ GTVT có nhóm giải pháp nào mang tính đột phá để đảm bảo các dự án giai đoạn 2 sẽ về đích đúng hạn năm 2025?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: Trước hết phải thừa nhận, quá trình triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã gặp rất nhiều khó khăn khách quan và chủ quan trong đó khách quan là nhiều hơn.

Trước hết, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật có nhiều địa phương đến gần cuối năm 2022 mới bàn giao được toàn bộ mặt bằng, dịch bệnh COVID-19, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến việc huy động máy móc, nhân lực vào công trường; bên cạnh đó, trong hai năm qua, thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả thi công; xung đột tại Đông Âu nên giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan.

cao-toc-bac-nam-quan-thanh-hoa-m

Cầu Vĩnh An vượt sông Mã (Thanh Hóa) thuộc gói thầu số 13-XL của dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 từng bị chậm tiến độ do mưa lớn kéo dài và nền đất yếu phải gia tải cũng đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Sông Lam.

Bên cạnh đó, các dự án đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung. Từ thực tiễn triển khai, Bộ GTVT nhận định có hai vấn đề mang tính mấu chốt quyết định đến tiến độ dự án cần phải giải quyết ngay trong giai đoạn đầu chính là công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng.

Chính vì vậy, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP, trong đó, từng Bộ, ngành địa phương liên quan đều được giao nhiệm vụ cụ thể gắn với mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Song song đó, các cơ chế đặc thù để triển khai dự án bảo đảm đúng chất lượng, tiến độ cũng được tham mưu như: Thứ nhất, cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; thứ hai, triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật nhằm sớm triển khai thi công; thứ ba, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Anh 1. Ham Thung Thi - Mai Son QL45

 

z4236332588203_628abe708d3784f33e2a52b0a26b95e4

Hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã hoàn thiện 100%.

Bộ GTVT cũng đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, hàng tháng họp để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Với các giải pháp đột phá, chỉ sau thời gian gần 1 năm triển khai, các địa phương đã bàn giao được trên 70% mặt bằng. Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương triển khai để khởi công đồng loạt các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào ngày 1/1/2023. Tổng thời gian từ lúc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đến lúc khởi công chưa đến 1 năm, rút ngắn thời gian thực hiện gần 1 năm so với thông thường.

Đến nay, tiến độ các dự án này ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: Với tinh thần vào cuộc quyết liệt không kể ngày, đêm của chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan, tính đến nay, toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được khởi công.

Thời gian qua, các nhà thầu đã rốt ráo thực hiện khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng văn phòng điều hành dự án, làm việc với địa phương về khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; huy động máy móc thiết bị nhân lực, tư vấn giám sát theo đúng hồ sơ dự thầu.

Anh 6. Quang Ngai Hoai Nhon

Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khởi công ngày 1/1/2023. Trên công trường, công nhân và máy móc đang gấp rút thi công.

Nhằm đảm bảo tiến độ thi công và tiến độ giải ngân, Bộ GTVT đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tận dụng tối đa điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng mũi thi công, tập trung thi công cuốn chiếu các đoạn tuyến thuận lợi về mặt bằng, địa chất…, đẩy nhanh thi công các hạng mục cầu, hầm lớn,…; đồng thời làm việc với UBND các tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB để thi công các đường găng của dự án là các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận vào thi công các vị trí đào nền để đắp, các vị trí công trình cầu, xử lý nền đất yếu… Tính đến nay, tiến độ triển khai các gói thầu xây lắp cơ bản đáp ứng kế hoạch. Riêng về công tác GPMB, hiện tại, các địa phương đã bàn giao khoảng 78% diện tích mặt bằng để các nhà thầu có thể triển khai thi công.

Mặc dù vậy, khối lượng GPMB còn lại vẫn tương đối lớn, tập trung tại các vị trí dân cư, các vị trí hạ tầng kỹ thuật cần di dời đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của các địa phương để đáp ứng tiến độ triển khai thi công trong thời gian tới. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để cùng tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai.

tit3

 

Qua thực tế, nhiều dự án qua một số địa phương thiếu vật liệu xây dựng thi công cũng như giá quá cao, Bộ trưởng có thể cho biết giải pháp xử lý thực trạng này trong giai đoạn 2 của dự án?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng: Như tôi đã nói ở trên, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) phục vụ thi công các dự án. Đến nay, các dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 cơ bản không còn khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu thi công.

Empty

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được khai thác từ 29/4. Ảnh: Sông Lam.

Rút kinh nghiệm từ dự án trước đó, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội với một số cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác VLXDTT nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Ngoài ra, tại Nghị quyết, Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng giá thị trường. Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế khảo sát, lập hồ sơ mỏ VLXDTT đáp ứng chất lượng, trữ lượng yêu cầu.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 các dự án cao tốc sẽ phải triển khai đồng loạt nên nhu cầu vật liệu là rất lớn và chủ yếu tập trung trong các năm 2023, 2024.

Mặc dù Chính phủ đã cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong việc cấp phép, khai thác vật liệu; chỉ đạo quản lý giá vật liệu; các bộ, ngành có liên quan đã có hướng dẫn, tuy nhiên quá trình thực hiện dự án còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án như: Công suất hầu hết các mỏ đang khai thác chưa đáp ứng theo tiến độ thi công; vướng mắc về thủ tục, giá đền bù, hỗ trợ khu vực mỏ nên các địa phương chưa triển khai cấp phép, giao mỏ cho nhà thầu; các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền do các địa phương đã dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương; một số địa phương thông báo giá vật liệu chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường, so với các tỉnh lân cận (quá cao hoặc quá thấp), có hiện tượng các nhà cung ứng bán vật liệu với giá cao hơn nhiều so với mức giá do địa phương công bố.

Từ những khó khăn thực tế, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương một số nội dung như: Thứ nhất, chủ động, kịp thời triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo các Nghị quyết của Chính phủ. Thứ hai, thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công. Thứ ba, yêu cầu các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép. Thứ tư, ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án.

THẮNG QUANG - ANH TRUNG. Thiết kế: TRỌNG HIẾU