Dự án điện gió lỡ nhịp khó đủ đường

Nhàđầutư
Theo số liệu cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 29/10, chỉ mới có 42/106 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) kịp thời gian hưởng giá bán điện hỗ trợ (FIT).
AN HÒA
02, Tháng 11, 2021 | 11:05

Nhàđầutư
Theo số liệu cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 29/10, chỉ mới có 42/106 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD) kịp thời gian hưởng giá bán điện hỗ trợ (FIT).

dien gio 12

Trên 50% dự án điện gió không kịp vận hành thương mại để được hưởng giá FIT theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TL

Hơn 50% dự án lỡ nhịp

Theo EVN, có tổng số 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD hưởng giá FIT. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.

 
Sau ngày giá FIT điện gió hết hạn, Bộ Công Thương sẽ có đánh giá đến các tác động khiến dự án điện gió dở dang, không kịp đưa vào vận hành để hưởng giá FIT, trên cơ sở đó Bộ sẽ có dự thảo báo cáo Thủ tướng có cơ chế giải quyết tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư điện gió

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương

Tính đến 29/10/2021, đã có 42/106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 2.131 MW đã được công nhận vận hành thương mại COD.

Theo EVN, với tinh thần hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư nhà máy điện gió, mặc dù ngày 30 và 31/10 là các ngày nghỉ cuối tuần nhưng các đơn vị liên quan của EVN vẫn nỗ lực tối đa xem xét đợt cuối cùng với mong muốn có thêm dự án được công nhận COD. 

Cũng theo EVN, nếu không tính 42 dự án vừa được công nhận thì đến thời điểm hiện tại mới có 13 dự án điện gió vận hành thương mại với công suất  611,33 MW, đạt 76% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 8,5 UScents/kWh).

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 9,8 UScent/kWh).

Giá mua điện được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Để kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39, các doanh nghiệp đầu tư điện gió đã rất nỗ lực, thi công cả ban đêm trong cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc nhập khẩu, tập kết vật tư thiết bị, di chuyển chuyên gia, công nhân đến công trình bị gián đoạn mà trên 50% dự án điện gió đã không thể về đích đúng tiến độ.

dien gio 11

Dự án điện gió dở dang khó đủ đường. Ảnh: QB

Điện gió còn nhiều cái khó

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, có ý kiến cho rằng EVN mua điện sạch với giá cao, bán lẻ lại giá thấp gây thiệt thòi cho ngành điện là chưa đúng. "Với tầm nhìn xa hơn, nếu chọn điện giá rẻ, ô nhiễm thì sẽ phải dành một số tiền lớn để xử lý môi trường. Ngược lại, nếu chọn điện sạch như điện gió, tuy giá có thể cao hơn nhưng đã bao gồm việc xử lý môi trường, như vậy cái nào có lợi hơn", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, hiện nay, giá điện gió tại Việt Nam cũng còn thấp hơn nhiều quốc gia khác, như ở Nhật giá phải trên 20 Uscent/kWh. Trong khi đó nhà đầu tư điện gió Việt Nam phải lệ thuộc hoàn toàn vào thiết bị nhập khẩu với chi phí nhập thiết bị, vận chuyển đến chân công trình rất tốn kém nên suất đầu tư cao hơn nhiều quốc gia khác. Mặt khác về tài chính thì mức lãi suất tín dụng mà nhà đầu tư điện gió trong nước phải chi trả cao hơn các doanh nghiệp FDI vay được nguồn vốn ở nước ngoài. Phân tích điều này để cho thấy điện gió là lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhưng chưa thật sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu, hết thời hạn giá FIT theo Quyết định số 39/QĐ-TTg, tỉnh Sóc Trăng chỉ có 4/11 dự án điện gió đang triển khai đạt COD, còn lại 7 dự án đang đầu tư dang dở và 5 dự án khác sắp khởi công xây dựng thì chưa biết bán điện được giá nào.

“Theo phản ánh của các nhà đầu tư điện gió, những dự án đầu tư dở dang đều lấy giá FIT theo Quyết định số 39/QĐ-TTg để tính toán đầu tư và nhập khẩu thiết bị phù hợp, do đó nếu giá mua điện của EVN sau ngày 1/11/2021 được điều chỉnh giảm thì sẽ làm cho nhiều dự án có nguy cơ “vỡ” kế hoạch tài chính đặt ra lúc ban đầu”, ông Chiêu cho biết.

Đại diện một chủ đầu tư dự án điện gió cũng cho biết, ngay khi hết thời hạn dự án được hưởng giá FIT theo Quyết định số 39/QĐ-TTg, các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án có động thái tạm dừng giải ngân cho khối lượng tiếp theo để chờ chính sách mới, điều này sẽ dẫn đến dự án thiếu vốn phải nằm chờ là khó tránh khỏi.

Một hệ lụy khác là do chạy đua để kịp hưởng giá FIT mà một số dự án đã “đốt cháy” giai đoạn, thi công gấp rút không đạt chất lượng có thể dẫn tới hỏng hóc sau khi đi vào vận hành.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), việc thu tiền cho thuê mặt nước biển đầu tư dự án điện gió hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý.

“Theo Thông tư 198/2015/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định “sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió”. Nếu tính như trên, nhà đầu tư phải trả tiền cho toàn bộ diện tích điện gió lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, việc thu tiền sử dụng khu vực biển đầu tư điện gió cần xác định lại chỉ nên thu tiền sử dụng mặt biển tính trên diện tích của trụ gió và diện tích các đường dây cáp ngầm dưới biển, không nên tính toàn bộ diện tích khu vực biển của dự án điện gió”, VEA đề xuất .

Trả lời các cơ quan truyền thông tại cuộc họp báo về tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất của UBND các tỉnh, của các chủ đầu tư, cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều dự án điện gió không kịp tiến độ trước thời điểm 31/10.

“Sau ngày giá FIT điện gió hết hạn, Bộ Công Thương sẽ có đánh giá đến các tác động khiến dự án điện gió dở dang, không kịp đưa vào vận hành để hưởng giá FIT, trên cơ sở đó Bộ sẽ có dự thảo báo cáo Thủ tướng có cơ chế giải quyết tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư điện gió”, ông Dũng cho biết.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ