Doanh nghiệp sắp hụt hơi với sản xuất 'Ba tại chỗ'

Nhàđầutư
Sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” không chỉ khiến chi phí tăng gấp nhiều lần mà doanh nghiệp còn phấp phỏng lo lắng với rủi ro đang rình rập…
AN HÒA
07, Tháng 08, 2021 | 06:37

Nhàđầutư
Sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” không chỉ khiến chi phí tăng gấp nhiều lần mà doanh nghiệp còn phấp phỏng lo lắng với rủi ro đang rình rập…

xk thuy san

Doanh nghiệp chế biến thủy sản rất “chật vật” để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”. Ảnh: TL

Vì sao “Ba tại chỗ” mà vẫn bùng phát dịch?

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang cho biết tính đến ngày 5/8, đã phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 5 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn, trong đó có một công ty thủy sản quy mô lớn. Điều đáng quan tâm là các doanh nghiệp này đều đang sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ”. Trước nguy cơ dịch bùng phát trong các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 địa phương đã ban hành công văn dừng sản xuất tại các khu công nghiệp từ ngày 5/8.

Theo Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Nhật Trường, ngay sau khi phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch tại các doanh nghiệp áp dụng phương án sản xuất “Ba tại chỗ” là do khâu khai báo y tế, kiểm tra dịch tể công nhân đầu vào chưa thực hiện tốt; việc quản lý thực hiện cách lý chưa nghiêm, còn để công nhân tiếp xúc với người giao hàng online từ bên ngoài.

Ngoài ra còn có nguyên khách quan khác là tại thời điểm công nhân test SARS-CoV-2 để bắt đầu vào sản xuất “Ba tại chỗ” đang trong thời kỳ ủ bệnh nên cho kết quả âm tính nhưng khi vào làm vài hôm thì phát bệnh và lây nhiễm cho nhiều công nhân khác; lái xe chở nguyên vật liệu ra vào nhà máy bị nhiễm COVID-19 tạo nguồn lây cho khu vực sản xuất…

Việc dừng sản xuất tại các khu công nghiệp tạm thời là để có thời gian xem xét tìm giải pháp thích hợp. Hiện Ban quản lý khu công nghiệp đang chuẩn bị trình UBND tỉnh bộ tiêu chí mới về điều kiện sản xuất “Ba tại chỗ”, trong đó có đề nghị siết chặt 2 tiêu chí là tầm soát xét nghiệm đầu vào và triệt để cách ly, không để xảy ra tình trạng công nhân tiếp xúc với bên ngoài nhà máy.

“Sau khi UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí mới, doanh nghiệp cam kết tổ chức thực hiện nghiêm túc và được cơ quan chuyên môn thẩm định đạt yêu cầu thì địa phương sẽ cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại”, ông Trường cho biết.

Test covid cho cong nhan

100% công nhân được tiêm vắc xin là mong mỏi của các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: KA

Doanh nghiệp khổ sở với "Ba tại chỗ"

Theo TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), khi xây dựng nhà xưởng không doanh nghiệp nào có khu lưu trú trong khuôn viên. Chỗ ngủ nghỉ khi thực thi “Ba tại chỗ” là tận dụng khoảng trống trong nhà xưởng, nhà kho, văn phòng… nên đâu thể có nhiều chỗ và đâu thể chịu đựng lâu dài.

Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cho biết, hơn tuần nay công ty đã thực hiện phương án sản xuất “Ba tại chỗ”. Việc thực hiện sản xuất theo mô hình này là tình huống bất khả kháng, tốn kém thì doanh nghiệp gồng mình chịu đựng được, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Ví dụ như việc quản lý hàng ngàn công nhân, khi vào ca sản xuất thì chẳng nói làm gì nhưng ngoài giờ làm việc thì rất khó quản lý.

“Việc quản lý, lo chỗ ăn, nghỉ, đưa rước hàng ngàn công nhân đã là rất khó khăn, đã thế còn phải điều phối bố trí ca kíp cho công nhân xen kẻ xét nghiệm, chích ngừa COVID-19… đã quá tải công việc cho nhân viên quản lý. Sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ” hay “Một cung đường, hai điểm đến” thì doanh nghiệp cũng đều “oải” như nhau, đây chỉ là giải pháp tình thế, chúng tôi đóng cửa còn ít lỗ, ít lo hơn phải sản xuất trong điều kiện như vậy”, ông Phan Văn Tâm, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết.

Trong Văn bản của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho biết, thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “Ba tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến-xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “Ba tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp.

VASEP cho rằng thực hiện “Ba tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần.

Phương án nào đảm bảo mục tiêu kép?

Theo ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), chế biến tôm xuất khẩu gắn liền với mùa vụ. Hiện nay, nông dân đang vào cao điểm thu hoạch vụ tôm thì cũng chính là thời điểm doanh nghiệp chế biến hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 hiện nay các doanh nghiệp phải vừa sản xuất vừa lo chống dịch nên doanh nghiệp nào giỏi lắm cũng chỉ đạt 30% công suất. Đối với Stapimex do khó khăn huy động công nhân thực hiện “Ba tại chỗ” nên chỉ sản xuất trên 10% công suất. Lo lắng nhất của doanh nghiệp là khi qua mùa vụ thì không còn nguyên liệu để sản xuất, trong khi nhiều đơn hàng đã ký trước với khách hàng. Việc huy động công nhân vào ở trong nhà máy để sản xuất “Ba tại chỗ” cũng chỉ là vận động chứ không thể bắt buộc nên có người làm, người không, điều này rất khó cho doanh nghiệp bởi một ca sản xuất phải có đủ thành phần các khâu, thiếu lao động dù chỉ 1 khâu cũng khó vận hành dây chuyền sản xuất.

“Về giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì sản xuất đòi hỏi chính quyền địa phương phải có sự hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong việc thiết lập “luồng xanh”, tức là khoanh vùng dịch tể nơi nào chưa có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nơi nào ít nguy cơ lây nhiễm, từ cơ sở đó doanh nghiệp sẽ kêu gọi công nhân ở khu vực này vào sản xuất “3 tại chỗ” cùng nhà máy. Tất nhiên khi vào nhà máy thì phải thực hiện kỷ lưỡng xét nghiệm sàn lọc, tiêm vắc xin và thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch vừa cách ly vừa sản xuất. Cứ như thế mà tăng quy mô công nhân, nâng dần công suất sản xuất”, ông Phẩm đề xuất.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, với lịch trình nhập khẩu và phân bổ vắc xin như hiện nay thì nhanh nhất cũng phải đến cuối năm mới có hy vọng 100% công nhân ở nhà máy, xí nghiệp được tiêm chủng, nhưng doanh nghiệp “khó sống” đến cuối năm để chờ vắc xin nếu dịch bệnh chưa được đẩy lùi.

Do vậy, ông Quang đề xuất đến Thủ Tướng Chính Phủ xem xét cấp phép khẩn cấp cho vắc xin của Việt Nam sản xuất Nanocovax, có như thế thì hết tháng 9/2021 sẽ đủ vắc xin tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và hết tháng 11/2021 tiêm cho hết cho dân Việt Nam từ 12 tuổi trở lên.

“Để duy trì sản xuất trong thời điểm hiện nay thì doanh nghiệp cần thực hiện ở mức cao hơn “Ba tại chỗ”, đó là 7K + 3T như đề xuất của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình. Thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thêm 2K là Không khí trong lành, Khỏe mạnh và 3T là Tự phát hiện, Tự cách ly, Tự chăm sóc”, ông Quang nói.

Tổng thư ký VASEP - ông Trương Đình Hòe cho biết qua ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp thì gần như tất cả các doanh nghiệp đều cho rằng điều mà doanh nghiệp mong chờ nhất hiện nay là 100% lao động được tiêm vắc xin, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể duy trì được sản xuất mà không phải “thắp thỏm” với nguy cơ dịch bùng phát trong nhà máy.

“Thủy sản là ngành xuất khẩu quan trọng mỗi năm mang về cho đất nước hơn 10 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động và người sống phụ thuộc, đóng góp ngân sách cho nhà nước không nhỏ nên rất cần Chính phủ ưu tiên vắc xin trong chiến lược phân bổ vắc xin quốc gia”, Tổng thư ký VASEP kiến nghị.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 vừa có báo cáo kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% công nhân nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm và trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp.

Công văn này cũng cho biết, hiện nay đã có đến 21 nhà máy chế biến thủy sản phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong nhà máy, chỉ có 82 doanh nghiệp duy trì được sản xuất “Ba tại chỗ”, 103 nhà máy chế biến thủy sản phải đóng cửa vì không đảm bảo điều kiên phòng dịch khi sản xuất.

“Được tiêm vaccine phòng COVID-19 là mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này để duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng”, Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị Chính phủ nêu.

Bên cạnh đó, Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giá điện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thuỷ sản để tăng cường mua nông sản bảo quản sản phẩm đông lạnh. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng công nhân, người lao động ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ