'Đấu thầu dự án năng lượng tái tạo mang lại sân chơi hiệu quả, bình đẳng'

Nhàđầutư
Trước lo ngại quy định đấu thầu là không hợp lý và khó triển khai, ông Hoàng Mạnh Tân đánh giá đấu thầu là phương án tối ưu, mang lại sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
THẮNG QUANG (thực hiện)
18, Tháng 12, 2021 | 07:00

Nhàđầutư
Trước lo ngại quy định đấu thầu là không hợp lý và khó triển khai, ông Hoàng Mạnh Tân đánh giá đấu thầu là phương án tối ưu, mang lại sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

hoang-manh-tan

Ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà. Ảnh: Trọng Hiếu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra tại Vương Quốc Anh vào đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phải thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Đây là cam kết mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong định hướng bảo vệ môi trường. Ngay sau đó, Chính phủ đã trả lại dự thảo Quy hoạch Điện 8 để Bộ Công thương bổ sung, hoàn thiện. Trước đó, dự thảo Quy hoạch Điện 8 lần 2 vào tháng 11 của Bộ Công thương đã gây nhiều tranh cãi, khi dù tỷ trọng giảm dần, song công suất điện than trong tổng nguồn phát vẫn tăng từ nay tới năm 2045, trong khi tỷ trọng năng lượng tái tạo được cho là vẫn khiêm tốn. 

Nhằm hiện thực hoá tham vọng Net Zero vào năm 2050, giới chuyên gia nhận định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam với khí hậu nhiệt đới và 3.000km bờ biển được đánh giá có rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này. Trên thực tế, sau 3 năm tăng trưởng mạnh, hai loại hình năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời và điện gió đang dần đóng góp lớn vào cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình phát triển vừa qua cũng đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả và bền vững năng lượng tái tạo.

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Mạnh Tân, Phó TGĐ Tập đoàn Sơn Hà - một doanh nghiệp hoạt động tích cực trong mảng năng lượng tái tạo.

Thời gian qua, Tập đoàn Sơn Hà cũng như một số nhà đầu tư có nhiều vướng mắc trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ông có thể chia sẻ thêm về những khó khăn khi thực hiện các dự án?

Ông Hoàng Mạnh Tân: Tập đoàn Sơn Hà là đơn vị có nhiều năm cung cấp giải pháp, sản phẩm và đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, với các sản phẩm chủ lực dẫn đầu thị trường như Thái Dương Năng, điện mặt trời áp mái. Để phát triển hiệu quả được nguồn năng lượng và ngành hàng đầy tiềm năng này chúng tôi nhận thấy có 2 vướng mắc:

Vướng mắc lớn nhất là về cơ chế: Chúng ta chưa có chính sách phát triển ổn định và dài hạn. Các chính sách trong những năm qua đều mang tính ngắn hạn, không có định hướng lộ trình dài hạn, dẫn đến việc nhà đầu tư bị động trong công tác chuẩn bị và triển khai.

Ở góc độ Sơn Hà, tôi lấy ví dụ là không có cơ chế phát triển dài hạn, thì doanh nghiệp không thể an tâm để đầu tư vào các dự án tiếp theo hay đầu tư sản xuất thiết bị (tấm Pin, Inverter..) dẫn đến phụ thuộc vào nguồn thiết bị nhập khẩu.

Thực trạng này kéo dài gây ra thiệt hại về kinh tế, cơ hội của các nhà đầu tư. Các dự án triển khai chậm không kịp thời hạn hưởng chính sách khuyến khích của Nhà nước hiện cũng không có giải pháp để triển khai tiếp hoặc xử lý hậu quả dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư nói riêng và kinh tế xã hội nói chung, dù có yếu tố bất khả kháng (dịch bệnh COVID-19). 

Thứ hai là vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý quy hoạch phát triển nguồn, lưới điện dẫn đến việc các nhà đầu tư triển khai theo quy hoạch đã được duyệt nhưng hạ tầng truyền tải không đáp ứng được, đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo ông, việc tư nhân tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo cần được khuyến khích như thế nào?

Ông Hoàng Mạnh Tân: Hiện nay, nhà đầu tư tư nhân hay các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài... đều có cơ hội kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như nhau. Bên cạnh đó việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là xu thế và giải pháp sống còn để cải thiện môi trường sống, giảm ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu trong nước và thế giới.

Vì vậy, tôi nghĩ không chỉ các nhà đầu tư tư nhân mà các thành phần kinh tế khác cũng cần có cơ chế khuyến khích của Nhà nước để phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt Nhà nước cũng cần đưa ra các định hướng, chiến lược kèm theo cơ chế khuyến khích nhà đầu tư bám theo mục tiêu cam kết giảm phát thải CO2 tại Hội nghị COP 26 của lãnh đạo Chính phủ.

Sau khi các quyết định ưu đãi giá FIT với điện mặt trời, điện gió hết hiệu lực, các dự án năng lượng tái tạo với 2 loại hình này tới đây sẽ được tiến hành đấu thầu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia cho rằng quy định đấu thầu là không hợp lý và rất khó triển khai, ông đánh giá thế nào?

Ông Hoàng Mạnh Tân: Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo mang lại sân chơi bình đẳng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Các lĩnh vực khác hiện nay cũng đã áp dụng hình thức đấu thầu, thì triển khai với năng lượng tái tạo cũng là cần thiết và phù hợp. Ngoài ra phương thức đấu thầu cũng góp phần tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước. Tôi hoàn toàn đồng tình với quy định này.

Một trong những vấn đề lớn của các loại hình năng lượng tái tạo là thiếu ổn định do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết. Lưu trữ năng lượng được cho là một giải pháp cần được đẩy mạnh trong tương lai. Hiện nay, đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và áp dụng, phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng hay chưa?

Ông Hoàng Mạnh Tân: Lưu trữ là giải pháp tối ưu và hiệu quả cho các dự án năng lượng tái tạo và giúp ổn định nguồn phát lên lưới. Tuy nhiên, đến nay, Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển các dự án lưu trữ điện năng lượng tái tạo. Để phát triển bền vững năng lượng tái tạo, đảm bảo an toàn nguồn điện, cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư phát triển lưu trữ điện năng trong tương lai. 

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26797.00 26905.00 28111.00
GBP 31196.00 31384.00 32369.00
HKD 3185.00 3198.00 3303.00
CHF 27497.00 27607.00 28478.00
JPY 161.56 162.21 169.75
AUD 16496.00 16562.00 17072.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 673.00 676.00 704.00
CAD 18212.00 18285.00 18832.00
NZD   15003.00 15512.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3598.00 3733.00
SEK   2304.00 2394.00
NOK   2295.00 2386.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ