Đằng sau dòng vốn 2.500 tỷ siêu rẻ chảy về dự án điện mặt trời của Vietracimex

Nhàđầutư
Hàng nghìn tỷ đồng vốn vay với chi phí thấp đã và đang là động lực để Vietracimex liên tục mở rộng hoạt động, đầu tư các dự án mới, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
XUÂN TIÊN
02, Tháng 01, 2020 | 19:57

Nhàđầutư
Hàng nghìn tỷ đồng vốn vay với chi phí thấp đã và đang là động lực để Vietracimex liên tục mở rộng hoạt động, đầu tư các dự án mới, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.

Tham vọng lớn của Vietracimex

CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 (Bình Thuận) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A ở thôn Hồng Trung, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình trong ngày 24/12/2019 đã phát hành liên tiếp hai lô trái phiếu, gồm lô 2.150 tỷ đồng có kỳ hạn 15 năm và lô 400 tỷ đồng có kỳ hạn 5 năm.

CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 được thành lập tháng 3/2017, là thành viên của Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex), do Vietracimex trực tiếp nắm 96% vốn, 4% còn lại chia đều cho hai doanh nghiệp có liên quan là CTCP Điện Vietracimex Hà Giang và CTCP Điện Vietracimex Lào Cai.

Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A có công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 207ha. Dự án chính thức hoà lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019, kịp hưởng ưu đãi của Chính phủ theo Quyết định 11/2017 của Thủ tướng.

Tại xã Hồng Phong, Vietracimex còn một dự án điện mặt trời nữa là Hồng Phong 1B có công suất 100MW, tổng vốn đầu tư 2.832 tỷ đồng, cũng hoà lưới điện trong tháng 6/2019.

Bộ đôi dự án điện mặt trời có tổng vốn xấp xỉ 7.000 tỷ đồng đi vào hoạt động là lời khẳng định cho tham vọng trong lĩnh vực năng lượng, vốn đã được Vietracimex theo đuổi suốt nhiều năm qua.

1

Lễ khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1A ngày 15/7/2019. Hai nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1&2 cùng dự án điện gió Hoà Thắng 1.2 được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia năm 2017.

Năm 2013, Vietracimex đưa vào vận hành Nhà máy Thuỷ điện Tà Thàng tại Lào Cai có công suất 60MW, vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng; năm 2017 là Nhà máy Thuỷ điện Bắc Mê công suất 45MW, vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng và một năm sau, cuối năm 2018, phát điện Nhà máy thuỷ điện Đạ Dâng - Đa Chomo công suất 24MW, vốn 653 tỷ đồng tại Lâm Đồng.

Hiện nay, Vietracimex đang triển khai hai dự án thuỷ điện rất lớn là Nậm Mô 1 (công suất 90MW, vốn 4.128 tỷ đồng) và Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, vốn 7.824 tỷ đồng) đều tại Kỳ Sơn, Nghệ An.

Trong lĩnh vực điện gió, Vietracimex đang xây dựng Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 công suất 100MW cũng tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Tổng mức đầu tư các dự án năng lượng của Vietracimex lên tới 24.000 tỷ đồng (chưa tính dự án Hoà Thắng 1.2) - tương đương hơn 1 tỷ USD, giúp tập đoàn của doanh nhân Võ Nhật Thăng trở thành một trong những "tay chơi" tư nhân lớn nhất trong làng năng lượng Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, vượt qua Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2), liên doanh Vietracimex và Tập đoàn Marubeni của Nhật hồi tháng 4/2019 đã được Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng giao thực hiện dự án Nhiệt điện Ô Môn II với công suất 750MW, tổng mức đầu tư 26.310 tỷ đồng. Vietracimex - Marubeni thậm chí còn đề xuất điều chỉnh công suất lên 1.050MW và tiến độ vận hành là năm 2023-2024.

Chi phí đầu tư rất lớn của dự án dẫn tới không ít nghi ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư. Báo cáo của Bộ Công thương cho biết nhà đầu tư sẽ bố trí 20% vốn chủ sở hữu đối ứng, tương đương 5.262 tỷ đồng từ các dự án đi vào hoạt động trong giai đoạn 2020-2023, 80% còn lại - khoảng 21.048 tỷ đồng đã được Ngân hàng ING của Hà Lan đồng ý thu xếp vốn, đó là chưa kể tiềm lực tài chính mạnh từ đối tác Marubeni Group.

Định danh trái chủ

Trở lại với hai đợt phát hành trái phiếu ngày 24/12/2019 vừa qua của CTCP Năng lượng Hồng Phong 1. Một chi tiết rất đáng chú ý là dù có kỳ hạn trung và dài hạn, song các lô trái phiếu đều có lãi suất cố định và ở mức rất thấp, với lô 400 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm) là 6,4%/năm và lô 2.150 tỷ đồng (kỳ hạn 15 năm) là 7,5% năm, so với mặt bằng chung hiện nay từ 10-11%/năm.

Đây là những nấc lãi suất khó lòng thu hút các nhà băng Việt - vốn là những nhà tài trợ tích cực cho các dự án năng lượng tái tạo trong vài năm trở lại, dù cho các lô trái phiếu của Hồng Phong 1 được bảo lãnh thanh toán bởi Credit Guarantee And Investment Facility (CGIF) - một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Quả thực, thuyết minh báo cáo phát hành cho thấy trái chủ của lô trái phiếu 400 tỷ đồng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, song khá bất ngờ khi trái chủ của lô 2.150 tỷ đồng lại là được chú thích là nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Danh tính cụ thể không được tiết lộ, vậy đối tác trong nước đã rót hơn 2.100 tỷ đồng trái phiếu cho dự án điện Hồng Phong 1 là ai? Phân tích dưới đây của Nhadautu.vn phần nào mang tới một góc nhìn thú vị.

Ngày 24/12/2019, cùng ngày phát hành trái phiếu, Năng lượng Hồng Phong 1 đã đăng ký thế chấp toàn bộ tài sản và quyền tài sản của dự án cho bên nhận bảo đảm là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), CGIF và Ngân hàng INK chi nhánh Singapore; tất cả các tài khoản dự án đều mở tại MBBank Hoàn Kiếm.

Vai trò của MBBank do đó nhiều khả năng không chỉ dừng lại ở vai trò tổ chức nhận tài sản đảm bảo. Biết rằng nhà băng này đã là đối tác tín dụng đặc biệt quan trọng của Vietracimex từ cuối năm 2018, tài trợ vốn cho hai dự án rất lớn khác là Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và Điện mặt trời Hồng Phong 2.

Do đó, không ít ý kiến nhìn nhận MBBank chính là đối tác trong nước đã thu xếp 2.150 tỷ đồng cho Hồng Phong 1. Tất nhiên, mức độ xác thực chỉ những người trong cuộc mới nắm rõ tường tận. Dù vậy, phải nhấn mạnh rằng kể cả trong trường hợp đó, thì với mức lãi suất rất thấp, không loại trừ khả năng ngân hàng này chỉ là bên nhận uỷ thác từ các tổ chức nước ngoài. Như đã đề cập trong bài viết gần đây, MBBank đã thu xếp khoảng 4.500 tỷ đồng cho dự án Điện mặt trời Trung Nam tại Ninh Thuận với các kỳ hạn 4-9 năm, lãi suất từ 10-10,5%/năm, cao gấp rưỡi lãi suất lô trái phiếu của Hồng Phong.

Một tài liệu của Nhadautu.vn thể hiện từ tháng 12/2018-03/2019, Vietracimex cũng đã trực tiếp phát hành 4 lô trái phiếu kỳ hạn 7 năm có tổng giá trị 2.600 tỷ đồng với lãi suất bình quân theo tính toán là 7,7%, cũng là mức rất hấp dẫn so với thị trường.

Đối với Dự án điện mặt trời Hồng Phong 1, hay nói rộng hơn là Vietracimex, việc hút hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư với lãi suất rất thấp cho thấy uy tín và tiềm năng phát triển của tập đoàn này, cũng là một bảo chứng cho khả năng thu xếp vốn cho dự án Nhiệt điện Ô Môn II và Vietracimex đang hết lòng theo đuổi.

Sử dụng nhiều thiết bị Trung Quốc

Theo tài liệu của Nhadautu.vn, dự án Điện mặt trời Hồng Phong 1 sử dụng 590.912 tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi tấm có kích thước 1956x992x40mm, trọng lượng 22,5kg, nhà sản xuất là Jinko Solar Co.,Ltd; Hệ thống máy tính vận hành, máy chủ lưu trữ, màn hình giám sát, phần mềm, các hộ truyền thông, hệ thống điều khiển công suất, hệ thống các tủ điều khiển...do Guizhou Kubo Information Technology Co.,Ltd cung cấp; Hệ thống Camera bảo vệ do Hangzhou Hikvision Technology Co., Ltd và TAIWAN Electric Cables Company Limited sản xuất.

Ngoài ra, dự án cũng sử dụng các thiết bị trong và ngoài nước khác như 3 tủ công tơ đo đếm điện năng do Công ty TNHH thiết bị và công nghệ TCA sản xuất, 3 máy biến áp chính và 2 máy biến áp tự dùng do Công ty Thiết bị điện Đông Anh sản xuất; 30 trạm chuyển đổi năng lượng mặt trời do Toshiba Mitsubishi-Electric Industrial System Corporation (TMEIC) cung cấp.

Trong số này, Jinko Solar, Guizhou Kubo hay Hangzhou Hikvision là các công ty Trung Quốc đã và đang tham gia vào nhiều dự án điện mặt trời lớn trong nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ