Đại án Đông Á Bank: Vì sao nguyên giám đốc Công ty Lương thực Nam Định bị khởi tố?

Nhàđầutư
Theo Kết luận điều tra, yêu cầu đấu giá tài sản của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đối với công ty con CTCP Lương thực Nam Định đã bị cấp dưới lợi dụng để chiếm đoạt tài sản trong đại án Đông Á Bank.
NGHI ĐIỀN
13, Tháng 08, 2018 | 14:20

Nhàđầutư
Theo Kết luận điều tra, yêu cầu đấu giá tài sản của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đối với công ty con CTCP Lương thực Nam Định đã bị cấp dưới lợi dụng để chiếm đoạt tài sản trong đại án Đông Á Bank.

dong-a-bank-175

Lô đất 52 Quang Trung hiện là trụ sở Đông Á Bank chi nhánh Nam Định và Kim hoàn PNJ chi nhánh Nam Định. Ảnh: A Tủn

Đấu giá thấp hơn thoả thuận

Đầu năm 2013, nhằm tìm kiếm trụ sở làm việc tại TP. Nam Định, Đông Á Bank uỷ quyền cho ông Trần Huy Nam - Giám đốc chi nhánh Nam Định đàm phán với CTCP Lương thực Nam Định về việc chuyển nhượng 462,7m2 đất và tài sản trên đất tại số 52 Quang Trung, phường Bà Triệu, TP. Nam Định.

Ngày 8/4/2013, ông Trần Huy Nam cùng đại diện của Công ty Lương thực Nam Định là Giám đốc Phạm Văn Phước thống nhất lập biên bản chuyển nhượng 462,7 m2 đất và tài sản tại địa chỉ nói trên với giá 19.232.000.000 đồng.

Tưởng chừng thương vụ sẽ diễn ra thành công, Lương thực Nam Định qua đó thu về khoản tiền không nhỏ để giải quyết khó khăn tại doanh nghiệp này, thì bất ngờ ngày 12/11/2013, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc - công ty mẹ nắm 51% vốn của Công ty Lương thực Nam Định có nghị quyết yêu cầu doanh nghiệp này phải tổ chức đấu giá tài sản.

Lương thực Nam Định sau đó phải thông qua CTCP Dịch vụ Đấu giá Việt Nam tiến hành đấu giá lô đất vào ngày 25/3/2014. Tổ chức trúng thầu vẫn là Đông Á Bank chi nhánh Nam Định. Tuy nhiên số tiền thu về đã hụt nhiều so với thoả thuận ban đầu, chỉ còn 10.966.087.000 đồng đã gồm 10% thuế VAT.

Theo lời khai của ông Trần Phương Bình, sau cuộc đấu giá, ông Trần Huy Nam và Phó TGĐ Đông Á Bank Nguyễn Thị Kim Xuyến đã báo báo xin ý kiến trả thêm số tiền 'chênh' hơn 9.232.000.000 đồng theo nội dung đã thống nhất, nếu không Công ty Lương thực Nam Định sẽ huỷ bỏ việc mua bán tài sản.

Ông Trần Phương Bình sau đó đã chỉ đạo cấp dưới thu khống, chịu âm quỹ để chuyển thêm 9.232.000.000 tỷ đồng (thông qua ông Trần Huy Nam) cho Công ty Lương thực Nam Định nhằm có được lô đất tại 52 Quang Trung.

Mập mờ khoản tiền 'chênh'

Nội dung này đã được ông Phạm Văn Phước - nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Nam Định xác nhận. Tuy nhiên ông Phước khẳng định chỉ nhận từ ông Trần Huy Nam 7 tỷ đồng dù trên chứng từ vẫn ghi đủ 9.232.000.000 đồng; ông Nam giữ phần còn lại để xử lý công việc của Đông Á Bank. Ông Phước khai rằng đã nhập quỹ Công ty Lương thực Nam Định toàn bộ 7 tỷ đồng để giải quyết khó khăn, thua lỗ và hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ nhân viên.

Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa các ông Trần Huy Nam và Phạm Văn Phước về các chi tiết trên. Ông Nam không thừa nhận việc giữ lại 2.232.000.000 đồng như lời khai của ông Phước. Giấy biên nhận tiền thể hiện ông Phước nhận tổng số 9.232.000.000 đồng từ ông Trần Huy Nam.

Xác minh tại Công ty Lương thực Nam Định, doanh nghiệp này không nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào khác ngoài 10.966.087.000 đồng từ buổi đấu giá.

Từ các nội dung trên, cơ quan công an xác định ông Phạm Văn Phước đã lợi dụng việc được giao đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng 462,7m2 đất và tài sản trên đất tại 52 Quang Trung, TP. Nam Định để nhận của Đông Á Bank 9.232.000.000 đồng tiền ngoài hợp đồng, không nhập quỹ Công ty Lương thực Nam Định. Hành vi của ông Phạm Văn Phước chiếm đoạt của Đông Á Bank số tiền 9.232.000.000 đồng, phạm vào tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 BLHS năm 2015.

Theo ghi nhận của Nhadautu.vn ngày 13/8, lô đất 52 Quang Trung hiện được dùng làm trụ sở của Đông Á Bank chi nhánh Nam Định và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) chi nhánh Nam Định. Cần nói thêm rằng nguyên Tổng giám đốc Đông Á Bank ông Trần Phương Bình là chồng bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ.

Ngày 11/6/2018, cơ quan CSĐT Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Phạm Văn Phước về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Đông Á Bank được xác định đã có hành vi chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc (chi ngoài hợp đồng) 9.232.000.000 tỷ đồng cho Công ty Lương thực Nam Định, vi phạm Điều 6,7 và 14 Luật Kế toán năm 2003, phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 BLHS năm 1999.

Ông Trần Phương Bình là đối tượng chính, các đồng phạm cùng bị khởi tố là nguyên Phó TGĐ Đông Á Bank Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Nguyễn Đức Vinh, nguyên Thủ quỹ Đỗ Thanh Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở giao dịch Nguyễn Văn Thuận và nguyên Phụ quỹ Sở giao dịch Quách Thành Sang.

Đáng chú ý, đối với nguyên Giám đốc Đông Á Bank chi nhánh Nam Định Trần Huy Nam, cơ quan điều tra kết luận ông này làm theo chỉ đạo của ông Trần Phương Bình và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến. Ông Nam không biết ông Trần Phương Bình sử dụng nguồn tiền nào để chuyển cho mình, không ký chứng từ nộp tiền tại Sở giao dịch. Tài liệu điều tra cho thấy không có căn cứ xác định ông Trần Huy Nam đồng phạm với ông Phạm Văn Phước.

Hành vi của ông Trần Huy Nam đã gây thiệt hại cho Đông Á Bank 9.232.000.000 đồng, có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999, vai trò đồng phạm với ông Trần Phương Bình.

Tuy nhiên căn cứ Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội về thi hành BLHS năm 2015 thì không khởi tố ông Trần Huy Nam về tội danh nêu trên.

Nội dung bài viết dựa trên Kết luận điều tra lần hai ngày 16/6 của cơ quan CSĐT - Bộ Công an về vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á".

Ngày 31/7 vừa qua, VKSND Tối cao đã trả lại toàn bộ hồ sơ cho cơ quan CSĐT Bộ Công an để điều tra lại vụ án. Theo đó, VKSND Tối cao yêu cầu Bộ Công an thay đổi tội danh của một số bị can và làm rõ hành vi của một số người liên quan đến vụ án xảy, nếu đủ cơ sở thì xử lý hình sự.

Sự liên quan tới vụ án của các cá nhân, pháp nhân trong phạm vi bài viết này sẽ phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng của Toà án.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ