Đà Nẵng hướng đến sản xuất xanh, phát triển khu công nghiệp sinh thái

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để tiết kiệm kinh phí và hướng tới phát triển bền vững.
THÀNH VÂN
30, Tháng 09, 2022 | 17:51

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để tiết kiệm kinh phí và hướng tới phát triển bền vững.

Doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh

Hiện nay, sản xuất xanh, tuần hoàn đang trở thành xu hướng phát triển chung trên toàn cầu, được chọn trở thành trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia và đô thị trên thế giới hướng tới phát triển bền vững. Không đứng ngoài xu thế đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng cũng đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Tại CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), trong năm 2022, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong tiết kiệm năng lượng như: Đầu tư thay thế toàn bộ các động cơ công suất lớn bằng các động cơ công suất cao với chi phí hàng chục tỷ đồng; hợp tác đầu tư và đưa vào vận hành các hệ thống điều khiển trung tâm phân phối khí nén vô cấp cho toàn công ty; lắp đặt điện mặt trời áp mái; thành lập và triển khai hệ thống quản trị nguồn năng lượng.

Ngoài ra, công ty cũng có giải pháp chuyển đổi thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, áp dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, khí sinh học, năng lượng sinh khối…) trong toàn công ty để góp phần quan trọng trong đảm bảo, ổn định năng lượng.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) (Khu công nghiệp Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho biết, trong chi phí cấu thành sản phẩm, năng lượng chiếm một tỉ trọng rất lớn, bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng. Vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp tối ưu trong công tác tiết kiệm năng lượng là một chủ trương lớn và xuyên suốt của công ty trong chiến lược phát triển và mở rộng sản xuất. Đây cũng là yếu tố quan trọng đánh giá năng lực và sức cạnh tranh của thương hiệu trên qui mô toàn cầu. 

ANH-BAI-4-KCN-DA-NANG

Nhiều doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP. Đà Nẵng hướng đến sản xuất xanh. Ảnh: Thành Vân.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Nhà máy Bia Heineken Đà Nẵng cho biết, việc tiêu dùng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững của năng lượng nói chung, và sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp nói riêng.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của mỗi công ty. Nếu sử dụng năng lượng lãng phí sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp.

"Thực tế trong nhiều năm qua Heineken Việt Nam đã triển khai và qua nghiên cứu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp uy tín quốc tế nghiên cứu về an ninh năng lượng đã khẳng định việc đầu tư hiệu quả một đồng vốn cho việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ mang lại lợi ích tương đương đầu tư 3-4 đồng để được cung cấp tiêu thụ năng lượng", ông Phúc viện dẫn.  

Theo bà Ann Marie Yasti Shock, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, lượng tiêu thụ năng lượng tại thành phố Đà Nẵng đang tăng lên rất nhanh. Khi chi phí năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận hành, giảm năng lực cạnh tranh của thành phố Đà Nẵng. Cho nên các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm thông minh cần phải được áp dụng để giảm chi phí sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo kế hoạch triển khai chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2030, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 7% so với dự báo tổng tiêu thụ năng lượng toàn Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ tiết kiệm tối thiểu 10-15% tổng tiêu thụ năng lượng toàn ngành trong giai đoạn từ năm 2020 – 2030. 90% khu công nghiệp và 70% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định. 

Hình thành khu công nghiệp sinh thái 

Ông Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố hiện có 6 khu công nghiệp (1.066,52 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 90%) đã đi vào hoạt động; Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; Khu công nghệ cao Đà Nẵng (1.128,4 ha) và đang đầu tư Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng (58,53 ha); và 3 khu công nghiệp mới đang kêu gọi đầu tư.

Trong giai đoạn 2015-2019, khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Trong giai đoạn 2015 - 2019, thành phố đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp; các chuyên gia của dự án đã đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn. Trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 nghìn tỷ đồng/ năm; giảm hơn 50.000m3 nước thải, 7.000 tấn CO2 và 2700 tấn chất thải rắn/năm. 

Theo lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 2 – 3 khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GRDP đạt mức giảm 1 – 1,5%/năm; tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt 30%; xây dựng được 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra việc làm cho 3.200 – 3.500 người/năm từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn….

Từ sau năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo; nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, mục tiêu đến cuối năm 2045 thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết để thực hiện các mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, trong năm 2022, Sở Công Thương đang nghiên cứu xây dựng chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong xây dựng chính sách, hướng đến có những nội dung khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

"Trong đó, đang dự kiến có nội dung hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn đang sử dụng các thiết bị còn lạc hậu, tiêu tốn về năng lượng để chuyển đổi sang các thiết bị công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng hơn. Dự kiến, cuối năm 2022, Sở Công Thương sẽ trình HĐND thành phố xem xét và thông qua", bà Mai thông tin. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ