Cuộc đua song mã trên bầu trời Việt và sự xuất hiện của ‘kẻ phá bĩnh’ Bamboo Airways

Nhàđầutư
Cuộc cạnh tranh về thị phần giữa các hãng hàng không nội địa tại Việt Nam đang ngày càng nóng lên, đặc biệt là khi thị trường có thêm "tay chơi mới" Bamboo Airways.
KHÁNH AN
02, Tháng 02, 2020 | 14:25

Nhàđầutư
Cuộc cạnh tranh về thị phần giữa các hãng hàng không nội địa tại Việt Nam đang ngày càng nóng lên, đặc biệt là khi thị trường có thêm "tay chơi mới" Bamboo Airways.

hkvn9094708_1572019

Bầu trời Việt không còn là cuộc đua "song mã" giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air

Giành giật miếng bánh thị phần hàng tỷ USD

Tăng trưởng của ngành hàng không trong những năm gần đây đang theo chiều đi lên liên tục, với độ mở cả về quy mô doanh thu toàn ngành và lượng hàng khách vận chuyển. Đặc biệt, trong năm vừa qua, việc xuất hiện hãng bay mới Bamboo Airways đã đẩy "sức nóng" trên bầu trời ngày càng tăng cao với tham vọng chiếm phần nhiều hơn trong miếng bánh thị phần hàng tỷ USD, nơi mà trong gần một thập kỷ trước nay chỉ là cuộc đua "song mã" giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Số liệu mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) cho thấy, bức tranh thị phần hàng không trong tháng cuối năm 2019 có nhiều biến động đáng chú ý.

Cụ thể, trong tháng 12/2019, Vietjet nắm 42,2% thị phần tải cung ứng so với mức 41,2% trong tháng 1/2019; Vietnam Airlines chiếm 33,3% thị phần, so với xấp xỉ 34,5% hồi đầu năm. Tương tự, Jestar Pacific (công ty con của Vietnam Airlines) và VASCO đều lùi một bậc trên bảng xếp hạng thị phần tải cung ứng, với lần lượt 10,6% và 1,9%.

Ngược với sự sụt giảm thị phần tải cung ứng của các hãng trên, Bamboo Airways - hãng hàng không cất cánh chính thức từ tháng 1/2019 lại có bước tiến rất mạnh. Cụ thể, trong tháng 12/2019, Bamboo Airways chiếm tới hơn 12,3% thị phần, gấp 6 lần so với mức 2% trong tháng 1/2019.

Cũng theo CAAV, trong năm 2019, Vietnam Airlines và Vietjet Air đã khai thác được 119.786 và 139.052 chuyến bay, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước lại lần lượt giảm 6,6% và 16,9%.

Báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV của Vietjet Air cho thấy, doanh thu vận chuyển hành khách của hãng này trong kì giảm 8% còn 5.269 tỷ đồng, doanh thu bán và cho thuê tàu bay giảm gần một nửa còn 5.170 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tăng cộng thêm lỗ từ công ty liên kết khiến lợi nhuận ròng của Vietjet Air chỉ đạt 539 tỷ đồng, giảm tới 65% so với cùng kì năm trước. Tính cả năm 2019, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thu về 5.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mới hoàn thành được 81% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.

Nhìn chung khó khăn không chỉ đến với riêng Vietjet Air mà cả Vietnam Airlines cũng vậy. Cụ thể, trong quý IV, Vietnam Airlines đạt 23.083 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 800 tỷ so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc các khoản chi phí tăng cao khiến Vietnam Airlines lỗ 134 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên nhờ có 212 tỷ đồng lợi nhuận khác, chủ yếu là từ hoạt động cho thuê lại máy bay nên Vietnam Airlines vẫn có lãi trước thuế 78 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Còn Bamboo Airways, với việc đẩy nhanh tốc độ tham gia thị trường, bên cạnh là những cơ hội, thì cũng đi kèm không ít thách thức về bài toán tài chính.

Kết quả hợp nhất Bamboo Airways vào Tập đoàn FLC (công ty mẹ của hãng bay này) đang cho thấy một phần sức ép lên bức tranh tài chính.

Trong năm 2019, Tập đoàn FLC có khoản lỗ gộp 341 tỷ đồng do giá vốn hàng bán tăng trưởng mạnh hơn doanh thu, đây là năm lỗ gộp đầu tiên của FLC kể từ khi niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Phải nhờ vào hơn 3.000 tỷ từ khoản “lãi tiền gửi và cho vay, lãi từ bán các khoản đầu tư” tập đoàn này mới có lãi sau thuế. Bên cạnh đó, trong quý vừa qua Tập đoàn FLC còn mạnh tay rót 770 tỷ đồng vào Bamboo Airways, nâng tổng số vốn góp lên thành 2.070 tỷ đồng.

Trái ngược với kết quả kinh doanh có phần ảm đạm của công ty mẹ FLC thì trong bài phỏng vấn với Bloomberg, CEO Đặng Tất Thắng lại cho biết lợi nhuận trước thuế của Bamboo Airways trong năm 2019 ước đạt 303 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2020. Đây là thông tin bất ngờ, bởi việc thua lỗ trong năm đầu vận hành là điều được nhiều chuyên gia hàng không dự báo về Bamboo Airways. Song trên thực tế, vẫn phải chờ đến lúc Bamboo Airways công bố BCTC đã kiểm toán mới có thể xác nhận chính xác thực trạng tài chính của hãng bay non trẻ này. 

mb5_ifkt

Hàng không Việt đang đang được nhiều "ông lớn" nhắm đến.

Thị trường không “dễ nhằn”, áp lực cạnh tranh sẽ tiếp tục gia tăng

Trên thực tế, trong hơn 20 năm qua, ngành hàng không cũng chứng kiến sự “ngã ngựa” của nhiều đại gia tham gia vào thị trường khó tính này. Gây chấn động nhất là vào những ngày đầu năm 2020, Tập đoàn Vingroup đã công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Quyết định được đưa ra sau chưa tới nửa năm tập đoàn này công bố những bước đi đầu tiên và cũng chỉ cách gần 7 tháng để Vinpearl Air cất cánh, theo kế hoạch đã đưa ra từ trước.

Thông tin trên ngay lập tức gây rúng động giới đầu tư, bởi lâu nay Vingroup có tiếng là tập đoàn kinh doanh bài bản, khi lấn sân sang một lĩnh vực mới đều có nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản trước khi quyết định.

Tuy nhiên câu chuyện về hàng không không vì Vingroup rút lui mà hạ nhiệt, bởi hiện đã và đang có nhiều “đại gia” khác nhìn thấy tiềm năng lớn từ thị trường này, đơn cử như Vietravel hay Thiên Minh Group.

Cuối năm 2019, Vietravel đã trình Bộ GTVT hồ sơ thành lập Hãng hàng không Lữ hành du lịch Việt Nam - Vietravel Airlines với mức đầu tư 700 tỷ đồng. Với việc chọn cảng hàng không Phú Bài làm căn cứ, hãng này tự tin sẽ khai thác chuyến bay thương mại vào tháng 10/2020. Về quy mô, trong năm đầu tiên, Vietravel Airlines dự kiến khai thác 3 tàu bay Airbus320/321 hoặc B737 hoặc tương đương, đến năm thứ 5 nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc.

Dẫu vậy, song song với những chiến lược đề ra thì ban lãnh đạo Vietravel cũng cần phải lưu ý đến những vấn đề nội tại của công ty khi kết quả kinh doanh ở quý vừa qua lỗ ròng hơn 14,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đến 7,3 tỷ đồng.

Một kế hoạch hàng không khác cũng được lập ra không kém phần bài bản và đã đề xuất Thủ tướng phê duyệt là dự án thành lập Hãng hàng không Cánh Diều – Kite Air của Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh. Dự án có số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 6 chiếc ATR72 hoặc tương đương và tăng dần qua các năm đến năm thứ 6 sẽ có 25 tàu bay, trong đó có 15 chiếc Airbus 320/321 hoặc tương đương. Tổng vốn của Dự án hãng hàng không Cánh Diều là 5.500 tỷ đồng, địa điểm thực hiện tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.`

Động thái rục rịch tham gia của các “ông lớn” nói trên phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ của hàng không Việt Nam đối với các nhà đầu tư, vì thế để có thể cạnh tranh thì ngoài những chiến lược kinh doanh, các ông chủ hàng không còn phải trang bị cho hãng mình năng lực vượt qua những khó khăn bất khả kháng, đơn cử như đại dịch virus Corona đang diễn ra.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong hơn 1 tháng qua đã và đang làm ngành hàng không tổn thất nặng nề, đặc biệt là khi Cục Hàng không Việt Nam dừng cấp phép cho tất cả các chuyến bay đến/đi từ Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air đã quyết định ngừng khai thác các đường bay đến và đi từ các sân bay Trung Quốc. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu của các hãng này, bởi Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 sau thị trường Đông Bắc Á, thậm chí nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến, đây có thể là thị trường lớn nhất của hàng không Việt Nam.

Bỏ qua tác động từ dịch virus Corona, thì với sự tham gia đầy tham vọng của tân binh Bamboo Airways, cuộc đua trên bầu trời Việt vẫn sẽ tiếp tục gay gắt trong thời gian tới.

Bước sang năm 2020, hãng này sẽ mở rộng quy mô mạng bay lên 85 đường bay, bao gồm 60 đường bay nội địa và 25 đường bay quốc tế, mở rộng đội bay dự kiến lên 100 máy bay, trong đó có 12 máy bay thân rộng Boeing Dreamliner 787-9, đồng thời công bố hướng tới mục tiêu nắm giữ 30% phị phần nội địa.

Việc gia tăng số lượng máy bay cũng như phát triển thêm các đường bay mới, sẽ khiến nhu cầu nhân sự trong ngành hàng không (đặc biệt là phi công) của Bamboo Airways sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Động thái này sẽ đẩy cuộc đua giữa các hãng hàng không ngày càng quyết liệt hơn bởi chi phí đào tạo phi công là không hề nhỏ, ước tính lên tới con số vài tỷ đồng với nhiều điều kiện khắt khe, và dù được trả lương cao ngất ngưởng nhưng vẫn thiếu nhân sự.

Do vậy, bên cạnh việc mang lại nhiều cơ hội hơn cho thị trường và người tiêu dùng thì sự tham gia của nhiều hãng hàng không mới cũng khiến cuộc cạnh tranh trên bầu trời ngày càng khốc liệt. Hơn nữa, hàng không lâu nay vẫn là một cuộc chơi dài hơi và tốn kém, nên vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng thực lực, tham vọng và cả sự nghiêm túc của "kẻ phá bĩnh" Bamboo Airways.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ